ĐÀI LOAN: MỘT TRUNG QUỐC KHÁC

Một phần của tài liệu Sách bí quyết hóa rồng (Trang 459 - 471)

Sự cô lập đã khiến người Đài Loan sớm thiết tha phát triển các mối quan hệ với Singapore, về phần mình, chúng tôi không muốn hoàn toàn phụ thuộc vào người Israel trong việc luyện quân. Những cuộc thảo luận sơ bộ bắt đầu năm 1967. Họ đã cử một đại diện cấp cao đến gặp Keng Swee lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng và gặp tôi. Trước tháng 12, họ đã đưa ra đề nghị xây dựng lực lượng không quân. Chúng tôi rất quan tâm đến việc đào tạo các phi công và sĩ quan hải quân ở Đài Loan; người Israel không thể cung cấp những phương tiện như thế. Bộ Quốc phòng Đài Loan vui lòng giúp đỡ nhưng thỉnh thoảng lại nói bóng gió rằng khi Bộ Ngoại giao của họ nghe phong thanh về việc trợ giúp quốc phòng này thì họ sẽ đòi đáp lễ bằng một hình thức công nhận ngoại giao nào đó. Chúng tôi nói rõ chúng tôi không thể nhượng bộ về vấn đề này được.

Năm 1969, khi người Đài Loan thành lập "Văn phòng Đại diện Thương mại của Cộng hòa Trung Hoa" ở Singapore, hai bên đã thỏa thuận rõ ràng rằng việc trao đổi các phái bộ thương mại không có nghĩa là công nhận Nhà nước hay Chính phủ. Chúng tôi không muốn bị lâm vào thế kẹt với yêu sách của phía đại lục nói rằng họ là chính phủ duy nhất của Trung Quốc, kể cả Đài Loan.

Khi Liên Hiệp Quốc đưa ra nghị quyết kết nạp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chúng tôi đã bỏ phiếu thuận kết nạp Trung Quốc nhưng bỏ phiếu trắng về nghị quyết trục xuất Đài Loan. Chính sách của chúng tôi vẫn trước sau như một: "một nước Trung Quốc", và việc thống nhất của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan là vấn đề nội bộ do hai bên tự giải quyết.

Các mối quan hệ giữa Cục An ninh Quốc gia Đài Loan và Bộ Quốc phòng của chúng tôi đã dẫn đến việc họ cho chúng tôi mượn một số chuyên gia huấn luyện bay, kỹ sư cơ khí và chuyên viên kỹ thuật Đài Loan để giúp bộ phận bảo trì máy bay của chúng tôi đi vào hoạt động. Khi Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia đề nghị tôi thăm Đài Loan để gặp Thủ tướng Tưởng Kinh Quốc của họ, con trai của Tổng thống Tưởng Giới Thạch, ở Đài Bắc vào tháng 5/1973 thì tôi đã nhận lời. Thủ tướng Tưởng và phu nhân người Nga của ông ta đã ra đón Choo và tôi tại phi trường, chở chúng tôi về khách sạn Grand rồi đưa chúng tôi đến tận phòng. Ngày hôm sau, chúng tôi bay cùng với ông ta trên chiếc Boeing 707 chuyên phục vụ khách quan trọng (VIP) đến một căn cứ không quân. Ở đó ông ta cho một đơn vị không quân thực hiện một cuộc diễn tập, nhào lộn kéo dài nửa tiếng. Sau đó, xe chở chúng tôi đến Lake Sun Moon, một khu nghỉ dưỡng cuối tuần. Chúng tôi lưu lại đó hai hôm và trở nên quen biết nhau hơn.

Tại bữa ăn tối ở Đài Bắc, tôi đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Kinh tế, Tổng Tham mưu trưởng và Cục trưởng Cục An ninh

Quốc gia và nhờ thế tôi đã làm quen được với các cố vấn cao cấp tin cẩn của ông ta. Ngoài cảm tình cá nhân của tôi với Tưởng Kinh Quốc, nền tảng cho mối quan hệ giữa chúng tôi là cả hai đều chống cộng. Đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ thù sống mái của ông ta, và Đảng Cộng sản Malaysia, có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc lại là kẻ thù của tôi. Chúng tôi có chung sự nghiệp.

