Tháng 10/1966, Denis Healey bật cười lớn khi Keng Swee và tôi yêu cầu ông ta bán cho chúng tôi đội máy bay chiến đấu Hawker Hunter. Ông ta phất tay và bảo chúng tôi cần gì phải làm như thế, lực lượng Anh Quốc sẽ bảo vệ chúng tôi. Chúng tôi rời khỏi London, yên tâm rằng Không lực Hoàng gia (Royal Air Force – RAF) sẽ ở lại Singapore.
Chúng tôi rất cần nhân tố lòng tin mà quân đội Anh đã tạo ra. Nếu họ đột nhiên rời khỏi trước khi chúng tôi có đủ khả năng phòng vệ thì tôi không nghĩ rằng chúng tôi có thể tồn tại. Sự hiện diện của họ tạo cho người dân cảm giác an toàn, không có điều đó chúng tôi sẽ không nhận được sự đầu tư cũng như không có khả năng xuất khẩu hàng hóa và mậu dịch. Đó là cách duy nhất mà chúng tôi có thể tạo đủ công ăn việc làm cho các sinh viên mới ra trường và ngăn chặn tình trạng thất nghiệp hàng loạt. Tháng Giêng năm đó, tôi đã gặp thủ tướng Anh, Harold Wilson tại cuộc hội nghị khẩn các thủ tướng thuộc Khối Thịnh vượng chung ở Lagos về vấn đề đơn phương tuyên bố độc lập (Unilateral Declaration of Independence – UDI) của Rhodesia5. Giữa buổi họp, chúng tôi thảo luận về tương lai của lực lượng Anh quốc tại Singapore. Thủ tướng bảo tôi rằng ông ta dự định rút 25.000 trong số 50.000 quân đang bảo vệ tại Malaysia. Mặc dù thủ tướng nói ông vẫn chưa quyết định, nhưng tôi đoán rằng ông sẽ cắt giảm lực lượng quân đội.
Tháng 4/1966, để thăm dò ý định của Anh, tôi đã đến London để thảo luận về kế hoạch quốc phòng của họ. Điều trở ngại là nhóm người vận động ủng hộ cuộc rút quân khỏi Đông Suez ngày càng trở nên đông hơn ở cả hai đảng Lao động và đảng Bảo thủ và cả trong các cây bút và giới bình luận hàng đầu của họ. Healey (theo báo chí Anh tường thuật) phát biểu rằng trong nội các chính phủ, George Brown, người đứng thứ hai sau Wilson, đang dẫn đầu một nhóm người ủng hộ mạnh mẽ cuộc rút quân nhanh chóng. Quan điểm này dễ dàng chiếm được sự ủng hộ từ phía đảng Lao động và các nghị sĩ của đảng Lao động.
Iain MacLeod, cựu bộ trưởng đảng Bảo thủ và hiện nay là Bộ trưởng Kinh tế – tài chính lập sẵn của phe đối lập6, cho tôi biết có rất nhiều người “châu Âu”
(những người theo khuynh hướng hợp nhất với châu Âu) trong đảng của ông ta ủng hộ cuộc rút quân này.
Tôi cảm thấy Wilson đang tận lực duy trì quân đội Anh ở lại Singapore và Malaysia tối thiểu là trong nhiệm kỳ này và ắt hẳn phải có một điều kiện trao đổi từ phía người Mỹ. Các đại sứ thân hữu bảo tôi rằng Mỹ đang giúp Anh ủng hộ giá trị của đồng bảng Anh với điều kiện nước Anh phải tiếp tục duy trì sự hiện diện của họ tại Đông Suez. Hoa Kỳ có những lý do riêng để muốn Anh ở lại. Tháng Giêng năm 1966, quân lực Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam đã lên
đến con số 150.000, và Không lực Hoa Kỳ đang ném bom vào các mục tiêu trọng điểm tại miền Bắc Việt Nam. Sau đó George Brown khẳng định với tôi rằng "quid" chính là sự ủng hộ của Mỹ đối với đồng bảng Anh mà khi đó đang được định giá quá cao và đang ở trong tình trạng chịu sức ép.
