CHƯƠNG 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.2. TÌNH HÌNH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT CỦA THÀNH PHỐ HÀ TĨNH
3.2.3 Tình hình quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố
3.2.3.1. Về ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và tổ chức thực hiện
Sau khi Luật đất đai năm 2003 được ban hành và các văn bản dưới luật đã được phổ biến đến tận cán bộ và nhân dân trên địa bàn thành phố, công tác quản lý và sử dụng đất đai trong những năm qua luôn được quan tâm đúng mức, có sự chuyển biến tích cực. Phòng Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình UBND thành phố ban hành nhiều văn bản về quản lý đất đai trên địa bàn; ban hành quy trình “Một cửa liên thông” để giải quyết thủ tục hành chính về cấp GCN QSD đất trên địa bàn; Nhìn chung, công tác ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện các văn bản đó trong những năm qua đã được thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt làm cơ sở cho việc thực hiện quản lý, sử dụng đất đai chặt chẽ, hiệu quả. Việc quản lý nhà nước về đất đai ngày càng chặt chẽ hơn, đất được giao cho
các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng hợp lý, ổn định, phát huy tiềm năng đất đai một cách hợp lý, hiệu quả sử dụng đất ngày càng cao hơn.
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 22/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch cụ thể và nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 (hiệu lực thi hành 01/7/2014) trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh; chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các phường, xã triển khai tốt các văn bản chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành cấp trên. Trong năm 2015, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thành phố ban hành 320 quyết định, 56 công văn để triển khai thực hiện các nội dung quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng quy trình một cửa liên thông giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến cấp GCN QSĐ trên địa bàn thành phố.
3.2.3.2. Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính Việc xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính được thực hiện trên cơ sở kết quả hoạch định lại ranh giới theo chỉ thị 364/ CT ngày 06/11/1991 của Thủ Tướng Chính phủ. Ranh giới giữa thành phố Hà Tĩnh và các huyện giáp ranh được xác định bằng yếu tố địa vật cố định hoặc mốc giới và được chuyển vẽ lên bản đồ.
Hồ sơ địa giới hành chính được hoàn thiện trên cơ sở bản đồ địa hình; xác định địa giới hành chính các phường, xã trên địa bàn thành phố; ranh giới hành chính cơ bản ổn định, việc xảy ra tranh chấp chỉ là cục bộ.
3.2.3.3. Khảo sát, đo đạc, đánh giá, phân hạng đất, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất
- Công tác đo đạc lập bản đồ địa chính: 16/16 phường, xã, đã hoàn thành công tác đo đạc lập bản đồ địa chính chính quy.
- Công tác lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất:
công tác lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, theo định kỳ 5 năm 1 lần trên phạm vi toàn thành phố. Thực hiện kiểm kê đất đai năm 2010 và năm 2015 thành phố Hà Tĩnh đã lập được hệ thống bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện năm 2010 và năm 2014; lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã năm 2010 và năm 2014.
- Công tác lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất: Năm 2009 thành phố đã xây dựng bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2009 - 2015) cấp huyện.
- Công tác điều tra, đánh giá tài nguyên đất; điều tra xây dựng giá đất được thực hiện định kỳ.
3.2.3.4. Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2009- 2015) thành phố Hà Tĩnh đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4318/QĐ- UBND ngày 31/12/2009 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, UBND thành phố đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật về đất đai; công bố công khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2009-2015) đến từng phường, xã để mọi tổ chức, cá nhân biết và thực hiện theo quy hoạch. Đồng thời, UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng ban liên quan tham mưu, triển khai các công trình, dự án có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Thực hiện Luật Đất đai 2013; Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT Quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. UBND thành phố đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành xây dựng Kế hoạch sử dụng đất năm 2015, năm 2016, năm 2017 thành phố Hà Tĩnh và đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt phục vụ cho công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên UBND thành phố Hà Tĩnh đang tiến hành lập điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn thành phố nhằm phù hợp với tình hình mới, còn đối với việc lập quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất cấp xã, phường trên địa bàn thành phố thì đã được triển khai thực hiện từ năm 2010, đã có 100% số xã phường đã hoàn thành công tác quy hoạch và đang tổ chức thực hiện. Tất cả đều xây dựng đúng quy định.
3.2.3.5. Quản lý giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất Việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất được tiến hành đúng quy trình, theo quy định của Luật đất đai, giải quyết cơ bản nhu cầu về đất ở cho các đối tượng. Công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất của thành phố đã được quan tâm, thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch. Việc giao đất ổn định, lâu dài cho các đối tượng sử dụng đất đã giải quyết tình trạng vô chủ, sử dụng đất kém hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho các đối tượng sử dụng đất yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, bước đầu thu hút vốn đầu tư của nhân dân và các thành phần kinh tế, tạo bước phát triển mới cho thời kỳ CNH-HĐH.
