TRUNG QUỐC: CON RỒNG ĐUÔI DÀI

Một phần của tài liệu Sách bí quyết hóa rồng (Trang 471 - 491)

Không một đất nước nào, ngoại trừ nước Anh, đã có ảnh hưởng lớn đối với nền chính trị của Singapore hơn Trung Quốc – quê cha đất tổ của ba phần tư dân số nước chúng tôi. Mối quan hệ Trung Quốc – Singapore là một câu chuyện dài, phức tạp và bất bình đẳng. Từ lúc phát hiện ra Singapore vào năm 1819 cho đến năm 1867, triều đại nhà Thanh, Trung Quốc đã không hề công nhận sự tồn tại của những kiều bào hải ngoại. Điều này đã được thay đổi vào những năm 1870 khi Trung Quốc thiết lập các lãnh sự của họ ở Nanyang (Biển Nam), khi đó dưới sự thống trị thuộc địa của các nước Anh, Pháp, Hà Lan.

Những lãnh sự quán này, kể cả ở Singapore ít chú trọng tới việc bảo vệ người Hoa mà có mục đích nặng về giữ lòng trung thành của họ với Trung Quốc bằng cách thúc đẩy nền giáo dục và văn hóa Trung Quốc và thu hút sự hỗ trợ tài chính.

Trong những năm 1920, Đảng Cộng sản Trung Quốc (Chinese Communist Party – CCP) đã đưa cán bộ của họ đến Singapore để xây dựng một phong trào cộng sản ở Nanyang. Khi những người cộng sản tổ chức một cuộc họp bí mật ở Singapore năm 1930 để thành lập Đảng Cộng sản Malaya (Malayan Communist Party – MCP), thì Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ cộng sản huyền thoại của Việt Nam cũng có mặt. Sự thù địch và những cuộc xung đột giữa Quốc Dân Đảng (Kuomintang Nationalist Party – KMT) và Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CCP) ở Trung quốc đã lan sang cả những người ủng hộ hai phe ở Singapore và Malay. Trong cuộc chiến tranh, cả hai đảng KMT lẫn CCP đã đấu tranh chống lại người Nhật ở Trung Quốc. Bởi vì những hoạt động kháng Nhật của họ mạnh hơn nên Đảng Cộng sản Trung Quốc lôi kéo được một sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ phía công nhân và nông dân Trung Quốc.

Sự ra đời của nước Trung Quốc cộng sản trong năm 1949 đã truyền lòng tự hào yêu nước sâu sắc dâng tràn trong cộng đồng những người trí thức người Hoa vì họ đang trông đợi sự xuất hiện của một Trung Quốc hùng mạnh có thể xóa bỏ cho họ sự nhục nhã và ách nô lệ của nước Anh và các nước châu Âu khác. Mặt khác, nó khơi dậy sự lo sợ nằm sâu trong lòng những người Malay, người Ấn, người Hoa học trường Anh, và một thiểu số trí thức người Hoa ủng hộ Quốc Dân Đảng. Năm 1949 cả hai Đảng KMT và CCP bị cấm hoạt động ở Singapore nhưng sự phân chia cộng đồng dân cư giữa hai đảng vẫn tồn tại.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa muốn tăng cường lòng trung thành của người Hoa ở hải ngoại dành cho Bắc Kinh. Năm 1949, họ đã thành lập một Ủy ban Kiều bào và bắt đầu những chương trình phát thanh. Ủy ban này ủng hộ giáo dục bằng tiếng Hoa ở nước ngoài và khuyến khích người Hoa ở Nanyang gửi các con trai của họ về quê hương Trung Quốc học tập và gửi tiền về cho thân

nhân của họ. Họ còn kêu gọi các bác sĩ, kỹ sư, giáo sư có trình độ trở về và giúp tái thiết quê nhà. Điều này đã là một thách thức mang tính lật đổ đối với các chính phủ thực dân và các chính phủ mới giành được độc lập của Đông Nam Á như ở Indonesia, và sau đó là Malaya. Đài phát thanh Bắc Kinh, tờ Nhân Dân Nhật báo và tờ Tạp chí Bắc Kinh thường xuyên lên án Malaysia là công cụ của chủ nghĩa thực dân mới để ngược đãi những người dân có nguồn gốc Trung Quốc.

