Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Cơ sở lý luận về đầu tư và thu hút vốn đầu tư
1.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến sức thu hút các nguồn vốn đầu tư
1.1.4.2. Nhân tố chính trị - xã hội
Sự ổn định về chính trị, thể chế chính trị, sự nhất quán trong chủ trương, đường lối, chính sách cơ bản của nhà nước luôn là yếu tố tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn các nhà đầu tư. Đặc trưng nổi bật về sự tác động của những yếu tố chính trị đối với hoạt động đầu tư thể hiện ở những mục đích mà thể chế chính trị nhằm tới.
Thể chế chính trị giữ vai trò định hướng, chi phối toàn bộ các hoạt động trong xã hội trong đó các hoạt động đầu tư kinh doanh của các nhà đầu tư thông qua vai trò của nhà nước cầm quyền. Với vai trò tạo lập, thúc đẩy, điều chỉnh và duy trì tốc độ phát triển kinh tế, nhà nước tạo lập một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, quy định những khuôn khổ pháp lý, duy trì trật tự kỷ cương trong xã hội và các hoạt động kinh tế, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, quyết định tiền đồ kinh tế của một đất nước.
Sự ổn định về chính trị sẽ tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, một nhà nước mạnh, thực thi hữu hiệu các chính sách phát triển KTXH sẽ đem lại lòng tin và tính hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong một xã hội ổn định về chính trị, các nhà đầu tư được đảm bảo an toàn về đầu tư, quyền sở hữu tài sản, các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng bỏ vốn đầu tư lớn và dài hạn, mức độ yên tâm của các nhà đầu tư được củng cố thông qua sự đánh giá về mức độ rủi ro chính trị (rủi ro chính trị là mức độ mà các biến cố và hoạt động chính trị có khả năng gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường đầu tư, với lợi nhuận dài hạn tiềm tàng của các dự án của các nhà đầu tư).
Các nhân tố về chính sách có ý nghĩa rất lớn và ảnh hưởng lớn đến môi trường thu hút đầu tư. Chính sách tốt và tạo điều kiện hỗ trợ nhà đầu tư mới thành lập, hoặc hỗ trợ động viên tinh thần hoặc cung cấp hạ tầng kỹ thuật như điện nước, hoặc chính sách về thuế, đào tạo lao động.v.v...sẽ làm cho các nhà đầu tư yên tâm.
Để đánh giá một nền kinh tế được coi là có phát triển hay không người ta dựa vào một số chỉ tiêu chính như: Quy mô GDP, tốc độ tăng trưởng hàng năm, cơ cấu kinh tế, các chỉ tiêu về phúc lợi công cộng và chăm sóc con người.
Để có thể tạo ra sự phát triển, trước hết, phải có mức tăng trưởng hàng năm thông qua giá trị tổng sản phẩm. Sự tăng trưởng này ảnh hưởng đến việc thu hút các nguồn vốn đầu tư ở hai góc độ: Một là, khi GDP tăng, có nghĩa là hiệu quả của vốn đầu tư được nhìn nhận theo chiều hướng tốt. Từ đó, các nhà đầu tư có sự tin tưởng đối với các hoạt động kinh tế và tăng cường đầu tư vào.
Bất kì một nhà đầu tư nào khi bỏ vốn vào một nền kinh tế, dù với mục đích tìm kiếm lợi nhuận hay là các nguồn viện trợ đều mong muốn những đồng vốn ấy được sử dụng với hiệu quả cao nhất.
Chính vì vậy, nơi họ muốn tìm kiếm và sẵn sàng đầu tư phải là nơi cho họ thấy được nguồn vốn sẵn có được sử dụng như thế nào. Hai là, khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh sẽ có mức tiết kiệm cao hơn và từ đó tăng cường vốn đầu tư. Ở đây không xét đến việc thu hút thêm các nguồn vốn từ bên
ngoài mà là vốn từ bản thân nền kinh tế thông qua tiết kiệm. Vì xét theo lý thuyết kinh tế cổ điển cho một nền kinh tế đóng thì:
GDP= C+S; Trong đó: C là mức tiêu dùng; S là mức tiết kiệm.
