Chương 1 TỔNG QUAN VỀ DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀ QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
1.2. Tổng quan thực tiễn về quản lý dự án đầu tư trong các Trường Đại học
Dự án đầu tư trong các Trường đại học có rất nhiều đặc trưng riêng so với các ngành khác, chúng có thể được khái quát một số đặc trưng sau:
Một là, các dự án đầu tư trong các Trường đại học là các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, quy mô nhỏ và trung bình, thời gian thực hiện dài (thường được chia làm nhiều giai đoạn kéo dài tới 5 – 7 năm, thậm chí 15 năm).
Hai là, mọi hoạt động dự án đầu tư xây dựng trong trường đại học đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo cơ chế quản lý của Nhà nước. Các trường đại học là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước, chịu sự quản lý chặt chẽ của Bộ chủ quản và Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên mọi hoạt đào tạo và đầu tư xây dựng đều phải thực hiện theo cơ chế quản lý, hướng dẫn của Nhà nước.
Ba là, các dự án đầu tư các trường đại học thường thực hiện trên phạm vi hẹp, các dự án đầu xây dựng các trường đại học đều được thực hiện vì mục đích đáp ứng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nguồn nhận lực cao cung cấp cho nhu cầu phát triển nền kinh tế – xã hội ngày càng tăng của đất nước.
1.2.2. Hệ thống văn bản pháp quy về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình áp dựng trong các trường đại học
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới ngày nay, việc hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật để tạo ra một hành lang pháp lý chặt chẽ, rõ ràng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng là hết sức cần thiết và cấp bách nếu như chúng ta muốn tận dụng được nguồn vốn, công nghệ hiện đại cũng như các tiềm lực khác của các nước phát triển đồng thời tiết kiệm được nguồn vốn đang rất hạn hẹp của nhà nước Việt nam.
Mỗi thời kỳ phát triển kinh tế đều có những quy định cụ thể về công tác quản lý đầu tư và xây dựng, nó phản ánh cơ chế quản lý kinh tế của thời kỳ đó. Dưới đây là một số văn bản pháp quy về quản lý đầu tư và xây dựng qua một số thời kỳ (chỉ nêu một số văn bản pháp quy trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây). Sự ra đời của những văn bản sau là sự khắc phục những khiếm khuyết, những bất cập của các văn bản trước đó, tạo ra sự hoàn thiện dần dần môi trường pháp lý cho phù hợp với quá trình thực hiện trong thực tiễn, thuận lợi cho người thực hiện và người quản lý, mang lại hiệu quả cao hơn, điều đó cũng phù hợp với quá trình phát triển.
a. Nghị đinh 07/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ.
Nghị định 07/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ- CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ.
b. Luật xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003.
Luật xây dựng ra đời thể hiện quyết tâm đổi mới của Đảng và nhà nước Việt nam trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới và khu vực. Luật xây dựng đã tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng đối với các chủ thể tham gia vào hoạt động đầu tư và xây dựng.
Luật mang tính ổn định cao, qua đó các chủ thể tham gia phát huy tối đa quyền hạn trách nhiệm của mình. Tuy nhiên nó lại mang tính chất bao quát, vĩ mô, do vậy cần phải có các văn bản dưới Luật hướng dẫn thực hiện. Trên thực tế các văn bản hướng dẫn dưới Luật ra đời lại chậm, thường xuyên thay đổi, tính cụ thể chưa cao, do đó gây nhiều khó khăn cho CĐT cũng như các chủ thể tham gia vào công tác đầu tư xây dựng trong quá trình triển khai thực hiện.
b.1. Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 7/2/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Là văn bản dưới Luật, hướng dẫn thi hành Luật xây dựng về lập, thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình; hợp đồng trong hoạt động xây dựng; điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát thiết kế, thi công xây dựng và giám sát xây dựng công trình. Nội dung của Nghị định là
khá rõ ràng và chi tiết về nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của từng chủ thể tham gia vào hoạt động đầu tư và xây dựng, trình tự và các thủ tục cần thiết để thực hiện các công việc trong quá trình tổ chức thực hiện và quản lý dự án đầu tư.
b.2. Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ.