Tunku và các vị lãnh đạo Malay khác quan ngại ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Đảng Cộng sản Malaysia và đông đảo người dân nói tiếng Hoa của nước họ.

Năm 1963, khi Chu Ân Lai viết cho tôi một bức thư giống như những bức thư gửi cho nhiều vị đứng đầu chính phủ kêu gọi triệt thoái và phá hủy vũ khí hạt nhân, tôi đã ôn hòa trả lời ông ta rằng tất cả sẽ hoan nghênh một giải pháp như thế. Điều này xảy ra trong lúc chúng tôi chỉ là một thuộc địa tự trị chứ không phải là một bang của Malaysia. Năm 1964, khi bức thư của tôi gửi ông Chu được Trung Quốc công bố trước công luận, và lúc đó chúng tôi đang ở trong Malaysia, Tunku đã công khai chỉ trích tôi là "đã trực tiếp qua lại thư từ với một chính phủ không được Malaysia công nhận và chính phủ đó đã được chứng minh qua lời nói và hành động là thù địch với Malaysia."

Vào tháng 1/1965, thủ tướng Chu Ân Lai đã lên án việc hình thành Malaysia trong một bài diễn văn đọc trước phái đoàn Indonesia ở Bắc Kinh. Sau khi độc lập, chúng tôi đã không có tiếp xúc ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thật thế, mãi cho đến năm 1970, Bắc Kinh đã không công nhận sự tồn tại của một Singapore độc lập. Những bản tin trên đài phát thanh và các ấn phẩm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chỉ đề cập đến Singapore như là "một phần của Malay". Và Malaysia cũng không tồn tại bởi vì nó chỉ là "một mảnh đất của chủ nghĩa thực dân mới". Các chiến dịch tuyên truyền của họ thường xuyên lên án "nhà cầm quyền Singapore" là "đàn áp vũ trang dã man nhân dân Singapore". Năm 1966, Tổng Liên đoàn Lao động Trung Quốc đã gửi một bức điện cho các hội đoàn cánh tả ở Singapore bày tỏ sự căm phẫn của công nhân Trung Quốc trước "việc nhà cầm quyền Singapore theo đuổi chủ nghĩa đế quốc Mỹ và Anh đã có những hành động đàn áp dã man đối với công nhân". Năm 1968, Đài phát thanh Bắc Kinh đã chỉ trích đích danh tôi bằng cách đưa tin Lý Quang Diệu là "chó săn của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và Anh."

Khi Cách mạng Văn hóa Trung Quốc đang ở đỉnh cao của nó, chúng tôi thường phải tịch thu hàng đống tem Trung Quốc mang dòng chữ "Tư tưởng Mao Trạch Đông" do một số nhà sách kinh doanh sách tiếng Hoa nhập khẩu từ Trung Quốc và hàng nghìn phiên bản sách đỏ cỡ nhỏ của Mao do những thủy thủ Trung Quốc đã mang theo vào nước chúng tôi để phân phát. Ngay cả Chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc ở Singapore cũng tham gia vào cơn sốt điên cuồng này và đã phân phát các tài liệu tuyên truyền Cách mạng Văn hóa cho khách hàng của họ ngay tại quầy giao dịch. Chúng tôi đã bắt giữ và khởi tố những công dân của mình chạy theo cơn sốt điên khùng này nhưng không đụng chạm gì đến những kiều dân Trung Hoa để giữ quan hệ thương mại bình

thường với Trung Quốc.