3.2.3.6. Quản lý việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi
Các quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được ban hành ngày càng phù hợp hơn với yêu cầu của thực tế đã quan tâm tới lợi ích của những người bị thu hồi đất, đã thể hiện được tính khả thi và vai trò tích cực của các văn bản
pháp luật. Vì thế, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong thời gian qua đã đạt được các kết quả đáng kể như:
- Đối tượng được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngày càng được xác định đầy đủ chính xác, phù hợp với tình hình thực tế, giúp cho công tác quản lý đất đai của Nhà nước được nâng cao, người nhận đền bù được thỏa đáng.
- Thành phố đã triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng của các dự án trên địa bàn, hoàn thành kế hoạch đề ra. Công tác GPMB được thực hiện đảm bảo đúng quy định, thành lập hội đồng bồi thường các dự án, tổ chức bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư. Đặc biệt là công tác GPMB cho các dự án lớn mang tính đột phá của tỉnh, của thành phố như: Dự án ADB, Quốc lộ 1A, dự án Xây dựng Quốc lộ 15A.,...
- Mức bồi thường hỗ trợ ngày càng cao tạo điều kiện cho người dân bị thu hồi đất có thể khôi phục lại tài sản bị mất. Một số biện pháp hỗ trợ đã được bổ sung và quy định rất rõ ràng, thể hiện được tinh thần đổi mới của Đảng và Nhà nước nhằm giúp cho người dân ổn định về đời sống và sản xuất.
3.2.3.7. Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính:
Việc đăng ký đất đai được thực hiện thường xuyên thông qua việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đăng ký biến động quyền sử dụng đất và thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Thực hiện Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, UBND thành phố chỉ đạo các phường, xã lập hồ sơ để cấp GCN QSD đất cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất. 16/16 phường, xã đã hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính. Hoàn thành việc chuyển đổi ruộng đất, đang tiến hành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, các đối tượng sử dụng đất.
- Tham mưu UBND Thành phố cho chủ trương và xét giao đất ở tại 05 vùng hạ tầng theo Danh mục quỹ đất tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1034/QĐ-UBND ngày 16/4/2014 với số tiền: 41.927 triệu đồng; xét giao đất tại các vùng hạ tầng theo Đề án phát triển quỹ đất được duyệt tại 10 khu dân cư với số thu dự kiến: 66.959 triệu đồng.
- Đã hoàn thiện và đề nghị UBND thành phố duyệt cấp giấy CN QSD đất được 4.071 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Tính đến năm 2016, tham mưu UBND thành phố 4.071/4.318 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các hộ gia đình so với chỉ tiêu theo Quyết định 2132/QĐ-UBND ngày 14/11/2012.
- Phối hợp với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 04 tổ chức trên địa bàn thành phố, với diện tích 2,15 ha.Được thể hiện theo biểu 3.10 sau
Bảng 3.10. Kết quả cấp Giấy chứng nhận QSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất từ năm 2012 đến năm 2016
Đơn vị: Hồ sơ
Năm
Tổng hồ sơ kê khai xin cấp GCN
Hồ sơ được cấp GCNQSDĐ
Hồ sơ trả lại do
không đủ
điều kiện
Tổng (hồ sơ)
Tỷ lệ (%)
Trong đó
Tổng (hồ sơ)
Tỷ lệ Hồ sơ (%)
GQ đúng hạn
Hồ sơ GQ quá thời hạn
2012 572 529 92.46 480 49 43 7.54
2013 1223 1155 94.43 806 349 68 5.57
2014 1041 965 92.68 723 242 76 7.32
2015 659 622 94.42 574 48 37 5.58
2016 823 800 97.26 768 32 23 2.74
Tổng 4318 4071 94.28 3351 720 247 5.89
(Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Tĩnh)
3.2.3.8. Thống kê, kiểm kê đất đai
Tổ chức thực hiện công tác thống kê hàng năm và kiểm kê 5 năm một lần theo quy định. Năm 2015, được sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác thống kê, kiểm kê đất đai trên địa bàn thành phố được triển khai đồng bộ và thực hiện đúng quy trình. Hoàn thành công tác kiểm kê đất đai năm 2014 (thực hiện 2015) và thống kê đất đai đai năm 2015 (thực hiện 2016) nhằm đánh giá lại thực trạng sử dụng đất trên địa bàn toàn thành phố theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Kết quả thống kê đất đai thành phố Hà Tĩnh năm 2015 diện tích tự nhiên là 5.654,96 ha, trong đó: nhóm đất nông nghiệp 2803,38 ha (49,57 %); nhóm đất phi nông nghiệp 2.680,13 ha (47,39 %); nhóm đất chưa sử dụng 171,45 ha (3,03%).
