Chương 3 GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG ĐẤU THẦU XÂY DỰNG CỦA CTCP XÂY LẮP & BẢO TRÌ CƠ ĐIỆN PIDI
3.2. Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong đấu thầu xây dựng của
3.2.1. Nâng cao năng lực tài chính
Khi tham dự đấu thầu, năng lực về tài chính của nhà thầu được chủ đầu tư đánh giá qua các mặt như nguồn vốn tự có, khả năng huy động vốn và hiệu quả sử dụng vốn. Trong hồ sơ dự thầu nó được thể hiện qua các con số của báo cáo tài chính 3 năm gần nhất. Qua đánh giá năng lực tài chính của CTCP Xây lắp & Bảo trì Cơ điện PIDI, một số hạn chế ở chương 2 đã rút ra là vốn chủ sở hữu thấp, phải vay vốn ngân hàng nhiều, tích lũy hàng năm chưa nhiều, cơ cấu vốn chưa hợp lý,... để nâng cao năng lực tài chính, khắc phục các hạn chế này công ty có thể áp dụng các giải pháp sau:
3.2.1.1. Mở rộng thu hút vốn đầu tư
Để tăng cường huy động vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì tùy theo dự án công ty có thể dùng các hình thức dưới đây:
a. Huy động vốn nhàn rỗi trong CBCNV trong nội bộ Công ty
Huy động vốn nhàn rỗi là một giải pháp mang lại lợi ích cho cả hai bên, nó giúp giải quyết về vốn trong những trường hợp đột xuất của đơn vị trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Nguồn vốn nhàn rỗi huy động trong công ty có thể sẽ không lớn nhưng cũng góp phần tăng cường khả năng tự chủ về tài chính của công ty đồng thời tạo tiền đề và là cơ sở đảm bảo cho các khoản vốn huy động từ bên ngoài. Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả, trước hết cần phải xây dựng các quy định về góp vốn và vay vốn đối với các tổ chức cá nhân, đồng thời phải linh hoạt trong việc điều chỉnh lãi suất để kích thích mọi người tăng cường gởi vào. Nhưng lãi suất tiền gởi nên nằm trong khoảng giữa tiền gởi tiết kiệm và lãi vay ngân hàng.
Giả sử gọi:
LTK: Lãi suất tiền gởi tiết kiệm vào ngân hàng.
LVNH: Lãi vay phải trả nếu doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng L: Lãi suất mà công ty phải trả cho cá nhân gởi vào công ty Thì lãi suất mà công ty trả cho cá nhân phải nằm trong khoảng:
LTKL LVNH (3.1)
Để đạt được điều này thì công ty phải đảm bảo duy trì đúng kế hoạch, tiến độ thi công các công trình, tiết kiệm hạ giá thành, chấp hành đúng chế độ phân phối lợi nhuận để huy động tối đa nguồn vốn khấu hao tài sản cố định và lợi nhuận kinh doanh.
b. Tăng cường huy động vốn qua ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác Ngân hàng và các tổ chức tín dụng có vai trò hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp trong quá trình huy động vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Với tư cách là các nhà tài chính trung gian, các tổ chức này thực hiện việc khơi thông, tích tụ và tập trung vốn trong xã hội với quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với CTCP Xây lắp & Bảo trì Cơ điện PIDI thì nguồn vốn vay ngân hàng, đặc biệt là các nguồn vốn vay dài hạn và trung hạn cho việc thực hiện các dự án luôn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn vốn và có ý nghĩa sống còn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay của công ty.
Trong điều kiện thị trường vốn nước ta hiện nay đang ở trong giai đoạn mới phát triển thì có thể xác định nguồn vốn vay ngân hàng sẽ là nguồn tài trợ chủ yếu. Vì vậy, đối với hai ngân hàng mà công ty hiện đang có quan hệ cần phải tăng cường củng cố mối quan hệ để tranh thủ nâng hạn mức tín dụng. Đồng thời tiến hành mở rộng quan hệ với các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác. Đối với các ngân hàng, thông thường khi cho vay thì họ thường xem xét kỹ đến khả năng và thời hạn trả tiền của dự án. Vì vậy, để có thể tăng huy động vốn vay ngân hàng, Công ty cần tiến hành lựa chọn các dự án trọng điểm để đấu thầu, tập trung vào các dự án có tần suất đầu tư không lớn, hiệu quả đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn ngắn. Rà soát lại danh mục các dự án, nên tránh việc tham gia đấu thầu vào các dự án đang được đầu tư tràn lan hiện nay.
c. Huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình
Trái phiếu là hình thức vay nợ, trong đó người vay phát hành chứng chỉ vay với lãi suất cố định hoặc thả nổi, đảm bảo thanh toán một lần hoặc nhiều lần theo hình thức trái phiếu phát hành. Tuy nhiên, một trong những khó khăn đối với CTCP Xây lắp & Bảo trì Cơ điện PIDI nói riêng và các doanh nghiệp nói chung là không có tài sản đảm bảo cho trái phiếu. Để có thể huy động vốn thông qua hình thức này, tác giả xin đề xuất biện pháp như sau:
Phát hành trái phiếu có đảm bảo cho các dự án do công ty làm chủ đầu tư (ví dụ như dự án đầu tư xây dựng khu đô thị 1B Điện Nam - Điện Ngọc) bằng cách thông qua một đại lý lớn có uy tín phát hành ra thị trường trong và ngoài nước một lượng trái phiếu tương đương giá trị các khu biệt thự, nhà, chung cư mà công ty sẽ xây dựng trong dự án đó trong một khoảng thời gian xác định (5 năm hay 10 năm), trái phiếu này cần có quy định rõ ràng về thời hạn trả nợ gốc và lãi định kỳ. Để việc thực hiện được việc huy động vốn qua hình thức này thì:
- Công ty phải có văn bản xin pháp các cơ quan chức năng và phải được sự đồng ý, cho phép của các cơ quan này.