Vào cuối năm 1970, Bắc Kinh lặng lẽ thay đổi lập trường của họ đối với Singapore. Tại các thủ đô của các quốc gia nơi chúng tôi có sứ quán, các vị trưởng đoàn của chúng tôi đã được mời đến dự tiệc chiêu đãi nhân ngày Quốc Khánh Trung Quốc. Ưu tiên của Trung Quốc hồi đó là lôi kéo càng nhiều chính phủ càng tốt để sát cánh trong hàng ngũ của họ nhằm chống lại Liên Xô và để ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng của Liên Xô ở vùng Đông Nam Á. Sự can thiệp của Liên Xô vào Tiệp Khắc năm 1968 và cuộc đụng độ tại biên giới giữa lực lượng quân sự Trung Quốc và Nga ngang qua con sông Amur năm 1969 đã khiến cho những trò hề cách mạng của Trung Quốc trở nên nguy hiểm. Những diễn biến đang làm yếu đi khả năng của Trung Quốc chống lại Liên Xô.

Tới năm 1971, Trung Quốc ngừng các cuộc công kích công khai đối với chính phủ Singapore. Năm đó, Chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc ở Singapore đã treo quốc kỳ Singapore trong ngày Quốc Khánh của chúng tôi, điều mà họ đã không làm trước kia. Quan hệ thương mại giữa hai nước luôn luôn có lợi về phía họ. Singapore bấy giờ là nơi Trung Quốc thu được lượng ngoại tệ lớn thứ hai sau Hong Kong. Chúng tôi đã không quan tâm mấy về khoản thâm hụt trong cán cân thương mại vì Singapore là một trung tâm xuất nhập khẩu.

Nhưng chúng tôi yêu cầu tất cả các hãng buôn Singapore của người Hoa có quan hệ mua bán với Trung Quốc phải đăng ký với cơ quan chính phủ quản lý thương mại với các quốc gia cộng sản. Như vậy, quyền kinh doanh từ phía Trung Quốc phải phù hợp với giấy phép do chính phủ Singapore cấp.

Mối liên hệ đầu tiên là thông qua con đường "ngoại giao bóng bàn" năm 1971. Chúng tôi đã cho phép một đội bóng bàn Singapore nhận lời mời sang giao đấu tại cuộc thi đấu bóng bàn Hữu nghị Á – Phi ở Bắc Kinh. Vài tháng sau, một phái đoàn thứ hai đã tham dự giải do Hiệp hội Bóng bàn châu Á tổ chức.

Năm kế đó, chỉ độ một vài tháng sau khi Nixon sang thăm Trung Quốc, chúng tôi lại chấp nhận đề nghị của Trung quốc gửi đội bóng bàn sang thi đấu hữu nghị ở Singapore. Chúng tôi đã từ chối hai lời đề nghị trước đó, một là của một đoàn xiếc, và đề nghị kia là một phái đoàn thương mại Bắc Kinh. Raja, với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao cho rằng sự cự tuyệt lần thứ ba sẽ là một sự xúc phạm không cần thiết. Trong thời gian diễn ra các trận đấu bóng bàn hữu nghị, tôi phẫn nộ khi một phần lớn khán giả cười nhạo đội nhà và hô to các khẩu hiệu ca ngợi Mao. Tôi đã công khai chỉ trích những người cánh tả ấu trĩ này là những tên tiểu Mao của Singapore.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng đã thay đổi lập trường đối với Hoa kiều.

Thủ tướng Malaysia Razak đã cử một phái đoàn đến Bắc Kinh vào tháng 5/1974, một năm trước lúc Sài Gòn bị sụp đổ. Sau khi trở về, chính phủ Malaysia đã gửi cho chúng tôi một bản tóm tắt về các cuộc thảo luận của họ ở Bắc Kinh. Người đứng đầu phái đoàn đã đặt cho Thủ tướng Chu Ân Lai hai câu hỏi. Thứ nhất, về chính sách của Trung quốc đối với Hoa kiều; thứ hai, về sự hỗ trợ của họ đối với Đảng Cộng sản Malaysia. Ông Chu trả lời rằng thuật ngữ

"Hoa kiều" là không chính xác vì nhiều người đã lấy quốc tịch của quốc gia nơi họ cư trú. Về bản chất, họ là những người Bảo thủ và đã trở thành một vấn đề lớn trong quan hệ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với những nước này.

