CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN
1.2.3. Cấu trúc và nội dung của môn Mĩ thuật ở Tiểu học
Do đặc điểm của môn học, nên chương trình Mĩ thuật ở Tiểu học được cấu tạo theo hướng đồng tâm (hay còn gọi là cấu tạo theo hình xoắn ốc), có nghĩa là những vấn đề đề cập ở lớp dưới sẽ được củng cố và phát triển ở các lớp trên.
Do đặc điểm tri giác và tư duy của học sinh Tiểu học nên các giờ vẽ trong chương trình được chia làm hai giai đoạn để có điều kiện giáo dục, rèn luyện, chuyển
tri giác và tư duy của các em về đồ vật (đối tượng vẽ) từ cảm tính cụ thể sang cách nhìn và suy nghĩ về đồ vật chính xác hơn.
- Giai đoạn các lớp 1, 2, 3.
- Giai đoạn các lớp 4 và lớp 5.
- Xuất phát từ mục đích, nhiệm vụ của môn Mĩ thuật ở Tiểu học chương trình có 5 phần (phân môn Mĩ thuật) sau đây:
- Vẽ theo mẫu - Vẽ trang trí - Vẽ tranh
- Thường thức Mĩ thuật - Tập nặn, tạo dáng tự do.
a. Vẽ theo mẫu:
Nhiệm vụ của phân môn Vẽ theo mẫu là dạy cho học sinh biết cách quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp để nắm được đặc điểm, cấu trúc, tỉ lệ, màu sắc, chất liệu của đồ vật và biết thể hiện sự tương quan của đối tượng trên tờ giấy. Quá trình thực hành giúp cho học sinh nắm được những nét tiêu biểu của đồ vật, giúp trí nhớ được bền vững, góp phần phát triển trí tuệ cho học sinh.
Nói cách khác Vẽ theo mẫu có nhiệm vụ rèn luyện tri giác, thị giác và khả năng thể hiện đối tượng vẽ cho học sinh.
Nội dung Vẽ theo mẫu có một số điểm chính sau đây:
Việc rèn luyện nền nếp học vẽ như cách ngồi vẽ, cách cầm bút, cách sử dụng màu, cách trình bày hình vẽ trên trang giấy... luôn được quán triệt trong tất cả các giờ học Mĩ thuật từ lớp 1 đến lớp 5.
- Giờ học Vẽ theo mẫu ở các lớp 1, 2 và 3: Các em học vẽ các đường nét cơ bản và các đồ vật đơn giản có chiều dày không đáng kể. Mẫu vẽ đặt ở tư thế trực diện ngang tầm mắt (nhìn thấy chiều cao và chiều ngang của mẫu, chưa có yêu cầu vẽ phối cảnh).
- Giờ học Vẽ theo mẫu ở các lớp 4 và 5: Các em vẫn vẽ các đồ vật có hình dáng đơn giản nhưng có yêu cầu thể hiện cao hơn: Đã có yêu cầu vẽ phối cảnh và thể hiện sáng tối (đậm, nhạt) mẫu vẽ đặt chếch, dưới tầm mắt để nhìn thấy 3 chiều của đồ vật (chiều cao, chiều ngang và chiều sâu).
b. Vẽ trang trí:
Có nhiệm vụ làm cho học sinh nắm được các yếu tố tạo nên vẻ đẹp của trang trí: Họa tiết, hình mảng, màu sắc, bố cục. Biết cảm thụ vẻ đẹp của nghệ thuật trang trí qua nhịp điệu của đường nét và họa tiết, sự phong phú của hình mảng, sự cân đổi của bố cục và sự hài hòa của màu sắc. Đồng thời Vẽ trang trí có nhiệm vụ dạy cho học sinh cách sáng tạo để các em có thể tạo một số sản phẩm trang trí phục vụ cho học tập và sinh hoạt như: Trang trí sách vở, góc học tập, nhãn vở, sách báo. Học Vẽ trang trí, thị hiếu thẩm mỹ được giáo dục và phát triển. Sau đây là một số điểm chính của nội dung Vẽ trang trí:
- Ở các lớp 1, 2 và 3: Các em tập sử dụng thước kẻ, bút chì để vẽ các đường nét cơ bản, vẽ các hình, kẻ các đường chéo, vẽ hoa lá đơn giản:
+ Tập chép một số mẫu đơn giản để làm quen với đường nét, nhịp điệu, bố cục của trang trí và bước đầu tập trang trí đường diềm, hình vuông, hình tròn...
