CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2.2. Cơ sở thực tiễn và bài học kinh nghiệm về QLRCĐ của một số nước trên thế giới và trong khu vực
Khi nói tới phát triển Lâm nghiệp hiện nay, người ta bàn nhiều tới Lâm nghiệp xã hội hay Lâm nghiệp cộng đồng. Về phương diện khoa học, QLRCĐ chỉ mới được nhận diện vào những năm đầu của thập kỷ 70, khi mà hạn hán ở châu Phi và lũ lụt ở châu Á đã làm cho tài nguyên rừng bị suy giảm một cách nghiêm trọng. Nhiên liệu và chất đốt cho các cộng đồng nông thôn trở nên ngày càng khó khăn. Chính tại thời điểm này các kinh nghiệm về QLRCĐ ở Ấn Độ (mô hình lâm nghiệp xã hội), Hàn Quốc (mô hình vườn cây cấp thôn bản), Thái Lan (mô hình rừng cấp thôn bản) và ở Tanzania (trồng rừng cấp thôn bản) đã được các nhà khoa học trên thế giới đặc biệt chú ý và chúng được coi như là một giải pháp nhằm phát triển rừng và giải quyết vấn đề chất đốt ở nông thôn (Văn phòng thực địa Si Ma Cai, 2006)
Nhiều ví dụ về hệ thống quản lý tài nguyên rừng bản địa hoặc được đề xướng tại địa phương có thể tìm thấy ở Châu Á, những dạng hình QLRCĐ được tổng hợp gồm: Quản lý rừng theo phương thức nương rẫy-bỏ hóa được tìm thấy nhiều ở Đông Nam Á; Quản lý rừng tại môi trường miền núi ở Nam Á như các hình thức quản lý rừng cổ truyền ở Nêpan, các khu rừng cấm ở gần Mount Merapi của Inđônêxia hay ở
dãy núi Himachal Pradesh tại Ấn Độ...; Quản lý rừng trong môi trường bán khô hạn ở Nam Á, người ta có thể thấy nhiều kiểu quản lý tài nguyên cộng đồng về rừng và cây như kiểu quản lý đất Gauchar ở Gujurat của Ấn Độ; Quản lý rừng gắn với nguồn nước thôn bản như rừng ở vùng Ifugao ở Philippin với việc cung cấp nước cho canh tác, phương thức trồng rừng bên các bờ ao để hạn chế xói mòn tại nhiều vùng thấp ở Terai ở Nêpan; và cuối cùng là quản lý các lùm cây thiêng và các hệ tương tự, nhiều xã hội ở Ấn Độ, Philippin và Thái Lan, nhân dân địa phương theo cổ truyền vẫn bảo vệ những đảm rừng nhỏ gọi là những "lùm cây thiêng" để có chổ ở cho các vị thành linh và linh hồn của địa phương, hoặc các khu rừng cấm dưới sự giám sát của các tu viện, lăng tẩm, nghĩa địa như được coi như tài sản chung của thôn bản..
Hiểu rõ hơn chúng ta đi vào tìm hiểu tình hình QLRCĐ một số quốc gia đại diện như sau:
* Ấn Độ:
Trong những năm 1920, các nhà chức trách thuộc địa tại Ấn Độ đã thử đưa ra các hệ thống quản lý rừng địa phương mới. Tại bang Uttar Pradesh, người ta đã thành lập các "hội đồng rừng" địa phương đặc biệt (Van Panchayat) nhằm mục đích tạo ra một lớp đệm giữa rừng của nhà nước và dân làng địa phương. Hội đồng này có quyền đưa ra những nguyên tắc giải quyết các vấn đề sử dụng rừng chung của địa phương dựa trên những luật lệ được chính phủ ban hành.
Sau đó với sự hỗ trợ của nhũng nhà tài trợ trong và ngoài nước, nhiều chính phủ ở các bang của Ấn Độ đã bắt đầu xúc tiến các kế hoạch xây dựng lâm nghiệp xã hội thông qua những kế hoạch quản lý tài nguyên RCĐ. Và Ấn Độ trở thành một trong những nước đầu tiên thử nghiệm "Lâm nghiệp xã hội" trong những năm 1970, tuy nhiên mục tiêu là không để cho cộng đồng kiểm soát quá lớn nguồn tài nguyên rừng.
Thay vào đó, Lâm nghiệp xã hội tập trung vào việc thiết lập rừng cho cộng đồng sử dụng trên đất chưa có rừng để giải phóng những khu rừng hiện có cho khai thác thương mại. Tuy nhiên với việc thử nghiệm lâm nghiệp xã hội khá sớm đã dẫn đến các cuộc xung đột ngày càng tăng giữa các cơ quan lâm nghiệp và cộng đồng địa phương, khiến chính phủ phải đưa ra một chính sách mới nhấn mạnh việc quản lý rừng cho bảo tồn và nhu cầu của cộng đồng. Điều này dẫn đến sự ra đời của chương trình quản lý rừng có sự tham gia (JFM), đây là chương trình nổi tiếng nhất trên toàn cầu được biết đến với hệ thống quản lý rừng dựa trên sự chia sẽ trách nhiệm và lợi ích nhà nước và cộng đồng địa phương.
