MỘT XÃ HỘI CÔNG BẰNG, KHÔNG BAO CẤP

Một phần của tài liệu Sách bí quyết hóa rồng (Trang 90 - 102)

Chúng tôi đã tin vào chủ nghĩa xã hội, đã tin vào sự phân phối công bằng cho mọi người. Nhưng sau đó, chúng tôi nhận thức được rằng động cơ thúc đẩy cá nhân và sự đãi ngộ cho cá nhân là điều cốt yếu đối với một nền kinh tế có năng suất. Tuy nhiên, vì năng lực mỗi người không đồng đều, nên nếu để thị trường quyết định thành tích và đãi ngộ, thì sẽ có một ít người thắng lớn, nhiều người thắng vừa, và một số lượng đáng kể người thiệt thòi. Điều này sẽ dẫn tới những căng thẳng về xã hội vì tính công bằng của xã hội đã bị vi phạm.

Một xã hội cạnh tranh – trong đó người thắng giành lấy hết thảy – như Hong Kong thuộc địa trong những năm 1960, sẽ không thể chấp nhận được ở Singapore. Một chính phủ thuộc địa không phải đối mặt với các cuộc tổng tuyển cử 5 năm diễn ra một lần nhưng chính phủ Singapore thì phải đối mặt với điều đó. Để cân bằng các kết quả thái quá của sự cạnh tranh thị trường tự do, chúng tôi phải tái phân phối lợi tức quốc gia thông qua việc trợ cấp cho những việc làm nhằm tăng cường khả năng kiếm sống của công dân, như trợ cấp giáo dục. Chúng tôi cũng rất muốn quan tâm đến vấn đề nhà ở và y tế.

Nhưng tìm ra giải pháp đúng đắn cho việc chăm sóc sức khỏe cá nhân, lương hưu hoặc trợ cấp thôi việc không phải là một công việc dễ dàng. Chúng tôi đã quyết định từng vấn đề bằng phương cách thực tế, luôn luôn chú ý đến khả năng bị lạm dụng và lãng phí. Nếu phân phối lại bằng cách tăng thuế thì những người có năng suất cao sẽ ngưng phấn đấu. Khó khăn của chúng tôi là phải tạo ra một sự cân đối đúng đắn.

Mối bận tâm hàng đầu của tôi là bảo đảm quyền lợi cho mọi công dân và tương lai của họ. Tôi muốn một xã hội mà mọi người dân đều sở hữu ngôi nhà của họ. Tôi đã nhìn thấy sự tương phản giữa những căn hộ chung cư cho thuê rẻ tiền, bị sử dụng bừa bãi và duy tu tồi tệ với những căn hộ của những người rất hãnh diện là mình có nhà riêng. Và từ đó tôi tin rằng nếu mỗi gia đình đều có nhà riêng thì quốc gia sẽ vững bền. Sau khi chúng tôi giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9/1963, trong lúc Singapore vẫn thuộc Malaysia, tôi đã yêu cầu Ủy ban Phát triển Nhà ở (Housing and Development Board – HDB) công bố kế hoạch về quyền sở hữu nhà. Chúng tôi đã thành lập HDB vào năm 1960 như một cơ quan có thẩm quyền theo luật định trong việc xây dựng những căn nhà với giá thấp cho công nhân. Vào năm 1964, HDB đưa ra kế hoạch cho dân vay tiền mua nhà với lãi suất thấp và với những thời hạn hoàn trả lên tới 15 năm nhưng kế hoạch này đã không thành công, những người cần mua nhà không thể kiếm đủ tiền để thanh toán lần đầu một khoản bằng 20%

giá nhà.

