2.2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ CHỌN TẠO GIỐNG DƯA CHUỘT
2.2.2. Tình hình nghiên cứu về chọn tạo giống dưa chuột ưu thế lai ở Việt Nam
Nghiên cứu nguồn vật liệu khởi đầu phục vụ công tác chọn giống dưa chuột lai F1
Nghiên cứu nguồn vật liệu khởi đầu phục vụ công tác lai tạo giống có ý nghĩa rất quan trọng đối với cây trồng nói chung và cây dưa chuột nói riêng. Để công tác chọn giống được thành công, trước tiên phải tiến hành thu thập và tạo nguồn vật liệu khởi đầu phong phú và đa dạng làm cơ sở cho việc chọn lọc và đánh giá. Việc tiến hành nghiên cứu tạo nguồn vật liệu khởi đầu được các nhà nghiên cứu rất quan tâm. Các dòng dưa chuột mới không chỉ được tạo ra bằng phương pháp chọn lọc truyền thống mà còn được tạo ra từ phương pháp ứng dụng công nghệ sinh học.
Giai đoạn 2007-2010, Viện Nghiên cứu Rau quả đã tạo 2 dòng dưa chuột giữ nguyên tính trạng giới tính (hoa cái) của nguồn vật liệu nghiên cứu. Có khả năng kết hợp chung (GCA) và riêng (SCA) cao hơn so với giống thử tester. Năng suất tăng so với giống đại trà 15-20%. Tỷ lệ cây nhiễm bệnh sương mai thấp dưới 15%.
Ngô Thị Hạnh & cs. (2010) đã tiến hành nghiên cứu tạo dòng thuần dưa chuột quả nhỏ phục vụ chế biến. Qua đánh giá 29 mẫu giống dưa chuột quả nhỏ, nhóm tác giả đã lựa chọn được 5 mẫu giống có khả năng kết hợp chung cao, sinh trưởng đồng đều và ổn định, trong đó có dòng NB1-3-2 có 100% hoa cái. Các dòng
tự phối này có thể sử dụng làm bố mẹ để tạo giống dưa chuột lai F1 phục vụ chế biến muối chua.
Các giống dưa chuột bản địa cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm đánh giá. Theo Phạm Quang Thắng & Trần Thị Minh Hằng (2015), các mẫu giống dưa chuột H’Mông vùng Tây Bắc khá đa dạng về đặc điểm nông sinh học và đặc điểm hình thái. Các tính trạng đặc trưng, khác biệt của dưa chuột H’Mông là khả năng ra hoa đực nhiều, hoa cái ít, kích thước quả lớn, năng suất cá thể cao, chất lượng tốt, chống chịu tốt với bệnh phấn trắng.
Tác giả Trần Anh Tuấn & Trần Thị Minh Hằng (2016) đã tiến hành đánh giá khả năng chịu hạn của 32 mẫu giống dưa chuột bản địa Việt Nam nhằm tạo nguồn vật liệu dưa chuột bản địa Việt Nam mang một số đặc điểm nông sinh học quý và có khả năng chịu hạn tốt trong điều kiện thời tiết bất thuận. Kết quả nghiên cứu đã đánh giá được 13 mẫu giống có khả năng chịu hạn khá, có thể sử dụng làm vật liệu để chọn tạo các dòng dưa chuột chịu hạn.
Nghiên cứu về giới tính dưa chuột phục vụ công tác chọn tạo giống
Di truyền giới tính cây dưa chuột đã được nhiều tác giả nghiên cứu vì dưa chuột được xem là một sinh vật kiểu mẫu về biểu hiện giới tính trên thực vật (Trần Kim Cương, 2016). Nghiên cứu về giới tính cây dưa chuột được thực hiện ở Việt Nam từ những năm 2000. Phạm Mỹ Linh & cs. (2008) đã tiến hành nghiên cứu trên giống Marinda thông qua phương pháp tạo dòng tự phối đã thu được 17 dòng đơn tính cái. Trong đó có 5 dòng D1, D2, D8, D13 và D17 đạt mức độ đồng đều khá về các tính trạng chiều cao cây, số lá/cây và có khả năng kết hợp chung cao. Các dòng dưa chuột đơn tính cái mới tạo ra sinh trưởng phát triển tương đối tốt, tương đương với giống gốc Marinda trong điều kiện Gia Lâm - Hà Nội với các chỉ tiêu nông sinh học như: số lượng hoa cái/cây cao, mức độ nhiễm bệnh trên đồng ruộng thấp. Giai đoạn 2006-2010, Trần Khắc Thi & cs. (2010) đã chọn tạo thành công một số dòng dưa chuột đơn tính cái. Từ các dòng đơn tính cái này, nhóm tác giả đã chọn tạo thành công hai giống dưa chuột lai F1 là CV29 và CV209, đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống cho sản xuất thử năm 2010.
