CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.3. TÌNH HÌNH SẢ N XUẤT, NGHIÊN CỨU BƯỞI Ở VIỆT NAM
1.3.2. Tình hình nghiên cứu bưởi
Ở nước ta, cây ăn quả có múi trong đó có bưởi là một trong những loại cây trồng quan trọng được xếp vào nhóm các cây ăn quả chủ lực với diện tích 97.500 ha, chiếm 11,37% diện tích cây ăn quả [60]. Trải qua nhiều năm, các nghiên cứu trên cây có múi đã được triển khai sâu rộng, trên nhiều lĩnh vực có liên quan. Cụ thể:
- Nghiên cứu về giống: Theo Lê Thị Khánh (2016) [21] thì những cây có múi được nghiên cứu sớm nhất trong các cây ăn quả ở nước ta. Hiện nay, nước ta có rất nhiều giống bưởi: Bưởi Đoan Hùng nhiều nước, hương vị thơm ngon bảo quản được 4 - 5 tháng nhưng nhiều hạt, thịt nát, ít róc vỏ; bưởi Phúc Trạch có nhiều ưu điểm hơn.
Bưởi Băm Roi trái to, mẫu mã đẹp, dễ bóc múi và vỏ, hương vị thơm, ít hạt; bưởi Biên Hòa, bưởi Da Xanh (Bến Tre); bưởi Hồng (Tiền Giang) và bưởi Thanh trà (Huế).
Theo Phạm Thị Chữ (1996) [10], qua 3 năm tuyển chọn giống bưởi Phúc Trạch đã chọn được 3 dòng tiêu chuẩn là M1, M4 và M5, đặc biệt dòng M4 với các đặc điểm sau (đối với cây 20 năm tuổi): sinh trưởng tốt, năng suất đạt 253 quả/cây, tỷ lệ phần ăn được đạt 54,5%, hàm lượng vitamin C đạt 53,56 mg/100g, đường đạt 9,3%.
Trong quá trình tuyển chọn các giống bưởi ở một số tỉnh Nam Bộ, Phạm Ngọc Liễu, Nguyễn Ngọc Thi (1999) [25] có kết luận: Từ năm 1995 - 1998 đã xác định được 67 giống bưởi được trồng trong vườn thuộc các tỉnh Nam Bộ, 54 giống đã được thu
thập và lưu giữ tại nhà lưới Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam. Các cá thể bưởi Năm Roi (BNR03, BNR05), bưởi đường lá cam (BC12), bưởi Da Xanh (BDX30) và cá thể bưởi đường Bến Tre (BĐ340) có thể dùng làm cây mẹ để nhân giống cho nhu cầu trồng bưởi hiện nay. Năm 2009 Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đã phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bến Tre tuyển chọn thành công giống bưởi Da Xanh chất lượng cao, gần như không hạt (mỗi quả chỉ có từ 3 - 4 hạt), độ Brix trung bình 3 năm liền là 11,1%, pH trung bình 4,4 (mức độ ngon ngọt cao), năng suất trên 200 quả/cây, mỗi quả nặng từ 1,2 - 2,5 kg.
Theo Phạm Thị Hương (2006) [20], bưởi Đoan Hùng gồm 3 giống được trồng chủ yếu là bưởi Sửu, bưởi Kinh và bưởi Khả Lĩnh. Bưởi Sửu và bưởi Khả Lĩnh có các chỉ tiêu vượt trội về năng suất, phẩm vị và đặc điểm cấu tạo quả vì vậy có thể tuyển chọn cây đầu dòng để nhân giống và phổ biến sản xuất.
- Nghiên cứu về bón phân: Ở Việt Nam, các nghiên cứu về bón phân và sử dụng phân bón cho cây có múi và cây bưởi cũng đã được nghiên cứu trong những năm gần đây.