Sau khi độc lập vào năm 1965, tôi đã gặp rắc rối với số cử tri hoàn toàn là dân thành thị của Singapore. Tôi đã chứng kiến những cử tri ở các thành phố lớn luôn có khuynh hướng bỏ phiếu chống chính phủ đương nhiệm và tôi kiên quyết rằng người thuê nhà phải trở thành chủ sở hữu ngôi nhà, nếu không chúng ta sẽ không có được sự ổn định chính trị. Một động lực quan trọng khác là phải cung cấp quyền lợi cho những bậc bố mẹ có con trai của họ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự để bảo vệ đất nước Singapore. Nếu gia đình của các quân nhân này không làm chủ sở hữu căn nhà của họ, thì người lính ấy sẽ kết luận rằng anh đang chiến đấu để bảo vệ tài sản cho những người giàu. Tôi tin rằng ý thức sở hữu này rất quan trọng cho xã hội mới của chúng tôi, một xã hội chưa có gốc rễ sâu chắc nhờ cùng nhau chia sẻ một lịch sử lâu đời. Trong lĩnh vực này, Keng Swee, với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, là người ủng hộ tôi nhiều nhất. Những bộ trưởng khác nghĩ rằng quyền sở hữu nhà là rất đáng mơ ước nhưng không quá quan trọng đến như thế.

Chính phủ thuộc địa đã thành lập Quỹ Dự phòng (Central Provident Fund – CPF) dưới dạng một quỹ tiết kiệm dành cho người về hưu: người làm công góp 5% lương và người sử dụng Lao động góp 5%. Người làm công chỉ được phép rút số tiền này lúc họ 55 tuổi. Kế hoạch lương hưu như thế này không thể nào chấp nhận được. Keng Swee và tôi quyết định mở rộng quỹ tiết kiệm cưỡng bách này trở thành một quỹ tạo điều kiện cho mọi công nhân làm chủ ngôi nhà của họ. Vào năm 1968, sau khi thông qua tu chính luật CPF nhằm tăng mức đóng góp, HDB đã công bố kế hoạch về quyền sở hữu nhà đã được sửa đổi.

Công nhân được phép dùng tiền tiết kiệm CPF đã tích lũy để trả 20% tiền đặt cọc mua nhà và khoản còn lại sẽ được trả góp hàng tháng trong thời hạn hơn 20 năm.

Đầu tiên, tôi thảo luận kế hoạch của mình với các nhà lãnh đạo NTUC. Vì họ đã đặt niềm tin vào tôi, tôi cảm thấy tôi phải vượt qua mọi khó khăn để thực hiện lời hứa với các nghiệp đoàn là tất cả công nhân sẽ có cơ hội để làm chủ ngôi nhà của họ. Vì vậy, tôi kiên trì theo đuổi kế hoạch này, thỉnh thoảng lại sửa đổi nó do các điều kiện thị trường ảnh hưởng đến tiền lương, chi phí xây dựng và giá đất. Hàng năm, Hội đồng Tiền lương Quốc gia (National Wages Council) đề nghị tăng lương dựa vào sự tăng trưởng kinh tế của năm trước. Tôi biết các công nhân đã từng quen với tiền lương thực lãnh cao, nên họ sẽ phản đối việc tăng tỷ lệ đóng góp vào quỹ CPF vì điều này sẽ làm giảm số tiền họ có thể tiêu được. Vì vậy, hầu như hàng năm tôi đã tăng mức đóng góp vào CPF, nhưng vẫn có cách để tăng số tiền lương thực lãnh. Kế hoạch này không những giúp giảm lạm phát mà còn không ảnh hưởng xấu đến đời sống của công nhân.

Điều này chỉ có thể được thực hiện nếu có một nền kinh tế tăng trưởng mạnh từ năm này sang năm khác. Và vì chính phủ đã thực hiện được lời hứa của mình là san sẻ công bằng cho mọi công nhân thông qua quyền sở hữu về nhà ở, nên quan hệ chủ thợ khắp nơi đều tốt đẹp.

Mức đóng góp CPF không thay đổi trong khoảng thời gian từ năm 1955 đến 1968. Năm 1984, tôi đã tăng nó từ 5% lên mức cao nhất là 25%, thực hiện

tổng số mức tiết kiệm là 50% tiền lương. Sau này, chúng tôi đã giảm mức đóng góp xuống còn 40%. Việc làm tăng tiền lương thực lãnh của công nhân là điều Bộ trưởng Lao động quan tâm nhất. Ông ta đã cố thuyết phục tôi giảm mức đóng góp của công nhân vào quỹ CPF, nhưng tôi đã bác bỏ yêu cầu này.