Phạm Mỹ Linh (2010) đã tiến hành nghiên cứu biểu hiện giới tính của một số giống dưa chuột. Kết quả đánh giá tập đoàn gồm 73 mẫu giống có kiểu hình sinh trưởng đa dạng, biểu hiện giới tính phong phú: bao gồm các dạng đơn tính cùng gốc, đơn tính cái, lưỡng tính, lưỡng tính đực… Kết quả nghiên cứu là cơ sở để lựa chọn
nguồn vật liệu cho công tác tạo giống, sản xuất hạt giống và nghiên cứu về đa dạng di truyền các dạng biểu hiện giới tính dưa chuột.
Việc tạo nguồn vật liệu đơn tính cái phục vụ công tác lai tạo giống dưa chuột cũng được chú trọng. Từ việc nuôi cấy in vitro bao phấn, Trần Khắc Thi (2011) đã tạo ra một số dòng dưa chuột đơn tính cái phục vụ công tác lai tạo giống.
Nghiên cứu tạo giống lai F1
Ở Việt Nam, những giống địa phương là nguồn gen bản địa của các vùng miền hiện đang được trồng như: dưa chuột Phú Thịnh, Yên Mỹ (Hưng Yên); dưa chuột Tam Dương (Vĩnh Phúc); dưa chuột Thủy Nguyên (Hải Phòng), dưa chuột H’mông (Sơn La). Những giống này sinh trưởng, phát triển tốt, có khả năng kháng một số bệnh hại nhưng năng suất thấp, khoảng từ 20 -25 tấn/ha. Chính vì vậy, việc chọn tạo giống dưa chuột có năng suất cao là nhu cầu tất yếu trong thực tế sản xuất. Trong những năm gần đây, một số cơ quan nghiên cứu đã tiến hành chọn tạo giống dưa chuột lai F1 có năng suất cao hơn rất nhiều so với các giống địa phương và có chất lượng tốt. Đào Xuân Thảng & cs. (2008) đã đánh giá các tổ hợp lai khác nhau và xác định được giống dưa chuột lai PC4 từ tổ hợp lai DL7 x TL15, có thời gian chín sớm, thu hoạch quả kéo dài 40-45 ngày, năng suất đạt 40-45 tấn/ha. Theo hướng chọn tạo giống dưa chuột lai F1 có năng suất cao, Phạm Mỹ Linh & cs.
(2005) đã chọn tạo thành công hai giống dưa chuột lai F1 là CV5 và CV11 phục vụ cho mục đích ăn tươi, có năng suất đạt 40-45 tấn/ha. Đến năm 2015, giống dưa chuột GL1-2, GL1-7 và GL1-8 phục vụ mục đích ăn tươi, năng suất trung bình đạt 45-50 tấn/ha được chọn tạo thành công (Phạm Mỹ Linh & cs. 2015). Giống dưa chuột GL1-2 có nguồn gốc từ Thái Lan, các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Rau quả đã tạo dòng tự phối và thử khả năng kết hợp, xác định được giống GL1-2 (AT1-4-2/AY5-2-6) có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, ra quả sớm và tập trung, cho năng suất cao 45 - 50 tấn/ha trong vụ xuân hè và đông.
Chọn tạo các giống dưa chuột phục vụ sản xuất cho các tỉnh phía Nam, Trần Kim Cương & Huỳnh Vũ Sơn đã chọn tạo thành công giống dưa chuột LĐ7, giống có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, trồng nhiều vụ trong năm năng suất đạt 38 tấn/ha, cho thu hoạch quả sớm (33 ngày sau trồng), vỏ quả màu xanh đậm, gai quả màu trắng, khối lượng đạt 120 g/quả. Trần Kim Cương & cs.
(2016) đã chọn được giống dưa chuột F1 MĐ06 từ tổ hợp lai VA2-3-1/FD2-2-
208 - 209 cm; số quả/cây 10,7- 11,8 quả/cây; trọng lượng quả 162,3- 168,2 g;
chiều dài quả: 16,5 -17,5 cm; độ dày thịt quả 1cm, không đắng, hình dạng quả thon; năng suất trung bình: trên 45 tấn/ha. Giống kháng được bệnh sương mai và bệnh phấn trắng.