Theo Nguyễn Minh Châu (1997) [6] với cây ăn quả có múi, để tạo ra 1 tấn quả cây sẽ lấy đi của đất 1,18 - 1,29 kg N; 0,2 - 0,27 kg P2O5; 2,06 - 2,61 kg K2O và 0,97 - 1,04 kg MgO, ngoài ra còn một lượng nhỏ các nguyên tố vi lượng. Do vậy, để cây bưởi có khả năng sinh trưởng phát triển tốt cần phải bổ sung phân bón thường xuyên để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng.
Các tác giả Võ Hữu Thoại và Nguyễn Minh Châu (2003) [38] nghiên cứu hiệu quả của một số loại phân bón cho bưởi Năm Roi cho thấy: Bón phân hữu cơ đã cải thiện độ chua, làm tăng dinh dưỡng của đất, tăng phẩm chất trái sau tồn trữ 30 ngày.
Khi nghiên cứu ảnh hưởng của liều lượng phân đạm, lân và kali đến năng suất và phẩm chất bưởi đường Lá Cam tại Vĩnh Cửu - Đồng Nai các tác giả Huỳnh Ngọc Tư, Bùi Xuân Khôi (2003) [42] cho thấy: Khi bón 800 g N + 500 g P2O5 + 700 g K2O/cây/năm cho năng suất cao và chất lượng tốt nhất.
Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của một số công thức bón phân trên cây bưởi Phúc Trạch của tác giả Võ Tá Phong (2004) [29] chỉ ra rằng: các công thức phun phân bón lá Super 900, đạm Humic, Agriconic, Futonic và bón phân theo quy trình của Trung tâm Khuyến nông Khuyến lâm Hà Tĩnh có tác dụng rõ trong việc nâng cao khả năng sinh trưởng của cây, nhưng tỷ lệ đậu quả rất thấp và không sai khác so với đối chứng. Đỗ Đình Ca và cộng sự (2005) [4] nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón, tưới nước đến khả năng ra hoa, đậu quả của bưởi Phúc Trạch từ 2003 - 2004 cho thấy: bón 800 g N + 400 g P2O5 + 600 g K2O + phun phân bón lá Grown ba lá xanh cho năng suất cao nhất, biện pháp tưới nước có ảnh hưởng tốt tới khả năng sinh trưởng nhưng tác dụng nâng cao tỷ lệ đậu quả, năng suất chưa rõ.
- Nghiên cứu về khoanh vỏ quả
Biện pháp khoanh vỏ thân, cành cây được áp dụng rộng rãi đối với cây còn trẻ tuổi, sinh trưởng mạnh nhưng chậm ra hoa, kết quả nhằm ngăn cản dòng nhựa luyện chủ yếu là chất cacbon hydrat (bột đường) chuyển xuống bộ rễ, tạo điều kiện hình thành mầm hoa. Trước thời kỳ ra hoa chính vụ khoảng 1 - 1,5 tháng khoanh vỏ nhằm làm tăng số lượng hoa và quả (Hoàng Ngọc Thuận, 2001) [39].
Gần đây, tác giả Vũ Việt Hưng (2011) [19] nghiên cứu ảnh hưởng của khoanh vỏ đến thời gian nở hoa, tỷ lệ đậu quả, năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất và một số chỉ tiêu chất lượng của bưởi Phúc Trạch tại Hương Khê, Hà Tĩnh đã kết luận: khoanh vỏ cho bưởi Phúc Trạch vào ngày 30 tháng 11 và 10 tháng 12 hàng năm có tác dụng rõ rệt trong việc điều chỉnh thời gian ra hoa, nâng cao tỷ lệ đậu quả, qua đó làm tăng năng suất và không ảnh hưởng tới phẩm chất của giống bưởi Phúc Trạch. Tuy nhiên, tỷ lệ đậu quả của các công thức khoanh vỏ còn chưa ổn định, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết từng năm nên chưa thể coi đây là biện pháp kỹ thuật chủ đạo trong việc duy trì năng suất bưởi Phúc Trạch trong điều kiện thời tiết vùng Hương Khê, Hà Tĩnh.
