Khi Tổng Thống Jimmy Carter kế nhiệm Gerald Ford, có một sự thay đổi bất ngờ về trọng tâm trong các chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ. Ông ta quan tâm nhiều đến châu Phi hơn là châu Á. Trước sự hoảng hốt của lực lượng đồng minh và chiến hữu của Mỹ ở châu Á, ông ta tuyên bố sẽ có sự cắt giảm đáng kể quân đội Hoa Kỳ ở Triều Tiên. Carter tin rằng người Mỹ đã mệt mỏi sau cuộc chiến ở Việt Nam và muốn quên đi châu Á. Ông ta tập trung vào việc hòa giải giữa người Mỹ da đen và da trắng. Ông ta cũng nhìn nhận vai trò của mình là một người xây chiếc cầu bắc ngang đang chia rẽ gay gắt giữa những người da trắng và da đen ở miền Nam châu Phi. Ông ta nhấn mạnh vào nhân quyền, chứ không vào việc phòng bị và an ninh. Các nhà lãnh đạo ở châu Á chuẩn bị tinh thần cho bốn năm khó khăn khi họ phải chờ đợi để quan sát những gì ông ta sẽ thực sự hành động.
Khi tôi gặp ông ta vào tháng 10/1977, ông ta đã hoạch định thời gian của mình hết sức kỹ lưỡng. Sẽ có 5 phút dành cho cơ hội chụp hình, rồi 10 phút hội kiến tay đôi, tiếp theo sau là 45 phút hội đàm giữa hai phái đoàn. Ông ta giữ đúng lịch trình hầu như đến từng giây. Điều làm tôi sững sờ kinh ngạc là vấn đề ông ta đưa ra trong cuộc hội kiến tay đôi kéo dài 10 phút rằng – tại sao Singapore muốn có các loại vũ khí công nghệ cao như các tên lửa I–Hawk (tên lửa địa đối không)? Điều đó không phải là một mục nằm trong phần trình bày tóm lược của tôi. Không có vị tổng thống nào trước đây đã từng chất vấn tôi về khoản mua khiêm tốn các loại vũ khí chứ đừng nói gì đến các loại vũ khí phòng vệ. Đặt nặng trong chương trình nghị sự của Carter là việc ngăn chặn sự gia tăng vũ khí, đặc biệt là các loại vũ khí công nghệ tiên tiến và I–Hawk được xem là loại vũ khí tiên tiến đối với vùng Đông Nam Á. Tôi đáp rằng Singapore là một mục tiêu đô thị đông dân cư phải được phòng vệ dày đặc. Rằng các tên lửa Chó Săn (Bloodhound) của chúng tôi đã quá lạc hậu, nhưng nếu ông ta gặp khó khăn trong việc bán các loại I–Hawk cho chúng tôi, tôi sẽ mua các tên lửa Rapier của Anh; điều đó chẳng có gì là quan trọng. Để rút ngắn vấn đề, tôi bảo ông ta rằng chúng tôi sẽ không thỉnh cầu để mua các tên lửa này. Hai năm sau, Mỹ bán cho chúng tôi các tên lửa I–Hawk sau khi đại sứ Mỹ ở Singapore, cũng là cựu thống đốc theo đảng Dân Chủ của Bắc Dakota và là một ủng hộ viên của Carter, can thiệp với Nhà Trắng.
Hai phái đoàn chính phủ đã gặp gỡ 46 phút và kết thúc chính xác đến từng giây. Trước lúc hội đàm kết thúc chừng 15 phút, ông ta lôi từ túi áo sơ mi một danh sách vấn đề cần thảo luận xem đã giải quyết hết chưa. Nếu không đọc lại các biên bản cuộc họp, tôi đã không hình dung được chúng tôi đã bàn bạc những vấn đề gì. Tất cả đều là những vấn đề vụn vặt. Những người tiền nhiệm
của ông ta như Nixon và Ford đã luôn luôn nhắm vào một bức tranh tổng quát:
châu Á như thế nào – Nhật, Nam Triều Tiên và Đài Loan, các nước cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam, rồi các nước đồng minh của Hoa Kỳ là Thái Lan, Philippines.
