CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI
1.4. Đặc điểm phát triển khả năng âm nhạc của trẻ từng lứa tuổi
Khái niệm “Phát triển khả năng âm nhạc” đối với trẻ bao gồm các mặt:
+ Tri giác âm nhạc là cảm giác tai nghe, nghe âm nhạc, cảm xúc âm nhạc.
+ Kỹ năng hát, vận động theo nhạc ở mức đơn giản.
Đặc điểm phát triển khả năng âm nhạc của trẻ ở từng độ tuổi như sau:
1.4.1. Trẻ 3 - 4 tuổi
Thời kì này ở trẻ xuất hiện tính tự chủ, thích hoạt động.Trẻ nói và hát trong mọi hoạt động, thích nghe nhạc, biết đáp ứng lại và hay bắt chước những cử chỉ, hành động của người khác.Trẻ hát được cả câu hoặc cả câu dài trong bài hát quen thuộc.Trẻ nhận ngay được bài hát, giai điệu quen thuộc, hát đi hát lại một bài hát, lặp đi lặp lại từ ngữ, thích thêm từ vào bài hát, thích làm quen với nhạc cụ, biết nghe dạo nhạc, vỗ tay nhanh chậm theo nhịp điệu bài hát.
1.4.2. Trẻ 4 - 5 tuổi
Trẻ biết nhận xét về âm nhạc như: tính chất vui vẻ, nhộn nhịp sôi nổi hay trầm tĩnh, êm dịu; nhịp độ nhanh chậm, cường độ to nhỏ, âm sắc nhạc cụ, giọng bài hát, tiếng kêu của các con vật, tiếng vật gì gõ, tiếng đàn gì vang lên.
Trẻ hiểu được yêu cầu thể hiện sắc thái bài hát, thể hiện các động tác trong điệu múa, biết hòa giọng mình với tập thể một cách thành thạo.Trong các động tác vận động, trò chơi, trẻ đã biết mô phỏng hình tượng, thích trò chơi vận động phân vai, giả làm mèo, gà chim hót, tập làm ca sĩ… Trẻ thích thêm
bớt từ của bài hát hoặc sáng tạo nhịp điệu mới. Đặc biệt, trẻ rất thích chơi với các nhạc cụ.
1.4.3. Trẻ 5 – 6 tuổi
Là giai đoạn chuẩn bị cho trẻ đến trường tiểu học.Trẻ có khả năng tri giác trọn vẹn hình tượng âm nhạc cùng với những kinh nghiệm được tích lũy từ trước như nghe hát cùng đàn đệm, xem động tác, điệu bộ.Trẻ có thể chuyển đổi điệu bộ theo âm điệu, biết kết hợp khắng khít giữa thời gian với âm nhạc, vận động phối hợp toàn thân với một trình tự tương đối phức tạp trong các điệu múa hay tái hiện một số tiết tấu khó. Trẻ có thể sử dụng bàn phím ở mức độ đơn giản, có nhu cầu hoạt động âm nhạc, biết thể hiện nhạc cảm khi hát múa. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, sự nhạy cảm về âm nhạc bắt đầu giảm dần.Trẻ có ấn tượng sâu sắc khi nghe nhạc qua đài, xem băng đĩa…., biết so sánh một vài thể loại âm nhạc về âm thanh, tính chất, lời ca.
Lịch sử cho thấy ở lứa tuổi này, những năng khiếu âm nhạc đặc biệt xuất hiện nhiều hơn ở bất cứ lĩnh vực nào khác. Nhiều công trình nghiêng cứu sự phát triển của trẻ đã xác định rằng, tiến hành việc giáo dục âm nhạc ở tuổi mẫu giáo sẽ thu hút được kết quả tốt. Bỏ qua giai đoạn này là một thiệt thòi lớn cho các cháu trong các lứa tuổi sau. Đặc điểm lứa tuổi về sự phát triển âm nhạc của các cháu giúp cho các nhà sư phạm soạn bài tập, nội dung phù hợp.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Như vậy qua chương cơ sở lý luận, chúng ta có thể thấy được những phân tích cụ thể về lịch sử âm nhạc và sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi trên thế giới, tại Việt Nam với nhiều sự thay đổi qua các giai đoạn. Nhìn nhận sâu sắc hơn về các khái niệm liên quan đến âm nhạc, cũng như tìm hiểu rõ về đặc điểm phát triển khả năng âm nhạc của trẻ, vai trò của âm nhạc đối với trẻ rồi tới các thể loại, nội dung, cấu trúc, các hình thức sáng tác một ca khúc dành cho trẻ em. Việc tìm hiểu, hệ thống hóa cơ sở lý luận liên quan tới đề tài sẽ giúp chúng tôi có cơ sở đối chiếu vào thực trạng lựa chọn và sử dụng ca khúc cho trẻ mẫu giáo hiện nay ở trường mầm non, từ đó đưa ra những biện pháp phù hợp, đem lại hiệu quả, đồng thời đây cũng là cơ sở quan trọng để thực hiện chương sáng tác ca khúc cho trẻ mẫu giáo.