Nghị định 112/2006/NĐ-CP điều chỉnh, bổ sung và sửa đổi một số Điều trong Nghị định 16/2005/NĐ-CP cho phù hợp điều kiện thực tế trong quá trình triển khai thực hiện.
b.3. Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ là sự thay thế Nghị định 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
b.4. Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Nghị định này hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng về quản lý chất lượng công trình xây dựng; áp dụng đối với CĐT, nhà thầu, tổ chức và cá nhân có liên quan trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, bảo hành và bảo trì, quản lý và sử dụng công trình xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam, với sự ra đời của nghị định số 209/2004/NĐ-CP các chủ thể tham gia vào hoạt động quản lý chất lượng thi công công trình phát huy được tính chủ động trong công việc của mình đảm bảo đúng trình tự, thủ tục đảm bảo chất lượng và giảm thiểu các thủ tục không cần thiết.
b.5. Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước (Khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn khác áp dụng).
Thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn Nghị định số 99/2007/NĐ-CP có nội dung thay thế nội dung Thông tư số 04/2000/TT-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập và quản lý chi phí dự án đầu
tư xây dựng công trình, nội dung thay thế bao gồm: tổng mức đầu tư; dự toán xây dựng công trình; định mức và giá xây dựng; hợp đồng trong hoạt động xây dựng;
thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước.
b.6. Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ thay thế Nghị định số 99/2007/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình tại các dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên.
c. Luật đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005.
Luật đấu thầu ban hành ngày 29/11/2005 quy định các hoạt động đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hoá, xây lắp.
Với nội dung của Luật đấu thầu, đã có Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ban hành ngày 29/9/2006 để hướng dẫn thi hành. Nội dung Nghị định số 111/2006/NĐ- CP đã nêu cụ thể, chi tiết về trình tự, thủ tục và các nội dung cần thiết trong việc mời thầu, tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu của CĐT. Với việc ban hành Nghị định số 111/2006/NĐ-CP hướng dấn thi hành Luật đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng, công tác đấu thầu dần được đưa vào khuôn phép góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu, hạn chế các chi phí và thủ tục không cần thiết trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
Ngày 5/5/2008 Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ra đời để thay thế Nghị định số 111/2006/NĐ-CP và ngày 15/10/2009 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ra đời thay thế Nghị định số 58/2008/NĐ-CP. Sự thay thế một cách thường xuyên các Nghị định của Chính phủ trong việc hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu thể hiện sự chuyển biến trong quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam, tuy nhiên điều đó lại gây rất nhiều khó khăn trong các bước thực hiện của các CĐT.
1.2.3. Một số tồn tại trong hệ thống văn bản pháp quy hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng công trình
a. Tính khả thi của một số quy định:
Đã có nhiều văn bản ban hành để điều chỉnh, hướng dẫn hoạt động các chủ
thể tham gia vào công tác đầu tư xây dựng, nhưng trên thực tế tính phù hợp là chưa cao, biểu hiện của nó là việc vận dụng các văn bản còn lúng túng, nên chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
b. Tính đồng bộ của các văn bản:
Việc thiếu đồng bộ giữa các văn bản; ban hành chưa kịp thời, có nội dung chưa nhất quán. Đây là vấn đề gây rất nhiều khó khăn cho người thực hiện, vì vậy để quản lý có hiệu quả cao, thuận tiện cho người thực hiện, thống nhất quản lý một cách đồng bộ về mặt định hướng của các văn bản là hết sức cần thiết.
c. Tính cụ thể và chi tiết của các văn bản:
Các văn bản ban hành thiếu cụ thể và chi tiết, có biên độ vận dụng lớn gây khó khăn cho CĐT khi thực hiện chức năng quản lý của mình. Với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính cụ thể và chi tiết sẽ tạo ra nhiều kẽ hở dẫn đến tính hiệu lực và hiệu quả các văn bản là rất hạn chế và gây khó khăn cho người thực hiện cũng như người quản lý.
d. Sự thay đổi thường xuyên của các văn bản:
Việc điều chỉnh sửa đổi các văn bản nhiều lần trong thời gian ngắn làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của CĐT (công tác quản lý đơn giá, định mức, quản lý chi phí, ...) cũng như nhà thầu. Với đặc điểm của các dự án đầu tư xây dựng là có thời gian thực hiện dài, giá trị lớn trong khi tính ổn định của các văn bản hướng dẫn thực hiện thấp sẽ có ảnh hưởng xấu đến chất lượng và hiệu quả của các dự án đầu tư. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách khi ban hành các văn bản mới cần phải có sự phân tích, đánh giá thực trạng và xu hướng phát triển một cách cụ thể chính xác để nâng cao tính ổn định và hiệu quả của các văn bản pháp luật.