Denis Healey, Bộ trưởng Quốc phòng, là người lãnh đạo quan trọng nhất mà tôi phải gặp sau Wilson. Cá nhân tôi rất thích ông ta. Ông là một trí thức có năng lực, giống như một cái máy vi tính luôn đề ra những giải pháp mới khi có nhiều dữ liệu hơn được đưa vào. Sự mềm dẻo và tính cách hoạt bát dễ làm ông trở thành người bạn tương đắc trong bữa ăn tối với nhiều câu chuyện hữu ích và thú vị về những người tôi muốn biết. Song ông có thể pha giọng châm biếm khi đánh giá người khác. Một lần, khi nói về một thủ tướng trong Khối Thịnh vượng chung, chỉ vào hai bên thái dương, ông nói: "Ông ta chỉ toàn gỗ từ đây sang đây".
Qua ông ta, tôi có một bản tóm tắt tốt về quan điểm của các bộ trưởng của đảng Lao động. Healey tin rằng mặc dù có khả năng nhưng sẽ rất khó khăn cho Chính phủ Anh để duy trì quân đội Anh tại Viễn Đông trong những năm 1970. Trong nội các, hầu hết các bộ trưởng đều tán thành việc rút quân trong vòng năm năm tới; duy chỉ có Harold Wilson, Michael Stewart và bản thân Healey – "một sự kết hợp ghê gớm" – vẫn kiên nhẫn duy trì quân lực Anh tại Đông Suez trong thập niên tới. Tôi đoán chắc điều đó khi tôi gặp Michael Stewart, Bộ trưởng Ngoại giao, và nhận ra ông ta là một con người kiên định đáng tin cậy.
Healey cho rằng có một loạt ý kiến mạnh mẽ từ phía đảng Lao động muốn lực lượng Anh rút hoàn toàn khỏi các hiệp ước với nước ngoài, tin rằng các lực lượng này tại Viễn Đông thực tế ít đảm nhiệm vai trò một công cụ gìn giữ hòa bình và ổn định, mà chỉ là một thứ công cụ để răn đe trong các tranh cãi giữa các chính phủ trong khu vực. Healey cảnh báo chính sách quân sự của Anh tại Viễn Đông có thể thay đổi nhiều trong nhiệm kỳ chính quyền đương nhiệm. Sự không rõ ràng trong việc quyết định thời gian ở lại của quân đội Anh đã không ngừng tạo ra lo lắng. Keng Swee và tôi thống nhất với nhau là dù cuối cùng nước Anh quyết định như thế nào, chúng tôi vẫn phải xây dựng khả năng phòng thủ càng sớm càng tốt để chứng tỏ với nhân dân và thế giới biết rằng chúng tôi không phải là không có khả năng tự bảo vệ.
Thứ Hai, ngày 25/4/1966, trước ngày rời khỏi London, tôi có một cuộc gặp cuối cùng với Harold Wilson. Ông ta hỏi tôi về sự đóng góp của các căn cứ Anh đối với nền kinh tế Singapore. Tôi đánh giá nó chiếm khoảng 20% tổng thu nhập quốc dân. Sự cắt giảm dần các căn cứ này sẽ khiến một số lượng đáng kể người Mã Lai và Ấn phải trở về nước. Điều này sẽ tạo sự bất ổn cho nền kinh tế, nhưng điều tôi e ngại nhất chính là sự tác động đối với tinh thần nhân dân.
Phải nỗ lực rất lớn mới có thể thuyết phục người dân tin rằng chủ nghĩa cộng sản không phải là một trào lưu tất yếu của tương lai. Sự rút lui của quân đội Anh và việc đóng cửa các căn cứ sẽ dẫn đến sự xói mòn tinh thần nghiêm
trọng. Người ta không thể tránh khỏi phải chấp nhận sức mạnh của Trung Quốc.
