3.2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động học của SV theo học chế tín chỉ
3.2.2. Nhóm giải pháp dạy cách học cho sinh viên
Thủ tướng Phan Văn Khải [52, tr. 10] đã nói: “Dạy ở đại học chủ yếu là dạy cho sinh viên cách học, cách tư duy sáng tạo”. Thật vậy, phương pháp học tập ở bậc đại học có tính quyết định đến kết quả học tập của mỗi SV, đặc biệt là trong đào tạo theo học chế tín chỉ đòi hỏi tính chủ động, tích cực rất cao của SV.
Các Khoa, phòng Công tác Sinh viên, Đoàn TNCS HCM, Hội Sinh viên nhà trường cần thường xuyên tổ chức các lớp học, các buổi hội thảo hướng dẫn cho SV những kiến thức về kỹ năng và phương pháp học tập ở bậc đại học ngay từ khi SV mới vào trường.
Khảo sát mức độ cần thiết của nhóm biện pháp này cho thấy: CBQL, GV và SV đánh giá cao mức độ cần thiết của các biện pháp dạy cách học cho SV, cụ thể:
– Hướng dẫn phương pháp học tập ở bậc đại học, phương pháp tự học, phương pháp học nhóm cho SV: ĐTBSV = 3.61, ĐTBCBQL,GV = 3.67.
– Hướng dẫn SV xác định được nội dung tự học cần thiết, hợp lý, khoa học: ĐTBSV = 3.53, ĐTBCBQL,GV = 3.51.
– Hướng dẫn SV kỹ năng xây dựng kế hoạch học tập cho riêng mình: ĐTBSV = 3.55, ĐTBCBQL,GV = 3.60.
Dạy cách học tập ở bậc đại học cho SV cần tập trung vào các vấn đề sau:
Biện pháp 1: Dạy SV cách lập kế hoạch học tập
Đào tạo theo học chế tín chỉ đòi hỏi SV phải rất chủ động trong suốt quá trình học tập của mình. SV phải lựa chọn các môn học theo từng học kỳ dựa trên sự hướng dẫn của cố vấn học tập.
Bên cạnh đó, SV phải có kế hoạch tự học thật chặt chẽ, khoa học mới có thể đạt được kết quả cao trong học tập.
– Dạy kỹ năng xây dựng kế hoạch phấn đấu trong học tập với những mục tiêu cụ thể:
Xây dựng những mục tiêu phấn đấu và kế hoạch hoàn thành những mục tiêu đó sẽ giúp cho SV phân biệt được việc chính với việc phụ, việc làm ngay với việc sẽ phải làm và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu phấn đấu để từng bước tích luỹ kết quả học tập.
Kỹ năng xây dựng kế hoạch học tập bao gồm những công việc sau: Liệt kê và ghi ra những công việc cần làm; tự xây dựng kế hoạch học tập theo từng tuần, tháng, học kỳ, năm học; sắp xếp, phân phối thời gian hợp lý cho những nhiệm vụ học tập, ưu tiên cho những nhiệm vụ quan trọng;
xác định thời gian phải hoàn thành công việc; tự kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch và rút kinh nghiệm.
– Dạy cách lập kế hoạch sử dụng thời gian: Giúp cho SV làm chủ được quỹ thời gian và không quên các công việc sẽ phải làm, không bị động trước rất nhiều các tư liệu cần phải đọc và các công việc phải hoàn thành đúng hạn.
Biện pháp 2: Dạy SV cách nghe giảng và ghi bài trên lớp
Trong đào tạo theo học chế tín chỉ, thời gian giảng dạy trên lớp sẽ ít đi, phương pháp giảng dạy của giảng viên sẽ thay đổi, SV sẽ được thảo luận nhiều hơn, sự tương tác giữa GV và SV sẽ tăng lên. Do đó, SV cần phải có phương pháp nghe giảng bài và ghi chép bài giảng thật khoa học.
Dạy cho SV cách nghe giảng và ghi bài trên lớp bao gồm:
– Dạy nguyên tắc chính của nghe – ghi: Nghe và ghi đầy đủ, tỉ mỉ để có khả năng kết hợp cao nhất đồng thời thính giác, thị giác và tri giác, nhờ đó hiểu và tái hiện thông tin – tri thức một cách dễ dàng và sâu sắc nhất.
