Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4. Đánh giá công tác quản lý các khoản thu từ đất tại Chi cục Thuế huyện Cẩm Khê
3.4.2. Những hạn chế và nguyên nhân
* Số thuế thu từ tiền thuê đất không cao, hiện tượng chậm nộp, nợ đọng tiền thuê đất khá lớn, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do:
Thứ nhất, khủng hoảng kinh tế thế giới tác động đến trong nước, trong những năm qua ảnh hưởng đến việc quản lý do đó để nhà nước thực hiện kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội;
thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa, dẫn đến thị trường bất động sản đóng băng. Ngân hàng thắt chặt cho vay đối với hoạt động đầu tư bất động sản, cộng với lãi suất ngân hàng cho vay cao. Vì vậy năm 2018 đã có khá nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, đầu tư mở rộng sản xuất... từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý đất đai cũng như công tác thu thuế trên địa bàn; mặt khác công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án, tiến độ đấu giá quyền SDĐ cũng như thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp tiền SDĐ đối với Nhà nước của các chủ đầu tư dự án, cá nhân được giao đất.
Thứ hai, công tác phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án và việc giao đất trên thực địa chưa đồng bộ, có dự án do phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, thay đổi loại hình đầu tư dự án, thay đổi diện tích tính thu tiền SDĐ.Việc này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai
của các dự án do chưa có diện tích cụ thể để thu tiền sử dụng đất hoặc phần diện tích của những dự án chuyển đổi loại hình đầu tư sẽ không thuộc đối tượng phải nộp tiền sử dụng đất.
Thứ ba, chính sách các khoản thu từ đất hiện nay còn nhiều bất cập, thể hiện:
- Việc thay đổi chính sách về đơn giá thuê đất và một số dự án thuê đất đã hết thời hạn ổn định đơn giá thuê đất 5 năm nhưng Sở Tài chính tỉnh, Phòng Tài chính - kế hoạch huyện chưa kịp thời ban hành Quyết định điều chỉnh đơn giá thuê đất cho chu kỳ tiếp theo. Điều đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu thuế của cơ quan Thuế và việc nộp tiền thuê đất của các dự án.
- Do quy định của chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản không cụ thể, rõ ràng, về trách nhiệm phối hợp giữa chính quyền cơ sở và cơ quan nhà nước có liên quan, trong việc quản lý chuyển nhượng bất động sản; Điều đó đã xảy ra tình trạng chuyển nhượng ngầm, dưới hình thức thu hồi đất của doanh nghiệp này và giao đất cho doanh nghiệp khác. Ngành Thuế có thể chỉ thu được thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất, còn phần thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất thuê không thể thu được, dẫn đến thất thu phổ biến ở sắc thuế này và đối tượng được hưởng lợi là các doanh nghiệp chuyển nhượng.
- Quy định về việc tính tiền chậm nộp và cưỡng chế các khoản nợ phát sinh từ các khoản thu trên đất của Tổng cục thuế chưa phù hợp với việc xây dựng và sử dụng phần mềm quản lý thuế tập trung (TMS), dẫn đến khó khăn cho cơ quan thuế các cấp trong quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Việc khai, nộp thuế điện tử qua mạng internet chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong quản lý khai, nộp và quyết toán thuế.
Thứ tư, khả năng tài chính của một số chủ dự án đầu tư trên địa bàn còn yếu, nguồn vốn đầu tư chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, đầu tư dàn trải
thiếu tập trung nên gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến chậm nộp tiền sử dụng đất và thuê đất vào NSNN. Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật thuế của một số chủ dự án, cá nhân trúng đấu giá còn chưa cao, không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của người sử dụng đất; mặc dù cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp tính tiền chậm nộp tiền sử dụng đất đối với các doanh nghiệp theo quy định của Luật Quản lý thuế nhưng tình trạng này vẫn xảy ra.
* Hiệu quả sử dụng đất giao, đất thuê của một số dự án không cao, dẫn đến nợ tiền thuê đất. Có dự án thuê đất xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh nhưng làm ăn không hiệu quả, thua lỗ nên đã phải giải thể, phá sản, không có khả năng trả tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn huyện Cẩm Khê sử dụng đất không hiệu quả, lợi nhuận sản xuất không đủ để bù đắp chi phí sản xuất, do đó không có tiền để nộp tiền thuê đất vào NSNN. Có trường hợp sử dụng đất thuê không đúng mục đích khi được cho thuê đất, cho thuê lại đất với đơn giá cho thuê lại cao hơn đơn giá thuê đất phải trả cho Nhà nước để thu lợi nhuận.
Tình trạng trên xảy ra chủ yếu là do quản lý các khoản thu từ đất là một lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp, bởi quản lý nhiều sắc thuế khác nhau nên công việc phát sinh nhiều trong quá trình quản lý. Trong khi đó đội ngũ cán bộ làm công tác về đất đai rất ít (cán bộ Văn phòng Chi cục Thuế là 04 người, cán bộ ở các Đội thuế là 12 người) và hầu hết chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản về công tác quản lý đất đai, chủ yếu là tự học hỏi qua đồng nghiệp và tự nghiên cứu chính sách qua văn bản nên gặp những khó khăn trong quá trình làm việc và xử lý các sự vụ khi phát sinh, đặc biệt là đối với cán bộ mới đảm nhiệm công việc này.