Carter đã không đề cập đến các chủ đề này. Trái lại, tôi quyết định mô tả cho ông ta một bức tranh tổng quát về việc Mỹ quan trọng như thế nào đối với sự ổn định và phát triển của khu vực, và Mỹ không nên lơi lỏng sự tập trung của họ ở khu vực này ra sao vì điều này sẽ làm yếu đi sự tin tưởng của các quốc gia không theo cộng sản vốn đang là bạn của Hoa Kỳ. Tôi không chắc tôi đã tạo được một ấn tượng nào ở ông ta. Nếu tôi đã không gặp Richard Holbrooke, trợ lý quốc gia chuyên lo các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương trước đó vào tháng 5 ở Singapore, thì tôi không tin rằng tôi sẽ có một cuộc hội kiến với Carter. Holbrooke muốn có một nhân vật nào đó trong khu vực để khiến tổng thống tập trung vào châu Á, và cho rằng tôi có thể là người đó.
Khi tôi đang chuẩn bị rời khỏi bàn, ông ta đưa tôi một cuốn sách bọc bìa da màu xanh lá cây của bản tự truyện chiến dịch tranh cử của ông ta, Tại sao không là người tốt nhất? Ông ta đã ghi sẵn trước trong đó dòng chữ: "Tặng người bạn tốt Lý Quang Diệu. Jimmy Carter". Tôi đã được tâng bốc, nhưng ngạc nhiên vì được nâng lên vị trí "người bạn tốt" ngay cả trước khi ông ta gặp tôi. Điều này hẳn là thông lệ chuẩn mực trong suốt chiến dịch tranh cử của ông ta.
Tôi lướt qua cuốn sách, hy vọng sẽ có được chút ánh sáng. Và tôi đã có được điều đó. Ông ta xuất thân từ một tín đồ được cải đạo theo Cơ đốc giáo ở vùng Bible. Hai mẩu chuyện đeo bám dai dẳng trong tâm trí tôi. Cha của Carter đã cho cậu bé Carter một đồng xu trên đường đưa chú đến lớp Giáo lý. Chú bé trở về nhà và đặt hai đồng xu lên bàn. Khi người cha phát hiện điều này, chú bé bị no đòn. Carter không bao giờ ăn cắp lần thứ hai! Tôi bối rối không hiểu điều này đã giúp ông ta thắng cử ra sao. Một vấn đề khác là khi Tướng Rickover phỏng vấn để giao cho ông ta một nhiệm vụ trên một tàu ngầm nguyên tử.
Rickover đã hỏi Carter rằng ông ấy đã đạt thứ hạng gì lúc còn đang ngồi trên ghế của Học viện hải quân Annapolis. Ông ta trả lời đầy tự hào rằng: “Hạng thứ 59". Rickover hỏi: "Anh đã làm hết sức mình chứ?" Ông ta trả lời: "Vâng, thưa Ngài", rồi đổi lại: "Không, thưa Ngài, tôi đã không luôn luôn làm hết sức mình". Rickover nói lại: "Tại sao không?" Carter nói ông ta thấy bàng hoàng.
Chính vì thế đặt tựa đề cho cuốn sách của mình, ông ta đã để là Vì sao không phải là người tốt nhất? Và Carter đã sống bằng khẩu hiệu này. Một ngày nọ, tôi nhìn thấy ông ta trên truyền hình, loạng choạng ở cuối một cuộc chạy đua maratông, gần như kiệt sức và muốn ngã sụm. Ông ta đã luôn luôn bị ám ảnh bởi tham vọng nỗ lực hết sức mình bất chấp thể lực của mình hồi đó.
Tôi đã gặp lại ông ta một lần nữa, hết sức ngắn ngủi, vào tháng 10/1978.
Phó Tổng thống Walter Mondale đón tiếp tôi và Carter chỉ tạt ngang để phóng viên chụp hình. Chúng tôi đã không trao đổi gì nhiều; ông ta vẫn không quan
tâm đến châu Á. Thật may các cố vấn của ông ta đã thuyết phục được ông ấy không rút quân đội Mỹ ra khỏi Triều Tiên.
