Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP
1.1. Cơ sở lý luận về hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp
1.1.3. Hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh
1.1.3.1. Khái niệm hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp
Hiệu quả sử dụng vốn là sự đảm bảo duy trì và nâng cao được giá trị của doanh nghiệp tại các thời điểm khác nhau trong quá trình hoạt động, bất kể có sự biến động của giá cả trên thị trường. Như vậy, hiệu quả phản ánh kết quả thực hiện các mục tiêu hành động trong quan hệ với chi phí bỏ ra và hiệu quả được xem xét trong một bối cảnh hay điều kiện xác định.
Hiệu quả sử dụng vốn phản ánh những mặt lợi ích mà doanh nghiệp đạt được trong quá trình sử dụng vốn. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển thì hiệu quả sử dụng vốn không chỉ đơn thuần là lợi ích kinh tế mà được hiểu rộng hơn, thể hiện trên hai mặt là: hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội.
Hiệu quả kinh tế: phản ánh chất lượng của hoạt động sản xuất kinh doanh, nói lên sức sản xuất, sức sinh lợi của các yếu tố doanh nghiệp. Nó phản ánh mối quan hê giữa chi phí bỏ ra và lợi nhuận thu được. Hiệu quả cao khi thu nhập thu được lớn hơn chi phí và tỷ suất lợi nhuận lớn hơn chi phí huy động trên thị trường.
Nếu tỷ lệ sinh lợi vốn đầu tư cao hơn lãi suất huy động thì hoạt động sử dụng vốn được coi là có hiệu quả, số chênh lệch này càng lớn thì hiệu quả càng cao.
Hiệu quả xã hội: phản ánh bằng sự đóng góp trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội. Cụ thể là doanh nghiệp đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ trong toàn xã hội, nâng cao văn minh, văn hóa trong tiêu dùng của nhân dân, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu nhập cho ngân sách Nhà nước.
Sự phân chia hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội chỉ là tương đối vì chúng có mối quan hệ chặt chẽ, phụ thuộc lẫn nhau. Để thực hiện nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, doanh nghiệp cần chú ý những điều cơ bản sau:
+ Tránh làm thất thoát vốn trong quá trình hoạt động, như: mất mát TSCĐ, vật tư, hàng hóa, TSCĐ hư hỏng trước thời hạn sử dụng, vốn bị khách hàng chiếm dụng quá thời hạn trong khâu thanh toán…
+ Trong quá trình hoạt động, nguyên tắc để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn là số vốn cuối kỳ thu được phải lớn hơn hoặc bằng số vốn đã đầu tư ở đầu kỳ. Có như vậy doanh nghiệp mới đảm bảo vốn để tiến hành tái sản xuất giản đơn hay tái sản xuất mở rộng. Trong điều kiện nền kinh tế có lạm phát, giá cả hàng hóa biến động lớn thì doanh nghiệp phải có biện pháp điều chỉnh tăng nguồn vốn để duy trì khả năng sản xuất hiện tại.
1.1.3.2. Sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh
Để tiến hành SXKD đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải có một lượng vốn nhất định và để duy trì hoạt động SXKD buộc doanh nghiệp phải bảo toàn vốn. Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường tồn tại nhiều thành phần kinh tế và sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì vấn đề tổ chức huy động và sử dụng vốn có hiệu quả là một vấn đề hết sức quan trọng. Đây là yếu tố có tính chất quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp khẳng định và giữ vị trí của mình trong cạnh tranh. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn SXKD luôn là vấn đề mà mỗi doanh nghiệp cần đặt lên hàng đầu, nó xuất phát từ các lý do sau:
Thứ nhất, xuất phát từ mục đích kinh doanh của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động SXKD đều hướng tới mục đích là tối đa hóa giá trị tài sản của chủ sở hữu dựa trên cơ sở nâng cao lợi nhuận. Muốn vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải phối hợp tổ chức, thực hiện đồng bộ mọi hoạt động trong lĩnh vực SXKD. Trong đó, vấn đề tổ chức và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn có tính chất quyết định tới hiệu quả SXKD của doanh nghiệp.
Thứ hai, sử dụng vốn hiệu quả đảm bảo khả năng an toàn về tài chính, đảm bảo khả năng thanh toán và khắc phục rủi ro trong kinh doanh cho doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Thứ ba, sử vốn hiệu quả giúp nâng cao khả năng tài chính của doanh nghiệp, tạo điều kiện hiện đại hoá công nghệ, nâng cao trình độ của người lao động, tăng cao năng lực sản xuất, từ đó doanh nghiệp mở rộng quy mô cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Thứ tư, sử dụng vốn hiệu quả góp phần nâng cao vị thế, uy tín của doanh nghiệp trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hợp tác phát triển của doanh nghiệp, để doanh nghiệp thực hiện mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Thứ năm, sử dụng vốn hiệu quả cũng có nghĩa là doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, tạo được lợi thế trong cạnh tranh, đó là điều kiện quan trọng để tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường.
Thứ sáu, sử dụng vốn hiệu quả sẽ làm tăng lợi nhuận cảu doanh nghiệp.
