1.2. Cơ sở thực tiễn của đề tài
1.2.3. Tình hình sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu ở Việt Nam
1.2.5.4. Kinh nghiệm phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế cây hồ tiêu ở tỉnh Bình Phước
Tỉnh Bình Phước hiện có diện tích cây hồ tiêu lớn nhất nước với gần 10 ngàn 800 ha. Để cây tiêu cho năng suất và chất lượng tốt, ngành nông nghiệp Bình Phước đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc cây tiêu.
Tỉnh đẩy mạnh công tác quy hoạch những vùng đất phù hợp với cây tiêu, tránh tình trạng trồng ồ ạt như trước đây. Từng đã có thời điểm cả tỉnh Bình Phước trồng đến gần 15 ngàn héc ta tiêu. Và cũng có thời điểm tiệu bị bệnh chết nhanh. Có khi một héc ta có cả ngàn nọc tiêu chết. Điều quan trọng là phải phát triển hài hòa và phải thường xuyên áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc cây tiêu.
Song song với việc đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật để cho ra sản phẩm tiêu sạch, an toàn, Bình Phước đang xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu của địa phương. Xác định tiêu là loại cây chủ lực của địa phương nên Lộc Ninh, nơi có diện tích tiêu lớn nhất tỉnh Bình Phước (gần 4 ngàn héc ta) đã xây dựng thương hiệu cho cây hồ tiêu. Mới đây, Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm hồ tiêu Lộc Ninh. Như vậy, hồ tiêu Lộc Ninh là sản phẩm nông sản đầu tiêu của tỉnh Bình Phước xây dựng được thương hiệu tập thể. Tuy mới là kết quả bước đầu nhưng đây là tín hiệu đáng mừng khi chính quyền và người nông dân đã có ý thức xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của địa
phương. Đây là yếu tố quan trọng góp phần giải quyết đầu ra, tạo chỗ đứng cho sản phẩm hạt tiêu Lộc Ninh.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư và Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Công ty Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam triển khai dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” đã mang lại kết quả khả quan, nâng cao được năng suất và chất lượng tiêu, thành lập được 24 câu lạc bộ trồng tiêu bền vững với 540 hộ được cấp chứng nhận Rainforest Alliance (R.A). Để được cấp chúng nhận R.A cho sản phẩm tiêu, phải thực hiện và đạt 10 tiêu chí gồm: Hệ thống quản lý môi trường và xã hội, Bảo tồn hệ sinh thái, Bảo vệ động vật hoang dã, Bảo tồn nguồn nước, Đối xử công bằng và điều kiện làm việc tốt cho người lao động, An toàn sức khỏe nghề nghiệp, Quan hệ cộng đồng, Quản lý mùa vụ tổng hợp, Bảo tồn - Quản lý đất canh tác và Quản lý rác thải tổng hợp. Tháng 3 năm 2015 vừa qua, dự án đã thuê chuyên gia Công ty Biocert của Indonesia, tiến hành đánh giá độc lập việc sản xuất tiêu chứng nhận của các câu lạc bộ tham gia dự án. 2 hạng mục đánh giá là công tác đào tạo, lưu trữ, thu mua sản phẩm tiêu chứng nhận của công ty Nedspice và đánh giá việc thực hành bộ nguyên tắc R.A trên vườn tiêu. Kết quả cho thấy, các hộ tham gia dự án cơ bản tuân thủ theo tiêu chí chủ chốt đề ra, cả 24 câu lạc bộ đủ điều kiện công nhận sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn R.A. Nếu áp dụng trồng tiêu theo lối truyền thống thì vòng đời chỉ 10 năm, nhưng áp dụng theo mô hình của dự án có thể lên đến 20 năm. Các phương pháp canh tác làm giảm độ xói mòn cho đất, tránh rửa trôi, tăng độ phì nhiêu cho đất, duy trì sản lượng ổn định hàng năm. Dự án này giúp cho bà con nhận thức được quy trình trồng tiêu mới bền vững, cho năng suất cao, thân thiện với môi trường, đảm bảo về công tác xã hội. Đặc biệt, đòi hỏi các hộ tham gia phải đảm bảo vườn tiêu đạt 40% độ che bóng mát bằng trụ sống. Trong các nguyên tắc đề ra thì khó nhất với người nông dân là hệ thống quản lý môi trường và xã hội.
Khi trồng hồ tiêu cần phải có cây che bóng mát, hệ thống nước, rác và tưới nước thải sinh hoạt... Hàng tháng phải dọn vệ sinh và tỉa tán cành cây che mát cho tiêu. Điều bất cập là nếu dọn mà không đốt thì để cành cây, rác ở đâu khi chôn lấp thì quá nhiều... nên đây là tiêu chí khó đạt nhất của dự án.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan và Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam triển khai dự án “Phát triển sản xuất tiêu bền vững” tại tỉnh Bình Phước. Mục tiêu của dự án này nhằm phát triển mô hình canh tác tiêu bền vững thông qua việc tập huấn cho các nông hộ trồng tiêu ở 2 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp giai đoạn 2013 - 2015, sản xuất tiêu theo các tiêu chuẩn của chứng nhận Rainforest Alliance (R.A) và kết nối với thị trường quốc tế thông qua Công ty Nedspice. Khi tham gia dự án này, các nông hộ phải áp dụng 10 nguyên tắc trong tiêu chuẩn canh tác tiêu bền vững của R.A, gồm: hệ thống quản lý môi trường và xã hội; bảo tồn hệ sinh thái; bảo vệ động vật hoang dã; bảo tồn nguồn nước; đối xử công bằng và điều kiện làm việc tốt cho người lao động; an toàn sức khỏe nghề nghiệp; quan hệ cộng đồng; quản lý mùa vụ tổng hợp (sổ tay ghi chép cụ thể từng việc đã làm); bảo tồn và quản lý đất canh tác và quản lý rác thải tổng hợp đồng thời, các nông hộ phải tham gia sản xuất, sinh hoạt theo kiểu nhóm hộ trồng tiêu. Dự án không cấp chứng nhận cho riêng 1 nông hộ, mà chứng nhận cho 1 nhóm hộ. Nếu tổ chức dự án kiểm tra ngẫu nhiên, 1 nông hộ bất kỳ trong 1 nhóm hộ, canh tác tiêu không đạt 10 nguyên tắc tiêu trên thì cả nhóm hộ không đạt tiêu chuẩn để cấp giấy chứng nhận R.A. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, để 1 nhóm hộ đạt chứng nhận R.A là thách thức lớn đối với nông dân trồng tiêu ở Bình Phước. Nông dân phải biết làm việc theo nhóm, điều này hoàn toàn mới mẻ với nông dân Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói
chung. Với 10 nguyên tắc trên, nông hộ trồng tiêu phải cố gắng thay đổi thói quen canh tác truyền thống tự nhiên để hướng tới sản xuất bền vững.