Tôi kiên quyết không đặt gánh nặng các chi phí phúc lợi của thế hệ hiện tại lên vai thế hệ tiếp theo.

Vào năm 1961, một vụ hỏa hoạn lớn đã thiêu hủy hoàn toàn khu định cư rộng 47 mẫu của những người cư trú bất hợp pháp ở Bukit Ho Swee, khiến 16.000 gia đình bị mất nhà cửa. Ngay sau đám cháy, tôi đã sửa đổi luật cho phép chính phủ mua vùng đất bị cháy với giá không phải là giá của đất chiếm hữu bỏ không (chiếm hữu tự do đất bỏ trống), như thể vẫn có những người cư trú bất hợp pháp đang sống ở đó. Vào thời gian đó, giá đất chiếm hữu tự do bằng khoảng 1/3 giá đất trên thị trường. Để thực thi dự luật, tôi thuyết phục quần chúng, "Thật tàn nhẫn nếu chúng ta cho phép mọi người thu lợi nhuận từ đám cháy này. Thật ra, nếu bất kỳ lợi nhuận nào được cho phép thực hiện, nó chỉ sẽ trở thành một sự cám dỗ, một động cơ xui khiến những người chiếm hữu đất của những người sinh sống trong những ngôi nhà bất hợp pháp.”

Sau đó, tôi bổ sung luật cho phép chính phủ có quyền mua các vùng đất dùng cho mục đích công cộng với giá khi ấy được ấn định vào ngày 30/11/1973. Tôi nhận thấy không có lý do gì để những khu đất tư nhân có thể kiếm lợi từ sự tăng giá đất do sự phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng mang lại.

Khi đất nước thịnh vượng hơn, chúng tôi đã chuyển giá cố định theo giá của tháng 1/1986, tháng 1/1992 và sau đó là tháng 1/1995, gần với giá trên thị trường hơn.

Số người muốn mua các căn hộ HDB mới tăng nhanh, từ khoảng 3.000 người vào năm 1967 đã lên đến 70.000 người vào năm 1996. Hơn một nửa số người mua nhà vào thập niên 90 đã hoàn toàn sở hữu ngôi nhà của họ, nhưng họ lại muốn nâng cấp nhà lớn hơn. Vào năm 1996, chúng tôi đã xây dựng những căn hộ HDB giá 725.000 đôla, và chỉ có 9% trong số này được thuê, còn lại đều được mua, với giá dao động từ 150.000 đôla cho các căn hộ nhỏ nhất có ba phòng đến 450.000 đôla cho các căn hộ lớn hơn.

Thỉnh thoảng tôi đã can thiệp trực tiếp, nhằm tạo sự đa dạng cho các căn hộ.

Như vào tháng 5/1974, tôi đã yêu cầu giám đốc điều hành phải nâng cấp và thay đổi các thiết kế của chúng cũng như tạo một phong cảnh cho các thành phố mới. Bằng cách khai thác các điểm đặc biệt của từng vùng, sự đa dạng về kiến trúc đã tạo nên những nét đặc trưng cho mỗi thành phố mới.

Trong đầu thập niên thứ nhất từ năm 1965, nhiều khu nhà mới đã được xây ven các khu trung tâm, ở Tiong Bahru, Queenstown, Toya Payoh, và MacPherson. Sau năm 1975, chúng được xây ở vị trí xa hơn, tại những nơi khi đó còn là vùng nông thôn hay vùng đất canh tác. Sau khi thảo luận với các viên chức EDB, tôi đã yêu cầu HDB nên dành phần đất trong các khu nhà này cho các ngành công nghiệp "sạch", mà sau này có thể khai thác nguồn nhân

lực là các phụ nữ trẻ tuổi và các bà nội trợ có con đi học. Điều này đã được chứng minh là thành công khi hãng Philips xây nhà máy đầu tiên của nó tại Toa Payoh vào năm 1971. Sau thành công này, hầu hết các thành phố mới đã có những nhà máy được điều hòa nhiệt độ trong lành do các công ty sản xuất phụ kiện máy vi tính và điện tử như Hewlett–Packard, Compaq, Texas Instruments, Apple Computer, Motorola, Hitachi, Aiwa và Siemens xây dựng.

