CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.2. KẾT QUẢ ĐIỀU TRA HIỆN TRẠNG CANH TÁC BƯỞI THANH TRÀ TẠI TIÊN PHƯỚC (ĐIỀU TRA NÔNG HỘ)
3.2.2. Mức độ áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác trong trồng bưởi Thanh trà của nông dân địa phương
3.2.2.1. Giống bưởi Thanh Trà trong các hộ
Bảng 3.10. Nguồn gốc các giống bưởi Thanh trà đang trồng ở các điểm hộ điều tra
Nhóm hộ
Gia đình tự nhân giống Đi mua
Số cây (cây) % Số cây (cây) %
Trung bình 1.000 100 0 0
Khá 1.875 90,14 205 9,86
Giàu 70 6,89 945 93,11
Bảng 3.10 cho thấy các nhóm hộ có thu nhập khác nhau sử dụng nguồn giống khác nhau. Trong đó, 100% nhóm hộ trung bình tự để giống, nhóm hộ giàu chủ yếu mua giống để trồng (93,11%). Điều này là hoàn toàn phù hợp với thực tế tại địa phương. Do nguồn giống đi mua thường có giá khá cao (300 - 500 nghìn đồng/cành tùy thời điểm), nên nhóm hộ trung bình và khá chọn biện pháp tự để giống từ cây có trong vườn nhà. Ngược lại, đối với nhóm hộ giàu, do có điều kiện kinh tế để đầu tư nên các hộ thường tìm đến những vườn cây có năng suất chất lượng cao, ổn định để đặt mua giống về trồng.
Bảng 3.11. Tình hình sử dụng giống bưởi Thanh trà tại các địa phương điều tra
STT Nội dung Tiên Hiệp Tiên Ngọc Tiên Cảnh
1 Nguồn gốc giống
Thôn Trà Khân - Tiên Hiệp
Thôn Trà Khân - Tiên Hiệp
Thôn Trà Khân - Tiên Hiệp 2 Hình thức nhân giống (% hộ áp dụng)
- Chiết cành 95,2 90,5 92,0
- Ghép mắt 4,8 9,5 8,0
- Nhân từ cây đầu dòng 0 0 0
Qua điều tra cho thấy, hầu hết các vườn cây bưởi Thanh trà hiện nay trên địa bàn huyện đều có nguồn gốc giống lấy tại thôn Trà Khân - xã Tiên Hiệp. Đây là địa phương đầu tiên du nhập và trồng thành công giống bưởi Thành trà có nguồn gốc từ tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phương pháp nhân giống phổ biến hiện nay là chiết cành (92 - 95,2%). Hầu hết các hộ tận dụng các cành sinh trưởng kém, cành tược, cành già... để làm giống. Do sử dụng nguồn giống không đạt yêu cầu theo tập quán từ trước đến nay nên tỷ lệ cây sống rất thấp, đặc biệt những cây sống chất lượng không đảm bảo yêu cầu.
Hiện nay, về giống cây bưởi Thanh trà tại Tiên Phước chưa nhập cây giống từ địa phương khác và chưa có kiểm tra chất lượng cây giống. Một số vườn trồng mới nông dân sử dụng giống được nhân bằng phương pháp ghép mắt, tuy nhiên diện tích này còn rất thấp (<10%). Đặc biệt, trên địa bàn huyện Tiên Phước chưa có cây bưởi Thanh trà được bình tuyển và công nhận cây đầu dòng để làm vật liệu nhân giống. Đây là một điểm hạn chế, ảnh hưởng lớn đến chất lượng các vườn bưởi Thanh trà tại địa phương, gây khó khăn cho việc chứng nhận sản phẩm nếu tổ chức sản xuất theo các quy định về chất lượng, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm sau này.
3.2.2.2. Các biện pháp kỹ thuật áp dụng
Bảng 3.12. Tình hình áp dụng kỹ thuật trong thời kỳ kiến thiết cơ bản cho bưởi Thanh trà ở các hộ điều tra
STT Chỉ tiêu Số hộ áp dụng
(hộ)
Tỷ lệ hộ (%)
1 Thiết kế vườn, trồng theo mật độ 17 18,88
2 Phương thức trồng
- Trồng thuần 17 18,88
- Trồng xen 73 81,12
3 Đầu tư phân bón
- Phân chuồng 78 86,66
- Phân đạm 9 10,00
- Phân lân 0 0
- Phân Kali 0 0
- Phân hỗn hợp (NPK) 37 41,11
4 Tưới nước 90 100,00
- Tưới tràn 21 23,33
- Tưới phun 66 73,33
- Tưới tiết kiệm 3 3,34
(Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra)
Bảng tổng hợp 3.12 cho thấy, hầu hết các vườn bưởi Thanh trà tại huyện Tiên Phước trước đây các chủ vườn chưa có thiết kế vườn, hệ thống tưới tiêu nước và không áp dụng mật độ trồng thống nhất theo hướng dẫn. Thiết kế vườn và trồng thuần theo khoảng cách là điều kiện quan trọng, cần thiết để tiến hành đầu tư thâm canh cho cây bưởi Thanh trà. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ trồng bưởi Thanh trà áp dụng trên các địa phương điều tra chưa cao. Một số hộ mở rộng diện tích sản xuất trong 3 năm gần đây đã biết thiết kế vườn, trồng theo mật độ, tuy nhiên tỷ lệ áp dụng không cao (18,88%).