Thành tích vĩ đại của ông ta là đã giúp Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat, và Thủ tướng Israel Menachem Begin giải quyết cuộc chiến của họ. Tôi hết sức kinh ngạc rằng ông ta đã nhớ thuộc lòng từng cuộc tranh chấp, từng bờ rào ngăn cách, từng ranh giới giữa hai quốc gia. Tôi nghĩ đến hệ thống đánh giá Shell – chất lượng máy bay trực thăng, thấy rõ bức tranh toàn diện và có khả năng tập trung vào từng chi tiết liên quan. Carter đã tập trung vào từng chi tiết.
Ba biến cố lớn trong năm 1979 đã hướng tâm trí Carter về châu Á vào cuối nhiệm kỳ của mình. Thứ nhất, Đặng Tiểu Bình viếng thăm ông ta vào cuối tháng Giêng để thiết lập quan hệ ngoại giao và cảnh báo ông ta về ý đồ của Trung Quốc trừng phạt Việt Nam. Thứ hai, Carter đã khuyên Vua Iran rời bỏ đất nước mình để tránh đương đầu một cuộc nổi loạn của dân chúng. Thay vì một chính phủ dân chủ bảo vệ nhân quyền, các thủ lĩnh cao tuổi của Hồi giáo đã tiếp quản chính quyền vào tháng 2. Thứ ba, vào ngày 24/12, Liên Xô đã xâm lược Afghanistan để hỗ trợ cho chế độ xã hội chủ nghĩa sắp sụp đổ. Carter sốc đến nỗi ông ta đã thốt lên: "Những chuyện này đã mở mắt cho tôi". Ông ta đã không nhìn thấy chế độ Xô Viết như nó đang tồn tại. Ông ta đã ôm hôn Brezhnev tại Viên năm 1979 sau khi ký hiệp định SALT và đã tin rằng các nhà lãnh đạo Xô Viết là những người biết lẽ phải, sẽ hưởng ứng những cử chỉ hòa bình chân thật.
Cố vấn an ninh quốc gia của Carter, Zbigniew Brezinski, là một nhân vật kiên định đang đứng ở trung tâm quyền lực. Ông ta đã có đầu óc chiến lược toàn diện và đã nhìn thấy giá trị của Trung Quốc trong cán cân thăng bằng toàn diện chống Liên Xô. Ông ta đã giữ các quan điểm của mình một cách quyết liệt tại bất kỳ diễn đàn nào, nhưng đủ khôn ngoan để thực hiện chính sách đối ngoại của Tổng thống mình chứ không phải của bản thân ông ta. Viện trợ của Mỹ và những quốc gia Hồi giáo đã rót vũ khí, tiền bạc và binh lính vào Afghanistan để củng cố lực lượng chống đối cuối cùng đã làm sa lầy các lực lượng quân sự của Liên Xô hùng mạnh.
Holbrooke có thể làm giảm bớt cơn bốc đồng trước đây của Carter – cắt giảm những ràng buộc của Mỹ ở châu Á, đặc biệt là ở Triều Tiên, nơi ông ta đã muốn rút hết 40.000 quân Mỹ sau những thất bại ở Việt Nam. Như tôi đã viết cho Holbrooke vào tháng 12/1980 trước lúc ông ta từ chức. "… Trong suốt thời kỳ nhiều nhân vật trong Chính quyền, Quốc hội và báo giới muốn lãng quên Đông Nam Á, ông đã hành động không ngừng để tái xây dựng và phục hồi niềm tin vào sức mạnh và mục đích của Mỹ. Tương lai ít nguy hiểm hơn năm 1977, khi chúng ta gặp nhau lần đầu."
Carter là một người lương thiện, sùng đạo, có lẽ quá tốt để trở thành một vị Tổng thống. Dân Mỹ đã bỏ phiếu cho ông ta như là một phản ứng ngược sau những quá khích của vụ Watergate. Nhưng sau bốn năm mơ màng sùng kính
về tương lai ảm đạm của Mỹ, họ đã sẵn sàng chào đón Ronald Reagan với quan điểm tươi sáng và lạc quan hơn về dân Mỹ và tương lai của họ để có thể đưa họ tiến về phía trước trong một trạng thái phấn khởi trong hai nhiệm kỳ tổng thống. Reagan là một người có ý tưởng đơn giản thẳng thắn, một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và thành công. Ông ta chứng tỏ là một người tốt cho Mỹ và cho cả thế giới. Cũng chính vì thế mà vào tháng 11/1980, dân Mỹ đã bỏ phiếu cho một tài tử Hollywood thay vì một trại chủ tầm thường.
