Những vấn đề thuộc về môi trường đầu tư của tỉnh

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ đầu tư TRỰC TIẾP nước NGOÀI của TỈNH hải DƯƠNG HIỆN NAY (Trang 46 - 52)

Môi trường đầu tư của tỉnh ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút FDI. Sau khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á, sự cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước trên thế giới và khu vực diễn ra gay gắt. Công cuộc thu hút FDI vào nước ta nói chung và Hải Dương nói riêng đang gặp khó khăn, nhất là các vấn đề thuộc môi trường đầu tư.

Môi trường thu hút đầu tư nước ngoài bao gồm nhiều nội dung như:

Việc ổn định chính trị - kinh tế vĩ mô, vấn đề hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng, chính sách kinh tế, khả năng luân chuyển vốn, môi trường văn hóa xã hội và đời sống, năng lực thị trường... Dựa vào các yếu tố đó của môi trường đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đưa ra quyết định đầu tư nếu thấy môi trường đầu tư thuận lợi và ngược lại. Trong phạm vi của một tỉnh, luận văn đề cập một số nội dung về môi trường đầu tư.

+ Công tác quy hoạch xúc tiến dự án đầu tư:

Công tác quy hoạch còn chậm, tốc độ quy hoạch chưa cao đã dẫn đến việc xử lý một số dự án chưa chuẩn xác, cơ cấu đầu tư còn có những chỗ chưa hợp lý. Mặc dù tỉnh đã tiến hành quy hoạch tổng thể nhưng chưa có quy hoạch chi tiết cho từng ngành, từng vùng, địa điểm, lĩnh vực khuyến khích đầu tư ưu đãi v.v... Trong công tác gọi vốn đầu tư tuy đã lập được danh mục các dự án thu hút vốn ĐTNN nhưng do thiếu thông tin, nguồn kinh phí cho công tác gọi vốn còn hạn hẹp nên việc lập và giới thiệu dự án các đối tác chưa thực sự khoa học, thiếu tính thuyết phục, chưa xây dựng được kế hoạch tiếp thị mà còn mang tính bị động ngồi chờ. Việc xây dựng đối tác trong nước hầu như còn bỏ ngỏ.

+ Thực hiện Luật đầu tư của đất nước trên địa bàn tỉnh:

Do hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa đồng bộ, thiếu ổn định có những thay đổi, việc thực thi luật pháp và các chính sách của Nhà nước chưa nhất quán, thủ tục hành chính, nhất là thủ tục Hải quan còn nhiều phiền hà, nhiều loại thuế suất phức tạp đối với cùng một loại hàng hóa.

Một số văn bản, chính sách chưa thống nhất, nhất là những văn bản về thực hiện luật thuế mới. Chẳng hạn Nghị định 12/CP ngày 18/02/1997 và Nghị định 10/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ đã quy định rất rõ ràng về mức độ thuế lợi tức (nay là Thuế thu nhập doanh nghiệp) và thời hạn miễn, giảm thuế lợi tức áp dụng đối với các hình thức đầu tư nước ngoài nhưng tại Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Thông tư số 99/1998/ TT/BTC ngày 14/7/1998 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thi hành Nghị định 30/1998/NĐ-CP lại yêu cầu cơ quan cấp giấy phép đầu tư trước khi cấp giấy phép phải xin ý kiến của Bộ Tài chính.

Trên cơ sở những điều chỉnh của trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cũng đã có những quyết sách nhằm tăng cường cải tiến thủ tục hành chính tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định số 1155/QĐ-UB ngày 09/6/1999 về việc quy định tạm thời quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hải Dương (kèm theo Quyết định số 1155 là bản quy định tạm thời về quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hải Dương, những văn bản này bước đầu tạo nên sự thống nhất trong quản lý đầu tư, đồng thời làm rõ trách nhiệm cụ thể của các sở ban ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và chủ dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quá trình vận động đầu tư, lựa chọn đối tác, thông qua các chủ trương. Đầu tư, thẩm định và cấp giấy phép triển khai dự án FDI có một bước tiến bộ đáng kể. Song vấn đề quan trọng là việc tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung văn bản trên, đồng thời qua thực hiện nhanh chóng phát hiện những khiếm khuyết, đề xuất ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung, điều chỉnh nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai nhanh chóng các dự án đầu tư và xử lý kịp thời những khó khăn của nhà đầu tư, thúc đẩy dự án phát triển.

