CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
1.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1.3. Những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến liên kết, hợp tác
Trình độ của nền sản xuất: Sản xuất hàng hóa càng cao thì yêu cầu liên kết sẽ càng lớn. Ở Việt Nam, trình độ sản xuất nông nghiệp khác nhau thì mức độ hợp tác, liên kết cũng sẽ khác nhau. Sự nhận thức của người nông dân đóng vai trò quan trọng quyết định trình độ của nền sản xuất. Các chủ thể cần có sự nhận thức đúng đắn về việc phát triển liên kết. Trong đó, nhận thức của chủ thể nông dân mang ý nghĩa quyết định. Bởi lẽ, nông dân là chủ thể trung tâm của mối liên kết, song trình độ của đa số nông dân Việt Nam hiện nay còn ở mức thấp và mặt bằng chung thấp hơn tất cả các chủ thể tham gia liên kết khác. Trình độ thấp khiến người nông dân chưa thoát được những tập quán sản xuất lạc hậu để tiếp cận với nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa khi hội nhập với kinh tế thế giới. Trình độ thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến những đặc điểm khó thay đổi của nông dân như: rụt rè, thiếu chủ động trong việc tạo lập và xây dựng mối quan hệ liên kết; tùy tiện trong quá trình sản xuất và thiếu kỷ luật trong việc tuân thủ các quy định liên kết. Vì vậy, nhận thức của người nông dân cần thay đổi, luôn luôn nâng cao trình độ; chủ động trong liên kết giúp người nông dân tạo thói quen chủ động tìm kiếm thị trường đầu ra, chủ động học hỏi kỹ thuật và công nghệ sản xuất để nâng cao trình độ, chủ động tính đến phương án kinh doanh lâu dài để duy trì mối liên kết. Chủ động trong liên kết cũng là tiền đề để tạo ra các tổ chức liên kết giữa nông dân với nhau như: tổ, đội sản xuất hay điển hình là các hợp tác xã; nâng cao ý thức pháp luật trong thực hiện liên kết.
Yếu tố nguồn lực sản xuất
- Quy mô đất đai: Trong nông nghiệp, đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu và không thể thay thế. Diện tích và mức độ tập trung của đất sản xuất nông nghiệp là một trong những nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến tiến trình liên kết giữa nông dân với các chủ thể khác. Ruộng đất càng manh mún và phân tán thì định phí sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích càng cao và việc liên kết giữa nông dân với các chủ thể khác càng diễn ra khó khăn. Ngược lại, khi các mảnh ruộng được tập trung gần nhau và tạo ra một diện tích đủ lớn, việc áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ cho sản xuất sẽ thuận lợi hơn; đồng thời, công tác giám sát toàn bộ quá trình sản
xuất cũng thực hiện dễ dàng hơn, nhờ đó chất lượng của sản phẩm đầu ra đồng đều và đảm bảo hơn.
- Nguồn nhân lực: Con người là chủ thể chính của mọi hoạt động, là nguồn lực của mọi nguồn lực. Trong thời đại ngày nay khi các nguồn lực trở nên khan hiếm thì nguồn nhân lực được xem là yếu tố quan trọng nhất của quá trình sản xuất, liên quan mật thiết và chi phối những yếu tố khác. Nghiên cứu về ảnh hưởng nguồn nhân lực đối với liên kết kinh tế giữa nông dân và các chủ thể khác, thực chất là đề cập đến số lượng và chất lượng của tất cả các chủ thể: nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà DN đặt trong mối quan hệ so sánh với các yêu cầu của việc liên kết.
- Khả năng tài chính: Khả năng tài chính bao gồm khả năng tự trang trải nguồn vốn kinh doanh và khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay. Khả năng tiếp cận vốn vay phụ thuộc vào khả năng chi trả các khoản vay trên cơ sở đánh giá mức độ khả thi của phương án kinh doanh cũng như nguồn tài sản đảm bảo cho khoản vay đó. Nhà nước cần vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển hoạt động khuyến nông…
Quá trình liên kết với sự tham gia của DN giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho người nông dân và nhà nước. DN cung ứng vốn cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất và thực hiện bao tiêu sản phẩm đầu ra, cũng như tham gia cùng nhà nước phát triển hạ tầng nông nghiệp (bao gồm hạ tầng cơ sở vật chất; hạ tầng nguồn nhân lực).
Nông dân là đối tượng bị hạn chế nhiều về khả năng tài chính vì không có tư cách pháp nhân, tài sản đảm bảo thiếu hụt… Hình thành hợp tác xã là một cách để nâng cao khả năng tài chính cho người nông dân. Với tư cách là tổ chức đại diện cho tập hợp những người nông dân, hợp tác xã có thể tiếp cận được với các nguồn vốn như ODA, FDI giúp người nông dân phát triển sản xuất. Khả năng tài chính càng tốt thì nguồn vốn cung ứng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp càng dồi dào. Tiến trình liên kết giữa nông dân với các chủ thể yêu cầu phải mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh nhằm tận dụng tính hiệu quả theo quy mô. Vì vậy, nhu cầu về nguồn vốn của các chủ thể cũng sẽ tăng lên.