Lần đầu tôi gặp Reagan là lúc ông ta, với tư cách Thống đốc bang California, đến thăm Singapore vào tháng 10/1971. Ông ta có trong tay một bức thư giới thiệu của Tổng thống Nixon. California là quê hương của Nixon, và Reagan hẳn đã đóng một vai trò chủ chốt trong cuộc tranh cử của Nixon. Trong một cuộc hội đàm kéo dài 30 phút trước bữa ăn trưa, tôi phát hiện ông ta là một người có lập luận mạnh mẽ, chống cộng một cách quyết liệt. Ông ta bàn về Chiến tranh Việt Nam và sự quấy rối của Xô Viết trên toàn thế giới. Vào bữa ăn trưa chiêu đãi ông ta, phu nhân cùng với cậu con trai nhỏ, và trợ lý riêng, Mike Deaver, Reagan tiếp tục đàm luận về mối hiểm họa Xô Viết. Ông ta quá thích thú đề tài này đến nỗi vẫn còn muốn tiếp tục cuộc đàm đạo sau bữa trưa. Phu nhân và con trai ông ta về trước và tôi đưa ông ta trở lại văn phòng của mình – tại đó chúng tôi thảo luận thêm một giờ nữa về các vấn đề chiến lược liên quan đến Liên Xô và Trung Quốc. Một vài quan điểm của ông ta gây ngạc nhiên và mạnh mẽ. Ông ta bảo rằng trong suốt thời kỳ phong tỏa Berlin, Hoa Kỳ lẽ ra không nên dùng không quân tiếp tế mà nên đối đầu với người Nga bằng xe tăng và yêu cầu con đường dẫn đến Berlin phải được mở ngỏ, như đã được yêu cầu trong Thỏa ước Bốn–bên. Nếu họ không mở đường thì sẽ có chiến tranh. Tôi sửng sốt vì cách tiếp cận thẳng thừng của ông ta.
Mười năm sau, vào tháng 5/1981, Cựu Tổng thống Gerald Ford trong chuyến viếng thăm Singapore đã cho tôi biết rằng Tổng thống Reagan, người đã nhậm chức tháng Giêng năm đó, muốn nhanh chóng gặp tôi. Tôi đã nhận được một thông điệp thứ hai hỏi xem tôi có thể đi vào tháng 6 không, và tôi đã nhận lời.
Khi tôi đặt chân đến Nhà Trắng độ chừng buổi trưa vào ngày 19/6, Reagan đã ra tận hành lang văn phòng của ông ta và đón tiếp tôi nồng nhiệt. Chúng tôi đã có cuộc hội kiến tay đôi chừng 20 phút trước bữa trưa, ông ta lại muốn nói về đề tài Đài Loan và Trung Quốc.
Tôi đã bảo Reagan rằng vì quyền lợi của Hoa Kỳ, cần có một Đài Loan thành công trong việc tạo một sự tương phản thường trực đối với các điều kiện của lục địa. Điều này sẽ tạo ảnh hưởng rộng lớn, bao trùm thế giới thông qua báo giới và những nhân vật VIP sẽ thực hiện các cuộc viếng thăm cả hai bên. Rồi ông ta hỏi tôi xem thử Tổng thống Tưởng Kinh Quốc có cần máy bay thế hệ mới không. Tưởng đã thúc ép điều này vào một thời điểm tế nhị trong nhiệm kỳ của Reagan. Reagan đã chỉ trích cao độ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong chiến dịch tranh cử của mình và đã bày tỏ sự ủng hộ vững vàng của ông ta dành cho Đài Loan. Tôi biết rằng bất kỳ một thay đổi bất ngờ nào trong chính sách sẽ khó khăn cho ông ta. Tuy nhiên cho phép bán cho Đài Loan các
máy bay thế hệ mới sẽ có nghĩa là tăng rắc rối với Trung Quốc. Tôi đưa ra ý kiến rằng không có sự đe dọa tức thời nào đối với Đài Loan từ lục địa. Và rằng các chiếc F–5s hiện tại của Đài Loan là đủ. Trung Quốc hiện đang không tăng cường vũ trang. Đặng Tiểu Bình muốn có thêm hàng hóa tiêu dùng cho người dân của ông ta – những người đã bị làm thoái chí và thèm khát ăn ngon mặc đẹp sau một thập kỷ của Cuộc Cách mạng Văn hóa. Máy bay của Đài Loan sẽ cần được nâng cấp sau này, nhưng không phải ngay tức thời.
