CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VÁN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1.2. Vai trò của nguồn lực tài chính từ đất đai đối với phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh
Cũng như các nguồn lực khác của đất nước, nguồn lực tài chính từ đất đai luôn giữ một vị trí hết sức quan trọng, đứng ở những góc độ khác nhau về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục... thì vai trò của nguồn lực tài chính từ đất đai cũng được nhìn nhận khác nhau. Tuy nhiên, trong phạm vi của đề tài này, vai trò của nguồn lực tài chính từ đất đai chỉ được xem xét ở dưới góc độ phục vụ cho mục tiêu phát triển KT-XH, vì vậy, vai trò của nguồn lực tài chính từ đất đai thể hiện ở một số điểm sau:
Một là: Nguồn lực tài chính từ đất đai phản ánh kết quả của việc thực hiện lợi ích kinh tế của Nhà nước
Nhà nước là chủ thể duy nhất có khả năng làm đại diện cho toàn dân nắm quyền sở hữu về đất đai. Với vị trí đó, Nhà nước nhất thiết phải thực hiện được lợi ích kinh tế từ quyền sở hữu đó. Việc động viên các nguồn tài chính từ đất đai thông qua quan hệ giữa Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu với các chủ thể khác trong xã hội thực chất là Nhà nước thực hiện lợi ích của mình.
Quyền sở hữu về đất đai chỉ thực sự có ý nghĩa khi quyền đó đem lại lợi ích kinh tế thực cho chủ sở hữu. Lợi ích kinh tế thực được biểu hiện thành những nguồn tiền mà Nhà nước huy động được từ đất đai thông qua việc giao cho các chủ thể sử dụng đất.
Nguồn lực đó sẽ được tập trung và phục vụ lợi ích của số đông. Điều đó khác hẳn về bản chất với việc thực hiện lợi ích của chủ thể sở hữu đất đai trong các nước Tư bản. Trong các nước tư bản, nguồn lực tài chính từ đất đai thuộc về số ít những người sở hữu tư nhân về đất đai. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh thêm rằng, trên thực tế lợi ích đó được sử dụng như thế nào lại là một chủ đề khác. Về mặt nguyên lý, chế độ sở hữu đất đai của nước ta là không thừa nhận đất đai thuộc sở hữu tư nhân cho nên lợi ích từ nguồn lực tài chính từ đất đai mà chủ thể sở hữu khai thác được phải phục vụ cho lợi ích của nhân dân.
Hai là: Nguồn lực tài chính từ đất đai góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước
Trong bất kỳ một thể chế chính trị nào thì Nhà nước phải thực hiện chức năng kinh tế của mình. Trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa (XHCN), Nhà nước phải huy động tất cả các nguồn lực tài chính từ nội bộ của nền kinh tế cũng như từ bên ngoài, nhưng trước hết là phải tập trung huy động được nguồn lực của nội tại [43]. Trong điều kiện của một nước đang phát triển như nước ta hiện nay, thì vấn đề tăng ngân sách nhà nước là một nhiệm vụ hết sức khó khăn (bởi thường xuyên xảy ra tình trạng thâm hụt ngân sách) trong khi nhu cầu chi tiêu và đầu tư đòi hỏi ngày càng tăng.
Trong điều kiện kinh tế nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường và từng bước hội nhập kinh tế quốc tế, giá trị sản xuất và nguồn thu từ các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ đóng góp ngày một lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy vậy, nguồn lực tài chính từ đất đai vẫn là một nguồn lực quan trọng và ổn định. Mặt khác, đất đai được xem là một tài sản có thể góp vốn, việc thu hút đầu tư nước ngoài là mục tiêu quan trọng của quốc gia, vì thế lượng giá trị từ giá cả đất đai trở thành nguồn lực quan trọng để góp vốn liên doanh. Trong quá trình góp vốn, đất đai không mất đi, càng sử dụng và sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau thì đất đai càng tăng giá trị của nó [2] .
Nguồn thu từ đất đai có ý nghĩa xác lập chế độ sở hữu đất đai toàn dân, khoản thu này cần được mở thành một tài khoản đặc biệt trong ngân sách nhà nước vì khả năng vốn hóa rất lớn. Nếu toàn bộ được đầu tư trở lại cho đất đai để làm tăng “địa tô chênh lệch” bằng một hệ thống cơ chế hoạch toán ngân sách hợp lý từ Trung ương đến địa phương. Điều đáng lưu ý là cho đến nay, khoản thu này chưa ngang tầm với tiềm năng do hệ thống điều hành thu chưa đồng bộ (hệ thống pháp lý, tổ chức, bộ máy, con người...) và không được hoạch toán riêng lẽ nên không thể đánh giá đúng hiệu quả cũng như khai thác triệt để. Đây là nguồn nội lực mà bằng cơ chế thị trường có thể huy động tối đa để đóng góp có ý nghĩa cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội [2].
