Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.3. Đánh giá công tác quản lý chi ngân sách Nhà Nước cấp xã trên địa bàn huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh
3.4.5. Khuyến nghị cho thực thi giải pháp
Để đảm bảo thực hiện được các giải pháp cũng như hoàn thiện hơn nữa đối với công tác quản lý chi NSNN cấp xã trên địa bàn huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, trong thời gian tới các cơ quan có thẩm quyền trung ương và địa phương nên có những điều chỉnh về mặt chính sách, chế độ nhất định như sau:
3.4.5.1. Khuyến nghị với trung ương
Về thời gian phân bổ dự toán, giao dự toán
Theo khoản 2 - Điều 40 - Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/06/2003 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước quy định: Bộ Tài chính trình Chính phủ giao dự toán thu - chi ngân sách cho các địa phương trước ngày 20 tháng 11 năm trước; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bổ sung dự toán cho ngân sách cấp dưới trước ngày 10 tháng 12 năm trước. Như vậy, thời gian giao dự toán của Ủy ban nhân dân cấp huyện cho ngân sách cấp xã đồng thời Ủy ban nhân dân cấp xã phải hoàn chỉnh dự toán trình Hội đồng nhân dân cùng cấp chấp thuận phân bổ cho các đơn vị chỉ còn 20 ngày (việc giao dự toán ngân sách của chính quyền địa phương phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 hàng năm).
Bộ Tài chính đang xây dựng kế hoạch điều chỉnh Luật ngân sách nhà nước trong thời gian tới. Để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong công tác triển khai giao dự toán hàng năm, đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh về thời gian giao dự dự toán của các cấp ngân sách cụ thể như sau: Bộ Tài
chính trình Chính phủ giao dự toán thu - chi ngân sách cho các địa phương trước ngày 30 tháng 10 năm trước (rút ngắn 20 ngày); Ủy ban nhân dân tỉnh giao dự toán cho các đơn vị dự toán cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 20 tháng 11 hàng năm; Ủy ban nhân dân cấp huyện giao dự toán cho các đơn vị dự toán thuộc cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã trước ngày 01 tháng 12 hàng năm; Các đơn vị dự toán cấp I giao cho đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp xã trình Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.
Về quy định tỷ lệ điều tiết đối với các khoản thu NSNN cấp xã được hưởng tối thiểu
Hiện tại Luật ngân sách nhà nước không có quy định về việc điều tiết nguồn thu về ngân sách cấp trên trong trường hợp thu ngân sách cấp dưới có số tăng thu đột biến nên trong quá trình thực hiện còn phát sinh tình trạng ngân sách cấp huyện (hoặc ngân sách cấp xã) tăng thu, ngân sách tỉnh (hoặc ngân sách huyện) bị hụt thu nhưng lại không thể điều tiết từ ngân sách huyện (hoặc ngân sách cấp xã) về ngân sách cấp tỉnh (hoặc ngân sách huyện) gây khó khăn trong quản lý điều hành tổng thể ngân sách chung trên địa bàn.
Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, ngân sách cấp xã được hưởng tối thiểu 70% của 05 khoản thu (thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế nhà đất, thuế môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh, thuế sử dụng đất nông nghiệp thu từ hộ gia đình, lệ phí trước bạ nhà đất) tuy nhiên trong quá trình thực hiện một số xã thừa nguồn đảm bảo nhiệm vụ chi, trong khi có xã chưa đảm bảo được nhiệm vụ chi, ngân sách huyện phải bổ sung dẫn đến không thể điều hoà ngân sách chung trên địa bàn huyện.
Do đó, để đảm bảo điều hòa giữa ngân sách các cấp mà vẫn đảm bảo mục tiêu phân cấp mạnh nguồn thu cho ngân sách cấp xã tự đảm bảo cân đối,
Bộ Tài chính nên xem xét lại nội dung phân cấp thu cho ngân sách cấp xã (điểm b - khoản 1 - điều 34) nên quy định Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ tình hình kinh tế, địa lý dân cư của từng vùng, từng địa phương quyết định phân chia tỷ lệ phần trăm (%) các khoản thu về thuế nhà đất, thuế môn bài, thuế sử dụng đất nông nghiệp (trên hạn điền), lệ phí trước bạ nhà đất cho xã, phường, thị trấn trên cơ sở ưu tiên bố trí để ngân sách cấp xã đảm bảo tự cân đối.