– Dạy các thủ thuật nghe – ghi: tuỳ theo đặc điểm của từng môn học, dạy cách viết tắt, viết gạch chân để nhấn mạnh và dễ nhớ…
– Dạy cách theo dõi, đọc tài liệu có hiệu quả và hiệu suất cao.
Biện pháp 3: Dạy SV cách học bài
Thời gian tự học của SV trong đào tạo theo học chế tín chỉ là rất nhiều, SV phải chủ động tìm tài liệu liên quan đến môn học, đọc sách, đi thư viện, học nhóm, làm bài tập, tiểu luận… Do đó, cần phải trang bị cho SV phương pháp tự học ở bậc đại học, bao gồm:
– Dạy cách tự học: Dạy cho SV biết các phương pháp để tự học đạt được hiệu quả cao.
Phương pháp tự học bao gồm: Xem trước bài học và tự rút ra kiến thức khi nghe giảng; học lý thuyết, công thức trước khi làm bài tập thực hành; nghiên cứu để nắm thực chất nội dung học tập;
đọc thêm các tài liệu tham khảo để làm bài tập, đồ án, tiểu luận ở nhà; trao đổi với bạn bè để thảo luận về nội dung học tập; đọc thêm sách, tài liệu tham khảo để nắm vững kiến thức đã học và mở rộng thêm kiến thức; hệ thống hóa, khái quát hóa tài liệu học tập.
– Dạy cách xác định nội dung tự học hợp lý, khoa học: Nội dung tự học bao gồm: Xem lại bài giảng các môn vừa mới học trong ngày; làm bài tập, đồ án, tiểu luận ở nhà; nghiên cứu bài mới sắp học; tìm đọc sách, tài liệu tham khảo do giảng viên giới thiệu; đọc thêm sách, tài liệu tham khảo để mở rộng kiến thức; đi học thêm để nâng cao trình độ (ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ…).
Dựa trên những nội dung tự học này, SV cần phải lập kế hoạch và sắp xếp các công việc thật khoa học, hợp lý để đạt được hiệu quả cao.
– Dạy cách học nhóm: để học cách giao tiếp, học cách trình bày diễn giải bằng lời, học cách thuyết phục đồng nghiệp, học cách quản lý và tổ chức từ một nhóm nhỏ học tập đến một hội thảo đông đảo, học cách tham khảo trí tuệ của bạn học và đồng nghiệp…
Biện pháp 4: Dạy SV cách đọc sách
Đọc để học, để nghiên cứu tài liệu là khâu quan trọng nhất trong quy trình tự học và có tác dụng rất lớn đến quá trình hình thành và phát triển trí tuệ, đặc biệt là trí tuệ ngôn ngữ. Do đó, nếu có kỹ năng và phương pháp đọc sách, tài liệu hiệu quả thì sẽ góp phần tích cực vào chất lượng tự học của sinh viên.
Dạy cách đọc sách, tài liệu bao gồm:
– Dạy cách chọn sách đọc: chọn sách cho phù hợp với mục tiêu môn học, chọn sách cho phù hợp với trình độ người học, chọn sách để đào sâu, học rộng…
– Dạy cách đọc sách và ghi chép: để lưu giữ thông tin, để bổ sung bài giảng và để tự học nâng cao tri thức, năng lực…
Biện pháp 5: Dạy SV cách nghiên cứu và giải quyết vấn đề
Khi học tập ở bậc đại học, SV phải thường xuyên làm các bài tập, đồ án, tiểu luận hoặc làm các đề tài nghiên cứu khoa học. Ngay từ đầu khóa học, các Khoa cần trang bị cho SV những kiến thức, kỹ năng và cách thức lựa chọn vấn đề, nghiên cứu và giải quyết vấn đề.
– Dạy cách chọn vấn đề: Dạy cách chọn vấn đề theo ý nghĩa khoa học hoặc ý nghĩa thực tiễn hay; chọn vấn đề theo sở thích hoặc theo hệ thống nghiên cứu của giảng viên, của đơn vị…
– Dạy cách nghiên cứu vấn đề: Cách xây dựng đề cương nghiên cứu; cách thu thập tư liệu;
cách viết tổng quan; cách phân tích, tổng hợp và bình luận đánh giá các tư liệu thu thập được và đề xuất phương hướng giải quyết vấn đề…
– Dạy cách giải quyết vấn đề: Cách chọn lọc phương pháp giải quyết vấn đề, các bước triển khai giải quyết vấn đề, các thử nghiệm giải quyết vấn đề, cách kiểm tra đánh giá kết quả giải quyết vấn đề.
