CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
1.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN VỀ LIÊN KẾT TRONG SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ NÔNG SẢN
1.2.2. Tình hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản của Việt Nam
Những năm gần đây, để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún – nhỏ lẻ, nhất là khu vực canh tác rau – hoa, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã khuyến khích bà con nông dân tăng cường liên kết trong sản xuất, mà hình thức được nhiều nông dân tham gia là các tổ hợp tác sản xuất. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 269 đơn vị kinh tế tập thể, gồm: 02 liên hiệp hợp tác xã, 65 hợp tác xã và 202 tổ hợp tác. Trong đó sản xuất nông nghiệp được xem là lĩnh vực có nhiều tổ liên kết hoạt động hiệu quả.
Trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng được phân thành 2 vùng sản xuất: Vùng cây công nghiệp ở 5 huyện phía Nam (Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) và thành phố Bảo Lộc, các Hợp tác xã đã trực tiếp hợp tác với các DN trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, tiến hành cung ứng từ 80 - 85% khối lượng vật tư sản xuất nông nghiệp đến từng hộ xã viên. Vùng rau, hoa ở 5 huyện phía Bắc (Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Lạc Dương, Đam Rông) và thành phố Đà Lạt, các Hợp tác xã đã ký kết và triển khai nhiều hợp đồng dài hạn với các đối tác trong nước, tiêu thụ từ 80 - 90% sản phẩm thu hoạch của xã viên.
Việc hình thành các tổ hợp tác được các hộ nông dân tự đứng ra thành lập.
Hình thức liên kết này khá đơn giản, số lượng hội viên tùy thuộc vào nhu cầu thực tế ở địa phương, lợi ích của hội viên được đặt lên hàng đầu, không đặt nặng vấn đề quản lý và hội họp. Việc hình thành các tổ hợp tác vừa giúp bà con nông dân trong và ngoài tổ hợp tác tiêu thụ nông sản, vừa tiếp cận được những hỗ trợ mà ngành nông nghiệp địa phương triển khai. Chính bởi được thành lập dựa trên nguyện vọng và nhu cầu thực tế của bà con nông dân, nên “sức sống” và “tuổi thọ” của các tổ liên kết hiện nay khá đảm bảo, tinh thần hợp tác và trách nhiệm của các tổ viên cũng được cải thiện. Đây chính là cơ sở để giảm bớt tình trạng “mạnh ai nấy làm” thường thấy tại các vùng chuyên canh rau – hoa trước kia.
Kinh nghiệm từ các mô hình canh tác rau hoa ở Lâm Đồng cho thấy, để đảm bảo hiệu quả, các nông hộ muốn được chọn tham gia chương trình chuỗi rau an toàn phải có kinh nghiệm thực tế, sản xuất và tiêu thụ nông sản với quy mô lớn, có khả năng liên kết với các nông hộ sản xuất đơn lẻ để xây dựng các liên kết sản xuất, tạo
“đầu tàu” kéo những mô hình canh tác nhỏ lẻ cùng phát triển. Việc triển khai chương trình chuỗi liên kết sản xuất đã tạo điều kiện cho các hộ đơn lẻ có thể liên kết với các đơn vị có quy mô sản xuất lớn, cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cung ứng cho thị trường.
1.2.2.2. Kinh nghiệm liên kết sản xuất nông nghiệp thông qua mô hình liên kết bốn nhà ở tỉnh An Giang.
An Giang có thể được xem là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng mô hình liên kết bốn nhà. Ngay từ năm 2000, tỉnh An Giang đã mạnh dạn đưa ra chủ trương “liên kết bốn nhà” nhằm kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo, điểm hình như mô hình liên kết sản xuất lúa Nhật giữa Công ty Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex) và Công ty Kitoku của Nhật Bản với mục tiêu sản xuất lúa Nhật có giá cố định theo hợp đồng ngay từ đầu vụ. Đầu năm 2003, Hiệp hội nuôi và chế biến thủy sản An Giang được thành lập, nhằm mục đích hình thành cách làm ăn mới theo hướng gắn kết giữa người nuôi, nhà chế biến và tiêu thụ sản phẩm, kết hợp hài hòa các lợi ích. Vụ đông xuân năm 2004, các DN nhà nước và tư nhân của tỉnh đã ký hợp đồng bao tiêu hơn 45.000ha lúa chất lượng cao, Công ty Antesco ký kết hợp đồng bao tiêu bắp non với hộ nông dân...