Ba là: Nguồn lực tài chính từ đất đai góp phần vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai
Việc phát huy vai trò này của nguồn lực tài chính từ đất đai thể hiện ở khía cạnh khi các chủ thể sử dụng đất phải có trách nhiệm thực thi nghĩa vụ tài chính đối với chủ sở hữu. Khi đó, việc thực hiện nguồn lực tài chính từ đất đai của chủ sở hữu sẽ có tác dụng làm đòn bẩy lợi ích kinh tế thúc đẩy và kích thích các chủ thể sử dụng đất có hiệu quả hơn. Để đem lại hiệu quả cao, các chủ thể phải không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng đất để một mặt thực hiện được lợi ích của mình từ việc sử dụng đó, mặt khác phải có một nguồn lực đủ để thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với chủ thể sở hữu, đó là Nhà nước.
Trong lý luận về địa tô, Mác đã phân tích rất sâu sắc ý nghĩa của việc sử dụng hiệu quả đất đai đi thuê của các nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp. Khi đó, để có thể thu được lợi ích của mình từ hoạt động kinh doanh nông nghiệp nhà tư bản ít nhất cũng phải thu được lợi nhuận bình quân, phần giá trị thặng dư dôi ra ngoài lợi nhuận bình quân là phần nộp cho địa chủ dưới dạng địa tô.
Vận dụng phân tích trên đây của Mác vào trong điều kiện nền kinh tế nước ta nói chung và tại địa bàn thành phố Hà Tĩnh nói riêng có thể cho thấy, việc huy động nguồn lực tài chính từ các chủ thể sử dụng đất là cần thiết, phù hợp với tính quy luật trong nền kinh tế thị trường. Việc thực hiện nguồn lực tài chính từ đất đai không những có ý nghĩa rất quan trọng đối với chủ thể sở hữu đất đất đai là Nhà nước mà ngay cả đối với các chủ thể sử dụng đất là người sử dụng đất.
Như vậy, nguồn lực tài chính từ đất đai có tác động tích cực hai mặt, đối với cả người sở hữu và người sử dụng; thông qua quan hệ về tài chính, đất đai trở nên có chủ.
Khi đã có chủ, đất đai sẽ được sử dụng hiệu quả hơn vì chủ sở hữu hay chủ sử dụng đều cần phải quan tâm đến lợi ích của mình.
Bốn là: Nguồn lực tài chính từ đất đai sẽ góp phần vào việc điều tiết thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản là một trong những thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Thị trường bất động sản có quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường xây dựng, thị trường vật liệu xây dựng, thị trường lao động... Do vậy, phát triển và quản lý có hiệu quả thị trường bất động sản sẽ góp phần quan trọng vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư cho phát triển, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được thì hoạt động của thị trường bất động sản trong thời gian qua đã bộc lộ những mặt hạn chế nhất định như: chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của thị trường bất động sản đối với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; tài sản nhà đất chưa được khai thác và sử dụng có hiệu quả gây nên sự lãng phí, thất thoát lớn cho xã hội, chưa có những giải pháp hữu hiệu trong quản lý và điều tiết thị trường bất động sản;
Để tạo hành lang pháp lý, bảo đảm thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường bất động sản, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của thị trường bất động sản đòi hỏi các văn bản pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản cần phải được đảm bảo tính công khai, minh bạch, được đăng, phát hành, phổ biến rộng rãi, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường bất động sản cũng như mọi đối tượng, mọi chủ thể của thị trường bất động sản được tiếp cận, nắm bắt và thực hiện kịp thời các quy định của pháp luật về thị trường bất động sản.
Năm là: Quyền sử dụng đất có thể giúp các chủ thể, nhất là các doanh nghiệp nâng cao được khả năng huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh
Quyền sử dụng đất là tài sản có giá trị sử dụng làm tài sản thế chấp tại các tổ chức tín dụng để vay vốn. Với đặc điểm riêng của tài sản đất đai, khi là tài sản để thế chấp vay vốn, đất đai không bị cầm giữ như tài sản khác, mà trái lại người mang đất đai thế chấp thì sau khi vay được vốn họ vẫn được sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh của mình. Như vậy, vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh đã được nhân đôi.
Một mặt là hiện vật đất đai có giá trị sử dụng và được dùng vào mục đích nhất định;
mặt khác, đất đai được tính giá trị đảm bảo việc huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư để đầu tư cho sản xuất kinh doanh với những mục tiêu nhất định. Đó là giá trị đặc biệt của đất đai mà con người có thể tận dụng, khai thác trở thành nguồn tài chính cho đầu tư phát triển. Hiện nay, việc sử dụng đất đai là tài sản thế chấp để vay vốn là rất phổ biến và được coi là một trong những biện pháp quan trọng để huy động vốn.
Có thể nói rằng nguồn lực tài chính từ đất đai thực sự là nguồn nội lực quan trọng, nguồn tài chính tiềm năng để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.