Biện pháp khoanh vỏ còn được tiến hành trên cây cam Canh trồng trong chậu để điều khiển sự ra hoa và giữ quả tại phường Tứ Liên - quận Tây Hồ và phường Cự Khối - quận Long Biên - Hà Nội [45]
- Nghiên cứu về sâu bệnh và biện pháp phòng trừ: Có khá nhiều công trình nghiên cứu tại Việt Nam về các đối tượng sâu bệnh hại trên cây có múi trong những năm qua, tập trung nghiên cứu những đối tượng quan trọng. Theo Vũ Khắc Nhượng (1997) [28] có tới trên 150 loài sâu bệnh gây hại trên nhóm cây có múi, các loài nguy hiểm là mọt đục cành, ruồi vàng, ngài chích hút, chúng có thể làm giảm 30 - 40% sản lượng quả. Ngoài ra các loài rệp nâu, rầy chổng cánh là những côn trùng môi giới truyền bệnh Tristeza và Greening, những loại bệnh rất nguy hiểm.
Nghiên cứu về bệnh chảy gôm gây hại cây có múi ở miền Bắc, tác giả Nguyễn Thị Kim Sơn (2003) [33] chỉ ra rằng: bệnh gây hại nặng trên các giống bưởi Sửu, bưởi Phúc Trạch, bưởi Thanh Trà, trong khi đó cam chua Hải Dương, chấp và quất ít bị hại.
Ở miền Bắc bệnh gây hại nặng trong các tháng mưa nhiều (tháng 7, 8, 9), cây có độ tuổi càng cao khả năng nhiễm bệnh càng lớn.
- Nghiên cứu về xử lý bảo quản sau thu hoạch
Tương tự những loại cây ăn quả gốc nhiệt đới khác, việc xử lý và bảo quản sau thu hoạch đối với cây có múi, trong đó có cây bưởi có ý nghĩa rất quan trọng đến phẩm chất sản phẩm và gián tiếp ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm và hiệu quả kinh tế. Đối với các nước có nền sản xuất cây ăn quả tiên tiến đã có nhiều thành tựu công nghệ sau thu hoạch bưởi và đưa vào áp dụng đồng bộ trong sản xuất ngay từ khâu xử lý cận thu
hoạch. Trên thế giới hiện nay đối với các nước phát triển công nghệ bảo quản quả tươi được sử dụng nhiều biện pháp tiên tiến như phương pháp điều chỉnh không khí được kiểm soát, phương pháp sử dụng không khí có sự thay đổi với công nghệ đóng gói theo chế độ điều biến khí.
Tại Việt Nam, theo kinh nghiệm của bà con trồng bưởi, để bảo quản quả bưởi được lâu thì sau khi thu hái bôi vôi ở cuống quả, cất giữ quả bưởi ở nơi thoáng mát thì sẽ giữ được từ 2 - 3 tháng. Để có quả bưởi cất giữ được lâu người ta còn dùng phương pháp bảo quản bằng cách xếp quả bưởi vào cát đã rửa qua nước vôi trong.
Kết quả đề tài cấp nhà nước của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã tạo ra chế phẩm tạo màng bảo quản. Công nghệ này tạo ra một dịch lỏng dạng gel hoặc nhũ tương rồi phủ lên bề mặt quả bằng cách phun, nhúng, xoa, lăn. Dịch khô đi sẽ tạo một lớp màng mỏng trong suốt, có tác dụng hạn chế mất nước, giảm tổn thất khối lượng và làm chậm sự nhăn nheo vỏ quả. Màng phủ còn tạo ra vùng vi khí quyển điều chỉnh xung quanh quả, làm giảm trao đổi khí, nhờ vậy mà thời gian bảo quản quả được lâu hơn.