Chúng đã cung cấp hơn 150.000 việc làm cho cư dân sống ở gần đó (trong đó nữ nhiều hơn nam); giúp thu nhập gia đình tăng gấp hai hoặc ba lần.

Việc tóm tắt lại chặng đường 30 năm phát triển trên một vài trang giấy có vẻ đơn giản và dễ hiểu, nhưng đã xảy ra những rắc rối lớn, đặc biệt trong các giai đoạn đầu khi thực hiện chính sách tái định cư cho nông dân và những người khác từ những túp lều gỗ của những người cư trú bất hợp pháp không điện, không nước, không có các hệ thống vệ sinh hiện đại khác, và vì thế, không có hóa đơn nào phải trả để vào ở các khu nhà cao tầng với tất cả những tiện nghi này nhưng lại có những khoản tiền hàng tháng phải trả. Đó là một kinh nghiệm đau thương cho họ về phương diện cá nhân, kinh tế, xã hội.

Các điều chỉnh gặp khó khăn là điều không thể tránh khỏi và đã có những chuyện khôi hài xảy ra, thậm chí rất buồn cười. Một số nông dân chăn nuôi lợn không chịu bỏ các con lợn của họ và đã đem theo nuôi chúng trong các căn hộ cao tầng. Người ta còn chứng kiến cảnh một người đang cố dỗ các con lợn leo lên cầu thang! Một gia đình khác gồm hai vợ chồng và 12 đứa con, lúc chuyển từ một căn lều đến một căn hộ HDB mới tại đường Old Airport, đã mang theo một tá gà và vịt để nuôi trong nhà bếp. Người mẹ đã làm một cái cổng bằng gỗ ở lối ra và nhà bếp nhằm ngăn các con vật này vào phòng khách. Vào buổi tối, bọn trẻ lại đi kiếm giun đất và côn trùng ở các đám đất nhỏ phía bên ngoài tòa nhà về làm thức ăn cho lũ gà vịt. Họ đã thực hiện công việc này trong suốt 10 năm cho đến lúc chuyển đến một căn hộ khác.

Người Malaya thích sống gần mặt đất hơn. Họ trồng các loại rau xung quanh các tòa nhà cao tầng như họ vẫn thường làm trong các ngôi làng của họ ở Mã Lai. Sau một thời gian dài, nhiều người Hoa, Malay, Ấn đã đi bộ lên cầu thang chứ không chịu dùng thang máy, không phải vì họ muốn tập thể dục mà vì họ sợ thang máy. Một số người vẫn dùng đèn dầu chứ không dùng đèn điện. Một số khác vẫn tiếp tục các công việc cũ như bán thuốc lá, bánh kẹo và hàng tạp hóa trước các phòng ở tầng trệt. Mọi người đều phải chịu đựng với đợt sốc văn hóa này.

Sự thành công cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới. Những người đang đợi nhà đã phát hiện ra giá của các căn hộ tăng lên hàng năm, theo sự gia tăng chi phí trả cho Lao động, giá thành của các vật liệu nhập khẩu và giá đất. Họ trở nên thiếu kiên nhẫn và muốn có các căn hộ càng sớm càng tốt. Nhưng việc chúng tôi có thể làm tốt cũng có giới hạn. Trong khoảng thời gian từ 1982 đến 1984, chúng tôi đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi xây dựng gấp đôi số căn hộ chúng tôi đã xây trước đó. Tôi đã bổ nhiệm ông Teh Cheang Wan làm Bộ

trưởng Phát triển Quốc gia vào năm 1979. Trước đó, ông ta là Tổng giám đốc điều hành của HDB. Ông ta cam đoan với tôi rằng ông sẽ đáp ứng được nhu cầu về nhà ở nhiều hơn nữa. Ông ta đã cố thực hiện, nhưng những nhà thầu không thể đảm đương một khối lượng công việc khổng lồ cùng tay nghề kém đã gây ra nhiều bất hạnh khi những hư hỏng xuất hiện một vài năm sau đó.