Và xét theo lý thuyết thì: S = I (trong đó I là mức đầu tư của nền kinh tế). Như vậy: GDP = C+ I, hay I = GDP- C.
Mức tiêu dùng C của người dân cũng tăng lên khi họ có thu nhập cao hơn, nhưng nó cũng bị giới hạn bởi các quy luật sinh học, và xét theo góc độ nào đó, khi mức tiêu dùng C tăng lên, tức là các sản phẩm trên thị trường bán được nhiều hơn, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp và các hoạt động dịch vụ phát triển.
Vấn đề đặt ra ở đây là phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa tiết kiệm và tiêu dùng. Làm sao để thu hút được nguồn vốn từ tiết kiệm của người dân, biến nó thành vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội.
Cơ cấu kinh tế cũng ảnh hưởng đến thu hút các nguồn vốn đầu tư.
Thường thì nhà đầu tư nào cũng muốn đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực đem lại lợi nhuận cao, có khả năng thu hồi vốn nhanh và đảm bảo. Nếu chia nền kinh tế thành ba khu vực chủ yếu: Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ thì những nơi thu hút nhiều vốn vẫn là công nghiệp và dịch vụ.
Chính vì vậy, những nền kinh tế có cơ cấu tỉ lệ công nghiệp và dịch vụ chiếm tỉ lệ cao thì sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn vì ở đây đã tồn tại sẵn những điều kiện cho các ngành này phát triển như: Cơ sở hạ tầng, vùng nguyên liệu, thị trường truyền thống, nguồn lao động... Điều này giải thích tại sao phần lớn vốn đầu tư nước ngoài là vốn lưu chuyển giữa các nước phát triển.
Phát triển kinh tế sẽ tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng giống như một nền móng vững chắc cho mọi công cuộc đầu tư, vì muốn sản xuất kinh doanh phải có điện, nước đảm bảo, giao thông thuận tiện, các dịch vụ công cộng phát triển. V́ vậy, bất cứ nhà đầu tư nào cũng muốn bỏ vốn vào địa bàn có lợi nhất.
Sự ổn định môi trường kinh tế vĩ mô ở đây được nhìn nhận thông qua: sự ổn định về kinh tế xã hội, ổn định về chính trị, môi trường kinh doanh và ổn định trong các chính sách tiền tệ. Một quốc gia muốn thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội, trước hết, đó phải là nơi không xảy ra các cuộc chiến tranh, các cuộc nội chiến và khủng bố. Đó phải là một quốc gia có các chính sách kinh tế ổn định, không có sự thay đổi liên tục về chính sách pháp luật vì khi đó sẽ ảnh hưởng rất lớn và theo xu hướng tiêu cực đối với các nhà đầu tư.
Các chính sách tiền tệ phải làm sao hạn chế được lạm phát và chống giảm phát, ổn định tỉ giá và lãi suất. Kinh tế không thể phát triển mà không có lạm phát, song vấn đề là ở chỗ làm sao để kiểm soát được lạm phát, giữ nó ở một tỉ lệ có lợi cho phát triển, tránh mất giá đồng tiền quá lớn.
Các nhà đầu tư không thể yên tâm và ổn định sản xuất tại một nước mà giá trị đồng tiền của nước đó liên tục thay đổi, nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Hơn nữa, giá trị của đồng nội tệ còn ảnh hưởng đến lợi nhuận thực tế mà các nhà đầu tư thu được tại một thị trường xác định.
Lãi suất sẽ có ảnh hưởng lớn đến dòng chảy của vốn vào trong nước hay ra ngoài, ở đây cần có một sự tương xứng giữa lãi suất trong nước và thị trường thế giới. Vì vậy, lãi suất phải có xu hướng cao hơn thế giới để các nhà đầu tư dồn nhiều vốn vào trong nước hơn. Mặt khác, một mức lãi suất cao còn là điều kiện để bảo toàn nguồn vốn trong nước, tránh thất thoát ra ngoài.