3.2.3. Giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ GVCN – CVHT
Trong đào tạo theo học chế tín chỉ, các Khoa cần phải xây dựng, bồi dưỡng một đội ngũ GVCN kiêm cố vấn học tập (CVHT). GVCN – CVHT là người thay mặt Hiệu trưởng, Trưởng khoa quản lý, giáo dục SV ở một lớp, giáo dục toàn diện cho SV. GVCN – CVHT là những người được tuyển chọn trong số những giảng viên am hiểu quy trình đào tạo theo học chế tín chỉ, có tinh thần trách nhiệm cao, có uy tín đối với SV nhằm giúp đỡ, hướng dẫn SV trong việc lựa chọn đăng ký những học phần sao cho thích hợp với năng lực và sở thích của SV vào đầu mỗi học kỳ, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong chương trình đào tạo của nhà trường.
Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng, giúp đỡ SV lựa chọn và xây dựng được kế hoạch học tập phù hợp nhất với hoàn cảnh của từng SV. Để xây dựng được một đội ngũ GVCN – CVHT giỏi cần áp dụng một số biện pháp sau:
- Nhà trường xây dựng Quy định quyền hạn và trách nhiệm của GVCN – CVHT, trong đó, nêu rõ về chức năng, nhiệm vụ, chế độ làm việc, chế độ đãi ngộ, các hình thức khen thưởng, kỷ luật của GVCN – CVHT. Điều này không chỉ làm cho GVCN – CVHT hiểu rõ công việc của mình mà còn tạo ra nề nếp làm việc cho công tác chủ nhiệm lớp và cố vấn học tập. Qua đây, công tác quản lý hoạt động học tập của SV sẽ được thực hiện có hiệu quả hơn.
- Nhà trường mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn công tác cho đội ngũ GVCN – CVHT, trong đó, chú trọng trang bị cho GVCN – CVHT những kiến thức sâu về quy trình đào tạo theo học chế
tín chỉ, mục tiêu, chương trình đào tạo của ngành học và hướng dẫn phương pháp để làm tốt công tác chủ nhiệm lớp.
- Phân công một GVCN – CVHT quản lý một lớp với số lượng SV hợp lý. Khắc phục tình trạng trong đào tạo theo học chế niên chế là một GVCN phải phụ trách nhiều lớp, dẫn đến không quản lý, nắm chắc tình hình SV lớp mình chủ nhiệm. Trong đào tạo theo học chế tín chỉ, các Khoa cần sắp xếp, phân công một GVCN – CVHT phụ trách một số lượng SV nhất định để có thể quản lý, cố vấn học tập cho SV đạt hiệu quả cao.
Biện pháp GVCN thường xuyên kiểm tra, đánh giá, đôn đốc, nhắc nhở SV học tập nhận được sự khác biệt (P = 0.00 < 0.05) trong giá của CBQL, GV và SV về mức độ cần thiết. CBQL, GV cho rằng biện pháp này rất cần thiết, cần đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới (ĐTBCBQL, GV =3.54);
SV lại đánh giá mức độ cần thiết của biện pháp này ở mức trung bình (ĐTBCBQL, GV =3.28). Sự khác biệt trong ý kiến đánh giá của CBQL, GV và SV có thể giải thích như sau: SV cho rằng hoạt động học tập ở bậc đại học đòi hỏi sự chủ động của SV, không cần GVCN nhắc nhở, đôn đốc.
Trong khi đó, CBQL, GV lại cho rằng GVCN cần phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở để giúp SV xác định được nhiệm vụ quan trọng nhất là học tập. Tác giả đồng ý với ý kiến của CBQL, GV, mặc dù ở bậc đại học SV phải chủ động hoàn toàn trong hoạt động học tập của bản thân, tuy nhiên GVCN cũng cần phải tham gia quản lý, hướng dẫn SV học tập để đạt được hiệu quả cao hơn.