CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.4. Một số kết quả nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lạc trên thế giới và Việt Nam
1.4.2. Một số kết quả nghiên cứu về cây lạc ở Việt Nam
Ở Việt Nam, cùng với công tác giống công tác nghiên cứu về các biện pháp kỹ thuật trồng góp phần tăng năng suất lạc cũng được quan tâm từ sớm.
Trong những năm qua có nhiều công trình nghiên cứu về mật độ và khoảng cách trồng lạc ở nước ta. Theo kết quả nghiên cứu trong những năm gần đây như: Bố trí mật độ trồng khác nhau với giống lạc VD1 ở vùng Đông Nam bộ kết quả cho thấy năng suất lạc đạt đạt cao nhất 2,81 tấn/ha ở khoảng cách gieo 20 x 20 cm x 2 hạt.
Theo Nguyễn Thị Chinh (1999), Ngô Thế Dân và cs. (2000), nghiên cứu mật độ trồng khi áp dụng kỹ thuật che phủ ni lông qua 3 vụ (1996-1998) đối với giống lạc L02 đã kết luận: Năng suất mật độ 40 cây/m2 theo phương thức 33 x 15 cm x 2 cây hoặc 25 x 20 cm x 2 cây đều cho năng suất cao hơn so với mật độ trồng 33 cây/m2 trồng theo phương thức 33 x 10 cm x 1 cây 27 - 36 %. Trên đất cát biển theo Trần Thị Ân và cs.
(2004), giống lạc L12 trong vụ thu trồng mật độ 40 cây/m2 kết hợp với che phủ ni lông là hợp lý.
Theo các kết quả nghiên cứu gần đây của Nguyễn Văn Thắng và cs. (2010) cho thấy đối với giống lạc L23 trong vụ thu đông năng suất ở mật độ trồng 40 cây/m2 đạt 2,61 tấn/ha và cao hơn 8,8 - 19,2% so với mật độ trồng 30 và 50 cây/m2; trong vụ xuân, năng suất ở mật độ trồng 40 cây/m2 đạt 4,15 tấn/ha và cao hơn 25,8 - 32,6 % so với mật độ trồng 30 và 50 cây/m2; còn đối với giống lạc L26, trong điều kiện vụ xuân, mật độ trồng 40 cây/m2 đạt năng suất 4,73 tấn/ha và cao hơn 11,0 - 13,9% so với mật độ trồng 30 và 50 cây/m2. Còn theo nghiên cứu mật độ trồng qua 3 vụ xuân (2009 – 2011) đối với giống lạc TB25 của Đinh Thái Hoàng và Vũ Đình Chính (2011) thì mật độ 40 cây/m2 cho năng suất thực thu và thu nhập thuần cao nhất.
Theo Nguyễn Thị Lý (2011), các giống chịu hạn trồng ở vùng trung du và miền núi phía Bắc nên trồng với mật độ 35 cây/m2 .
Ngoài ra, những kết quả sản xuất thâm canh lạc của các tỉnh Bắc Trung bộ như:
Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình,... trong thời gian qua đã triển khai các mô hình, áp dụng sản xuất trên diện rộng với mức đầu tư phân bón cao, mật độ cao 35- 44 cây/m2 cho các giống tiến bộ kỹ thuật mới có tiềm năng năng suất cao như L14, L23, L26 đã cho năng suất bình quân 3,5 - 4,5 tấn/ha.
Theo Ưng Định và Đăng Phú (1977), tổng hợp các nghiên cứu cho biết, tăng mật độ 22 cây/m2 (30 x 15cm x 1 cây) lên 33 cây/m2 (30 x 10 cm x 1 cây), năng suất lạc tăng từ 15,0 lên 22,0 tạ/ha. Mật độ trồng 44 cây/m2 (30 x 15cm x 2 cây), năng suất tăng lên 29,0 tạ/ha.
Trên đất bạc màu Bắc Giang, lạc trồng với mật độ 25 cây/m2 (40 x 20 cm x 2 hạt) năng suất đạt 12,0 tạ/ha, trồng với mật độ 42 cây/m2 (30 x 15cm x 2 hạt) năng suất tăng lên 15,0 tạ/ha.