Tôi kết luận rằng Wilson và chính quyền của ông không thể giúp gì nhiều cho Singapore trong việc dàn xếp các hiệp ước phòng thủ và kinh tế với Malaysia. Sức ảnh hưởng của người Anh đã suy yếu, đặc biệt là khi cuộc "Xung đột đối đầu" với Indonesia đã lắng dịu. Chuyến đi lần này tốt đẹp như tôi hy vọng. Những người đứng đầu nước Anh, đặc biệt là Wilson và Healey, nhấn mạnh rằng họ thật sự sửng sốt vì sự chia tách này, và lẽ ra chúng tôi không nên thực hiện một bước đi quá mạnh mẽ như vậy mà không có sự cố vấn của họ nhất là vào lúc họ đang bảo vệ chúng tôi trước cuộc xung đột với Indonesia.
Hiện có rất nhiều người quan tâm đến việc họ có nên ở lại Đông Nam Á hay không. Họ nhấn mạnh điều đó để cho thấy tính nghiêm trọng của tình hình.
Trong tương lai gần, Singapore sẽ có những người bạn trong chính quyền của đảng Lao động và cả trong ban lãnh đạo của đảng Bảo thủ đối lập. Tôi hy vọng điều này sẽ cho chúng tôi thời gian một vài năm để xây dựng lực lượng quốc phòng, khôi phục nền kinh tế, giao thương lại với Indonesia và quan trọng hơn hết là đầu tư phát triển công nghiệp.
Wilson tỏ ra thân thiện trong suốt thời gian tôi lưu tại London vào tháng Tư năm đó. Ông ta mời tôi ăn trưa tại số 10 đường Downing cùng với các bộ trưởng chủ chốt trong nội các và lãnh đạo phe đối lập Thượng viện Anh, Peter Carrington, các phu nhân của họ cũng có mặt. Trong một bài ứng khẩu, Peter Carrington đã phát biểu những lời nồng nhiệt nhất. Đáp lại, tôi cám ơn tình hữu nghị và sự ủng hộ mà ông ta dành cho tôi.
Chẳng bao lâu sau khi tôi rời khỏi London, Wilson phải đối đầu với áp lực từ phía đảng Lao động yêu cầu ông rút giảm quân lực theo các cam kết về phòng thủ với nước ngoài. Tháng 6/1966, tại cuộc họp với các nghị sĩ của đảng Lao động, Wilson đã phải khơi dậy tình cảm xã hội của họ:
Nói một cách thẳng thắn, nếu chỉ nghĩ đến bản thân mình, chúng tôi vui lòng rời khỏi Singapore càng sớm càng tốt. Tuy nhiên chúng ta không thể nói, như chúng ta đã làm tại Aden, rằng chính phủ và nhân dân địa phương không cần đến chúng ta. Lý Quang Diệu, một thành viên đảng Xã hội Dân chủ thuộc phe cánh tả đáng tin cậy như bất cứ ai đang hiện diện trong căn phòng này, chắc chắn mong muốn chúng ta ở lại Singapore. Chúng ta hãy nhớ trên mặt trận chính trị tại Đông Nam Á và trong cuộc tranh cử, Lý Quang Diệu đã bộc lộ sự can đảm phi thường trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản trong khu vực cộng sản muốn giành quyền kiểm soát.
Chính phủ Singapore, như chúng ta đã biết, là chính phủ xã hội dân chủ duy nhất theo đúng nghĩa tại Đông Nam Á.
Những thành tích xã hội của ông ta, chẳng hạn như chương trình nhà ở, thách thức bất kỳ thành tích nào trong các cộng đồng dân chủ xã hội tiến bộ nhất.