Hỗ trợ của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương về các chính sách chế độ mới phát sinh
Theo Luật ngân sách nhà nước quy định sau mỗi kỳ ổn định ngân sách phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển ngân sách địa phương hoặc tăng tỷ lệ điều tiết số thu nộp về ngân sách trung ương như hiện nay là chưa hợp lý do trên thực tế về số thực hiện thu của tỉnh tuy có tăng nhưng mức tăng vào từng thời kỳ, thời điểm khác nhau (tuỳ vào khả năng phát triển kinh tế của từng thời kỳ); Mặt khác nhu cầu chi tăng nhanh hàng năm do thực hiện nhiều chế độ, chính sách mới nhất là những chính sách liên quan đến con người như tiền lương, chính sách cho người nghèo,....
Để đảm bảo thuận lợi cho tỉnh trong điều hành ngân sách, nhất là đối với mục tiêu đảm bảo cho ngân sách cấp xã tự cân đối, kiến nghị Bộ Tài chính khi sửa đổi Luật ngân sách nhà nước điều chỉnh lại nội dung này thành:
“Sau mỗi kỳ ổn định ngân sách tùy theo tình hình phát triển kinh tế xã hội địa phương của giai đoạn gần nhất để xác định điều chỉnh tăng, hay giảm tỷ lệ điều tiết số thu nộp về ngân sách trung ương”.
Về công tác quyết toán ngân sách nhà nước
Căn cứ Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/06/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP thì thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách cấp xã là 31 tháng 01 năm sau.
Tuy nhiên trên thực tế, thời gian chỉnh lý quyết toán như trên là ít so
với khối lượng công việc ngân sách cấp xã cần phải hoàn thành, do đó tương tự như trên, khi điều chỉnh Luật ngân sách nhà nước, đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh về thời gian chỉnh lý quyết toán của các cấp ngân sách trong đó kéo dài thời gian cho ngân sách cấp xã đến ngày 15 tháng 02 năm sau.
3.4.5.2. Đề xuất với tỉnh Tây Ninh
Về tinh gọn bộ máy cán bộ, công chức xã
Để đảm bảo bộ máy chính quyền cấp xã ngày càng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh cần xem xét, kiến nghị Bộ Tài chính chỉnh sửa một số nội dung trong Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau:
Xác định lại mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách:
Theo quyết định số 29/QĐ- UBND tỉnh Tây Ninh, quy định mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã thì mức phụ cấp cụ thể cho từng chức danh cán bộ không chuyên trách đều cao hơn mức hệ số 1,5 mức lương tối thiểu, chức danh bí thư chi bộ ấp, trưởng ấp, khu phố hệ số phụ cấp bằng 1,2, Trưởng ban công tác mặt trận ấp có hệ số phụ cấp bằng 1,0
Như vậy theo quy định của UBND Tỉnh thì mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách rất thấp, khó có thể trang trãi được cuộc sống, nên số lượng cán bộ không chuyên trách trên địa bàn huyện xin nghĩ việc ngày một nhiều. Khối lượng công việc cán bộ không chuyên trách không nhiều, UBND Tỉnh nên có chế độ chính sách kiêm nhiệm một người đảm nhiệm 2-3 vị trí việc làm để mức phụ cấp được cao hơn.
Đối với chức danh địa chính - xây dựng: Khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết nên quy định cụ thể là 02 người, một người có chuyên môn về địa chính, một người có chuyên môn về xây dựng. Hiện nay, mọi việc
đều chuyên môn hóa, bố trí như vậy vừa đáp ứng được yêu cầu của công việc, vừa giúp cán bộ ngày càng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ công tác ổn định, lâu dài hơn.
Đối với chức danh tài chính - kế toán: Khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết nên quy định cụ thể 02 người; Trong đó một người phụ trách lĩnh vực thu ngân sách, quản lý chặt chẽ nguồn thu nhất là các khoản ủy nhiệm thu của xã nhất là các khoản thu huy động đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, đường giao thông nông thôn,...; một người phụ trách công tác kế toán, có nhiệm vụ hạch toán mọi nghiệp vụ kinh tế tài chính, ngân sách phát sinh của ngân sách cấp xã, tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân về việc xây dựng dự toán cũng như quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, đảm bảo cân đối đủ nguồn và thực hiện các khoản thu đúng quy định và các khoản chi đúng định mức, chính sách, chế độ và dự toán phân bổ.