Ông ta nói tiếng Anh ngắc ngứ, và tiếng Quan thoại của ông ta thì quá khó hiểu vì chất giọng Triết Giang quá nặng. Ông ta hiểu tiếng Anh và tiếng Quan thoại của tôi nên cả hai có thể trao đổi với nhau mà không cần phiên dịch.

Điều này rất quan trọng trong việc tạo nên sự đồng cảm giữa hai bên để về sau phát triển thành một sự hòa hợp. Tôi đã giải thích tình hình chính trị địa lý ở Đông Nam Á, giải thích tại sao Singapore bị xem là một Trung Quốc thứ ba, sau Trung Quốc và Đài Loan. Chúng tôi không thể chối bỏ những mối quan hệ chủng tộc, văn hóa và ngôn ngữ nhưng việc chúng tôi chống lại những người cộng sản Malaysia đã tái khẳng định với các nước láng giềng rằng chúng tôi sẽ không là con ngựa thành Troa của một nước Trung Quốc cộng sản.

Về sau, đại diện thương mại của chúng tôi ở Đài Bắc báo cáo rằng ngài Thủ tướng có ấn tượng tốt về Singapore và về tôi, và vui mừng đã được gặp tôi.

Một yếu tố rõ ràng đã tạo thuận lợi: Con gái tôi, lúc bấy giờ là sinh viên y khoa còn rất trẻ, cũng cùng đi với chúng tôi. Nó học trường dạy bằng tiếng Hoa và nói tiếng Quan thoại lưu loát. Nhìn cách xử sự của nó người ta biết ngay nó là người Hoa. Điều này rất quan trọng đối với việc Tưởng Kinh Quốc hiểu vợ tôi, con gái tôi và tôi, và nhờ thế đã giúp định đoạt mối quan hệ giữa Singapore và Đài Loan. Qua trao đổi thư từ giữa Tưởng Kinh Quốc và tôi đã phát triển một tình bạn thân thiết.

Chuyến đi của tôi hoàn toàn được giữ kín với giới báo chí, cả ở Singapore lẫn Đài Loan. Đó là do yêu cầu của tôi nhằm tránh dư luận quốc tế chú ý và bàn cãi.

Khi tôi đến thăm Đài Loan một lần nữa vào tháng 12/1974, Thủ tướng Tưởng Kinh Quốc đã đích thân quan tâm đến chương trình của tôi. Ông ta xếp đội hình các đơn vị quân đoàn hải quân và thủy quân diễu hành theo nghi thức duyệt binh, như vẫn thường dành cho các vị nguyên thủ quốc gia đến thăm, nhưng tất cả đều không công khai. Ông ta còn hộ tống tôi đi quan sát sự tiến bộ của đất nước ông ta, kể cả những công trình xây dựng lớn như xa lộ Đông – Tây được xây dựng băng qua địa hình núi non hiểm trở.

Trong chuyến đi thứ hai này, tôi đã ướm hỏi đến vấn đề huấn luyện lực lượng vũ trang của chúng tôi ở Đài Loan, bởi vì Singapore quá chật hẹp. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này với các quan chức quân sự của ông ta từ nhiều tháng trước, ông ta tán đồng. Đến tháng 4/1975, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận cho phép lực lượng vũ trang Singapore huấn luyện ở Đài Loan dưới cái tên mật là "Cuộc diễn tập ánh sao". Lúc đầu thỏa thuận có hiệu lực một năm, theo đó họ cho phép chúng tôi huấn luyện các đơn vị bộ binh, pháo binh, thiết giáp và biệt kích, phân tán ra khắp cả Đài Loan, trong những khu vực thuộc

các lực lượng quân đội tương ứng của họ. Họ chỉ thu tiền đối với những gì chúng tôi tiêu dùng và chỉ có thế.

