CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI
1.3. Sáng tác ca khúc trong các hoạt động giáo dục cho trẻ ở trường mầm non
1.3.4. Vai trò của việc sáng tác và sử dụng các ca khúc cho trẻ mẫu giáo
1.3.4.1. Âm nhạc góp phần giáo dục trẻ phát triển toàn diện
Đối với trẻ thơ, âm nhạc là nguồn sữa nuôi dưỡng tinh thần của bé ngay từ khi lọt lòng mẹ, cất tiếng đời và có vai trò đặc biệt trong giai đoạn trẻ ở tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, giai điệu trầm bổng sự phong phú của âm hình, tiết tấu, màu sắc âm thanh đa dạng của các thể loại âm nhạc như đưa con trẻ vào thế giới của cái đẹp một cách hấp dẫn và thú vị.
Bất cứ người mẹ nào cũng đều tự hào về con mình rất thích nghe nhạc, có một chút về năng khiếu âm nhạc. Đúng vậy, âm nhạc như là một món ăn tinh thần đối với trẻ, thiếu âm nhạc khác nào trồng hoa thiếu nước “hoa sẽ héo khô…” Chính vì vậy mà người lớn cần quan tâm đặc biệt đến giáo dục âm nhạc cho trẻ càng sớm càng tốt.
Giáo dục âm nhạc là tạo nên sự hình thành và phát triển toàn diện nhân cách của trẻ bằng con đường tác động âm nhạc, tác động đó được thể hiện thông qua sự phát triển âm nhạc bao gồm phát triển trong lĩnh vực tri giác âm
nhạc, cụ thể là phải nghe và phải hiểu âm nhạc nắm bắt được các kỹ năng cơ bản của âm nhạc, có thói quen ca hát, vận động theo nhạc trên cơ sở nghe và hiểu cùng với sự phát triển một cách bền vững. Sự phát triển về khả năng tiếp thu những khái niệm đơn giản sẽ đạt được những tiến bộ về chất trong mọi thể loại âm nhạc. Đối với trẻ mẫu giáo đã xuất hiện hứng thú với âm nhạc, mỗi trẻ hứng thú với các dạng hoạt động âm nhạc khác nhau như múa, hát, vận động theo nhạc, về tai nghe của trẻ thì trẻ có thể thích riêng một tác phẩm nào đó, trẻ nghe và phân biệt tiếng vỗ tay, vỗ xắc xô, đoán nhạc qua bài hát…
Để làm cho trẻ thực sự yêu thích âm nhạc, ta cần tạo cho trẻ nghe âm nhạc càng nhiều càng tốt, từ việc người lớn hát cho trẻ nghe, đến việc cho trẻ xem ti vi, băng đĩa ghi hình, video, tuy nhiên việc cho trẻ nghe nhạc phải lựa chọn bài hát gần gũi, phù hợp với độ tuổi và phù hợp với tâm lý trẻ.
Đối với trẻ giáo dục âm nhạc là nội dung quan trọng trong trường mầm non. Bằng ngôn ngữ, đặc thù riêng của mình, âm nhạc giúp cho con trẻ mở rộng tầm hiểu biết thế giới xung quanh. Âm nhạc còn có thể gợi lên cho trẻ nhu cầu ham muốn, được tiếp xúc với nó, thể hiện nó, âm nhạc là phương tiện hiệu quả tỏng việc giáo dục trẻ phát triển nhiều mặt đức, trí , thể, mỹ, lao động.
Âm nhạc là phương tiện giáo dục thẩm mỹ
Nhà sư phạm đồng thời là nhà lí luận mĩ học âm nhạc Nga-Xôkhor đã nói đến quan niệm của Sêkhôp - nhà văn Nga vĩ đại về thẩm mĩ của âm nhạc:
“Âm nhạc, nhờ sự thi vị có thể với một sức mạnh đặc biệt làm cho con người hăng hái lên, đồng thời cũng nhấn mạnh tình trạng thiếu thốn một cái đẹp thực sự trong cuộc đời của người ấy”.
Âm nhạc là một trong các bộ môn nghệ thuật giáo dục cái đẹp cho trẻ.
Lời ca, giai điệu của bài hát, bản nhạc giúp trẻ tưởng tượng, học nói lên cảm xúc của mình, trẻ thấy được mình có thể diễn tả được những ý nghĩ, những mơ ước, những cảm xúc mạnh mẽ. Điều quan trọng của giáo dục âm nhạc không phải là dạy trẻ hát chuẩn xác mà trẻ phải được tham gia vào các hoạt
động âm nhạc như: nghe hát, vận động theo nhạc…Nếu được tiếp xúc với âm nhạc ở một chừng mực nào đó trẻ sẽ nhận xét, trao đổi sự cảm nhận của ý nghĩa lời ca, âm điệu, tiết tấu…Đó chính là ý nghĩa của giáo dục thẩm mĩ. Bài hát là phương tiện để giáo dục trẻ nhiều mặt. Do đó các bài hát giản dị, có tính nghệ thuật, phù hợp với lứa tuổi sẽ hình thành ở trẻ thị hiếu âm nhạc trong sáng lành mạnh, là cơ sở của tình cảm thẩm mĩ, đạo đức tốt đẹp.