+ Xây dựng kết cấu hạ tầng vật chất, kỹ thuật:

Cơ sở và điều kiện vật chất còn nhiều yếu tố chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển với nhịp độ cao một cách bền vững và có hiệu quả trong giai đoạn mới. Kết cấu hạ tầng vừa thiếu, vừa lạc hậu, có những mặt căng thẳng như điện, giao thông, cấp thoát nước. Điện đáp ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoạt động chất lượng chưa cao, chưa có những quy định cụ thể rõ ràng, do vậy việc cấp điện còn hạn chế. Thí dụ:

cắt điện phục vụ nông nghiệp với lý do mưa bão, hạn hán... ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp.

+ Vấn đề đối tác:

Doanh nghiệp FDI hoạt động kém hiệu quả, mối quan hệ thương mại giữa người Việt Nam với người nước ngoài chưa được mở rộng, nên các doanh nghiệp nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Hàng hóa của các doanh nghiệp này bán ra nước khác thuế cao không cạnh tranh được, thị trường trong tỉnh chưa đủ sức tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp tại nước ngoài.

Chưa có sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quá trình sản xuất kinh doanh như việc vận chuyển bốc xếp hàng hóa.

Nguyên liệu nhập khẩu giá thành cao, nguyên liệu sản xuất tại chỗ còn khan hiếm, hiện tượng tư nhân buôn lậu trốn thuế ảnh hưởng tới việc sản xuất kinh doanh. Chi phí Hải quan kiểm dịch tốn kém (Công ty lụa Việt - Triều).

Giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc do số tiền đền bù quá lớn.

Mặt khác do tâm lý người dân địa phương có doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài nên mức độ đòi hỏi đền bù của người dân chưa xác đáng, đòi hỏi quá cao so với mức phải đền bù trên thực tế.

Quan hệ đối với địa phương (xã, phường...) chưa được thuận lợi, còn bị gây sức ép, như thu lệ phí đường, kênh mương thoát nước thải... (ví dụ trường hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm Nghĩa Mỹ).

+ Vấn đề lao động việc làm:

Vấn đề lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang có những vướng mắc cụ thể là: Về việc tuyển dụng lao động, phần lớn các doanh nghiệp đã tuân theo quy định của Bộ Luật lao động (tuyển qua Sở Lao động - Thương binh và xã hội). Song còn một số

doanh nghiệp tuyển lẻ từ 2 - 3 lao động (như Xí nghiệp chế tác Kim cương, Công ty may Venture).

Trong những năm qua, kinh tế Hải Dương có nhiều chuyển biến, đã mở ra cơ hội để giải quyết việc làm, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Đi đôi với thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tỉnh đã đầu tư phát triển một số ngành nghề mới như khai thác vật liệu xây dựng, các ngành nghề thủ công... đã tạo nhiều chỗ làm việc mới cho người lao động. Song cho đến nay có tình hình là hầu hết các xí nghiệp nước ngoài đều tuyển nguồn lao động trẻ có văn hóa, có kỹ thuật. Trong khi đó nguồn cung cấp chưa đáp ứng, nên mặc dù thừa lao động, nhưng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhiều khi vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng. Một điều đáng lưu ý nữa là trong các chương trình, dự án, lao động chưa được xác định cụ thể như một yếu tố quan trọng khi triển khai thực hiện dự án. Thời gian vừa qua các dự án liên doanh chỉ đề cập đến mặt bằng, máy móc thiết bị, nhà xưởng, vốn đóng góp chứ lao động chưa được xem là nguồn lực, và không có sự chuẩn bị đào tạo. Do đó, việc thu hút lao động của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là lao động sở tại (nơi có doanh nghiệp đóng) gặp nhiều khó khăn. Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp lại phải tuyển dụng lao động từ nơi khác đến, điều đó dẫn đến những bức xúc về vấn đề xã hội.