Mô hình liên kết bốn nhà trong sản xuất lúa ở An Giang đã thực hiện được liên kết “dọc” giữa nông dân – tổ hợp tác – DN theo chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm, đồng thời giúp DN có nguồn nguyên liệu ổn định, dồi dào để xây dựng sản phẩm chế biến. Qua đó cũng đã hình thành liên kết “ngang” giữa nông dân – tổ hợp tác nông nghiệp, trong đó người nông dân cùng hợp tác để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo hợp đồng với DN, nâng cao năng lực cho chính họ và góp phần thực hiện thành công chỉ tiêu NTM đối với tiêu chí hợp tác sản xuất Kinh nghiệm thực hiện mô hình liên kết bốn nhà ở An Giang cho thấy thuận lợi cũng nhiều nhưng khó khăn cũng chẳng ít. Thuận lợi chủ yếu của mô hình là: (i) Do đây là phương thức làm ăn mới và được chính quyền nhiều địa phương chú trọng thúc đẩy sự liên kết giữa DN và nông dân như đề ra các chính sách liên kết 4 nhà, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng và triển khai các đề án về tổ chức lại sản suất, gắn liền với chế biến và thị trường tiêu thụ; (ii) Nông dân được tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất ngày càng nhiều hơn, nhanh hơn và sâu rộng hơn, giúp tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận; (iii) Nông dân tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, tạo thương hiệu cho nông sản địa phương, thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng. Bên cạnh đó, mô hình cũng bộc lộ nhiều khó khăn do mối liên kết giữa các chủ thể còn mang tính lỏng lẻo, mâu thuẫn về lợi ích kinh tế: (i) Nhà nước chưa làm tốt vai trò chủ đạo, chưa tạo ra được một hành lang pháp lý phù hợp; (ii) Nhà khoa học thiếu mạnh dạn, lúng túng trong việc xây dựng vai trò liên kết; (iii) Nhà DN thì sợ rủi ro, nhất là khi gặp rủi ro do thiên tai hay các nguyên nhân bất khả kháng khác; (iv) Nông dân không tuân thủ hợp đồng thường xuyên diễn ra.
1.2.2.3. Tình hình liên kết ở Quảng Trị
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng theo hướng liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản suất trên quy mô lớn, tạo sản phẩm hàng hóa đồng nhất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.Nhiều mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đang được triển khai cụ thể như sau:
- Mô hình sản xuất lúa hữu cơ liên kết với công ty cổ phần nông sản Quảng Trị: Đến nay, Quảng Trị đã thực hiện được 158,224 ha trên địa bàn 5 huyện và thành phố với sự tham gia của 11 HTX, tổ hợp tác và hộ nông dân. Đây là mô hình sản xuất lúa chất lượng cao RVT, sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ vi sinh Obi – Ong biển, không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. DN ký kết hợp đồng sản xuất với các HTX, tổ hợp tác để sản xuất, cho nông dân ứng trước phân bón hữu cơ Obi - Ong biển, cuối vụ khấu trừ qua sản phẩm lúa thu mua; DN thu mua toàn bộ lúa tươi với đơn giá 8 nghìn đồng/kg tại ruộng; năng suất lúa tươi bình quân đạt 55 tạ/ha, nơi cao đạt trên 70 tạ/ha, cho thu nhập bình quân 44 triệu đồng/ha, nơi cao đạt 56 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí giống, phân bón, tiền làm đất, thu hoạch... cho lãi bình quân 26 triệu đồng/ha, nơi có năng suất cao cho lãi 38 triệu đồng/ha; cao hơn sản xuất đại trà từ 6 - 18 tiệu đồng/ha. Với ưu thế không dùng hóa chất, tiết kiệm công chăm sóc và được cung cấp giống, phân bón hưu cơ miễn phí, đặc biệt là được bao tiêu sản phẩm và bù lỗ nếu có sự cố xảy ra. Đây là mô hình sản xuất mang lại hiệu ích về nhiều mặt, không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho nông dân mà từng bước cải tạo, phục hồi đất đai, bảo vệ sức khỏe cho con người, góp phần bảo vệ môi trường. Mô hình sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ này đang mở ra cho nông dân Quảng Trị một hướng đi mới hiểu qua cao trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang chỉ đạo tiếp tục liên kết với DN và các địa phương mở rộng diện tích trong những vụ tới.
- Mô hình trồng dứa liên kết 4 nhà: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ký kết hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) trồng dứa dưới mô hình liên kết 4 nhà.Cụ thể, Công ty Đồng Giao sẽ cho bà con ứng trước tiền giống dứa Queen (600 đồng/chồi, mỗi héc-ta trồng 300.000 chồi) và tiền phân bón (7,5 triệu đồng/tấn, mỗi héc-ta cần 2,5 tấn phân). Trung bình mỗi héc-ta, Công ty Đồng Giao đầu tư cho người dân trồng dứa khoảng 55 triệu đồng và sẽ thu lại vào mùa thu hoạch. DN cam kết bao tiêu toàn bộ đầu ra với giá dứa loại 1 là 4.000 đồng/kg, loại 2 là 2.800 đồng/ kg. Ngoài ra, tỉnh
Quảng Trị cũng hỗ trợ người trồng dứa một khoản tiền nhất định (tùy từng địa phương, dao động từ 10 - 20 triệu đồng/héc-ta) để vận chuyển giống, san ủi mặt bằng, căng bạt trồng dứa...Cán bộ kỹ thuật các trạm khuyến nông các huyện, chi cục BVTV của tỉnh, cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao đã trực tiếp về hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Trong năm 2017, toàn tỉnh Quảng Trị đã trồng mới tới 108 héc-ta dứa tập trung. trong đó tại huyện Đakrông là 5 héc-ta, huyện Cam Lộ 80 héc-ta, huyện Vĩnh Linh 13 héc-ta, huyện Gio Linh 4 héc-ta... Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ lập vùng nguyên liệu dứa hơn 1.000 héc-ta.
- Đang tập trung chỉ đạo nhiều mô hình liên kết trong nông nghiệp như: Hợp tác với Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản triển khai Dự án lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống nhà màng sản xuất dưa lưới với quy mô 500m2; Mô hình trồng thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang Nhật Bản; các mô hình trồng tiêu cùa liên kết với Công ty thương mại quảng trị..