- Ứng dụng khoa học công nghệ: Thành tựu khoa học công nghệ có thể tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị hàng nông sản từ sản xuất đến tiêu dùng, thể hiện qua việc tạo ra các hạt giống, con giống năng suất và chất lượng; các phương pháp sản xuất, bảo quản và chế biến hiệu quả; các phương tiện, máy móc thiết bị giúp tiết kiệm sức lao động; các phương pháp giám sát, quản lý trong tất cả các khâu… Liên kết giữa nông dân và các chủ thể tạo điều kiện cho các thành tựu khoa học công nghệ được ứng dụng trên diện rộng. Trong điều kiện các nguồn lực sản xuất ngày càng bị giới hạn thì khoa học công nghệ là yếu tố giúp gia tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm các nguồn lực khác. Quy mô sản xuất càng manh mún và phân tán, việc ứng dụng khoa học công nghệ càng khó khăn vì định phí trên đơn vị sản phẩm ở mức cao. Liên kết kinh tế giữa nông dân và các chủ thể giúp tăng quy
mô sản xuất, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn, nhờ vậy các thành tựu khoa học công nghệ có điều kiện được áp dụng trên diện rộng. Đồng thời, sự quan tâm và giành nhiều nguồn lực của các chủ thể tham gia liên kết đối với các thành tựu này sẽ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ ngày càng phát triển.
Yếu tố thị trường: Thị trường có vai trò định hướng, điều chỉnh cũng như quyết định mức độ thành công của liên kết giữa nông dân và các chủ thể khác. Sự định hướng của thị trường tạo sự năng động cho tất cả các chủ thể tham gia liên kết.
Mọi hoạt động trong chuỗi liên kết phải dựa vào thị trường để giải quyết 3 vấn đề:
liên kết để làm gì, liên kết với ai và liên kết như thế nào.
Thị trường được cấu thành từ ba yếu tố: dung lượng, nhu cầu và sức mua.
Lần lượt từng yếu tố đều có những ảnh hưởng nhất định đến tiến trình liên kết giữa nông dân và các chủ thể:
- Dung lượng: là toàn bộ khối lượng hàng hóa được đưa ra thị trường trong một thời gian nhất định. Dung lượng thị trường phụ thuộc vào khả năng cung ứng của các chủ thể sản xuất hàng hóa trong xã hội và khả năng thanh toán của người tiêu dùng.
- Nhu cầu: Các chủ thể tham gia liên kết căn cứ vào nhu cầu thị trường để quyết định sản xuất cái gì, sản xuất cho ai cũng như liên kết để làm gì, liên kết với ai; căn cứ vào thị hiếu tiêu dùng để quyết định sản xuất như thế nào và liên kết như thế nào. Đa phần hàng nông sản là hàng thiết yếu nên cầu ít co giãn theo giá. Tuy nhiên, xã hội càng phát triển thì thị hiếu tiêu dùng càng trở nên phức tạp, trong đó mặt hàng nông sản cũng không có tính loại trừ.
- Sức mua: Sức mua của thị trường là căn cứ quan trọng để nhà sản xuất lựa chọn thị trường mục tiêu. Đồng thời, nhà sản xuất cũng dựa vào sức mua của thị trường để tạo sản phẩm với giá thành phù hợp. Tuy nhiên, đa số hàng nông sản là hàng thiết yếu, cầu kém co giãn theo giá và theo thu nhập, nên khi thu nhập tăng thì sức mua đối với chúng cũng không có nhiều thay đổi. Mặt khác, vì là nhu cầu thiết yếu của đời sống, nên hàng nông sản cũng ít chịu ảnh hưởng của các biến động kinh tế vĩ mô như suy thoái kinh tế..
Yếu tố vĩ mô:
- Cơ sở hạ tầng: Cơ sở hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp bao gồm: hệ thống giao thông; hệ thống đèn chiếu sáng; hệ thống thủy lợi, tưới tiêu; hệ thống cảng hậu cần… Cơ sở hạ tầng càng phát triển, càng mang lại nhiều lợi ích cho việc tạo lập và phát triển liên kết giữa nông dân và các chủ thể.
- Môi trường pháp lý: Môi trường pháp lý bao gồm cơ chế, chính sách, pháp luật trong và ngoài nước. Môi trường pháp lý thường tác động đến liên kết kinh tế
giữa nông dân và các chủ thể theo các chiều hướng thúc đẩy hoặc kìm hãm phát triển, đổi hướng phát triển tùy theo chủ đích của nhà hoạch định chính sách, đây là nhóm yếu tố vô cùng quan trọng và nhiều khi có ý nghĩa quyết định đối với hoạt động liên kết.