Những hình ảnh mang biểu trưng về cái đẹp được thể hiện rõ trong các bài: “Con chim non, Cá vàng bơi, Con gà trống, Cháu yêu bà…” Những hình ảnh này đã nuôi dưỡng cho tâm hồn trẻ những nhận thức về cái đẹp. Từ nhận thức cái đẹp một cách khách quan đi vào chiều thế giới chủ quan của trẻ.
Bên cạnh đó âm nhạc còn giáo dục tình cảm thẩm mĩ cho trẻ như: cái đẹp về cách ứng xử, giao tiếp với ông bà, cha mẹ, cô giáo, bạn bè và mọi người xung quanh. Âm nhạc dẫn dắt trẻ đến với những hiện tượng sống động của đời sống, giúp trẻ hình thành sự liên tưởng.
Ví dụ: Qua bài hát “Lá xanh” của Thái Cơ. Trẻ cảm nhận được vẻ đẹp của cây cối, thiên nhiên nơi đó có những chú ong, bướm nô đùa với lá cây.
Gió xào xạc làm rung những cành lá như vẫy gọi các em nhanh chân đến trường Mầm non.
Chính vì thế, giáo dục tình cảm thẩm mĩ cho trẻ thông qua hoạt động âm nhạc trong trường MN sẽ làm phong phú thêm đời sống tinh thần của trẻ, giúp trẻ cảm thụ cái đẹp đồng thời tạo niềm tin tưởng trong các cháu.
Âm nhạc là phương tiện hình thành phẩm chất đạo đức cho trẻ Âm nhạc có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ. Đại văn hào M.Go-rơ-ki từng nhận xét: “Âm nhạc tác động một cách kì diệu đến tận đáy lòng. Nó khám phá ra cái phẩm chất cao quí nhất ở con người”.
Các tác phẩm âm nhạc ca ngợi thiên nhiên, đất nước, con người…gợi ở trẻ tình yêu quê hương, yêu tổ quốc, yêu thủ đô, lòng biết ơn đối với những người đã cống hiến cho đất nước. Những điệu múa, những trò chơi dân gian đem lại
cho trẻ cảm xúc trữ tình, tự hào dân tộc, Cho trẻ làm quen với giai điệu, tiết tấu các bài hát nước ngoài sẽ mở mang sự hiểu biết về các dân tộc, nhen nhóm trong lòng trẻ tình hữu nghị quốc tế. Trong khi cùng nhau múa hát cả lớp, tổ nhóm, giữa trẻ cũng xuất hiện sự cảm thông, quan tâm đến nhau hơn. Động viên những trẻ nhút nhát thiếu tự tin, giúp các cháu mạnh dạn hơn trong mọi hoạt động. Sự luân phiên các hoạt động âm nhạc trong tiết học: hát, nghe nhạc, vận động theo nhạc, trò chơi âm nhạc đòi hỏi trẻ sự chú ý, độ nhanh nhạy, tính tổ chức, giáo dục ý chí.
A.Xookhor đã từng viết “Để sử dụng âm nhạc như một phương tiện giáo dục đạo đức: Khi tác động đến con người, nó thức tỉnh một cách đặc biệt mạnh mẽ trong người ấy tất cả những gì tốt đẹp, tìm được sự hưởng ứng trong những khía cạnh ưu tú nhất của tâm hồn người ấy. Chính khả năng ấy của âm nhạc làm cho tính tình dịu hơn và tốt hơn, trong sạch hơn và nhân hậu hơn”
Âm nhạc là phương tiện thúc đẩy sự phát triển trí tuệ của trẻ
Tiến sĩ Hovard Gardner, giáo sư trường Đại học Harvard nghiên cứu lí thuyết về các trí thông minh đa diện cho rằng: “Thông minh âm nhạc là một trong bảy trí thông minh ban đầu của con người”.
Bên cạnh đó, theo các nghiên cứu về thần kinh học cho thấy rằng sự tiếp xúc với âm nhạc có thể thiết lập được phản xạ có điều kiện trên nữa phải của đại não, đồng thời thúc đẩy trí lực của bán cầu trái phát triển khả năng nhận thức và các kĩ năng lập luận phức tạp.