Tưởng Kinh Quốc có khuôn mặt tròn, trắng trẻo. Ông ta mang cặp kính gọng sừng và có dáng người khá phốp pháp. Ông ta là người trầm tĩnh, ít nói, giọng nhỏ nhẹ. Tưởng Kinh Quốc không tỏ vẻ là trí thức nhưng có một đầu óc thực tế và nhạy bén về xã hội. Ông ta có tài xét đoán tính cách con người, và nhờ thế đã tập hợp được quanh mình những con người đáng tin cậy có thể cho ông những lời khuyên trung thực ngay cả khi không được hoan nghênh. Ông ta cho phép mình chỉ phát ngôn sau khi đã suy nghĩ thấu đáo bởi vì ông ta không đưa ra những cam kết tùy tiện. Ông ta không thể tùy thích đi nước ngoài vì thế đã tìm thấy ở tôi một nguồn thông tin bổ sung về những diễn biến ở Mỹ và thế giới các nơi khác. Ông ta thường hỏi những câu hỏi sắc sảo nhằm thăm dò những biến chuyển trong lĩnh vực địa chính trị. Mãi cho đến khi sức khỏe yếu đi vào giữa những năm 1980 thì thôi, chứ trước kia hễ mỗi lần tôi đến thăm chừng 3–4 ngày, ông ta vẫn thường cùng tôi vòng quanh Đài Loan. Những lúc trao đổi thoải mái, ông ta thường thông qua tôi để kiểm tra lại các đánh giá và quan điểm của mình về những sự kiện chính trị mà ông ta đọc được từ các bản báo cáo. Ông ta cảm nhận một cách sắc bén tình trạng cô lập của mình trong quan hệ quốc tế.

Từ năm 1973 đến 1990, tôi đến thăm Đài Loan một hoặc hai lần mỗi năm, gần như lần nào cũng quá cảnh ở Hong Kong. Quan sát những tiến bộ xã hội và kinh tế của người Hoa ở Đài Loan với tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 8–

10% thật là bổ ích và hứng thú! Từ một nền kinh tế sử dụng nhiều lao động chân tay với đồng lương rẻ mạt, chủ yếu dựa vào nông nghiệp và công nghiệp dệt, may mặc và sản xuất giày thể thao, họ đã vững bước hướng tới kinh tế thị trường. Đầu tiên, họ in lậu các sách giáo khoa đắt tiền về y khoa, pháp luật và các lĩnh vực khác, bán ra với giá rẻ mạt đến lố bịch. Đến những năm 1980, họ in sách giấy tốt, bìa cứng và có giấy phép. Đến những năm 1990, họ đã sản xuất được vi mạch điện tử, bo mạch chính, máy điện toán cá nhân, máy điện toán xách tay và các sản phẩm công nghệ cao khác. Tôi đã quan sát thấy một sự phát triển tương tự của nền kinh tế và mức sống ở Hong Kong. Sự tiến bộ nhanh chóng của hai khối cộng đồng người Hoa nằm ở vùng biển này đã khích lệ tôi rất nhiều. Tôi đã rút ra được những bài học hữu ích. Nếu họ đã thực hiện được điều đó thì Singapore chúng tôi cũng có thể làm được.

Nhờ không bị bó buộc bởi nền kinh tế do trung ương hoạch định, người Hoa ở Đài Loan đã thi nhau tiến về phía trước. Đài Loan, cũng giống như Hong Kong, chỉ có chế độ phúc lợi tối thiểu. Điều này đã buộc phải thay đổi cùng với việc tổ chức bầu cử rộng rãi vào đầu những năm 1990. Sự đối lập trong cơ quan lập pháp đã thúc ép và buộc chính phủ phải thực hiện các phúc lợi y tế, hưu trí và các khoản trợ cấp an sinh xã hội khác; thế là ngân sách bị thâm thủng. Trong những năm 1990, sự đối lập cứng rắn trong cơ quan lập pháp đã khiến chính phủ gặp khó khăn trong việc tăng thuế để cân bằng ngân sách. May thay, từ trước đến nay công nhân Đài Loan cũng vẫn có động cơ thúc đẩy tốt hơn

những đồng nghiệp của họ ở phương Tây.

