Từ việc phân tích thực trạng tình hình hoạt động FDI thời gian qua của tỉnh Hải Dương, có thể nói công tác qui hoạch của tỉnh gặp nhiều khó khăn, mặc dù đã có qui hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2000 và định hướng chiến lược đến năm 2010, song cũng còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là vướng mắc về vấn đề vốn. Chẳng hạn trong qui hoạch đến năm 2000 tập trung xây dựng Khu công nghiệp Tiền Trung (Nam Sách) phía Đông Bắc Thành phố Hải Dương nằm dọc đường 5 và đường 183, với qui mô khoảng 50 ha, vốn đầu tư ước tính khoảng 50 triệu USD, sau đó sẽ phát triển lên 150 - 300 ha. Dự kiến bố trí các ngành: Chế biến nông sản thực phẩm, điện tử, thiết bị ô tô, viễn thông, may mặc, tấm lợp vật liệu xây dựng cao cấp v.v... nếu khu công nghiệp này được hình thành sớm sẽ có cơ hội thu hút các nhà đầu tư. Nhưng vốn là một trong những nguyên nhân dẫn đến qui hoạch khu công nghiệp đó khó có tính khả thi.
Nhằm khắc phục hạn chế trên, đồng thời để đẩy mạnh thu hút FDI vào Hải Dương, trước mắt cũng như lâu dài cần phải dựa trên cơ sở của qui hoạch và kế hoạch mang tính khoa học và khả thi, việc hoạch định chiến lược, chương trình, kế hoạch thu hút FDI của Hải Dương có mối quan hệ quy hoạch tổng thể của vùng kinh tế, qui hoạch tổng thể của cả nước. Do đó tỉnh cần có sự chủ động bàn bạc với các bộ, ngành trung ương, với Chính phủ, và có sự liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ để xác định được một kế hoạch thu hút FDI mang tính chiến lược, đặc biệt là những năm đầu thế kỷ XXI và tạo đà cho các năm tiếp theo.
Qui hoạch tổng thể phát triển KT - XH của tỉnh đến năm 2000 và định hướng 2010 đã được hoàn chỉnh vào tháng 12/1997. Cho đến nay qua biến động của cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ khu vực, sự biến đổi khách quan, những diễn biến thất thường của nền kinh tế đất nước cũng như của tỉnh tác động, qui hoạch tổng thể đó cần có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Vấn đề trọng tâm đặt ra là cần nâng cao chất lượng quy hoạch của ngành và địa phương, dự báo sát với nhu cầu thị trường và công bố sớm các danh mục dự án thu hút và ưu tiên thu hút FDI sao cho phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư.
Trên cơ sở qui hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh đã được bổ sung, điều chỉnh, đồng thời dựa trên những định hướng đã được xác định từ nay đến 2005 tỉnh phấn đấu đạt trên 50 dự án đầu tư trực tiếp với tổng số vốn 500 - 750 triệu USD. Để đạt mục tiêu đó cần phải xác định danh mục dự án gọi vốn đầu tư mang tính chiến lược, xác định các dự án theo thứ tự ưu tiên về ngành nghề, thời gian và địa điểm cụ thể. Qua việc qui hoạch định ra các điều kiện ưu đãi, hình thức đầu tư, xác định những thông tin cơ
bản ban đầu, như giá thuế đất, qui mô đầu tư, nguồn nguyên liệu. Trong quá trình quy hoạch và chuẩn bị dự án đầu tư trực tiếp phải hết sức chú ý nghiên cứu sự cần thiết gọi vốn đầu tư nước ngoài của từng loại dự án, phải tính toán đến khả năng tham gia vốn của phía Việt Nam trên cơ sở tận dụng tối đa nhà xưởng, thiết bị cũng như kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn liên doanh nhằm phát huy nguồn nội lực tiềm ẩn trong tỉnh. Cũng từ danh mục này, cần xác định các dự án thực sự quan trọng, có tác động sâu rộng đến sự phát triển KT-XH của tỉnh, đưa ra các dự án cần ưu tiên để qua đó áp dụng các điều kiện, đặc biệt khuyến khích về thuế đất, từ đó có thể nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cho các dự án này.
Trong qui hoạch tổng thể, chú ý tới yếu tố kinh tế, phải nghiên cứu cụ thể các yếu tố có liên quan tới hiệu quả kinh tế. Bởi trên thực tế có những dự án khi triển khai không tiến hành được vì có nhiều khó khăn phức tạp nảy sinh (lẽ ra vấn đề này khi qui hoạch phải tính đến cụ thể).
Chẳng hạn như dự án liên doanh sân gôn Ngôi sao Hoàng gia Chí Linh (liên doanh giữa khách sạn và du lịch Hải Dương với Công ty Getway Developments của Nhật Bản, tổng số vốn đầu tư 22,1 triệu USD) Ban giải phóng mặt bằng bước đầu giải quyết một số việc, như đo đạc, thiết kế xây dựng nghĩa trang mới, nhưng với diện tích phải giải phóng quá lớn, số lượng mồ mả quá nhiều, cùng với nhiều loại cây ăn quả và nhiều hộ gia đình trong khu vực sân gôn phải giải tỏa, mà kinh phí đền bù phía Nhật chỉ chấp nhận ở giới hạn nhất định nên việc giải phóng mặt bằng có nhiều khó khăn, hiện nay dự án chưa triển khai được.
Mặt khác, tỉnh cần có qui hoạch sớm các khu, cụm công nghiệp mà tỉnh đã có qui hoạch cụ thể, như khu cụm công nghiệp Nam Thanh, Cẩm Bình, Thành phố Hải Dương, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp
nhận đầu tư nước ngoài, tránh được tình trạng khó khăn hiện nay (do chưa qui hoạch được khu công nghiệp tập trung gây nên).