Nước "Trung Quốc mới" đã áp dụng một chính sách cách mạng mới đối với

“những người mệnh danh là kiều bào hải ngoại”. Họ đã giải thể ủy ban công tác kiều bào hải ngoại để những người Hoa sống ở nước ngoài thôi nuôi ý định trở về lại Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không can thiệp nếu bất kỳ quốc gia nào có cộng đồng dân cư người Hoa xóa bỏ sách báo và trường học dành riêng cho người Hoa. Và về vấn đề Đảng Cộng sản Malaysia, vấn đề phải được "xem xét từ viễn cảnh lịch sử". Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa luôn luôn ủng hộ "các phong trào giải phóng" tự giải phóng mình khỏi ách áp bức thực dân. Nhưng chỉ có sự ủng hộ từ bên trong đất nước đó chứ không phải từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới có thể giúp phong trào này thành công. Vì vậy, nếu các nước Đông Nam Á và Trung Quốc có một quan điểm nhìn về phía trước, thì mối quan hệ có thể được cải thiện và họ có thể có các quan hệ ngoại giao.

Từ năm 1969, Trung Quốc đã yêu cầu những Hoa kiều sống ở nước ngoài khi đến thăm Trung Quốc phải xin thị thực nhập cảnh, mặc dù trước đó họ đã được phép nhập cảnh tự do. Họ quyết định rằng không thể bắt cá hai tay. Nếu họ muốn có quan hệ ngoại giao bình thường với các nước Đông Nam Á có kiều bào của họ sinh sống, họ phải từ bỏ nguyên tắc huyết thống (luật quan hệ máu mủ), nghĩa là bất kỳ người nào có cha ông là người Trung Quốc thì tự nhiên họ là người Trung Quốc.

Tháng 10/1971, đại diện thường trực của chúng tôi tại Liên Hiệp Quốc, khi bỏ phiếu tán thành sự gia nhập của Trung Quốc vào Liên Hiệp Quốc, đã nói:

"Chỉ có một nước Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc… Vậy theo đó thì vấn đề Đài Loan chỉ là một vấn đề nội bộ phải được nhân dân Trung Quốc bao gồm những người sống ở Đài Loan tự giải quyết". Nhưng chúng tôi vẫn chưa có trao đổi chính thức với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Mãi sau khi chính phủ Malaysia thiết lập quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào tháng 5/1974, tôi mới nghĩ rằng đã đến lúc Singapore khởi xướng các cuộc tiếp xúc chính thức với Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Và thế là tôi chấp thuận để Raja thực hiện một chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 5/1975.

Chúng tôi tin rằng nằm ở hàng đầu trong những điều làm bận tâm người Trung Quốc là mối quan hệ giữa Singapore với kẻ thù ghét cay ghét đắng của họ – Liên Xô. Kiều Quán Hoa, Thứ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc đã gặp Raja tháng 10/1974 tại Liên Hiệp Quốc, và hỏi về những chiếc tàu Nga được sửa chữa tại Singapore. Raja giải thích rằng chúng tôi không phân biệt đối xử với bất kỳ quốc gia nào muốn có tàu dừng lại sửa chữa vì chúng tôi là một cảng mở và Raja khẳng định với Kiều rằng chúng tôi sẽ không cho phép Singapore bị sử dụng vào những hoạt động lật đổ chống lại các nước láng giềng trong đó có Trung Quốc. Raja nhắc lại quan điểm này với Chu Ân Lai khi họ gặp nhau, và nói thêm rằng các nước láng giềng của chúng tôi hết sức nhạy