Ở trẻ mẫu giáo, các hình thức tư duy trực quan hành động, tư duy hình tượng và tư duy trừu tượng được biểu hiện trong bất kì hoạt động nào, trong đó có âm nhạc. Tiếp xúc với âm nhạc, đứa trẻ dần dần có khả năng tổng hợp cùng với tư duy logic.
Trước hết, âm nhạc giúp trẻ phát triển trí nhớ. Như chúng ta đã biết đặc điểm của trẻ là ghi nhớ âm nhạc bằng tai nghe dựa vào nhạc cảm. Trong quá trình hoạt động học tập, trí nhớ không có khả năng nhắc lại toàn bộ ngay mà
phải qua quá trình rèn luyện dần. Chính vì vậy, khi tập hát, giáo viên nên gợi mở, giúp trẻ nhận thức và trên cơ sở ấy trí nhớ ngày càng phát triển. Tính tích cực và sự tập trung chú ý trong giờ học hát giữ vai trò quan trọng trong việc cũng cố và phát triển trí nhớ cho trẻ.
Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, âm nhạc có ý nghĩa nhận thức.
Nhiều hiện tượng của đời sống được phản ánh trong tác phẩm âm nhạc, làm phong phú thêm vốn hiểu biết của trẻ bằng những khái niệm về xã hội, về thiên nhiên, về truyền thống. Trong khi tập hát, trẻ không chỉ tiếp thu đường nét giai điệu, tiết tấu âm nhạc, lời ca giản dị, dễ hiểu mà còn giúp trẻ phát triển ngôn ngữ.
Các dạng hoạt động âm nhạc ở nhà trẻ và mẫu giáo, tùy theo đặc điểm lứa tuổi, thông qua các bài tập ngày một khó dần, phức tạp hơn…đòi hỏi trẻ phải tích cực tư duy, sáng tạo, tưởng tượng.
Như vậy, giáo dục âm nhạc thực hiện nhiều nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động trí tuệ.
Âm nhạc là phương tiện góp phần phát triển thể chất
Âm nhạc có ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện cơ thể trẻ. Trước hết, nó được coi là khả năng tốt nhất để phát triển tai nghe. Tính chất đa dạng của âm nhạc gợi ra những phản ứng gắn với sự thay đổi nhịp tim, mạch, sự trao đổi máu, hô hấp, giản nở cơ…
Vận động theo nhạc giúp trẻ tập phối hợp các động tác đi, chạy, nhảy chính xác, tác phong nhanh nhẹn. Vận động toàn thân khi có nhạc kèm theo tạo cho trẻ sự mềm dẻo nhịp nhàng, có ảnh hưởng tốt đến tim mạch và sự phát triển cơ. Nếu nghe nhạc đúng mức và phù hợp sẽ làm thư giãn thần kinh, kích thích óc sáng tạo.
Hoạt động ca hát cũng gắn với sự phát triển sinh lí trẻ, đẩy mạnh chức năng hoạt động các cơ quan phát thanh, hô hấp, làm cho giọng trẻ tốt lên, tạo điều kiện rèn luyện sự phối hợp giữa nghe và hát. Hát còn ảnh hưởng đến tư
thế của trẻ: khi học hát, trẻ luôn được nhắc nhở phải ngồi thẳng, đứng thẳng, không gù, đó là điều quan trọng để tạo tư thế đúng, tạo điều kiện điều hòa hoạt động hô hấp, thở sâu hơn, tạo cho trẻ có dáng dấp uyển chuyển, phong thái đẹp.
Như vậy, phản ứng cơ thể đối với âm nhạc chịu sự chi phối của tác động cảm xúc tâm lí của âm nhạc ở mức cao hơn nhiều so với tác động sinh lí trực tiếp.
Từ những vai trò trên, cho chúng ta thấy rằng: giáo dục âm nhạc là một trong những con đường hoàn thiện đạo đức, trí tuệ, thẩm mĩ và thể chất. Mối liên hệ giữa tất cả các mặt của giáo dục, thể hiện trong các dạng và các hình thức phong phú của hoạt động âm nhạc. Sự nhạy cảm và tai nghe âm nhạc phát triển trong những mức độ phù hợp sẽ giúp trẻ hưởng ứng với những tình cảm và hành vi tốt đẹp, đẩy mạnh hoạt động trí tuệ, thường xuyên hoàn thiện mọi vận động, thể chất cho trẻ. Vì vậy, việc nhận thức đúng đắn và sâu sắc tác dụng giáo dục toàn diện của âm nhạc đối với trẻ của những người làm công tác giáo dục là rất cần thiết. Vì như nhà sư phạm V.Xu-Khôm-lin-xki đã từng đánh giá rất cao hiệu quả giáo dục toàn diện của âm nhạc:
“Chất lượng công việc giáo dục trong một nhà trường được xác định phần lớn bởi mức độ hoạt động âm nhạc trong hoạt động của nhà trường đó”.