Nguyễn Quỳnh Anh (1994) xác định mật độ trồng thích hợp nhất cho giống lạc Sen lai (75/23) trên đất cát biển Nghệ An là 35 cây/m2 theo khoảng cách (30 x 10 cm x 1 hạt).
Những nghiên cứu ở vùng Đông Nam Bộ, kết quả cho thấy đạt năng suất lạc đạt cao nhất 28,1 tạ/ha, ở khoảng cách gieo 20 x 20 cm x 2 hạt/hốc đối với giống lạc VD1 (Ngô Thị Lâm Giang và cs., 1999).
Các giống lạc hiện đang gieo trồng ở nước ta chủ yếu thuộc kiểu hình Spanish và một số thuộc Valencia, thời gian sinh trưởng tương đối ngắn, khối lượng chất khô tích luỹ thấp cho nên thường phải gieo với mật độ tương đối cao (Đoàn Thị Thanh Nhàn và cs.,1996) .
Theo Nguyễn Thị Chinh và cs., (2000), mật độ gieo thích hợp trong điều kiện có che phủ nilon là 25 x 18 cm x 2 cây/hốc và không che phủ nilon là 25 x 10 cm x 1 cây/hốc.
Nguyễn Thị Ngọc Lan (2008) khi nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất lạc vùng đồi, huyện Chương Mỹ, Hà Tây đối với giống lạc L14 đã kết luận rằng, gieo ngày 28 tháng 2 năm 2008 trồng với mật độ 40 cây/m2 cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn so với các giống khác trong cùng điều kiện, năng suất thực thu đạt được 27,9 tạ/ha.
Theo Vũ Đình Chính (2008) với mật độ gieo 40 cây/m2 đã cho năng suất của giống L14 đạt cao nhất 28,05 tạ/ha, trong khi mật độ 20 cây/m2 chỉ đạt 23,89 tạ/ha, với mật độ gieo 30 cây/m2 năng suất đạt 26,00 tạ/ha, 50 cây/m2 năng suất là 26,25 tạ/ha, 60 cây/m2 năng suất đạt 25,3 tạ/ha.
Theo Đoàn Tiến Mạnh (2008), khi nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất lạc tại Việt Yên - Bắc Giang đã có kết luận thời vụ và mật độ trồng nghiên cứu cho giống lạc L14 điều kiện có che phủ nilon là trồng từ ngày 5 đến 15 tháng 2 và mật độ 35 đến 45 cây/m2 là thích hợp.
Theo Nguyễn Thế Anh (2010) giống TB25 đạt năng suất và thu nhập thuần cao nhất khi trồng ở mật độ 40 cây/m2 và lượng phân bón 30 N-90 P2O5-60 K2O+ nền; tiếp đó đến mật độ 35 cây/m2 và lượng phân bón 35 N-105 P2O5-70 K2O + nền.
1.4.2.2. Kết quả nghiên cứu về chọn tạo giống lạc
Ở Việt Nam công tác thu thập và bảo quản tập đoàn giống lạc quý phục vụ cho chọn tạo giống cũng đã được tiến hành từ rất sớm nhưng chưa mang tính hệ thống.
Đến năm 1980, Trung tâm giống cây trồng Việt Xô – Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam (VKHKTNNVN) mới tiến hành thu thập và nhập nội một cách có hệ thống tập đoàn các giống cây trồng trong đó có cây lạc. Số lượng mẫu giống lạc thu thập và nhập nội đã lên tới 1.271 mẫu, trong đó gồm 100 giống địa phương và 1.171 giống nhập từ 40 nước trên thế giới ( Ngô Thế Dân và cs., 2000).
Từ năm 1991 đến năm 2000 Viện Khoa học nông nghiệp (KHNN) miền Nam đã theo dõi và đánh giá 250 mẫu giống, trong đó có 150 giống nhập từ viện nghiên cứu cây trồng toàn Liên Bang Nga mang tên Vavilop (VIR), 24 mẫu giống nhập từ ICRISAT.
Trong thập niên trở lại đây, Việt Nam đã thu nhập và nhập nội được một lượng giống lạc tương đối lớn (Ngô Thế Dân và cs., 2000). Song việc mô tả, đánh giá, bảo quản còn nhiều hạn chế, do thiếu kinh phí. Một lượng nhỏ mẫu giống (133 mẫu) được lưu giữ, mô tả trong ngân hàng gen Quốc Gia.