cảm với vấn đề cộng đồng người Hoa chiếm đa số của Singapore, vì thế chúng tôi sẽ lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc chỉ sau khi Indonesia đã làm như thế. Chúng tôi phải tránh tiếng không để mối hoài nghi rằng Singapore bị ảnh hưởng bởi mối ràng buộc họ hàng với Trung Quốc. Thủ tướng Chu nói rằng Trung Quốc tôn trọng Singapore như một nước độc lập. Chúng tôi cũng cần thời gian để giảm bớt con số những người dân sinh ra ở Trung Quốc, dễ bị cuốn theo những lời kêu gọi mang tính chất sô–vanh, những người đang giữ những cương vị có ảnh hưởng trong những tổ chức khác nhau kể cả Phòng Thương mại người Hoa. Chúng tôi đã chứng kiến những người sinh ở Trung Quốc nhạy cảm như thế nào đối với sự níu kéo của tình cảm và máu mủ.

Thủ tướng Chu chuyển lời mời tôi sang thăm Trung Quốc thông qua Thủ tướng Thái Lan – ông Kukrit Pramoj – là người đến thăm Singapore tháng 6/1975. Tôi không trả lời. Tháng 9/1975, khi tôi đang thăm Shah (Vua Iran – ND) ở Teheran, Thủ tướng của ông ta, Hoveida cũng chuyển cho tôi lời mời của Thủ tướng Chu, và nói thêm rằng thời gian rất gấp rút. Tôi hiểu ý rằng nếu chúng tôi muốn gặp nhau thì tôi phải đi sớm. Có rất nhiều báo đưa tin Chu nằm viện trong thời gian dài. Tôi quyết định đi. Nhưng trước khi chúng tôi có thể quyết định một ngày nào đó vào tháng 5/1976, thì Chu đã qua đời. Chúng tôi công bố chuyến đi dự kiến vào giữa tháng 4. Một vài ngày sau, Raja công bố lại lập trường của chính phủ Singapore rằng chúng tôi sẽ là quốc gia sau cùng trong khối Asean trao đổi các đại diện ngoại giao với Trung Quốc.

Chuyến công du đến Trung Quốc là chuyến đi nước ngoài mà tôi đã phải bàn bạc và chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. Thông qua những phái đoàn khác, chúng tôi được biết là người Trung Quốc làm việc rất có phương pháp và thế nào cũng sẽ thăm dò từng thành viên trong đoàn để lấy thông tin. Chúng tôi đã thống nhất một nguyên tắc chung đối với nhũng vấn đề then chốt cho tất cả những thành viên cao cấp trong phái đoàn. Trước tiên, vấn đề công nhận và quan hệ ngoại giao: chúng tôi không thể thay đổi lập trường cơ bản của chúng tôi là chúng tôi sẽ chỉ hành động sau khi Indonesia đã thiết lập các quan hệ ngoại giao; chúng tôi buộc phải là nước cuối cùng ở trong ASEAN (lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc – ND). Thứ hai, các hoạt động của Liên Xô ở Singapore: Chúng tôi sẽ không cho phép Liên Xô tham gia những hoạt động chống Trung Quốc, nhưng là một nước có nền kinh tế tự do, chúng tôi đã cho phép Liên Xô mở một chi nhánh của Ngân hàng Nhân dân Moscow của họ để thực hiện quan hệ thương mại. Người Trung Quốc lo sợ người Liên Xô đang mua chuộc những người điều hành kinh doanh gốc Hoa ủng hộ họ. Chúng tôi đã quyết định cam đoan với người Trung Quốc rằng chúng tôi không nhìn một nước Trung Quốc mạnh mẽ bằng con mắt hoài nghi. Chúng tôi không đứng về phía Liên Xô cũng chẳng đứng về phía Trung Quốc. Chúng tôi ủng hộ phương Tây vì nó nằm trong lợi ích của Singapore và các nước láng giềng của chúng tôi. Chúng tôi hoàn toàn biết rõ những hoạt động của Liên Xô ở Singapore và trong khu vực;

và sẽ theo dõi sâu sát những hoạt động đó.

Chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ thúc bách lập các văn phòng liên lạc hoặc văn

Một phần của tài liệu Sách bí quyết hóa rồng (Trang 471 - 491)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(616 trang)