Sau chuyến đi London, tôi đã tham dự hội nghị quốc tế xã hội chủ nghĩa tại
Stockholm để tiếp xúc với các lãnh tụ đảng Xã Hội Anh và châu Âu. Tại đây, tôi được gặp George Brown sau bữa ăn trưa. Bằng giọng thành thực và thẳng thừng, ông ta nói muốn rút quân khỏi Đông Nam Á càng sớm càng tốt. Ông ta thừa nhận ý kiến mình thuộc thiểu số, nhưng ông sẽ kiên trì giữ chính kiến của mình. Brown nói Wilson và Healey có tình cảm ưu ái đối với tôi và chính phủ Singapore, nhưng ông chán ngấy chuyện điều này là lý do biện hộ cho chính sách của Anh tại Đông Suez. Ông ta muốn có lời tuyên bố rút quân chính thức trong một cuộc duyệt lại chính sách quốc phòng được công bố vào tháng 10/1965, tuy nhiên ông ta chỉ là thiểu số. Tôi phân tích rằng nếu Anh rút quân, Hoa Kỳ sẽ không hậu thuẫn cho đồng bảng Anh. Đồng bảng Anh sụt giá và đảng Lao động sẽ thất bại trong cuộc bầu cử lần thứ hai. Brown khẽ bực giọng rằng thoả ước giữa Lyndon Johnson và Harold Wilson kết cuộc sẽ chẳng đem lại lợi lộc gì cho nước Anh.
Tháng 7/1966, Healey viếng thăm Singapore và bảo tôi rằng quân lực Anh tại Singapore và Malaysia sẽ bị cắt giảm xuống mức lẽ ra đã được thực hiện nếu như không xảy ra xung đột. Ông ta đã đến Kuala Lumpur. Với vẻ thẳng thắn, Healey nói ông đã tuyên bố với báo chí rằng không hề có sự chống đối nước Anh tại đây và không có lý do nào khác ngoài những khó khăn hiện tại của nền kinh tế Anh đã ngăn viện trợ cho Malaysia. Ông ta nháy mắt và nói người Malaysia biết rằng những gì mà ông gọi là "Tháng ghét nước Anh" của họ đã gây ấn tượng xấu và phản tác dụng. Các lãnh tụ Malaysia phản ứng giận dữ trước sự chỉ trích của giới truyền thông Anh đối với chính sách ngôn ngữ và sắc tộc của họ và mối quan hệ của họ với người Anh trở nên xấu đi. Cho đến thời điểm Healey đến Malaysia, nó đã trở thành "Tháng yêu nước Anh".
Healey vui vẻ, đầy thân thiện và vững vàng. Có nhiều lúc tôi cảm thấy rằng Anh sẽ có thể ở lại trong một thập niên, những năm 1970. Nhưng lúc khác, tôi lại sợ rằng thời gian không còn nhiều cho Wilson và Healey. Trên tinh thần chung, nghị sĩ đảng Lao động Anh ủng hộ mạnh mẽ việc cắt giảm chi phí phòng thủ ở nước ngoài để tập trung mọi nguồn lực cho nước Anh.
Healey thực hiện chuyến viếng thăm Singapore lần thứ hai vào ngày 22/4/1967. Ông ta nói rõ Anh sẽ rút quân khỏi lục địa châu Á vào khoảng cuối thập niên 70. Tôi nhấn mạnh rằng cần phải duy trì nhân tố lòng tin vào an ninh chung của toàn khu vực và không nên có sự thay đổi đột ngột nào khác.
Healey giải thích quyết định rút quân là vì lý do kinh tế, không phải vì lý do quân sự và vì vậy sẽ không có khả năng thay đổi. Không còn cách nào khác để giải quyết vấn đề tài chính của Anh. Bên cạnh đó còn là nỗi lo sợ bị lôi kéo vào cuộc chiến Việt Nam. Anh thực sự kinh hoàng đối với chiến trường đẫm máu tại Việt Nam.
Hai ngày sau, trong một cuộc họp khác, Healey cố gắng làm dịu cú sốc bằng cách nói về sự viện trợ có ý nghĩa đối với Singapore. Sau cùng, Healey nói sẽ giảm chứ không phải là rút quân hoàn toàn, ông ta nhận thức được ý nghĩa quan trọng của nhân tố niềm tin và sẽ cố gắng thuyết phục các đồng sự về vấn
đề này. Tuy nhiên, Healey phải thực hiện một kế hoạch quốc phòng dài hạn cho nước Anh và không thể trì hoãn. Ông ta hỏi chúng tôi về kế hoạch đối với các xưởng tàu hải quân. Tôi nói với ông về dự định sẽ giao cho Swan & Hunter (một công ty đóng tàu ở Anh) đảm trách và "dân dụng hoá" các xưởng tàu, tôi đã thuyết phục họ tiếp quản xưởng tàu Keppel dân dụng để tập cho họ làm quen với các điều kiện của chúng tôi.