Về hình thức trồng, phần lớn các vườn điều tra có hình thức trồng là trồng xen canh với các loại cây trồng khác. Trên các địa phương điều tra, có 18,88% hộ trồng thuần theo kích thước, 81,12% trồng hỗn hợp. Điều này phản ánh đúng thực trạng vườn của huyện Tiên Phước nói chung, đa phần vườn trên địa bàn huyện là vườn tạp, nông dân xen canh rất nhiều loại cây trồng từ cây ngắn ngày đến cây dài ngày, từ cây ăn quả đến cây công nghiệp, cây gỗ… Tuy nhiên về kích thước, khoảng cách trồng thì hiện nay nông dân chưa thống nhất kích thước chuẩn, các hộ tự xác định theo kinh nghiệm của mình. Đây là một yếu tố hạn chế trong sản xuất bưởi Thanh trà tại Tiên Phước hiện nay.
Ở thời kỳ kiến thiết cơ bản, việc bón phân cho cây bưởi Thanh trà tại các địa phương điều tra chưa được chú trọng. Hầu hết nông dân chỉ bón lót phân chuồng (86,66%), các loại phân khác tùy theo điều kiện kinh tế của hộ mà được sử dụng với lượng ít, nhiều khác nhau. Trong đó, phân đạm và phân tổng hợp (NPK) được sử dụng nhiều hơn phân lân, phân kali (tỷ lệ sử dụng đạm và NPK lần lượt là 10,00% và 41,11%).
Thời kỳ này nông dân đã quan tâm đến tưới nước giữ ẩm cho cây, 100% các hộ có tưới nước cho vườn bưởi Thanh trà bằng các hình thức tưới khác nhau. Trong đó hình thức tưới phun được sử dụng phổ biến hơn (73,33%), đã có hộ áp dụng tưới nước tiết kiệm nhưng tỷ lệ rất thấp (3,34%).
Thời kỳ kiến thiết cơ bản là giai đoạn sinh trưởng quan trọng, làm nền tảng cho quá trình phát triển, ra hoa, đậu quả, ảnh hưởng đến năng suất bưởi Thanh trà. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy ngoài biện pháp tưới nước, những kỹ thuật khác nông dân tại Tiên Phước chưa chú trọng đầu tư. Đây cũng là một điểm hạn chế, tác động đến hiệu quả sản xuất bưởi Thanh trà.
3.2.2.3. Phân bón cho bưởi Thanh trà
Bảng 3.13. Tình hình bón phân cho bưởi Thanh trà trong thời kỳ kinh doanh ở các hộ điều tra
STT Loại phân Liều lượng bón (kg/cây)
Số hộ bón (hộ)
Tỷ lệ hộ bón phân (%)
1 Phân hữu cơ 20 62 68,88
2 Phân đạm 0,25 10 11,11
3 Phân lân 0 0 0
4 Phân kali 0,15 25 27,77
5 Phân tổng hợp (NPK) 0,3 40 44,44
6 Phân bón lá 0 0 0
Qua bảng 3.13. cho thấy tỷ lệ các hộ bón phân chuồng và phân tổng hợp (NPK) phổ biến hơn các loại phân khác. Nông dân trồng bưởi Thanh trà tại huyện Tiên Phước chưa sử dụng phân lân và các loại phân bón lá cho cây. Đặc biệt, phần lớn các hộ được điều tra đều sử dụng phân hữu cơ để bón cho bưởi Thanh trà (68,88%). Qua đây cũng cho thấy rằng, nông dân còn sản xuất theo tập quán, chưa tuân thủ một quy trình trồng và chăm sóc nhất định, đầu tư phân bón cho bưởi Thanh trà theo kiểu tự phát, có loại phân gì dùng loại đó; liều lượng bón thấp, chưa đảm bảo cho sự phát triển của cây.
Thậm chí có hộ còn tận dụng phân bón cho cây lúa còn dư để bón cho cây bưởi Thanh trà. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng bưởi Thanh trà tại huyện Tiên Phước. Như vậy, việc đầu tư thâm canh cho cây bưởi Thanh trà tại huyện Tiên Phước là một trong những yếu tố hạn chế ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng bưởi tại địa phương.
