Yêu cầu cung ứng một đội ngũ cán bộ và công nhân có đầy đủ kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ và cả những kiến thức về văn hóa, pháp
luật, về tinh thần trách nhiệm của công dân trong việc bảo vệ chủ quyền và an ninh chính trị, an toàn xã hội cho đất nước là một đòi hỏi hết sức bức thiết, không thể thực hiện một lần là xong, mà phải tiến hành thường xuyên, liên tục và lâu dài. Để làm tốt nhiệm vụ đó, phải tiến hành xây dựng cho được các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ... trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thông qua các tổ chức đó để làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công nhân trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Cần phải nhận thức được tính đặc thù của các tổ chức này trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các tổ chức đó trong các doanh nghiệp của Nhà nước và của tập thể.
- Xác định rõ mục tiêu hoạt động của các tổ chức đó là bảo đảm cho các doanh nghiệp phát triển ổn định, theo đúng pháp luật của Việt Nam, bảo vệ lợi ích chính đáng cho nhà đầu tư và người lao động.
- Các đơn vị cần tổ chức thực hiện tốt việc thành lập tổ chức công đoàn theo Bộ Luật lao động (đại bộ phận các doanh nghiệp chưa làm tốt việc này) để bảo vệ quyền lợi của phía lao động Việt Nam, giải quyết những vướng mắc trong quan hệ giữa công nhân lao động với chủ đầu tư nước ngoài. Cần coi trọng hoạt động của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp FDI.
- Điều quan trọng nhất và mang tính cấp thiết là phải bằng mọi hình thức (có thể bằng hình thức tuyên truyền, giới thiệu, gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài...) để các nhà đầu tư nước ngoài nhận thức đúng về tổ chức công đoàn trong các nước XHCN. xóa đi mặc cảm về việc đối lập giữa Công đoàn với ông chủ (như trong các nước TBCN). Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản mà trong thời gian qua các doanh nghiệp có FDI không thành lập được tổ chức công đoàn.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Mục tiêu thu hút FDI trong thời gian tới của Hải Dương là: Tăng nguồn vốn cho đầu tư phát triển, thu hút lực lượng lao động, tiếp thu khoa học - công nghệ tiên tiến và góp phần tăng nguồn thu của ngân sách tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Để thực hiện mục tiêu đó phải:
Tiếp tục mở rộng và phát triển kinh tế đối ngoại, đặc biệt đẩy mạnh hoạt động thu hút FDI.
Để thực hiện được mục tiêu phương hướng đề ra đến 2010, ngoài những giải pháp ở tầm vĩ mô, tỉnh Hải Dương cần tiến hành những giải pháp như sau:
- Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao nhận thức về FDI, cải tiến quản lý Nhà nước và tiếp tục cải cách hành chính trong công tác quản lý FDI.
- Thực hiện tốt công tác quy hoạch tổng thể, lập kế hoạch và dự án đầu tư.
- Đẩy mạnh và dần hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật tạo môi trường thuận lợi thu hút FDI.
- Tập trung tạo lập đối tác trong nước, đẩy mạnh công tác tìm kiếm, lựa chọn đối tác nước ngoài, đổi mới công tác vận động xúc tiến đầu tư một cách chủ động, tích cực chú trọng công tác tuyên truyền giới thiệu tiềm năng của tỉnh với đối tác bên ngoài.
- Cần đẩy mạnh công tác đào tạo, chuẩn bị tốt đội ngũ cán bộ, công nhân phục vụ cho nhu cầu hoạt động trong các doanh nghiệp có FDI.
- Thành lập các tổ chức quần chúng trong doanh nghiệp có FDI nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động cũng như tổ chức các hoạt động xã hội khác.