Đây là cơ sở để tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
Thứ bảy, sử dụng vốn hiệu quả góp phần kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của tài sản và tạo ra hiệu quả kinh tế cao. Doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn lực của mình sẽ đem lại sự tăng trưởng ổn định, bền vững cho nền kinh tế.
Thứ tám, sử dụng vốn hiệu quả tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia tốt các chính sách xã hội, đóng góp vào các chương trình vì lợi ích cộng đồng, góp phần vào xây dựng phát triển nền kinh tế của đất nước.
1.1.3.3. Mục đích của phân tích hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh
Trong quá trình sản xuất kinh doanh, vốn kinh doanh vận động liên tục và nhu cầu vốn ở mỗi thời điểm khác nhau là khác nhau. Đồng vốn bỏ ra có khả năng sinh lời có liên quan trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Nếu sử dụng đồng vốn không có hiệu quả, không bảo đảm được vốn, không làm cho nó sinh lời thì doanh nghiệp sẽ không tồn tại và dẫn đến nguy
cơ phá sản. Vì vậy việc tổ chức và đảm bảo kịp thời, đầy đủ vốn là mục tiêu và là yêu cầu khách quan đối với tất cả các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Việc tăng cường công tác tổ chức và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong các doanh nghiệp xuất phát từ những nguyên nhân như từ mục đích kinh doanh của doanh nghiệp, bất kỳ một doanh nghiệp nào khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh đều hướng tới mục tiêu là tối đa hóa giá trị tài sản của chủ sở hữu dựa trên cơ sở nâng cao lợi nhuận. Lợi nhuận là chỉ tiêu chất lượng tổng hợp liên quan đến tất cả các mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, là nguồn tích lũy cơ bản để tái sản xuất mở rộng. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường hiện nay, doanh nghiệp có tồn tại và phát triển được hay không thì điều kiện quyết định là doanh nghiệp có tạo ra được lợi nhuận hay không? Vì thế lợi nhuận được coi là một trong những đòn bẩy quan trọng, đồng thời là một chỉ tiêu cơ bản để đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh. Do đó, sản xuất như thế nào để thu được lợi nhuận cao là mục tiêu phấn đấu của doanh nghiệp.
Xuất phát từ vai trò của vốn trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vốn là tiền đề, là xuất phát điểm cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh; là điều kiện quyết định và ảnh hưởng xuyên suốt đến toàn bộ quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra vốn kinh doanh là điều kiện để sử dụng các nguồn tiềm năng khác với mục đích phát triển kinh doanh, phục vụ cho quá trình tái sản xuất mở rộng. Trên thực tế, đã có không ít các doanh nghiệp có khả năng về nhân lực, có cơ hội đầu tư nhưng thiếu khả năng tài chính mà đành bỏ lỡ mất cơ hội kinh doanh. Với vai trò quan trọng đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đó cũng chính là mục tiêu cần đạt tới của việc sử dụng vốn trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Xuất phát từ tình hình quản lý và sử dụng vốn kinh doanh của doanh
nghiệp.Trong cơ chế bao cấp, hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước được Nhà nước bao cấp toàn bộ vốn sản xuất kinh doanh hoặc là được ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp. Việc khai thác thu hút vốn không được đặt ra như một yêu cầu cấp bách, có tính sống còn đối với doanh nghiệp. Điều này đã vô tình
“triệt tiêu” tính chủ động, sáng tạo và tính linh hoạt của các doanh nghiệp.
Chuyển sang nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế cùng đan xen hoạt động, các doanh nghiệp Nhà nước chỉ còn là một bộ phận song song cùng tồn tại với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Các doanh nghiệp phải tự trang trải mọi chi phí và đảm bảo kinh doanh có lãi, phải tổ chức sử dụng vốn tiết kiệm và có hiệu quả. Nếu không thực hiện được các yêu cầu trên, các doanh nghiệp rất dễ lâm vào tình trạng phá sản. Hơn nữa để tồn tại và phát triển trong cơ chế mới đòi hỏi các doanh nghiệp phải năng động, nắm bắt nhu cầu thị trường, đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, cải tiến quy trình công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm. Những đòi hỏi đó buộc các doanh nghiệp phải quản lý đồng vốn một cách chặt chẽ hơn. Mặt khác, việc quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước hiện nay còn khác trước, là các doanh nghiệp phải bảo toàn được số vốn được giao, kể cả khi trượt giá và phải đầu tư mở rộng phát triển quy mô sản xuất kinh doanh. Do đó, vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh càng trở nên cấp bách.
Xuất phát từ tầm quan trọng của việc tổ chức đảm bảo vốn, tất cả các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở bất kỳ quy mô nào đều cần đến một lượng vốn nhất định. Hơn nữa, việc mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ phát triển với tốc độ cao, nhu cầu vốn đầu tư cho các hoạt động này ngày càng lớn. Do vậy việc tổ chức huy động vốn ngày càng trở nên quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Ngoài ra, việc huy động vốn đầy đủ và kịp thời giúp cho doanh nghiệp có thể chớp thời cơ kinh doanh, tạo lợi thế trong cạnh tranh. Việc lựa
chọn các hình thức huy động vốn thích hợp còn giúp giảm bớt chi phí sử dụng vốn, gây tác động rất lớn làm tăng lợi nhuận ròng cho doanh nghiệp.