Tưởng Kinh Quốc và các vị bộ trưởng của ông ta tự hào nhất về sự phát triển giáo dục của họ. Mỗi học sinh được học ít nhất hết cấp trung học cơ sở, cả thảy là chín năm, và đến những năm 90, khoảng chừng 30% học sinh là sinh viên tốt nghiệp đại học. Bộ trưởng Tài chính của họ, ông K.T. Li kêu than về nạn chảy máu chất xám. Từ những năm 60, trong số khoảng 4.500 sinh viên tốt nghiệp đại học sang Mỹ học lấy bằng tiến sĩ hàng năm chỉ có 500 người trở về.

Khi Đài Loan đã nổi lên trong bảng xếp hạng các quốc gia về kinh tế, Li bắt đầu lôi kéo một số những người giỏi nhất trở về, bao gồm những người đã làm việc trong những phòng thí nghiệm nghiên cứu hàng đầu và trong những công ty điện tử đa quốc gia cỡ lớn. Ông ta xây dựng một trung tâm khoa học gần Đài Bắc và cho họ vay vốn với lãi suất thấp để họ khởi sự kinh doanh trong ngành sản xuất chất bán dẫn. Công nghiệp điện toán của Đài Loan nhờ thế mà cất cánh. Những người này đã thiết lập mạng lưới quan hệ với người Mỹ trong công nghiệp điện toán và đã tiếp thu được kiến thức và hiểu biết chuyên môn giúp họ sánh kịp với những phát triển mới nhất và tiếp thị được các sản phẩm của mình. Hỗ trợ họ là những kỹ sư và kỹ thuật viên Đài Loan được đào tạo trong nước.

Trong số 2 đến 3 triệu người dân đại lục theo về với quân đội của tướng Tưởng Giới Thạch có một lớp đông đảo các trí thức, nhà quản trị, các học giả và các nhà doanh nghiệp. Họ là chất xúc tác giúp chuyển hóa Đài Loan thành một hòn đảo mạnh về kinh tế.

Tuy nhiên, tầng lớp ưu tú người đại lục ở Đài Loan biết rằng về lâu về dài họ sẽ rơi vào thế khó khăn. Họ chiếm thiểu số, chừng 10%. Một thực tế diễn ra từ từ nhưng không ai ngăn nổi là cả trong bộ máy hành chính và hàng ngũ sĩ quan lực lượng vũ trang vốn do người đại lục hoặc con cái của họ nắm giữ càng ngày càng có nhiều người Đài Loan. Việc người Đài Loan, bao gồm 90% dân số, nắm quyền chi phối chính trị chỉ còn là vấn đề thời gian. Tưởng Kinh Quốc và các phụ tá cao cấp của ông ta đã nhận ra điều này. Họ đang chọn trong số những người Đài Loan mà họ cho là kiên định, đáng tin cậy nhất, những người sẽ tiếp tục chính sách kiên quyết chống những người cộng sản ở đại lục, nhưng không bao giờ chủ trương một Đài Loan độc lập, tách biệt, điều mà người đại lục ghét cay ghét đắng.

Đến giữa những năm 80, một thế hệ người Đài Loan trẻ hơn, có học đã vươn lên qua hàng ngũ chức nghiệp. Chúng tôi đã thay đại diện thương mại xuất thân từ tỉnh Triết Giang cùng quê với Tưởng Kinh Quốc bằng một người khác có thể nói tiếng thổ ngữ Min–nan, một phương ngữ của tỉnh Phúc Kiến. Chúng tôi có thể thấy một Đài Loan khác đang xuất hiện. Chúng tôi phải biết những người Đài Loan trong bộ máy nhà nước có dính dáng với Quốc Dân Đảng nhưng tránh xa những người Đài Loan có tư tưởng chống đối, đòi độc lập. Các tổ chức của họ là bất hợp pháp và nhiều người đã bị bỏ tù vì nổi loạn.