+ Tập gọi đúng tên các màu cơ bản và tập tô màu.
- Ở các lớp 4 và 5: Các em tập sáng tạo họa tiết, tập trang trí một số mẫu đơn giản như đường diềm, hình vuông, hình tròn... Tập gọi tên các màu có trong hộp chì màu. Tập pha màu (màu nước). Tập kẻ chữ in hoa...
c. Vẽ tranh:
Dạy Vẽ tranh có nhiệm vụ dạy cho học sinh biết cách thể hiện sự suy nghĩ của mình về một đề tài bằng ngôn ngữ hội họa: Hình vẽ, màu sắc, bố cục. Bồi dưỡng cho các em khả năng nhận thức tác phẩm nghệ thuật, nâng cao trình độ thẩm mỹ.
Nội dung Vẽ tranh đề tài ở Tiểu học:
- Ở các lớp 1, 2 và 3: Vẽ những đề tài gần gũi, đơn giản đối với các em. Chưa yêu cầu các em sắp xếp hình vẽ theo những nguyên tắc bố cục, chỉ cần các em "liệt kê" một số hình vẽ phù hợp với đề tài, màu sắc vẽ theo tình cảm của các em.
- Ở các lớp 4 và 5: Các em vẫn vẽ các đề tài đơn giản, gần gũi với các em và có thêm một vài bài minh họa một ý truyện mà các em thích.
Ở các lớp này, bước đầu dạy các em về cách sắp xếp tranh (bố cục) như: Sắp xếp hình vẽ (bố cục), có mảng trọng tâm (mảng chính) và các mảng khác (mảng phụ), cụ thể:
+ Về không gian: Người, cảnh và vật ở gần thì vẽ to và rõ hơn người, cảnh và vật ở xa.
+ Về màu sắc: Dùng màu làm nổi mảng trọng tâm, ở gần tô màu đậm, ở xa tô nhạt dần.
Tuy vậy, đây cũng chỉ là bước đầu đặt nền móng, dẫn dắt các em từ chỗ chưa có ý thức sang có ý thức. Công việc này các em sẽ được rèn luyện ở các lớp sau.
d. Thường thức Mĩ thuật:
Có nhiệm vụ hướng dẫn các em tập phân tích, tìm hiểu nội dung của các tác phẩm và hình thức thể hiện: Bố cục, màu sắc, hình tượng nghệ thuật để bồi dưỡng dần năng lực cảm thụ nghệ thuật cho các em.
e. Tập nặn, tạo dáng tự do:
Nặn các khối cơ bản, nặn quả, các con vật, nặn người và xé dán tranh ...
Tập nặn, tạo dáng tự do giúp cho học sinh hiểu được đặc điểm, cấu trúc của mẫu và phát huy được trí tưởng tượng, sáng tạo của bản thân.
Tóm lại: Năm phân môn trên đây có liên quan mật thiết với nhau, tạo nên sự hiểu biết và kỹ năng vẽ cho học sinh: Học vẽ theo mẫu để hiểu mẫu và biết thể hiện đặc điểm cấu trúc của mẫu (đối tượng vẽ). Muốn sáng tạo họa tiết, muốn làm trang trí thì phải biết vẽ hình (trên cơ sở hình vẽ "thật" mới có thể sáng tạo). Kiến thức và kỹ năng của Vẽ theo mẫu và Vẽ trang trí là nền tảng cho việc Vẽ tranh (nếu không biết vẽ hình, không hiểu về bố cục, màu sắc thì làm sao vẽ được tranh). Cũng như không có hiểu biết về ngôn ngữ hội họa thì khó có thể thường thức được vẻ đẹp của các tác phẩm hội họa.