Bên cạnh việc nghiên cứu chọn tạo giống dưa chuột lai F1 phục vụ nhu cầu ăn tươi, các giống dưa chuột phục vụ sản xuất nhằm cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu cũng được đầu tư nghiên cứu. Công tác chọn tạo giống dưa chuột phục vụ chế biến trong thời gian đầu chủ yếu là nhập nội và khảo nghiệm các giống của nước ngoài. Công tác nghiên cứu chọn tạo giống dưa chuột phục vụ chế biến mới được thực hiện trong những năm gần đây. Giai đoạn 2006-2010, Phạm Mỹ
Linh & cs. (2009) đã chọn tạo thành công hai giống dưa chuột lai F1 là giống CV29 và CV209. Giống dưa chuột CV29 có thời gian sinh trưởng khoảng 80-90 ngày, thời gian thu quả khoảng 40-50 ngày. Với chiều dài quả trung bình 28-30 cm, đường kính quả 3,8-4,3 cm, đặc ruột, vỏ xanh gai trắng giống CV29 rất thích hợp cho chế biến dạng muối mặn. Năng suất đạt từ 40-45 tấn/ha. Giống CV209 có thời gian sinh trưởng khoảng 70-75 ngày, thời gian thu quả khoảng 40-45 ngày. Chiều dài quả trung bình 9,8 cm, đường kính quả 2,8 cm, ít ruột, vỏ mầu xanh gai trắng rất thích hợp cho chế biến đồ hộp dạng muối chua nguyên quả. Năng suất đạt trên 25 tấn/ha, với tỷ lệ đạt tiêu chuẩn chế biến nguyên quả trên 90%.
Đoàn Xuân Cảnh & cs. (2017) đã nghiên cứu chọn tạo thành công giống dưa chuột PC5. Giống PC5 có thời gian sinh trưởng 90-100 ngày (vụ xuân hè) và 85- 90 ngày (vụ thu đông). Thân lá xanh đậm, cứng, khỏe, phân nhánh trung bình. Quả to (dài 35-40 cm, đường kính 2,5-2,7 cm), vỏ quả màu xanh đậm, gai quả màu xanh và dày tạo nên vỏ quả nhăn, cứng và chắc. Giống dưa chuột PC5 có năng suất trung bình 50-53 tấn/ha (vụ xuân hè), 45-47 tấn/ha (vụ thu đông), khả năng kháng bệnh héo xanh vi khuẩn khá. Với hàm lượng chất khô quả đạt trên 7%, dưa chuột PC5 thích hợp làm nguyên liệu cho chế biến muối mặn xuất khẩu và thái lát làm rau xanh trong bữa ăn hàng ngày.
Ở Việt Nam công tác chọn tạo giống dưa chuột trồng trong nhà kính, nhà lưới còn rất hạn chế. Một phần do công nghệ sản xuất dưa chuột công nghệ cao mới được tiếp cận và chưa đủ điều kiện để có thể áp dụng rộng rãi trong sản xuất. Việc nghiên cứu chọn tạo giống phục vụ sản xuất trong nhà kính theo hướng công nghệ cao đã được Đoàn Xuân Cảnh & cs. (2016) tuyển chọn giống và xây dựng quy trình kỹ
thuật sản xuất trong nhà kính. Sau 4 năm nghiên cứu, tác giả đã tuyển chọn được 3
giống dưa chuột: Hazera 55003, Tomax và Romy, nguồn gốc Israel và Hà Lan.
Năng suất đạt 90-100 tấn/ha, khi chín quả có độ Brix đạt > 9%, chất lượng tốt đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, thích hợp cho sản xuất trong nhà kính. Phạm Mỹ Linh & cs. (2015) đã chọn tạo thành công giống dưa chuột GL1-7 có nguồn gốc từ cặp lai (ST 7-6-3/XY 5-4-7) thời gian sinh trưởng từ 80 - 85 ngày, khả năng sinh trưởng, phát triển tốt. Quả dài, chiều dài quả 17 - 20 cm, vỏ xanh, gai trắng, đặc ruột, năng suất trung bình đạt 90 - 100 tấn/ha. Giống phù hợp với điều kiện trồng trong nhà lưới.
Năm 2015, các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Rau quả đã tiến hành đánh giá một số tổ hợp lai dưa chuột trồng trong nhà lưới tại miền Bắc Việt Nam.
Kết quả thu được 5 tổ hợp lai sinh trưởng, phát triển tốt có năng suất vượt trội so với đối chứng. Trong đó, có 3 tổ hợp lai: HB5, HB4 và HB7 năng suất đạt 65-86 tấn/ha trong vụ thu đông và xuân hè (Phạm Mỹ Linh, 2015).