Học chế tín chỉ được hình thành và mở đầu tại Viện Đại học Harvard, Hoa kỳ năm 1872 [2, tr.
5]. Mục đích của nó là quá trình đào tạo được tổ chức sao cho người học có thể lựa chọn cho mình cách học phù hợp nhất với khả năng học vấn và tài chính của mình. Cơ sở đào tạo phải thích ứng dễ dàng trước nhu cầu biến động, đa dạng của đời sống xã hội. Với mục đích như vậy, học chế tín chỉ được phát triển nhanh chóng ở Mỹ và lan rộng sang châu Âu.
Ở Việt Nam, trước năm 1975 cũng đã triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ [2, tr. 5]. Sau 1975, vào năm 1980 tư tưởng đào tạo theo hệ thống tín chỉ được hình thành. Trường Đại học Bách khoa Tp. HCM đi tiên phong triển khai từ năm học 1993 – 1994, sau đó là các trường Đại học Đà Lạt, Cần Thơ, Thủy sản Nha Trang, Khoa học tự nhiên Tp. HCM… Và cho đến nay, theo quy chế
43/2007/QĐ–BGD&ĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra lộ trình để tất cả các trường Đại học Việt Nam triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ.
Học chế tín chỉ có một số đặc điểm sau:
(1) – Đào tạo đại học theo học chế tín chỉ là một hệ thống đào tạo tiến bộ với triết lý cơ bản là tôn trọng người học, coi người học là trung tâm, nói cách khác là hướng đến người học và tạo điều kiện thuận lợi cho người học.
Chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ tạo cho sinh viên tính chủ động cao trong việc lựa chọn kiến thức trang bị cho bản thân và đề ra kế hoạch học tập phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Sinh viên có thể học nhanh hơn hay muộn hơn so với tiến độ bình thường, sinh viên được chủ động về mặt thời gian, nếu học tốt có thể rút ngắn thời gian học, sinh viên cũng có điều kiện để vừa học, vừa làm.
(2) – Tín chỉ là đơn vị dùng để đo lường khối lượng kiến thức và kết quả học tập đã tích luỹ được của sinh viên. Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; 30 – 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45 – 90 giờ thực tập tại cơ sở; 45 – 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khoá luận tốt nghiệp. Đối với những học phần lý thuyết hoặc thực hành, thí nghiệm, để tiếp thu được một tín chỉ, sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân.
(3) – Người học phải tích lũy kiến thức theo từng học phần. Học phần là khối lượng kiến thức tương đối trọn vẹn, thuận tiện cho sinh viên tích luỹ trong quá trình học tập, có tính độc lập tương đối so với các học phần khác. Phần lớn học phần có khối lượng từ 2 đến 4 tín chỉ, nội dung được bố trí giảng dạy trọn vẹn và phân bố đều trong một học kỳ. Kiến thức trong mỗi học phần gắn với một mức trình độ theo năm học thiết kế và được kết cấu riêng như một phần của môn học hoặc được kết cấu dưới dạng tổ hợp từ nhiều môn học.
Có hai loại học phần: học phần bắt buộc và học phần tự chọn.
Học phần bắt buộc là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức chính yếu của mỗi chương trình và bắt buộc sinh viên phải tích lũy.
Học phần tự chọn là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức cần thiết, nhưng sinh viên được tự chọn theo hướng dẫn của trường nhằm đa dạng hoá hướng chuyên môn hoặc được tự chọn tuỳ ý để tích luỹ đủ số học phần quy định cho mỗi chương trình.
(4) – Chương trình đào tạo có tính mềm dẻo và khả năng thích ứng cao, sinh viên có thể chủ động, tự bố trí sắp xếp chương trình học tập và có thể rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập tuỳ theo từng điều kiện, hoàn cảnh riêng của bản thân.
Người học có thể điều chỉnh ngành nghề chuyên môn ở giữa tiến trình học tập, thay vì bắt buộc sinh viên phải học lại từ đầu. Các kiến thức sinh viên đã tích lũy sẽ được bảo lưu, và sinh viên phải học bổ sung những kiến thức cần thiết khác mà ngành nghề chuyên môn mới đòi hỏi. Bên cạnh đó, ngoài hai học kỳ chính, chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ cho phép mở học kỳ hè, tạo điều kiện cho sinh viên học vượt hoặc học lại các học phần chưa đạt.
(5) – Dạy học lấy người học làm trung tâm, giảng viên là người hướng dẫn, giới thiệu, theo dõi và đánh giá, sinh viên phải chủ động, tích cực, lập kế hoạch học tập cho riêng mình, tăng thời gian tự học, tự nghiên cứu, làm bài tập, đồ án, tiểu luận… Từ đó, đòi hỏi người thầy giáo cũng phải đổi mới phương pháp dạy học, thay đổi cách dạy truyền thống là thầy đọc, trò chép. Sinh viên phải làm việc hoặc làm việc theo nhóm nhiều hơn, khi có thắc mắc sinh viên có thể trao đổi trực tiếp với thầy bằng nhiều hình thức được quy định trong đề cương chi tiết của môn học và được thầy thông báo trước khi bắt đầu môn học.