Về chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức cấp xã
Để đảm bảo vấn đề thu nhập, thực hiện tốt công tác thu hút nguồn nhân lực cho chính quyền cấp xã phường. Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh chế độ tiền lương, phụ cấp cho cán bộ công chức nhà nước nói chung và cán bộ công chức cấp xã nói riêng trên nguyên tắc việc cải cách tiền lương phải tuân theo các quy luật kinh tế khách quan đó là quy luật về giá trị sức lao động và quy luật phân phối theo lao động. Quy luật giá trị sức lao động đòi hỏi tiền lương phải tái sản xuất mở rộng sức lao động, có nghĩa không những tiền lương đủ nuôi sống cho riêng bản thân mà còn đủ để đảm bảo cuộc sống gia đình và chi trả chi phí đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động. Nếu không đảm bảo được nguyên tắc trên, việc thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào làm việc tại cơ quan nhà nước đặc biệt là cơ quan chính quyền cấp xã sẽ rất khó khăn.
Trên thực tế, với thang bảng lương theo quy định như hiện tại còn
nhiều bất cập về thời gian nâng lương đối với cán bộ, công chức còn quá dài (cán bộ công chức có trình độ trung cấp thì 02 năm nâng bậc một lần; đại học 03 năm nâng bậc một lần) cũng như hệ số lương nâng lương còn thấp (0,2 và 0,33 một lần nâng bậc).
Mặt khác, mức lương cơ bản cũng còn rất thấp so với mặt bằng chung của cuộc sống và mức lương khởi điểm của cán bộ công chức cũng còn rất thấp.
Ví dụ: Thực hiện chế độ mới nhất về tiền lương theo Nghị định số 47/NĐ-CP/2016 quy định, một kế toán viên tốt nghiệp đại học sẽ được hưởng mức lương khởi điểm một tháng với hệ số lương là 2,34 + 25% phụ cấp công vụ ( 2,34 + 2,34 x 25% ) x 1.210.000 đồng = 3.529.250 đồng. Nếu loại trừ 9,5% các khoản đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, là: 2,34x 1.210.000 x 9,5% = 268.983 đồng, thì tổng thu nhập theo lương được thực lĩnh là 3.260.267 đồng. Trong điều kiện cuộc sống và thời giá như hiện nay, mức tiền lương này không thể đảm bảo đủ chi tiêu cho nhu cầu tối thiểu. Ngoài ra nếu xét cụ thể về chế độ tiền lương đối với cán bộ không chuyên trách của cấp xã thì mức thu nhập còn thấp hơn rất nhiều.
Nếu so với chế độ của doanh nghiệp tại địa phương về mức lương khởi điểm bình quân cho một kế toán viên 4.000.000 đồng/ tháng; Chế độ tăng lương bình quân một năm tăng một lần, mức tăng lương có thể từ 20%
- 25% so với mức lương hưởng gần nhất thì việc thu hút và giữ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp xã có trình độ, năng lực không rời khỏi cơ quan nhà nước ra làm việc tại doanh nghiệp là rất khó khăn.
3.4.5.3 Đối với huyện Gò Dầu
Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách. Rà soát các định mức, tiêu chuẩn chi tiêu, xoá bỏ các định mức, tiêu chuẩn chi lạc hậu.
Trong những nhiệm vụ chi của NSNN cấp xã cần quy định rõ ràng, cụ thể các nhiệm vụ:
Những nhiệm vụ buộc phải sử dụng ngân sách
Những nhiệm vụ gắn với NSNN cấp xã bổ sung của cấp huyện cấp Huyện cũng như cấp Huyện ủy quyền cho cấp xã khi thực hiện nhiệm vụ chi đó
Những nhiệm vụ do Huyện được tự đề ra, tự quyết định phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của địa phương, không trái với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không trái với pháp luật của nhà nước, không trái với quyết định của cấp trên, trái với quy hoạch và định hướng của cấp Tỉnh.
HĐND là cơ quan quyền lực cao nhất của xã vì vậy cần tăng cường các chức năng để HĐND thực hiện tốt các công tác quản lý thuộc mọi lĩnh vực trên địa bàn xã. Trong đó “giám sát” là một chức năng quan trọng nhằm kiểm tra các hoạt động quản lý phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy cần được cụ thể và chi tiết hóa hơn nữa chức năng “giám sát” đặc biệt trong công tác giám sát lĩnh vực tài chính, ngân sách.