Vào giữa những năm 80, tôi để ý thấy sức khỏe Tưởng Kinh Quốc suy sụp rõ

rệt. Ông ta không thể cùng tôi đi khắp Đài Loan được nữa. Thông qua những cuộc nói chuyện, tôi hiểu rằng ông ta đang bị giới truyền thông và quốc hội Mỹ thúc ép phải dân chủ hóa hệ thống chính trị. Tưởng Kinh Quốc đã bãi bỏ luật quân sự và bắt đầu quá trình này. Người con trai của ông ta, Hiếu Dũng, đại diện thương mại của họ ở Singapore đã nói hết cho tôi biết những suy nghĩ của cha anh ta. Tôi bảo Tưởng Kinh Quốc rằng để đảm bảo an ninh của Đài Loan, ông ta không những phải giữ cho được sự hậu thuẫn của tổng thống Reagan mà còn phải giữ cả sự hậu thuẫn của giới báo chí và Quốc hội Mỹ bởi vì Reagan cần sự ủng hộ của cả hai. Về sau Tưởng Kinh Quốc đã cho phép có những phe đối lập không chính thức – trước đó bị coi là bất hợp pháp được tham gia bầu cử Hội đồng lập pháp.

Tưởng Kinh Quốc qua đời vào tháng 1/1988. Ông ta có uy tín lớn ở trong nước và uy tín này đã giúp kiềm chế các lực lượng được buông thả do có lệnh bãi bỏ luật quân sự gần đây của ông ta. Tôi có đến dự lễ tang của ông ta.

Nhiều vị lãnh đạo Nhật và Mỹ, các cựu thủ tướng và những quan chức cao cấp khác cũng đã có mặt tại tang lễ nhưng chẳng thấy bóng dáng của những nhân vật đương nhiệm. Tang lễ được cử hành theo nghi thức của người Hoa. Thi hài ông ta được đưa đến nơi an nghỉ tạm thời ngoài phạm vi Đài Bắc, giống như thân phụ ông, Đại tướng Tưởng Giới Thạch – để cuối cùng lại được cải táng ở quê nhà thuộc tỉnh Triết Giang, phía nam Thượng Hải.

Sau đó Phó Tổng thống Lý Đăng Huy lên kế nhiệm. Tôi gặp ông ta lần đầu tiên khi ông còn là thị trưởng Đài Bắc, rồi sau đó trở thành tỉnh trưởng tỉnh Đài Loan. Thỉnh thoảng chúng tôi có chơi gôn với nhau. Ông ta là người có năng lực, cần cù và tôn trọng cấp trên, đặc biệt là tổng thống và các bộ trưởng người đại lục. Hồi đó ông ta là một quan chức dễ thân thiện, khiêm tốn; người cao ráo, mái tóc nâu, mắt đeo kính dày cộm, miệng rộng, cười thoải mái. Trước khi Tưởng Kinh Quốc chọn ông ta làm Phó tổng thống vào năm 1984, nhiều nhà lãnh đạo Quốc Dân Đảng quê Đài Loan đã được xem xét nhưng bị coi là không phù hợp. Tôi nghĩ rằng Tưởng Kinh Quốc hẳn đã hết sức hài lòng cho rằng Lý là người đáng tin cậy và có thể phó thác cho ông ta tiếp tục theo đuổi chính sách của Tưởng là không bao giờ cho phép một Đài Loan độc lập.

Trong một vài năm, Tổng thống Lý Đăng Huy vẫn tiếp tục chính sách không đổi của Quốc Dân Đảng là chỉ có một Trung Quốc và không có một Đài Loan độc lập. Ông ta bắt đầu tranh thủ được đủ số cận vệ già41 và một ít cận vệ trẻ42 người đại lục có chân trong Quốc Dân Đảng để nắm trọn quyền lực trong Đảng.

Tất cả những ai nắm giữ các vị trí then chốt mà có quan điểm trái ngược hay những lời khuyên không mấy dễ chịu đều sớm bị thải loại, trong đó có thủ tướng Hầu Bắc Thôn và Bộ trưởng Ngoại giao Fredrick Chien Fu. Hai người này năm 1995 đã khuyên ông ta không thăm Mỹ. Lý nhanh chóng dân chủ hóa bộ máy nhà nước để đưa nhiều người Đài Loan hơn vào những vị trí then chốt và để tăng cường quyền kiểm soát của mình đối với Quốc Dân Đảng và đất nước.

Những cận vệ già của Quốc Dân Đảng trước đó đã nói với tôi rằng họ trông đợi và chấp nhận điều chắc chắn phải đến này. Nhưng họ không biết Tổng thống

Một phần của tài liệu Sách bí quyết hóa rồng (Trang 459 - 471)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(616 trang)