Cùng với công tác thu thập và bảo tồn tập đoàn giống lạc, công tác chọn tạo giống ở Việt Nam cũng được quan tâm phát triển và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Mục tiêu chọn tạo giống ở nước ta tập trung vào một số yếu tố: năng suất cao, thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh, thời gian sinh trưởng khác nhau phù hợp với các công thức luân canh cây trồng, giống có chất lượng cao phục vụ ép dầu và xuất khẩu.
Từ năm những năm 70 của thế kỷ trước, bộ môn cây Công nghiệp – Trường Đại học nông nghiệp I Hà Nội đã bắt đầu nghiên cứu chọn tạo giống lạc bằng phương pháp lai hữu tính và phương pháp đột biên phóng xạ.
Các giống được chọn tạo bằng phương pháp lai hữu tính: Giống lạc Sen lai 75/23 được chọn tạo từ việc lai hữu tính 2 giống Mộc Châu trắng và Trạm Xuyên, (Lê Song Dự và cs., 1991). Giống L12 được chọn tạo từ tổ hợp lai giữa V79 và ICGV 87157 (Nguyễn Văn Thắng và cs., 2002).
Các giống được chọn tạo bằng phương pháp đột biến: Từ giống Bachsa, sử dụng phương pháp đột biến phóng xạ tạo ra giống B5000 có hạt to, vỏ lụa màu hồng, năng suất cao ổn định (Lê Song Dự, Nguyễn Thế Côn và cs., 1996).
Công tác chọn tạo giống kháng bệnh cũng cho nhiều kết quả khích lệ. Tác giả Nguyễn Xuân Hồng và cộng sự, khi theo dõi 16 giống lạc nhập từ ICRISAT, đã xác định được 13 giống có khả năng chống chịu tổng hợp với bệnh hại lá. Trong đó các giống ICGV-87314, ICGV-87302, ICGV-87157 vừa cho năng suất cao, vừa chống chịu tốt với các bệnh hại lá.
Theo Nguyễn Văn Liễu và cộng sự, khảo sát tập đoàn giống địa phương chống bệnh héo xanh vi khuẩn cho kết luận trong 32 giống địa phương khảo nghiệm, chỉ có 1 giống là kháng cao với bệnh héo xanh vi khuẩn, đó là giống gié Nho Quan. Đa số các giống lạc thuộc nhóm mẫn cảm trung bình (57,1%). Còn lại là những giống rất mẫn cảm với bệnh (37,1%). Việt Nam còn ít các giống chống bệnh héo xanh vi khuẩn, vì vậy còn hạn chế việc tăng năng suất.
Ngoài ra, các giống lạc có chất lượng cao cũng được quan tâm chọn tạo. Giống L08 (QĐ2) là giống nhập nội từ Trung Quốc.
Gần đây, chương trình giống Quốc gia đã chọn tạo được 16 giống lạc, trong đó các giống lạc có năng suất vượt trội là L18, L14; giống có khả năng kháng bệnh héo xanh vi khuẩn năng suất khá MD7, giống chất lượng cao L08, giống chịu hạn L12 hiện đang phát triển mạnh ở các tỉnh phía Bắc. Các giống lạc VD1, VD2 năng suất cao hơn Lỳ địa phương, phù hợp các tỉnh phía Nam (Trần Đình Long, cs., 2005).
Vụ xuân 2006, ba giống lạc L23, L24 và TK10 được khảo nghiệm tại trung tâm khảo nghiệm giống quốc gia (Nguyễn Tiên Phong và cs., 2007). Ba giống lạc này đều thuộc dạng thực vật Spanish. Thời gian sinh trưởng của các giống này từ 127 đến 130 ngày, chiều cao 35 đến 47 cm. Giống L24 có số quả chắc/cây cao, đạt 13 quả. Năng suất các giống khảo nghiệm bằng hoặc cao hơn đối chứng, đạt từ 39 đến 40 tạ/ha.
Giống L23 đạt năng suất cao nhất 44,3 tạ/ha.