Nhóm giải pháp phối hợp các lực lượng giáo dục tham gia vào quản lý hoạt động học tập của SV

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Giáo dục học: Thực trạng quản lý hoạt động học tập của sinh viên Trường Đại học Yersin Đà Lạt (Trang 76 - 79)

3.2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động học của SV theo học chế tín chỉ

3.2.7. Nhóm giải pháp phối hợp các lực lượng giáo dục tham gia vào quản lý hoạt động học tập của SV

Mục đích và nội dung giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội là thống nhất với nhau, đều nhằm đào tạo và giáo dục thế hệ trẻ trở thành những người có tài, có đức, có năng lực thực hành, năng động và sáng tạo... thành những người chủ tương lai của đất nước. Giáo dục nhân cách cho SV là một quá trình khó khăn, phức tạp, lâu dài, nếu phối hợp các lực lượng giáo dục sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, tạo nên sự thống nhất và liên tục.

Do đó, nhà trường cần phải phát huy vai trò của nhiều lực lượng cùng tham gia vào công tác quản lý hoạt động học tập của SV. Bao gồm:

Biện pháp 1: Phối hợp với gia đình SV

Nếu nhà trường và gia đình phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác quản lý, giáo dục SV thì sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ SV phấn đấu học tập và rèn luyện để trở thành những công dân có ích cho xã hội. Trong trường đại học, sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình SV cần được đẩy mạnh thực hiện qua các công việc:

– GVCN – CVHT cần thường xuyên liên hệ với gia đình SV qua các hình thức như thư từ, điện thoại để thông báo tình hình học tập, rèn luyện của SV cho gia đình, đồng thời trao đổi những vấn đề nảy sinh trong hoạt động học tập của SV.

– GVCN – CVHT gửi kết quả học tập, rèn luyện theo từng học kỳ, năm học của SV tới phụ huynh SV: Việc làm này đã được nhà trường thực hiện nhưng vẫn còn rất hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa kịp thời, có nhiều trường hợp thất lạc… Do đó, trong năm học tới, nhà trường cần quy định nhiệm vụ này cho GVCN – CVHT thực hiện, để họ có điều kiện nắm chắc tình hình học tập, rèn luyện của SV, từ đó, có những điều chỉnh, uốn nắn kịp thời.

– Phòng Công tác Sinh viên và các Khoa thực hiện yêu cầu phải có chữ ký phụ huynh trong đơn xin nghỉ học tạm thời (từ 1 – 2 năm) và đơn xin thôi học để góp phần quản lý hoạt động học tập của SV.

– Thu hút phụ huynh SV tham gia vào các hoạt động của nhà trường: Khi có điều kiện, GVCN – CVHT có thể mời phụ huynh SV tham gia vào các hoạt động của nhà trường, của lớp, từ đó, phụ huynh SV sẽ càng thấy rõ trách nhiệm là phải cùng với nhà trường quản lý SV.

Kết quả khảo sát cho thấy: Tăng cường các biện pháp phối hợp chặt chẽ với phụ huynh SV trong việc quản lý hoạt động học tập của SV nhận được sự đánh giá khác biệt (P = 0.00 < 0.05) của CBQL, GV và SV về mức độ cần thiết: ĐTBSV = 3.17; ĐTBCBQL, GV = 3.56. Sự đánh giá khác biệt này có thể giải thích là do tâm lý chung của SV không muốn bố mẹ can thiệp quá sâu vào hoạt động học tập của bản thân. CBQL, GV lại cho rằng cần phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh SV để cùng tham gia quản lý hoạt động học tập của SV đạt hiệu quả cao hơn.

Biện pháp 2: Phối hợp chặt chẽ với ban Cán sự lớp

Ban Cán sự lớp là lực lượng trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động phong trào của lớp, ban Cán sự lớp còn là cầu nối tạo ra môi trường học tập thân thiện, tích cực, tạo ra bầu không khí đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập. Ban Cán sự lớp bao gồm lớp trưởng, các lớp phó và các tổ trưởng học tập.

– Các Khoa, mà trực tiếp là các GVCN, cần lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ ban Cán sự lớp có đủ năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm để cùng với GVCN quản lý, điều hành các hoạt động học tập của lớp diễn ra đạt kết quả tốt.

– GVCN tổ chức bồi dưỡng cho ban Cán sự lớp nắm vững các nội quy, quy chế trong trường học, bồi dưỡng khả năng lãnh đạo, quản lý lớp, tổ học tập. Đây chính là cơ sở để các Khoa làm tốt việc quản lý và nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện của SV.

– Nhà trường cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của ban Cán sự lớp và phải phổ biến cho ban Cán sự lớp ngay từ đầu khoa học nhằm giúp cho ban Cán sự lớp làm việc hiệu quả hơn.

– Nhà trường cần tăng cường các hình thức khen thưởng, động viên ban Cán sự lớp bằng các hình thức như: tặng giấy khen, cộng điểm rèn luyện, nếu có điều kiện, nhà trường có thể áp dụng chế độ phụ cấp cho đội ngũ ban Cán sự lớp.

Biện pháp 3: Phối hợp với ban Chấp hành chi đoàn, chi hội

Ban Chấp hành chi đoàn, chi hội có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống và hoạt động ngoại khóa cho đoàn viên, sinh viên. Tham gia vào những hoạt động này, SV sẽ được rèn luyện và trưởng thành hơn, đây cũng chính là mục tiêu hướng đến giáo dục SV phát triển toàn diện, bồi dưỡng những kỹ năng sống cho SV.

Một số biện pháp cần thực hiện là:

– Ban Thường vụ Đoàn TNCS HCM trường cần hướng dẫn nội dung cho các chi đoàn, chi hội tổ chức các buổi sinh hoạt hàng tháng theo quy định. Việc làm này góp phần rèn luyện chính trị, tư tưởng, đạo đức, tác phong và xây dựng tinh thần đoàn kết trong tập thể, từ đó, giúp SV hình thành được mục đích, động cơ học tập đúng đắn.

– Ban Thường vụ Đoàn trường, Ban Thư ký Hội Sinh viên trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho SV tham gia (hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động xã hội, tình nguyện…) nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm. Những hoạt động này sẽ góp phần vào mục tiêu giáo dục con người phát triển toàn diện, đào tạo ra những công dân sống có ích cho xã hội.

– Thường xuyên tổ chức các buổi lễ kỷ niệm nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước. Đây là việc làm góp phần giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng cho SV, giúp cho SV thấy được truyền thống hào hùng của dân tộc, từ đó, ý thức được phải nỗ lực, phấn đấu học tập để xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Các giải pháp đề xuất trên đây phải được phối hợp chặt chẽ với nhau trong quản lý hoạt động học tập của SV, không thể sử dụng từng biện pháp riêng lẻ mà có thể đem lại thành công. Do đó, nhà trường cần có những quy định bổ sung vào chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, làm cho các đơn vị thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào công tác quản lý hoạt động học tập của SV.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Giáo dục học: Thực trạng quản lý hoạt động học tập của sinh viên Trường Đại học Yersin Đà Lạt (Trang 76 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)