* Công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai của các ngành chức năng chưa được thường xuyên, chưa thực sự được chú trọng.
Bảng 3.15 dưới đây cho thấy đa số các tổ chức chỉ đều tương đối đồng ý với công tác quản lý hiện nay.
Bảng 3.15. Ý kiến đánh giá công tác quản lý giao đất, cho thuê đất của các doanh nghiệp, người dân
Mức độ
Doanh nghiệp Người dân
Số lượng
phiếu Tỷ lệ % Số lượng
phiếu Tỷ lệ %
Rất không đồng ý 0 0 0 0
Không đồng ý 4 12,5 1 1,25
Tương đối đồng ý 6 18,7 6 7,5
Đồng ý 20 62,5 68 85,0
Rất đồng ý 2 6,3 5 6,25
Tổng cộng 32 100 80 100
(Nguồn: Số liệu điều tra của tác giả, 2019) Kết quả điều tra ở bảng trên cho thấy tỷ lệ khá cao các tổ chức kinh tế, cá nhân sử dụng đất (62,5% doanh nghiệp và 85,0% người dân đồng ý) cho rằng Công tác quản lý việc giao đất, cho thuê đất trên địa bàn huyện Cẩm Khê hiện nay đang được chú trọng. Tuy nhiên, với câu hỏi trên vẫn có tới 12,5% và 1,25% ý kiếm của doanh nghiệp, người dân không đồng ý với ý kiến này, họ cho rằng: Công tác quản lý việc giao đất, cho thuê đất trên địa bàn huyện hiện nay chưa được làm tốt; điều này được thể hiện qua số lượng dự án treo, chậm giải phóng mặt bằng, liên tục thay đổi quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đã có mặt bằng sạch nhưng chậm làm hồ sơ đấu giá hoặc phát hiện chậm các trường hợp cho thuê lại đất kiếm lời gây thất thu cho ngân sách.
* Công tác quản lý các khoản thu từ đất vẫn còn bị buông lỏng, tình trạng sai phạm trong khi xử lý công việc vẫn xảy ra. Sở dĩ có tình trạng này là do các cơ quan liên quan của tỉnh, của huyện chưa thực hiện hết trách
nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, cụ thể là còn xảy ra các tình trạng: Cấp hồ sơ pháp lý chậm, không đầy đủ cho tổ chức, cá nhân sủ dụng đất, việc luân chuyển hồ sơ, cung cấp thông tin trong lĩnh vực sử dụng đất còn thiếu, còn chậm cho cơ quan Thuế; ngoài ra còn do nguyên nhân ý thức, thái độ làm việc của một số bộ phận cán bộ, công chức thuế trong lĩnh vực quản lý đất đai chưa cao, chưa nhận thức được tầm quan trọng và sự phức tạp của công tác quản lý đất nên dẫn đến sai phạm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của công tác quản lý thuế; một số chương trình đào tạo do Tổng cục Thuế trực tiếp đảm nhận chưa có đủ nội dung mà các Cục Thuế địa phương đang cần đào tạo, một số nội dung chưa thực sự phù hợp với đối tượng được đào tạo. Việc đào tạo, bồi dưỡng của Cục Thuế đôi khi chưa kịp thời, chưa đáp ứng được đòi hỏi của công việc. Số đối tượng được cử đi đào tạo còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết của các Chi cục Thuế. Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao trình độ tin học cũng như chuyên môn của cán bộ làm công tác quản lý đất đai hiện nay cũng chưa thực sự hợp lý, đó là: còn nặng về đào tạo lý thuyết, chưa chú trọng đến kỹ năng thực hành; Chưa phân nhóm đối tượng để đào tạo, các lớp học thường được tổ chức cho nhiều đối tượng với những trình độ tin học và chuyên môn khác nhau nên gây lãng phí thời gian và không gây hứng thú cho người học. Bên cạnh đội ngũ chuyên viên chuyên sâu thì đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo cấp phòng và cấp Chi cục Thuế cũng cần có kiến thức chuyên sâu về đất và kỹ năng tin học nhất định, song một số cán bộ lãnh đạo chưa đáp ứng được đòi hỏi này.
* : việc xử lý các vi phạm về đất đai chưa quyết tâm, còn đùn đẩy, né tránh, nguyên nhân chủ yếu của những vấn đề này là do: Hệ thống tổ chức của các ngành, chính sách pháp luật đất đai được hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn, nhưng chưa khẳng định sự phù hợp với yêu cầu của một hệ
thống quản lý đất đai hiện đại, vận hành trong cơ chế thị trường phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng; việc phân cấp trong quản lý nhà nước về đất đai hiện còn nhiều điểm chưa hợp lý, dẫn đến chồng chéo về thẩm quyền giữa các cấp, các ngành trong tổ chức lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nhiều bất cập trong phân hạng và định giá đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc thanh kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu kiện và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều lúng túng…Điều này có nghĩa trong công tác phối hợp giữa các ngành vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao của người quản lý và các doanh nghiệp, cá nhân.