Việc sửa đổi Hiến pháp 73 và đạo luật 1992 cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó phân cấp những quyền hạn khác nhau liên quan đến việc thực thi những kế hoạch phát triển kinh tế và công bằng xã hội cho các tổ chức, hoặc những hội đồng làng, những tổ chức mà có chức năng ở huyện, khối hay ở thôn. Ở đây có hình thức
quản lý rừng theo nhóm người sử dụng gọi là CFUG Ghorlas, CFUG đại diện cho một loạt các nhóm xã hội mà chủ yếu là những người có cuộc sống gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Các chính sách lâm nghiệp (1998) cũng đã hỗ trợ nhiều cho sự tham gia của cộng đồng vào lâm nghiệp tại Ấn Độ.
Ở bang Andhra Pradesh hơn 250 tổ chức phi chính phủ đã chính thức tham gia vào việc thực hiện doanh nghiệp quản lý rừng và đã cải thiện được sự giao tiếp giữa chính phủ và người dân địa phương. Chương trình lâm nghiệp cộng đồng ở Andhra Pradesh xuất hiện khá thuận lợi với sự giám sát được thực hiện bởi một số ủy ban bao gồm kiểm lâm, các tổ chức phi chính phủ, người đứng đầu các Panchayat và hiệu trưởng các trường làng.
* Nêpan:
Cũng như Ấn Độ, Nêpan cũng có những sai sót trong việc thiết kế các Chương trình Lâm nghiệp cộng đồng, tuy nhiên đất nước này cũng đã rút ra được những bài học từ những sai sót đó và đã thực hiện những cải cách lớn để cải thiện hiệu quả của Lâm nghiệp cộng đồng. Và xem LNCĐ như một công cụ trong việc bảo tồn nguồn tài nguyên rừng và phát triển nông thôn. Vào những năm 1970, Nêpan đã bắt đầu xem xét các chính sách về LNCĐ. Một cộng đồng chính thức được thành lập và các vùng đất bị suy thoái đã dược giao cho Panchayats (Panchayats là đơn vị cơ bản của chính quyền ở Nêpan, nó có 3 cấp huyện, khối và thôn). Tuy nhiên thực tế là Panchayats không phải là một phân cấp đầy đủ quyền để đại diện cho lợi ích cho cộng đồng của địa phương, cộng đồng vẫn là nhóm bất lợi bị tách riêng ra. Do đó các chương trình LNCĐ được chuyển đến đơn vị hoạt động thấp hơn - các nhóm sử dụng RCĐ và trao cho các nhóm này những quyền lực lớn hơn để thiết kế, quản lý và hưởng lợi từ RCĐ.
Các nhóm này có quy mô quản lý từ 10 đến h\àng trăm hecta rừng và đất rừng không phụ thuộc vào quản lý hành chính. Qua nhiều thử nghiệm nhóm sử dụng rừng (FUG) được xem là có hiệu quả nhất. Sau 25 năm thực hiện QLRCĐ đã có 1,2 triệu hecta rừng, chiếm 25% diện tích quốc gia đã được giao cho nhóm hộ quản lý (Kanel, 2004).
* Philippin:
QLRCĐ hay còn gọi là Quản lý rừng dựa vào cộng đồng (CBFM) được coi là chiến lược chính của quản lý rừng ở Philippin. Nhận thức rằng người dân ở vùng cao có thể là đối tác trong việc quản lý rừng, chính phủ đã chuyển hướng chiến lược của mình sang hình thức QLRCĐ. CBFM phát triển từ các chương trình định hướng người dân trước đó vào những năm 1970 như các phòng quản lý rừng (FOM), gia đình tiếp cận phục hồi rừng (FAR)...được kết hợp dưới sự hợp nhất của chương trình Lâm nghiệp xã hội (ISFP) thông qua các văn bản ban hành, các chỉ thị của tổng thống Marcos vào năm 1982. Sau đó có các chương trình khởi xưởng bởi chính phủ để thúc đẩy sự tham gia của người dân địa phương vào việc phát triển và bảo vệ tài nguyên
rừng. CBFM nhằm thúc đẩy trao quyền cho cộng đồng, quản lý rừng bền vững, lành mạnh và cân bằng sinh thái, công nhận quyền của người dân bản địa đối với những khu vực tổ tiên của họ. Quyền sử dụng được thể hiện trong thỏa thuận quản lý rừng dựa vào cộng đồng (CBFMA), mà phục vụ như sự bảo lãnh cho cộng đồng để tiếp cận và quản lý rừng trong 25 năm và gia hạn thêm 25 năm nữa (Pulhin, 2003).