(6) – Đào tạo theo học chế tín chỉ có tính liên thông cao, có 2 hình thức liên thông, đó là liên thông dọc và liên thông ngang.
Liên thông dọc là liên thông theo chiều dọc từ thấp đến cao: dạy nghề lên trung cấp, trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên Đại học, trung cấp lên Đại học...) đối với những đơn vị có cùng chuyên ngành trong trường hoặc trường khác và có đủ các điều kiện theo qui định của Bộ GD&ĐT.
Liên thông ngang là liên thông theo chiều ngang giữa các trường khi được công nhận kết quả lẫn nhau về chương trình đào tạo, kết quả đào tạo, giúp người học có thể thay đổi ngành học từ trường này sang học ngành khác ở trường khác (công nhận các tín chỉ môn học, môn tương đương, chuyển đổi…).
Đào tạo theo học chế tín chỉ tạo điều kiện cho việc chấp nhận sinh viên và chương trình học giữa các trường đại học với nhau, trên cơ sở xem xét mức độ phù hợp các tín chỉ sinh viên đã tích lũy được, tạo điều kiện cho sinh viên khi muốn theo học những ngành nghề khác ở các trường đại học khác nhau.
Đào tạo theo học chế tín chỉ cũng mở ra cơ hội cho các trường đại học trong nước mở các chương trình đào tạo liên kết với các trường đại học trong khu vực, trên thế giới và tạo điều kiện cho các trường đại học trên thế giới công nhận chương trình đào tạo của các trường đại học Việt Nam.
(7) – Cố vấn học tập là những người được tuyển chọn trong số những giảng viên am hiểu quy trình đào tạo theo học chế tín chỉ, có tinh thần trách nhiệm cao, có uy tín đối với sinh viên nhằm giúp đỡ, hướng dẫn sinh viên trong việc lựa chọn đăng ký những học phần sao cho thích hợp với năng lực và sở thích của sinh viên vào đầu mỗi học kỳ, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong chương trình đào tạo của nhà trường.
(8) – Theo quy chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ [10, tr. 12] ban hành theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì điểm học phần là tổng điểm của tất cả các điểm đánh giá bộ phận nhân với trọng số, sau đó chuyển điểm thành chữ (A, B, C, D, F) và quy đổi ra điểm số 4, 3, 2, 1, 0 để tính điểm trung bình chung học kỳ và điểm trung bình chung tích lũy.
Điểm đánh giá bộ phận và kết thúc học phần chấm theo thang điểm 10 (từ 0 đến 10), làm tròn đến một chữ số thập phân. Việc lựa chọn các hình thức đánh giá bộ phận và trọng số của các điểm đánh giá bộ phận, cũng như cách tính điểm tổng hợp đánh giá học phần do giảng viên đề xuất, được Hiệu trưởng phê duyệt và phải được quy định trong đề cương chi tiết của học phần. Điểm thi kết thúc học phần là bắt buộc cho mọi trường hợp và có trọng số không dưới 50%.
Căn cứ vào điểm của các học phần để tính điểm trung bình chung học kỳ và trung bình chung tích lũy theo công thức sau:
n
i
i n
i
i i
n n a
A
1 1
Trong đó: A là điểm trung bình học kỳ hay trung bình chung tích lũy ai là điểm của học phần thứ i
ni là số tín chỉ của học phần thứ i n là tổng số học phần
(9) – Cách thức tổ chức đào tạo và quản lý đào tạo ở học chế tín chỉ rất khác biệt với cách tổ chức theo quy chế đào tạo đại học, cao đẳng ban hành kèm theo Quyết định số 25/2006/QĐ- BGDĐT như:
Vào đầu mỗi năm học, trường thông báo lịch trình học dự kiến cho từng chương trình trong từng học kỳ, danh sách các học phần bắt buộc và tự chọn dự kiến sẽ dạy, đề cương chi tiết, điều kiện tiên quyết để được đăng ký học cho từng học phần, lịch kiểm tra và thi, hình thức kiểm tra và thi đối với các học phần. Tùy theo khả năng và điều kiện học tập của bản thân, từng sinh viên phải đăng ký học các học phần dự định sẽ học trong học kỳ đó với phòng đào tạo của trường.
Lớp học được tổ chức theo từng học phần dựa vào đăng ký khối lượng học tập của sinh viên ở từng học kỳ. Nếu số lượng sinh viên đăng ký thấp hơn số lượng tối thiểu quy định thì lớp học sẽ không được tổ chức và sinh viên phải đăng ký chuyển sang học những học phần khác có lớp, nếu chưa đảm bảo đủ quy định về khối lượng học tập tối thiểu cho mỗi học kỳ.
Quy định khối lượng kiến thức cho mỗi văn bằng, với đại học hệ 04 năm khối lượng kiến thức từ 120 đến 140 tín chỉ (không nhất thiết phải tối đa).
Sinh viên tích lũy đủ số tín chỉ theo quy định của trường sẽ được cấp bằng tốt nghiệp, không còn kỳ thi tốt nghiệp. Và chỉ có một loại văn bằng chính quy cho hai loại hình đào tạo tập trung và không tập trung.
CHƯƠNG 2:
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC YERSIN ĐÀ LẠT