Các cố vấn chủ chốt của ông ta cùng tham dự bữa ăn trưa với chúng tôi gồm có: Casper Weinberger từ Bộ Quốc phòng, Bill Casey từ CIA Jim Barker, tham mưu trưởng, Mike Deaver và Richard Allen, cố vấn an ninh quốc gia. Vấn đề chính vẫn là Trung Quốc – Trung Quốc đối đầu với Đài Loan, và Trung Quốc đối đầu với Liên Xô.
Ông ta hỏi về sự đàm phán của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với Liên Xô về các vấn đề biên giới chung ngay sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Haig đã đến thăm Bắc Kinh. Theo quan điểm của tôi, động thái này của Trung Quốc là để báo trước với Mỹ rằng họ không nên bị đặt vào tư thế "đương nhiên là vậy". Tuy nhiên tôi đã không tin rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên Xô có thể tạo ra những tiến triển nào nếu nhìn vào những xung đột quyền lợi truyền kiếp và sâu xa giữa họ. Cả hai đều là những nhà truyền bá chủ nghĩa Cộng sản, mỗi bên dùng thủ đoạn chống lại bên kia để giành sự ủng hộ của Thế giới thứ Ba về phía mình. Hơn thế nữa, Đặng đã phải dàn xếp những người xung quanh ông ta – họ không muốn trở nên quá thân cận với Mỹ. Tôi tin rằng Đặng rất quyết tâm về chính sách của ông ta – một chính sách dành ưu tiên thấp nhất cho chi tiêu quân sự và cao nhất cho hàng tiêu dùng mà người dân cần.
Đề cập đến tình trạng bất ổn ở Ba Lan, Reagan nói rằng người Nga phải lo lắng về tình trạng quá bành trướng. Tôi cho rằng họ sẵn sàng để mặc cho nền kinh tế đi xuống nhằm duy trì đế quốc trải dài từ Âu sang Á của họ. Reagan nhột tai khi nghe nhắc đến từ "đế quốc", ông ta bảo Richard Allen dùng từ ấy thường xuyên hơn khi mô tả lãnh địa Xô Viết. Bài diễn văn kế tiếp của Reagan đã đề cập đến "đế quốc tàn ác" của những người Xô Viết.
Mười phút cuối của cuộc hội đàm tay đôi sau bữa trưa, Reagan yêu cầu tôi chuyển đến Tổng thống Tưởng thông điệp rằng Tổng thống Tưởng đừng thúc ép ông ta vào thời điểm đó về vấn đề vũ khí công nghệ tiên tiến vì lúc đó là một thời điểm khó khăn đối với ông ta. Tổng thống Reagan cũng yêu cầu tôi đảm bảo với Tưởng rằng ông ta sẽ không bỏ rơi Tưởng. Reagan biết rằng tôi rất thân với Tổng thống Tưởng và sẽ giúp ông ta làm dịu đi sự bất mãn mà thông điệp của ông ta sẽ đem đến cho Tưởng. Tôi đã gặp Tổng thống Tưởng một vài ngày sau đó để thông báo lại ý của Tổng thống Reagan rằng "thời điểm đó không thích hợp cho Đài Loan mua các vũ khí công nghệ tiên tiến như máy bay". Tưởng hỏi tôi tại sao người bạn tốt Reagan đã không tỏ ra ân cần giúp đỡ hơn. Tôi đã đánh bạo đưa ra một lời phỏng đoán rằng Mỹ cần Cộng hòa Nhân