3.2.3.9. Về xây dựng hệ thống thông tin đất đai
Đến năm 2016, tất cả 16 phường, xã trên địa bàn thành phố đã hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính chính quy, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc chuyển mục đích sử dụng đất, từng bước đáp ứng yêu cầu sử dụng thông tin về đất đai.
3.2.3.10. Quản lý tài chính về đất đai
Nguồn thu ngân sách Nhà nước về đất đai là một trong những nguồn thu quan trọng bổ sung vào nguồn vốn để đầu tư cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong thời gian qua, thành phố đã thực hiện việc thu và quản lý nguồn thu từ đất đai một cách chặt chẽ đúng quy định.
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ ngành, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND thành phố đã chỉ đạo phòng Tài chính Kế hoạch, phòng Tài Nguyên và Môi trường, UBND các phường, xã thực hiện công tác quản lý tài chính về đất đai đảm bảo theo quy định của pháp luật, góp phần tăng thu ngân sách từ nguồn lực đất đai. Các nguồn thu và việc chấp hành thu, chi các loại phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền chuyển mục đích, tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong những năm qua đảm bảo đúng mục đích, có hiệu quả và tuân thủ theo quy định hiện hành của Nhà nước. Nguồn thu từ tiền sử dụng đất trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010 – 2015 đạt trên 200 tỷ đồng.
Hàng năm công tác điều tra, khảo sát xây dựng bảng giá đất được thực hiện theo đúng quy định. Năm 2014 đã lập bảng giá đất cho các phường, xã giai đoạn từ 1/1/2015-1/12/2019 và được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý giá, áp giá đất để thu tiền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thế chấp đất đai.
3.2.3.11. Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất Công tác quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đã được UBND thành phố quan tâm thông qua việc quản lý, giám sát các hoạt động chuyển nhượng, cho thuê đất, thu thuế, thu tiền sử dụng đất,... góp phần đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất và nguồn thu ngân sách. Nghĩa vụ của người sử dụng đất phải đảm bảo trên nguyên tắc quy hoạch, kế hoạch và mục đích sử dụng đất, sử dụng đất phải tiết kiệm hiệu quả, đồng thời phải gắn với việc bảo vệ môi trường, không làm anh hưởng đến chủ sử dụng đất liền kề.
3.2.3.12. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai
Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai đã được thực hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức như thanh, kiểm tra theo kế hoạch, định kỳ và đột xuất. Thành lập các đoàn Kiểm tra liên nghành kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất đai ở một số phường, xã nhằm chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, xét giao đất ở.
Tập trung thanh tra việc giao đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các hành vi sai phạm, thiếu sót trong việc lập hồ sơ, thực hiện các quy trình thuộc thẩm quyền của UBND cấp phường, xã, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, phòng tài nguyên và môi trường thành phố.
Thường xuyên quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác thanh, kiểm tra đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân.
3.2.3.13. Phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai
UBND thành phố Hà Tĩnh đã tổ chức các cuộc tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, bí thư, trưởng các khối, xóm trên địa bàn để triển khai các quy định của Luật Đất đai 2013, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật và các Quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh các quy định về đất đai trên địa bàn.
Chủ trì phối hợp với UBND các phường, xã thực hiện phổ biến các quy định
của pháp luật về đất đai cho các hộ gia đình, cá nhân, các đối tượng sử dụng đất trên địa bàn.
Tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền pháp luật về đất đai cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tổ chức ngày hội tư vấn pháp luật đất đai, tọa đàm, trao đổi, sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề về các vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai. Biên soạn, in ấn, phát hành các tài liệu nội bộ phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố.
3.2.3.14. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai
Tình trạng tranh chấp đất đai trên địa bàn thành phố vẫn còn một số vụ việc phức tạp, tuy nhiên công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai được thực hiện khá tốt, xử lý kịp thời, dứt điểm các trường hợp vi phạm Luật Đất đai. Việc cải tiến quy trình tiếp nhận, xử lý đơn thư, đặc biệt là lãnh đạo thành phố và các phòng ban chức năng đã thường xuyên tiếp công dân định kỳ, đột xuất để giải quyết các vấn đề phát sinh tại thời điểm nên đã hạn chế được những vi phạm trong sử dụng đất.