* Thái Lan:
Vào cuối những năm 1990, kế hoạch phát triển quốc gia của Thái Lan đã kêu gọi sự tham gia của người dân địa phương trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Chính phủ Thái Lan đã chuyển mục tiêu quản lý của mình từ tập trung sản xuất nhỏ hẹp đến cân bằng giữa bảo tồn, phục hồi chức năng và sản xuất bao gồm cả sự phát triển sinh kế địa phương. "Hiến pháp của người dân" được ban hành vào năm 1997 của Thái Lan đưa đến cho cộng đồng quyền quản lý và duy trì sự sử dụng tài nguyên bền vững. Tuy nhiên theo Kaewmahanin và Fisher thì xuất hiện nhiều xung đột giữa cán bộ Lâm nghiệp và người dân địa phương, họ đổ lỗi nạn phá rừng là do người dân địa phương thay vì làm việc với cộng đồng để tìm ra các giải pháp khắc phục. Cục Lâm nghiệp Hoàng gia đề xuất dự thảo đầu tiên về dự luật Lâm nghiệp cộng đồng, trong đó phần lớn là một bộ quy tắc và quy định để cho phép người dân địa phương tham gia trong đề án tái trồng rừng của chính phủ (Makarabhirom, 2000).
Cộng đồng rừng ngập mặn Pred Nai được xem như một trường hợp nghiên cứu để minh họa cho khả năng tham gia của cộng đồng trong Lâm nghiệp, các làng Pred Nai đã thành công trong việc ngăn chặn đốn gỗ và tiến hành tham gia các hoạt động như trồng cây. Những tác động ngay lập tức bao gồm việc cải thiện sinh kế và điều kiện của các hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngoài ra còn là xúc tác cho phong trào quản lý dựa vào cộng đồng ở Thái Lan.
* Trung Quốc:
Ở Trung Quốc rừng tiếp tục được quản lý theo tập thể, Trung Quốc là nơi tập thể làm chủ hơn một nữa đất Lâm nghiệp của quốc gia. Theo thống kê chính thức của phòng thống kê, kể từ cuối những năm 1950, quyền sở hữu đất lâm nghiệp đã được giới hạn cho nhà nước hoặc cho các cơ quan tập thể, tổng diện tích rừng thuộc sở hữu của nhà nước chiếm 41,6% tổng số, còn lại là thuộc sở hữu của các cơ quan tập thể, cụ thể là các đơn vị hành chính cơ bản, các thị trấn và làng mạc. Chiến lược quản lý rừng đầu tiên trên toàn quốc, là một chiến lược được triển khai từ năm 1950 và đến nay vẫn tiếp tục, là chiến lược có quy mô lớn đã vận động được người dân địa phương vào quản lý và bảo vệ rừng. Đó là những khu rừng được người dân địa phương trồng dọc theo các dòng suối, con sông, đập để bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, những khu rừng trồng để bảo tồn nguồn nước sinh hoạt và cả những khu rừng trồng chắn gió và cát. Tỉnh Sơn Tây là một ví dụ, vào giữa nhưng năm 1950, ngoài những khu rừng của
làng, các hộ gia đình, rừng còn được quản lý theo tập thể như "rừng thanh niên", "rừng của phụ nữ", "rừng của những người lính", "rừng của trường", "rừng nhà máy"...
* Inđônêxia:
Vào năm 1992, tại Ngawi, java của Inđônêxia, người ta đã xây dựng một rừng làng 5 hecta theo sáng kiến của Sở Lâm nghiệp trên đất rừng không thích hợp cho trồng trọt. Dân làng được phép thu hoạch gỗ để sử dụng tại địa phương và buôn bán.
Việc chăn thả gia súc trong rừng bị nghiêm cấm. Chính phủ phải quản lý những khu rừng mà việc bảo vệ là rất cần thiết và các cộng đồng địa phương không thể quản lý được đầy đủ. Theo đó các khu rừng cấm để giữ nước, rừng sản xuất để xuất khẩu và cung cấp gỗ cho vùng do Sở Lâm nghiệp quản lý, những khu rừng còn lại giao cho địa phương.
Như vậy, có thể thấy QLRCĐ đã tồn tại từ lâu đời ở các nước trên thế giới thông qua những hình thức khác nhau như ủy ban bảo vệ rừng ở Ấn Độ, nhóm người sử dụng rừng ở Nêpan, các tổ chức nhân dân quản lý rừng ở Philippin hay quản lý rừng tập thể ở Trung Quốc... Nhưng tất cả các hình thức đều gắn với sự tham gia của người dân địa phương vào việc quản lý bảo vệ rừng và đã thu được những hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng cũng như trong việc cải thiện đời sống kinh tế của người dân địa phương.
Và tiếp theo sau các quốc gia Châu Á này, các quốc gia ở Châu Mỹ La Tinh như Brazil, Mexico đã bước đầu xây dựng thành công mô hình hợp tác quản lý rừng (Joint Forest Management) giữa cơ quan quản lý rừng nhà nước và các nhóm hưởng lợi cộng đồng (ODI, s.d) thể hiện mô hình phân quyền trong quản lý tài nguyên rừng từ Trung ương xuống địa phương (Quang Nguyễn, 2005).