CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.3. NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC LOẠI VẬT LIỆU BAO QUẢ ĐẾN CHẤT LƯỢNG BƯỞI THANH TRÀ TẠI HUYỆN TIÊN PHƯỚC
3.3.6. Hiệu quả kinh tế bưởi Thanh trà khi sử dụng vật liệu bao quả
Mục đích của hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung là hiệu quả kinh tế và trong nông nghiệp cũng vậy. Trên thực tế năng suất và hiệu quả kinh tế không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với nhau, và điều quan tâm khi đầu tư cho sản xuất bưởi Thanh trà là hiệu quả kinh tế, là lợi nhuận thu được. Nông dân không bao giờ chọn mức đầu tư cao nhất mà có lợi nhuận thấp cho dù đạt năng suất cao vì như vậy sản xuất sẽ bấp bênh, dễ lỗ vốn do thị trường nông sản luôn biến động không lường trước được. Mức đầu tư chăm sóc bưởi Thanh trà được chọn nên là mức thích hợp để vừa đảm bảo năng suất, chất lượng quả vừa thu được lợi nhuận cao, hiệu quả kinh tế cao.
Nếu năng suất là chỉ tiêu đánh giá về khả năng sinh trưởng, phát triển của cây trồng thì hiệu quả kinh tế là một chỉ tiêu đánh giá về khả năng tồn tại và phát triển của
hệ thống các biện pháp kỹ thuật trồng trọt được ứng dụng trong quá trình sản xuất.
Một đề tài nghiên cứu khoa học được gọi là thành công , ngoài việc không ảnh hưởng nghiêm trọng đến ô nhiễm môi trường thì trước hết nó phải đạt hiệu quả kinh tế cao mà chi phí đầu tư lại phù hợp với người nông dân và được người nông dân chấp nhận.
Hiệu quả kinh tế được đánh giá dựa vào chỉ tiêu năng suất tăng lên và chi phí bỏ ra trong quá trình sản xuất. Ảnh hưởng của các vật loại liệu bao đến hiệu quả kinh tế sản xuất bưởi Thanh trà được thể hiện trong bảng 3.17 dưới đây:
Bảng 3.23. Hiệu quả kinh tế của bưởi Thanh trà khi sử dụng các loại vật liệu bao quả
Chỉ tiêu NSTT (kg/cây)
Tổng thu (nghìn đồng/cây)
Tổng chi (nghìn đồng/cây)
Lãi ròng (nghìn đồng/cây)
Tăng so với đối chứng (nghìn
đồng/cây) (%)
CT1 (ĐC) 43,50 1.087,50 348,641 738,859 0 0
CT2 46,33 1.158,33 388,641 769,689 +30,83 +4,17
CT3 46,50 1.162,50 388,641 773,859 +35,00 +4,73
CT4 52,50 1.312,50 448,641 863,859 +125,00 +16,91
CT5 58,40 1.460,00 552,641 907,359 +168,5 +22,80
Năm 2017 là năm bưởi Thanh trà tại Tiên Phước có giá bán khá cao (25.000 đồng/kg), đây là năm mang lại thu nhập khá cho nông dân trồng bưởi Thanh trà trên địa bàn huyện. Kết quả hạch toán trên vườn bưởi Thanh trà làm thí nghiệm cho thấy, có sự chênh lệch về hiệu quả kinh tế giữa các công thức thí nghiệm. Trong đó, công thức có tổng thu cao nhất là CT5 với mức thu 1.460.000 đồng/cây, công thức có tổng thu thấp nhất là CT1 với mức thu 1.087.500 đồng/cây. Điều này liên quan đến hiệu quả bảo vệ quả chống sâu hại, thời tiết ảnh hưởng gây rụng quả, giảm tỷ lệ quả thương phẩm dẫn đến giảm năng suất trên các công thức.
Trên bảng 3.23 đối với các công thức khác nhau thì mức độ đầu tư ban đầu cũng khác nhau. Trong đó, CT1 không bao quả nhưng chủ vườn phải phun 1 lần thuốc BVTV trừ nhện hại, các công thức bao quả ngoài chi phí cho bao quả còn thêm chi phí nhân công để thực hiện bao quả. Do vậy, tổng mức đầu tư cho 1 cây bưởi Thanh trà không giống nhau. Cụ thể: CT1 có mức đầu tư thấp nhất 348.641 đồng/cây, CT5 có mức đầu tư cao nhất 552.641 đồng/cây. Các công thức CT2, CT3 có chi phí cho vật liệu bao quả thấp (10.000 đồng/cây) do đó mức đầu tư cũng thấp hơn, dưới 390.000 đồng/cây.
Qua theo dõi tổng mức đầu tư và tổng thu của từng công thức thí nghiệm có thể thấy: CT5 có mức đầu tư cao nhất do giá của bao quả chuyên dụng cao hơn các vật liệu còn lại. Nhưng nhờ vào hiệu quả chống sâu hại, thời tiết khắc nghiệt làm giảm tỷ lệ quả rụng, hiệu quả trong việc giúp quả phát triển tốt nhất của bao quả chuyên dụng mà năng suất thu được ở công thức này cao, kéo theo lợi nhuận thu được cũng khá cao: 907.359 đồng/cây tương đương 226.839,8 triệu đồng/ha. CT1 mặc dù có tổng chi phí đầu tư thấp hơn, nhưng do quả trên công thức bị sâu hại, mẫu mã quả bị ảnh hưởng bởi thời tiết, tỷ lệ quả rụng cao hơn nên năng suất trên công thức này thấp nhất. Do vậy lợi nhuận thu được ở CT1 cũng là thấp nhất: 758.859 đồng/cây tương đương 189.714,8 triệu đồng/ha.
Như vậy, công thức thí nghiệm cho hiệu quả kinh tế cao cần được khuyến cáo áp dụng trong thực tiễn sản xuất là CT4 và CT5. Các công thức CT2 và CT3 tuy cho hiệu quả kinh tế khá cao nhưng so với CT1 mức chênh lệch không nhiều. Hơn nữa, 2 công thức này sử dụng vật liệu bao quả là bao nilon, đây là loại vật liệu hiện nay đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, không được khuyến khích sử dụng đại trà trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế tại huyện Tiên Phước, có thể sử dụng bao ni trắng và bao nilon đen để bao quả đối với những vườn có số lượng cây lớn mà khả năng đầu tư của chủ vườn còn hạn chế. CT1 sử dụng thuốc BVTV để bảo vệ quả trước sự tấn công của sâu bệnh hại. Việc phun thuốc giai đoạn lớn quả dù đảm bảo thời gian cách ly vẫn kéo theo nhiều hệ quả không mong muốn.
Đó là lượng thuốc dư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nguồn nước, tác động xấu đến sức khỏe của người phun thuốc. Đối với một địa phương đang chủ trương phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái như Tiên Phước thì việc sử dụng thuốc BVTV, các vật liệu gây ô nhiễm môi trường không nên áp dụng trong sản xuất