3.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển
Tổng cục Hải quan là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về hải quan; thực thi pháp luật hải quan trong phạm vi cả nước.
Với cái tên đầu tiên là “Sở Thuế quan và thuế gián thu” được thành lập ngày 10/9/1945, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp được uỷ quyền của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký Sắc lệnh số 27 – Sắc lệnh khai sinh ngành hải quan Việt Nam với nhiệm vụ: Thu các quan thuế nhập cảnh và xuất cảnh, thu thuế gián thu. Sau đó, Ngành được giao thêm nhiệm vụ chống buôn lậu thuốc phiện và có quyền định đoạt, hoà giải đối với các vụ vi phạm về thuế quan và thuế gián thu.
Giai đoạn 1945-1954, cả nước bước vào cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hải quan Việt Nam phối hợp cùng các lực lượng thực hiện chủ trương bao vây kinh tế và đấu tranh kinh tế với địch. Nhiệm vụ chính trị của Hải quan Việt Nam thời kỳ này là bám sát và phục vụ kịp thời nhiệm vụ của Cách mạng, tạo nguồn thu cho Ngân sách quốc gia, kiểm soát hàng hoá xuất nhập khẩu, đấu tranh chống buôn lậu giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm.
Giai đoạn 1954-1975, Hải quan Việt Nam được xác định là công cụ bảo đảm thực hiện đúng đắn chế độ Nhà nước độc quyền ngoại thương, ngoại hối, thi hành chính sách thuế quan (thu thuế hàng hoá phi mậu dịch) tiếp nhận hàng hoá viện trợ và chống buôn lậu qua biên giới. Năm 1973 Hiệp định Paris
56
được ký kết chấm dứt chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc. Hải quan Việt Nam huấn luyện, chuẩn bị các điều kiện triển khai công tác khi miền Nam được giải phóng.
Sau khi thống nhất đất nước Hải quan triển khai hoạt động trên địa bàn cả nước từ tuyến biên giới phía Bắc đến tuyến biên giới phía Tây Nam, các cảng biển, Sân bay quốc tế, Bưu cục ngoại dịch, Trạm chở hàng. Do yêu cầu quản lý tập trung thống nhất, Chính phủ đã có Quyết định số 80/CT ngày 5/3/1979 quyết định chuyển tổ chức Hải quan địa phương thuộc UBND tỉnh, thành phố về thuộc Cục Hải quan, Bộ Ngoại thương.
Ngày 24/2/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký lệnh công bố Pháp lệnh Hải quan. Pháp lệnh gồm 51 điều, chia làm 8 chương, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/1990. Pháp lệnh Hải quan xác định chức năng của Hải quan Việt Nam là Quản lý Nhà nước về Hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam, đấu tranh chống buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, ngoại hối hoặc tiền Việt Nam qua biên giới.
Bộ máy tổ chức của Hải quan Việt Nam được xác định rõ,tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng Bộ Trưởng.
Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, với chức năng nhiệm vụ của ngành Hải quan, Tổng cục Hải quan đã ban hành hệ thống các văn bản về chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng tài sản công; văn bản về tiêu chuẩn định mức mua sắm tài sản công đưa công tác quản lý, sử dụng tài sản tại các đơn vị thuộc và trực thuộc ngày càng đi vào nề nếp, trang bị đúng mục đích, tiêu chuẩn. Hạn chế các tình trạng: trang bị lãng phí, trang bị nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng sai mục đích, sai quy định, sai quy trình gây hư hỏng, thất thoát tài sản, cố ý làm hư hỏng tài sản, không quản lý tài sản dẫn đến hư hỏng, mất mát…
57
3.1.2. Đặc điểm cơ cấu tổ chức, quản lý
Theo Điều 3, Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Thủ tướng chính phủ, cơ cấu tổ chức Tổng cục Hải quan gồm:
1. Các tổ chức hải quan ở trung ương:
- Bộ máy giúp việc Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Thanh tra-Kiểm tra; Cục Tài vụ- Quản trị, Văn phòng Tổng cục Hải quan (có đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh; Cục Giám sát quản lý về hải quan; Cục Thuế xuất nhập khẩu; Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan; Cục Quản lý rủi ro; Cục Kiểm định Hải quan
- Các đơn sự nghiệp thuộc Tổng cục Hải quan: Viện Nghiên cứu Hải quan; Trường Hải quan Việt Nam; Báo Hải quan.
2. Các tổ chức hải quan ở địa phương:
- 35 Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc Tổng cục Hải quan.
- Các Chi cục Hải quan: Đội Kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại cấp Chi cục, căn cứ vào khối lượng, tính chất công việc và biên chế được giao, Chi cục Hải quan có thể được thành lập các Đội nghiệp vụ, Tổ kiểm soát hải quan.
Như vậy, Tổng cục Hải quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc bao gồm đơn vị trực thuộc các cấp: cấp Tổng cục, cấp Cục, cấp Chi cục.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan là người đứng đầu Tổng cục, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Tổng cục Hải quan.
Cơ quan Tổng cục Hải quan ở Trung ương thực hiện chức năng tham mưu, giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tổ chức triển khai thực hiện
58
các nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan và tổ chức thực thi pháp luật về hải quan.
Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức trực thuộc Tổng cục Hải quan, có chức năng giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quản lý nhà nước về hải quan và tổ chức thực thi pháp luật về hải quan, các quy định khác của pháp luật có liên quan trên địa bàn hoạt động của Cục Hải quan theo quy định của pháp luật. Cục trưởng Cục Hải quan chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục.
Chi cục Hải quan (bao gồm Chi cục Hải quan cửa khẩu và Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu) là đơn vị trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố (sau đây gọi tắt là Cục Hải quan tỉnh) có chức năng trực tiếp thực hiện các quy định quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phòng, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, phòng, chống ma túy trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật. Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục.