Tổng quan thực tiễn về phát triển nguồn nhân lực ngành Điện Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho điện lực hạ long (Trang 34 - 39)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP

1.2 Tổng quan thực tiễn về phát triển nguồn nhân lực ngành Điện Việt Nam

Ngay từ khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có Quyết định trở thành Tập đoàn kinh tế vào cuối năm 2006, EVN đã bắt tay ngay vào lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Tập đoàn trong giai đoạn

2007-2010 tầm nhìn đến năm 2015. Bên cạnh đó, xác định nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò then chốt trong chiến lược phát triển của Tập đoàn nên hàng năm, theo phân cấp các đơn vị thuộc EVN vẫn dành ra từ 1-5% quỹ lương để phục vụ công tác đào tạo. Ngoài ra, EVN còn cấp cho 4 trường trực thuộc (1 trường ĐH, 2 trường cao đẳng, 1 trường công nhân) từ 27 tỷ đến 35 tỷ đồng/năm để đào tạo nguồn nhân lực cho EVN và xã hội. Mục tiêu đào tạo trong giai đoạn tới của EVN là đảm bảo năng suất lao động hàng năm tăng 20%.

Hiện nay, lực lượng lao động của EVN có gần 100.000 người, trong đó có 1.174 thạc sỹ và tiến sỹ, 23.578 đại học, 26.312 cao đẳng và trung cấp, trên 49.000 công nhân kỹ thuật. Tổng số cán bộ chủ chốt, giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Chủ tịch HĐQT của EVN đến phòng ban, phân xưởng của đơn vị cấp 3 chiếm khoảng 10% số CBCNV toàn EVN. Đặc biệt, đội ngũ lao động của EVN không những được đào tạo cơ bản về lý thuyết tại các khoa, trường chuyên ngành điện mà còn có bề dày kinh nghiệm nhờ được làm việc trong những môi trường thực tiễn tốt nhất.

1.2.2 Thực tế phát triển nguồn nhân lực trong ngành điện

Đối với hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hàng năm EVN phê duyệt, định hướng trọng tâm công tác đào tạo, đáp ứng kế hoạch SXKD của EVN và các đơn vị. Theo đó, các đơn vị được phân cấp quản lý rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn trong hoạt động về đào tạo, được chủ động thực hiện kế hoạch đào tạo hàng năm với kinh phí chiếm từ 1,7 - 6% quỹ lương; hướng tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân có trình độ chuyên môn ngang tầm khu vực. Kết quả, có trên 55.000 lượt người lao động trong EVN được tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn, dài hạn hàng năm.

EVN hợp tác với các cơ sở đào tạo, các tổ chức trong và ngoài nước như:

AIT/AIT-VN, Đại học năng lượng Matxcova – MPEI (Nga), INPG (Pháp), Uniten (Malaixia), Tổng công ty Điện lực Pháp (EDF), Công ty Điện lực Hàn Quốc (KEPCO), Công ty Điện lực TOKYO (TEPCO), Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam... đào tạo dài hạn ở các bậc học đại học, sau đại học, các khoá ngắn hạn về

công nghệ mới và điện nguyên tử. Thực hiện các hạng mục thuộc thành phần đào tạo Dự án SEIER sử dụng vốn vay WB bao gồm: Chương trình phát triển nguồn nhân lực với 12 nhiệm vụ đang được triển khai nhằm mục đích xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của EVN theo hướng hiện đại, chuyên môn hoá; chương trình đào tạo tiếng Anh, quản trị kinh doanh, chăm sóc khách hàng, phát triển thương hiệu, quan hệ công chúng, tối ưu hoá hệ thống điện, an toàn lưới trung, hạ áp, đảm bảo ổn định, độ tin cậy và chất lượng điện.