- Các dự án phải nằm trong quy hoạch chiến lược trọng điểm của thành phố.
Dự án phải mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội lớn, mức lãi suất phải cao hơn mức lãi suất bình quân trên thị trường huy động vốn.
- Công ty cần phải có sự thoả thuận cụ thể với đại lý phát hành. Đại lý phát hành có chức năng môi giới, bán trái phiếu, thu tiền về cho công ty và hưởng các khoản phí phát hành. Công ty dùng số tiền này đầu tư vào các dự án của mình và sẽ thanh toán bằng các khoản tiền thu về sau khi hoàn thành công trình, tiêu thụ được sản phẩm.
3.2.1.2 Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn
Trong thời gian vừa qua công tác quản lý sử dụng vốn có rất nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung hiệu quả vẫn chưa cao, tốc độ luân chuyển vốn lưu động còn thấp, vốn tồn đọng trong sản phẩm dở dang và bị chiếm dụng vẫn còn lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty. Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên công ty cần thực hiện tốt các việc sau:
a. Tận dụng tối đa việc mua trả chậm, hiện nay cùng với việc phát triển kinh tế thị trường và tham gia hội nhập nền kinh tế thế giới nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Đây là cơ hội tốt để công ty có thể tận dụng, vì trong quá trình cạnh tranh để bán được hàng hoá thì các nhà cung cấp sẽ phải cạnh tranh với nhau trong việc giảm giá và kéo dài thời hạn thanh toán. Với mỗi loại vật tư cơ bản, công ty lựa chọn từ hai đến ba nhà cung cấp bán trả chậm có thời gian dài nhất và giá cả cạnh tranh nhất luân phiên nhau cung cấp. Như vậy, thời gian thanh toán sẽ dài thêm và công ty sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nếu có một công ty gặp khó khăn trong việc cung cấp. Song song với việc thực hiện phương thức này công ty cần phải thực hiện nghiêm chỉnh quy trình kiểm tra và đánh giá chất lượng vật tư.
Đối với việc đầu tư tăng năng lực máy móc thiết bị công ty cũng có thể sử dụng phương thức mua trả chậm. Vì hiện nay trên thị trường có rất nhiều hãng chấp nhận giải pháp bán trả chậm 2 đến 3 năm với lãi suất ưu đãi từ 4% - 6%/năm thanh toán bằng ngoại tệ USD, EURO thông qua bảo lãnh của ngân hàng. Nếu công ty áp
dụng phương thức này thì có thể đáp ứng được nhu cầu về máy móc thiết bị đảm bảo sản xuất kinh doanh mà không phải tăng thêm vốn vay.
b. Giảm tối đa việc bị chiếm dụng vốn, nếu công nợ thu hồi chậm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và uy tín của công ty, nhất là trong bối cảnh mà phần lớn nguồn vốn của công ty phải đi vay ngân hàng. Nếu thanh toán với ngân hàng không đúng hạn sẽ rất khó khăn trong việc vay vốn cho dự án tiếp theo. Thực tế hiện nay tình trạng chậm trễ trong khâu thanh toán có nhiều nguyên nhân:
Thứ nhất, do nhiều dự án nguồn vốn cấp từ ngân sách nhà nước chậm trễ, việc thanh toán phải qua rất nhiều khâu, nhiều cửa, thái độ làm việc của một số nhân viên ở các nơi này nhiều lúc quan liêu, nhũng nhiễu.
Thứ hai, việc chuẩn bị hồ sơ cho công tác nghiệm thu, hoàn công chưa được tốt, hay bị thiếu sót lúc thì thủ tục này, lúc thì giấy tờ khác phải chờ bổ sung nên dẫn đến chậm trễ kéo dài thời gian thanh toán. Vì vậy, công ty cần phải nắm bắt thật kỹ các thông tin về nguồn vốn, kế hoạch vốn hàng năm của chủ đầu tư. Thực hiện tốt công tác nghiệm thu, thi công xong hạng mục nào thì đề nghị chủ đầu tư cho tiến hành nghiệm thu ngay hạng mục đó để giảm bớt khối lượng dở dang, rút ngắn thời gian từ đó sẽ giúp tăng vòng quay của vốn. Mặt khác, kiến nghị với chủ đầu tư cần đơn giản hóa thủ tục thanh toán và có biện pháp nghiêm khắc đối với nhân viên quan liêu, nhũng nhiễu.
c. Bán các khoản nợ khó đòi cho công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp. Đây là giải pháp mang tính tình thế khi có những khoản nợ không có khả năng thu hồi trong khi doanh nghiệp đang cần vốn kinh doanh. Khi bán thì công ty sẽ phải chịu một số thiệt hại nhưng xét chung về tổng thể thì vẫn có ích lợi trong việc góp phần làm lành mạnh tình hình tài chính đồng thời cũng thu được một số vốn.
d. Tiếp tục hoàn thiện quy chế quản lý tài chính, thực hiện nghiêm chỉnh chính sách tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí vật liệu đầu vào, lập kế hoạch dự trữ
nguyên vật liệu hợp lý, có hình thức khen thưởng xứng đáng cho người có sáng kiến cải tiến kỹ thuật tiết kiệm vật tư nguyên liệu.