Chúng phải được sửa chữa rất tốn kém cho HDB và đã gây nhiều phiền phức cho người chủ nhà.

Lẽ ra, tôi phải biết sẽ không lợi ích gì trong việc nhượng bộ trước áp lực quần chúng, nhằm đáp ứng những vấn đề nằm ngoài khả năng của chúng tôi. Nhưng tôi đã phạm một sai lầm như thế vào những năm đầu thập niên 90. Khi giá bất động sản tăng, mọi người muốn kiếm lời trong việc bán nhà cũ và sau đó nâng cấp lên nhà mới, căn nhà lớn nhất họ có thể mua nổi. Thay vì ngăn chặn việc làm này bằng cách đánh thuế nhằm giảm lợi nhuận của họ, tôi đã đồng ý cung cấp nhà ở cho các cử tri bằng cách xây dựng thêm nhiều nhà mới. Điều đó đã làm tình hình nhà đất càng sốt thêm, và gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc trong cuộc khủng hoảng tiền tệ vào năm 1997. Giá như chúng tôi ngăn cản việc làm này sớm hơn, vào năm 1995, thì tình hình sẽ tốt hơn nhiều.

Nhằm ngăn chặn các khu nhà cũ trông giống như những khu nhà ổ chuột, năm 1989, tôi đề nghị Bộ trưởng Phát triển Quốc gia rằng đã đến lúc dùng công quỹ để nâng cấp các khu nhà. Ông ta đã đồng ý và cử những phái đoàn ra nước ngoài để nghiên cứu các sửa đổi có thể được thực hiện như thế nào trong lúc mọi người vẫn sống trong các khu nhà này. Những phái đoàn này đã học được khá nhiều mô hình ở các nước Đức, Pháp và Nhật. HDB đã bắt đầu giai đoạn nâng cấp các căn hộ cũ, dùng 58.000 đôla Singapore cho mỗi căn hộ để nâng cấp khu nhà và sửa các phòng, phòng tắm hợp tiêu chuẩn hoặc mở rộng nhà bếp, nhưng chủ nhà chỉ trả 4.500 đôla Singapore. Mặt trước và vùng xung quanh của khu nhà được tân trang lại để phù hợp với tiêu chuẩn của các khu nhà mới xây sau này và các phương tiện của các khu chung cư tư nhân, với những con đường có mái che, các khu vực công cộng có mái che dành cho các chức năng xã hội. Giá trị của các ngôi nhà được nâng cấp đã tăng đáng kể.

Một vấn đề nan giải khác là vấn đề chăm sóc sức khỏe. Tôi là một sinh viên ở Anh khi chính quyền đảng Lao động Anh thực hiện Dịch vụ Y tế Quốc gia vào năm 1947. Niềm tin của họ rằng tất cả mọi người đều bình đẳng và có quyền hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất thật là lý tưởng nhưng nó cũng phi thực tế và đã dẫn đến tăng chi phí. Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh đã thất bại. Quỹ bảo hiểm y tế kiểu Mỹ thì khá đắt, với phí bảo hiểm khá cao vì tiền trả cho những xét nghiệm chẩn đoán lãng phí được trả bằng tiền bảo hiểm. Chúng tôi phải tự tìm cho mình một cách giải quyết riêng.

Lý tưởng về các dịch vụ y tế miễn phí đối lập với thái độ thực tế của mọi người. Bài học đầu tiên đến với tôi từ các bệnh viện và các dưỡng đường của chính phủ. Khi bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh miễn phí, bệnh nhân uống thuốc trong vòng hai ngày, nếu không bớt, họ sẽ quẳng số thuốc thừa đi. Sau

Một phần của tài liệu Sách bí quyết hóa rồng (Trang 90 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(616 trang)