Hệ thống các trường của EVN bao gồm 1 trường đại học và 03 trường cao đẳng được chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên, mở thêm ngành, nghề đào tạo mới đáp ứng nhu cầu của EVN và xã hội. Các trường đang thực hiện đào tạo 12 chuyên ngành hệ đại học, 15 chuyên ngành hệ cao đẳng/cao đẳng nghề, 10 chuyên ngành hệ trung học/trung học nghề. Quy với quy mô tuyển sinh hàng năm 12.500 người/năm, trong đó: đại học 1.000 người, cao đẳng/cao đẳng nghề 4.500 người, trung học chuyên nghiệp/trung học nghề 3.300 người, bồi dưỡng ngắn hạn, nâng bậc 3.500 người.

Theo đánh giá của EVN, với tuổi bình quân lao động là 31, đội ngũ lao động của EVN khá trẻ, năng động, có sức bật, tiếp thu tốt công nghệ mới, có khả năng về ngoại ngữ. Đội ngũ cán bộ chủ chốt ngày càng được kiện toàn về cơ cấu, đảm bảo phẩm chất chính trị, phát huy được năng lực, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, công tác đào tạo đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, kỹ sư, chuyên gia có trình độ chuyên môn và kỹ thuật cao, đáp ứng nhiệm vụ SXKD; hệ thống đào tạo đã có sự phối hợp nhịp nhàng từ trên xuống dưới.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được, vẫn còn tồn tại một số bất cập như: Tỷ lệ đại học, sau đại học hiện nay còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển rất nhanh về trình độ công nghệ và tổ chức sản xuất. Đại đa số cán bộ quản lý có chuyên ngành kỹ thuật chưa được cập nhật thường xuyên kiến thức quản lý kinh tế, doanh nghiệp, quản trị nhân lực và kỹ năng lãnh đạo. Việc đào tạo đội ngũ điều hành trực tiếp SXKD từ cơ quan EVN cho đến các đơn vị chưa được quan tâm đồng bộ. Công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa gắn với quy hoạch theo Quy chế

về công tác cán bộ của EVN. Cán bộ ở nhiều vị trí đòi hỏi kiến thức, tay nghề cao, khả năng sáng tạo và quản lý tốt còn thiếu và yếu. Các trường và các đơn vị trong EVN chưa phát huy tốt mối quan hệ ngang với nhau; chưa thống nhất được hệ thống đào tạo theo các tiêu chuẩn chức danh, cấp bậc kỹ thuật ở các lĩnh vực sản xuất chính của EVN...

Trước thực trạng đó cũng như đòi hỏi tất yếu của chiến lược phát triển, EVN đã thể hiện quyết tâm tạo ra bước đột phá cho công tác đào tạo, phát triển nhân lực bằng việc ban hành Đề án kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2010 - 2015, dự kiến đến năm 2020. Theo đó, Đề án đã đề ra mục tiêu chung cho công tác đào tạo giai đoạn 2010 - 2015 là: Nâng cao kiến thức quản trị doanh nghiệp cho lãnh đạo quản lý các cấp; bồi dưỡng kiến thức về kinh tế cho cán bộ kỹ thuật, kiến thức về kỹ thuật cho cán bộ quản lý; xây dựng đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực; tăng cường năng lực, đào tạo các kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCNV và các cán bộ mới tuyển trong các lĩnh vực sản xuất;

đảm bảo nhân lực triển khai thực hiện Quy hoạch điện VI; tiếp tục xây dựng phát triển, tổ chức lại hệ thống trường đào tạo và đội ngũ chuyên gia về phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục mở rộng các chương trình hợp tác đào tạo phát triển nhân lực với nước ngoài v.v...

Dự báo nguồn nhân lực đến 2015 của EVN là 100.568 người. Trong đó:

- Sau đại học: 1,5 - 2,5%;

- Đại học: 30 - 35%;

- Cao đẳng và trung học: 22 - 24%;

- Công nhân kỹ thuật là 35 - 37%;

- Lao động khác 2 - 3%.