Vấn đề việc làm tuy đã được giải quyết khá hơn nhưng vẫn còn gay gắt, chưa phát huy được lợi thế về nguồn nhân lực tham gia vào các doanh nghiệp FDI. Một số đơn vị đã vi phạm hợp đồng cho thôi việc, chấm dứt hợp đồng mang tính chất gò ép, hoặc trình tự tiến hành xét kỷ luật đi đến chấm dứt hợp đồng lao động làm chưa đúng Luật lao động (mặc dù có thể lỗi do người lao động). Một số doanh nghiệp chưa đảm bảo mức lương tối thiểu cho người lao động theo quyết định số 708/1999/QĐ-BLĐTBXH ngày 15/06/1999. (tức là thấp hơn mức 487.000đồng/tháng) áp dụng đối

với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn các tỉnh, huyện, thành phố.

+ Thực hiện chế độ bảo hiểm

Việc thực hiện chế độ bảo hiểm cho người lao động cũng còn có những đơn vị doanh nghiệp chưa nộp bảo hiểm xã hội (công ty tơ lụa Việt - Triều, Công ty tắcxi Hồng Hà).

Từ sau khi có qui định về bảo hiểm y tế bắt buộc đối với các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (8/1998) đến nay, số đơn vị thực hiện mua bảo hiểm y tế còn rất hạn chế (mới chỉ có Công ty Xi măng Phúc Sơn, Công ty bơm Ebara).

Về cơ bản các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Hải Dương chấp hành pháp luật tốt, nhưng cũng có một số đơn vị chưa chấp hành đúng quy định về luật pháp như: kê khai nộp thuế thu nhập, chế độ báo cáo kiểm toán, quyết toán hàng năm, chấp hành luật lao động, luật bảo vệ môi trường, cá biệt còn có biểu hiện không thực hiện đúng giấy phép và vi phạm pháp luật. Một số dự án, sau khi nhận giấy phép không xây dựng theo giấy phép đầu tư: như giai đoạn 2 của Công ty may quốc tế Venture hoặc dự án công trình xây dựng khu văn phòng của Công ty Việt Hưng.

+ Thành lập và hoạt động của tổ chức Công đoàn:

Một vấn đề đặt ra hiện nay không chỉ đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh Hải Dương, mà nó còn là vấn đề cần quan tâm giải quyết trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên phạm vi cả nước, đó là việc thành lập và hoạt động công đoàn trong một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy trong thời gian qua, hoạt động của các doanh nghiệp này trên địa bàn Hải Dương cũng có một số kết quả như tham gia vào việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động, ví dụ

như chế độ bảo hiểm tiền lương, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, thăm hỏi...

ký thỏa ước hợp đồng tập thể (chỉ có xí nghiệp chế tác Kim cương ký được), còn lại gần như việc thành lập và hoạt động của tổ chức này còn gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù Liên đoàn lao động tỉnh trực tiếp xuống làm việc với các doanh nghiệp, và phối hợp với các ban ngành để trực tiếp yêu cầu, vận động thành lập tổ chức công đoàn, nhưng kết quả chưa được bao nhiêu.

Nguyên nhân là theo Luật đầu tư nước ngoài, Luật lao động, Luật công đoàn, có quy định việc thành lập công đoàn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng điều kiện công đoàn phải là một tổ chức tự nguyện do người lao động tham gia. Song với người lao động mặc dù họ muốn tham gia công đoàn nhưng lại sợ mất việc. Tâm lý một số ông chủ cũng không thích có tổ chức công đoàn do họ chưa hiểu tổ chức công đoàn việt Nam là người phối hợp công tác, họ còn có quan niệm công đoàn là một tổ chức đối lập như ở một số nước hiện nay. Do vậy một số doanh nghiệp chỉ muốn có đại diện cho người lao động chứ không muốn có một ban chấp hành công đoàn cơ sở. Một số khác chưa đi vào sản xuất hoặc sản xuất chưa ổn định, làm ăn thua lỗ nên chưa quan tâm thành lập công đoàn.

Liên đoàn lao động tỉnh trực tiếp làm việc nhiều lần nhưng không thành lập được vì lý do còn phải xin ý kiến ông chủ nước ngoài... Do những nguyên nhân đó việc thành lập và hoạt động của tổ chức công đoàn hiện nay gặp nhiều khó khăn, và cũng do vậy ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ đầu tư TRỰC TIẾP nước NGOÀI của TỈNH hải DƯƠNG HIỆN NAY (Trang 46 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w