Thủ tướng Úc, Harold Holt và thủ tướng New Zealand, Keith Holyoake, cùng đánh điện cảnh báo tôi rằng việc rút giảm phần lớn quân lực Anh đang được xem xét và điều này sẽ dẫn đến sự tháo bỏ và giải thể hệ thống các thỏa ước phòng thủ của Khối Thịnh vượng chung.
Các chỉ huy quân đội Anh tại Singapore không mong muốn có một cuộc rút quân vội vã. Tháng 5, một tháng sau chuyến viếng thăm Healey, Keng Swee cùng tôi dùng bữa tối với Sir Michael Carver, Tổng tư lệnh Anh tại Viễn Đông.
Carver hầu như rất vững tâm. Ông ta nói vai trò chính yếu của lực lượng quốc phòng Singapore là ngăn chặn bạo động từ bên trong và bên ngoài. Trong tình hình phải đương đầu với các thế lực thù địch kéo dài, chúng tôi sẽ phải dựa vào lực lượng đồng minh. Thái độ của ông ta làm tôi tin rằng ông ta hy vọng quân đội Anh sẽ ở lại Singapore trong một thời gian nữa.
E rằng các bậc thầy chính trị của Carver suy tính khác hoặc họ bị áp lực buộc phải thực hiện những điều họ không thể nghĩ đến, tôi đã viết thư cho Harold Wilson vào ngày 26/5 rằng bất cứ cuộc đàm phán nào về "sự viện trợ có ý nghĩa" đều có những ẩn ý đáng ngại. Nguy cơ bất ổn định về mặt kinh tế chỉ là thứ yếu so với nguy cơ tổn thất lòng tin nghiêm trọng khi người ta biết rằng Anh quyết định rút quân vào giữa thập niên 70. Wilson gởi thư phúc đáp trấn an và sau đó mời tôi đến London để mở đầu cho một cuộc thương thảo.
Tháng 6/1967, khi Keng Swee và tôi gặp Healey, ông ta cung cấp cho chúng tôi một danh sách chi tiết các đợt rút quân tới ngày 31/3/1968 và sự rút quân kéo dài từ năm 1968 tới 1971. Sau năm 1971, Anh sẽ để lại một lực lượng đổ bộ tại Đông Nam Á, một loại "cảnh sát tuần tra".
Những cuộc bàn thảo có liên quan đến kinh tế đều do Keng Swee xử lý.
Giống như tôi, ông ta lo lắng cho vấn đề an ninh hơn vấn đề kinh tế khi lực lượng Anh bị cắt giảm. Cả hai chúng tôi đều cảm thấy rằng bằng cách này hay cách khác, chúng tôi có thể kiềm chế sự tụt dốc của nền kinh tế nếu như tình hình an ninh và lòng tin không bị lung lay. Tôi đã hỏi ý kiến của một viên chức thuộc Bộ Phát triển đối ngoại, người chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến việc rút quân của Anh tại Malta, liệu rằng chúng tôi có thể dùng các sân bay bỏ trống cho mục đích dân dụng hay không. Theo kinh nghiệm của người Anh, ông ta trả lời, các sân bay bỏ trống hoặc là được sử dụng cho nông nghiệp, hoặc trong một số ít trường hợp được sử dụng để phục vụ cho ngành công nghiệp nhẹ. Tôi không nghĩ rằng nông nghiệp và công nghiệp nhẹ có thể hứa hẹn được điều gì cho Singapore và yêu cầu cho phép Ủy ban Phát triển Kinh tế của chúng tôi vào ba sân bay của Anh gồm Tengah, Seletar và Changi