1.2.3 Đánh giá và quan điểm về phát triển nguồn nhân lực trong ngành điện

Sau 8 năm hoạt động theo mô hình Tập đoàn, nhiều thách thức lớn đã đặt ra với EVN. Bên cạnh nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế và đời sống, việc duy trì phát triển được nguồn nhân lực có trình độ, năng lực để đáp ứng các nhiệm vụ ngày càng nặng nề của Tập đoàn cũng là một trong những thách thức

không nhỏ. Ðảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và duy trì được nguồn nhân lực có chất lượng, đủ trình độ và năng lực để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trước mắt và đưa Tập đoàn phát triển bền vững. Trong khi thách thức thứ nhất đòi hỏi phải có những giải pháp liên quan đến công tác quản lý - vận hành - đầu tư - cải tạo - nâng cấp dây chuyền sản xuất - truyền tải - phân phối và kinh doanh điện năng của Tập đoàn, thì thách thức thứ hai yêu cầu Tập đoàn phải tăng cường và nâng cao chất lượng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực một cách bài bản, có tính hệ thống với những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn được định hướng một cách rõ ràng, đồng thời phải có chính sách thỏa đáng sử dụng và đãi ngộ nhân lực có trình độ.

Thách thức đang đặt ra đối với nguồn nhân lực hiện có, đặc biệt thể hiện trên 3 khía cạnh trọng tâm, đó là: Ðội ngũ cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là về quản trị doanh nghiệp; thiếu các chuyên gia trình độ cao, nhất là về kỹ thuật và công nghệ; thiếu các công nhân, kỹ thuật viên lành nghề. Ðưa ra các kế hoạch và biện pháp giải quyết các thách thức nêu trên chính là nhiệm vụ của công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Hiện nay, EVN đã triển khai nhiều loại hình đào tạo từ cơ bản, nâng cao đến chuyên sâu, từ đào tạo trình độ đại học đến cao học, tiến sỹ, tổ chức nhiều hình thức đào tạo từ ngắn hạn đến dài hạn, theo nhiều chuyên ngành, trong nước và ngoài nước. Ðối tượng đào tạo bao gồm công nhân, cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý. Số lượt cán bộ công nhân viên tham gia đào tạo khoảng 50.000 lượt người/năm, 2.000 lượt người đi khảo sát ngắn hạn ở nước ngoài, 50-60 chỉ tiêu đào tạo sau đại học/năm. Từ năm 2006 đến nay, Tập đoàn đã tuyển chọn và gửi đi đào tạo đại học, sau đại học ở nước ngoài khoảng 150 người, trong đó có khoảng 50 kỹ sư tài năng.

Hệ thống các trường đào tạo thuộc Tập đoàn bao gồm 1 trường đại học và 3 trường cao đẳng đã được nâng cấp đáng kể về cơ sở vật chất và năng lực đào tạo. Ðó là những cố gắng rất đáng kể trong điều kiện tình hình sản xuất - kinh doanh - đầu tư của Tập đoàn còn gặp nhiều khó khăn do giá cả đầu vào liên tục tăng cao, giá điện đầu ra chậm được điều chỉnh.

Thời gian sắp tới, cần tiếp tục tiêu chuẩn hóa hệ thống quản trị nhân lực của Công ty mẹ - Tập đoàn và các đơn vị thành viên, trong đó đặc biệt quan tâm việc xây dựng mô hình tổ chức - quản lý - sản xuất - kinh doanh hợp lý cho từng khâu, từng bộ phận trong cả Tập đoàn và từng đơn vị theo hướng tăng năng suất lao động, tiêu chuẩn hóa hệ thống chức danh và hệ thống đánh giá cán bộ, trên cơ sở đó xác định nhu cầu nguồn nhân lực cho từng khâu, từng lĩnh vực kinh doanh và lập các kế hoạch đào tạo và đào tạo lại phù hợp nhằm giải quyết những bất cập trước mắt và chuẩn bị nhân lực có chất lượng cho các mục tiêu dài hạn. Về phương thức thực hiện, từng đơn vị phải là hạt nhân chủ động thực hiện theo định hướng chung của Tập đoàn.

Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là công việc lâu dài, cần nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ, với mục tiêu và định hướng rõ ràng, gắn liền với chính sách đãi ngộ và tạo môi trường làm việc lành mạnh cho người lao động, với chính sách thu hút và trọng dụng người tài hợp lý để người lao động gắn bó với ngành điện.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho điện lực hạ long (Trang 34 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)