3.2.2.4. Xử lý ra hoa cho bưởi Thanh trà
Bảng 3.14. Tình hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lý ra hoa tại các hộ điều tra
STT Biện pháp kỹ thuật
Số hộ thực hiện (hộ)
Tỷ lệ hộ thực hiện (%)
1 Bón phân 40 44,44
2 Xiết nước 0 0
3 Khoanh vỏ 0 0
4 Tỉa cành 33 36,67
Bảng 3.14 chỉ ra rằng: Tỷ lệ nông dân biết các biện pháp xử lý ra hoa cho cây còn rất hạn chế. Nông dân chỉ áp dụng 2 biện pháp là bón phân và tỉa cành. Trong đó, tỷ lệ nông dân áp dụng biện pháp bón phân cao hơn (44,44%) tỷ lệ nông dân áp dụng biện pháp tỉa cành để xử lý ra hoa (36,67%). Như vậy, cần xây dựng kế hoạch đào tạo cho nông dân để trang bị những kiến thức cần thiết khi mở rộng vùng sản xuất buởi Thanh trà.
3.2.2.5. Áp dụng biện pháp bao quả
Bảng 3.15. Tình hình áp dụng biện pháp bao quả của nông dân tại các điểm điều tra
Điểm điều tra
Các hình thức bao quả đã áp dụng
Nilon Giấy báo Bao lác Bao
chuyên dụng Số hộ Tỷ lệ
(%) Số hộ Tỷ lệ
(%) Số hộ Tỷ lệ
(%) Số hộ Tỷ lệ (%)
Tiên Cảnh 3 10 2 6,66 1 3,33 0 0
Tiên Hiệp 5 16,67 0 0 2 6,66 0 0
Tiên Ngọc 1 3,33 0 0 0 0 0 0
Bảng 3.15 cho thấy thực trạng nông dân trồng bưởi Thanh trà ở Tiên Phước chưa tiếp cận, ứng dụng biện pháp bảo vệ quả bằng bao quả. Để hạn chế sâu hại, một số nông dân tự bao quả cách tận dụng bao nilon, che quả bằng giấy báo, bao tải…
nhưng số lượng hộ thực hiện không nhiều, cao nhất tại Tiên Hiệp chiếm tỷ lệ 16,67%.
Tuy nhiên, do chưa được hướng dẫn cụ thể về cách bao quả cũng như tiếp cận với các vật liệu bao quả tiên tiến hơn nên hiệu quả sử dụng bao quả tại Tiên Phước còn rất thấp. Một số hộ sau 1 năm áp dụng đã không tiếp tục duy trì. Điều này đặt ra vấn đề cần tiến hành một nghiên cứu cụ thể, chi tiết về các loại vật liệu bao quả khác nhau để giúp nông dân có đánh giá toàn diện, chọn được loại vật liệu phù hợp và nắm được phương pháp thực hiện bao quả mang lại hiệu quả cao.
Tóm lại: Kết quả điều tra hiện trạng canh tác bưởi Thanh trà tại huyện Tiên Phước: (1) Quy mô nhỏ lẻ, việc trồng bưởi vẫn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể; (2) Việc canh tác bưởi Thanh trà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người dân, hầu hết người nông dân chưa áp dụng biện pháp kỹ thuật nào vào quá trình canh tác đặc biệt là tỉa cành, bón phân, bao quả; (3) Tiềm năng phát triển diện tích bưởi Thanh trà tại Tiên Phước còn rất lớn nhưng nông dân chưa mạnh dạn đầu tư; (4) Người nông
dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với kỹ thuật canh tác, nguồn giống đảm bảo chất lượng, vốn đầu tư để phát triển, kiến thức canh tác cập nhật, ứng dụng công nghệ cao…
3.2.3. Đánh giá những khó khăn, thuận lợi và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững trong tương lai
3.2.3.1. Thuận lợi
- Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Tiên Phước phù hợp cho sản xuất bưởi Thanh trà. Qua thời gian dài được di thực về địa phương, cây bưởi Thanh trà dần trở thành cây ăn quả đặc sản của huyện.
- Quỹđất để mở rộng sản xuất bưởi Thanh trà tại huyện Tiên Phước còn tương đối lớn.
- Nhận thức của nông dân về phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa ngày càng được nâng cao. Nông dân ham học hỏi và mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật khi được hướng dẫn.
- Huyện có định hướng ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái, đây là cơ hội để mở rộng sản xuất bưởi Thanh trà
3.2.3.2. Khó khăn
- Tiên Phước có diện tích đất lớn, đất sản xuất nông nghiệp nói chung, cây bưởi Thanh trà nói riêng tuy lớn nhưng phân bố không đều, manh mún. Bên cạnh đó địa hình đồi dốc gây khó khăn cho việc thiết kế vườn trồng, bố trí hệ thống tưới tiêu nước.
- Mặc dù là một huyện trung du, tốc độ công nghiệp hóa chưa cao tuy nhiên tình trạng suy giảm thâm canh vẫn đang xảy ra tại Tiên Phước. Theo đó, lực lượng lao động nông nghiệp ngày càng giảm và già hóa. Kinh tế phát triển chưa cao kéo theo khả năng đầu tư vào sản xuất của nông dân địa phương còn thấp.
- Trình độ cơ giới hóa trong sản xuất bưởi Thanh trà tại Tiên Phước còn rất thấp, các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhất là công nghệ cao chưa được ứng dụng tại địa phương.
- Thị trường tiêu thụ nhỏ, lẻ, chủ yếu trong huyện và một số địa phương lân cận;
giá bán bưởi Thanh trà không ổn định
- Chưa có doanh nghiệp/HTX đăng ký nhãn hiệu để bưởi Thanh trà trở thành hàng hóa, có thể bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại… đem lại giá trị cao hơn.
- Nhận thức của nông dân một số địa phương về chăm sóc bưởi Thanh trà chưa cao, một số nông dân vẫn xem đây là loại cây trồng ăn chơi, đầu tư theo kiểu tự phát, không tuân thủ quy trình do đó khả năng cho năng suất còn rất thấp so với tiểm năng của cây.
3.2.3.3. Đề xuất giải pháp
Qua kết quả điều tra hiện trạng canh tác bưởi Thanh trà tại huyện Tiên Phước chúng tôi đề xuất một số giải pháp kỹ thuật phát triển bưởi Thanh trà tại huyện như sau:
- Về nhóm giải pháp kỹ thuật:
+ Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng và chăm sóc bưởi Thanh trà phù hợp với điều kiện địa phương để áp dụng trong thực tiễn;
+ Hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp chăm sóc: bón phân, tưới nước, tỉa cành tạo tán, xử lý ra hoa… cho các vườn bưởi Thanh trà thời kỳ kiến thiết cơ bản cũng như kinh doanh;
+ Áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại theo hướng bền vững để đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị của sản phẩm bưởi Thanh trà.
- Về nhóm giải pháp kinh tế:
+ Tăng cường nguồn vốn vay để hỗ trợ phát triển kinh tế vườn trong đó có phát triển cây bưởi Thanh trà, giúp nông dân có nguồn lực đầu tư chăm sóc cho cây;
+ Có ưu đã lãi suất vay vốn cho tổ chức/cá nhân đầu tư phát triển diện tích trồng bưởi Thanh trà tại các địa phương;
+ Kết nối thị trường, đưa sản phẩm bưởi Thanh trà tiếp cận với các thị trường tiêu thụ lớn hơn (siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng…)
- Về nhóm giải pháp quản lý nhà nước:
+ Cần xây dựng quy hoạch vùng trồng bưởi Thanh trà tại địa phương cũng như vùng trồng các giống bưởi khác, tránh tình trạng nông dân trồng xen nhiều giống cây có múi khác nhau làm giảm phẩm chất cây bưởi Thanh trà;
+ Xây dựng và ban hành quy trình hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi Thanh trà phù hợp với điều kiện huyện theo hướng an toàn thực phẩm, hữu cơ, thân thiện với môi trường;
+ Có cơ chế hỗ trợ phát triển diện tích trồng bưởi Thanh trà; bình tuyển cây đầu dòng và xây dựng hệ thống cơ sở sản xuất giống cây bưởi Thanh trà ngay tại địa phương để đảm bảo chất lượng nguồn giống;
+ Có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các tập thể/HTX xây dựng chương trình phát triển sản phẩm bưởi Thanh trà theo dạng chuỗi giá trị, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể, chứng nhận sản phẩm an toàn, thiết kế nhãn mác để nâng cao giá trị của sản phẩm bưởi Thanh trà;
+ Tạo điều kiện cho tổ chức/cá nhân tham gia các hội chợ, triển lãm, chương trình… để giới thiệu, quảng bá sản phẩm bưởi Thanh trà, xây dựng liên kết thị trường để đưa sản phẩm bưởi Thanh trà đến với nhiều thị trường tiêu thụ mới;
+ Về lâu dài, cần có kế hoạch xây dựng hệ thống cơ sở bảo quản chế biến sản phẩm từ bưởi Thanh trà, làm phong phú hệ thống sản phẩm bưởi Thanh trà, đáp ứng nhu cầu thị trường;
+ Phát triển sản phẩm bưởi Thanh trà gắn với chương trình OCOP tỉnh đang tập trung đẩy mạnh hiện nay.