CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. Cơ sở thực tiễn của các vấn đề nghiên cứu
Đất vừa là thành phần quan trọng của môi trường, vừa là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, sinh hoạt. Do vị trí và địa hình của nước ta phức tạp làm cho tài nguyên đất rất đa dạng và phân hóa rõ từ đồng bằng lên núi cao, từ Bắc vào Nam và từ Ðông sang Tây, có thể phân thành 14 nhóm đất chính và 31 loại. Ba phần tư diện tích đó thuộc về miền núi và trung du, chiếm khoảng 23,4 triệu ha. Diện tích đất phù sa không nhiều, chỉ có khoảng 3,4 triệu ha, chiếm hơn 10% diện tích tự nhiên cả nước.
Các loại đất sử dụng trong nông nghiệp hiện nay chủ yếu là đất phù sa, đất xám bạc màu, đất đỏ vàng, đất cát biển, đất mặn và đất phèn.
Theo niên giám thống kê (2014), tổng diện tích đất tự nhiên cả nước là 33,097 triệu ha, trong đó diện tích sông suối và núi đá khoảng 1.068.100 ha (chiếm khoảng 3,32% diện tích đất tự nhiên), phần đất liền khoảng 31,1 triệu ha (chiếm khoảng 94,5%
diện tích tự nhiên) và là một trong những nước có diện tích tự nhiên nhỏ, xếp vào nhóm thứ năm trong nhóm nước có diện tích bình quân từ 0,3 - 0,5 ha/người, đứng thứ 203 trong số 218 nước trên thế giới. Bình quân đất nông nghiệp 0,11 ha/người, thuộc nhóm 7 có mức bình quân diện tích đất từ 0,1 - 0,2 ha/người [4].
Hiện trạng sử dụng đất đến năm 2014 với tổng diện tích đất tự nhiên cả nước là 33,096 triệu ha, trong đó đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản chiếm 81% tổng diện tích đất. Cũng theo đánh giá thì tổng diện tích đất đưa vào sản xuất nông nghiệp từ 2010 đến nay có xu hướng tăng do việc chuyển đổi những diện tích đất hoang hóa, đất trống đồi núi trọc, đất bằng chưa sử dụng vào sản xuất nông nghiệp. Đây là một xu
thế tích cực, tuy nhiên đất trồng lúa 2 vụ và có độ phì nhiêu cao, dễ đi lại và gần những nơi tập trung đông dân cư lại giảm sút do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, ước tính giảm khoảng 500.000 ha [2].
Tài nguyên đất được sử dụng ngày càng hiệu quả hơn, trong đó vẫn giữ vững 3,8 triệu ha đất trồng lúa theo Nghị quyết của Quốc hội và diện tích đất chưa sử dụng thu hẹp đáng kể, từ 7 triệu ha đất hoang hóa năm 1987, đến 2010 còn 4,5 triệu ha, đến 2014 còn 2,5 triệu ha và dự kiến đến 2020 chỉ còn khoảng 1,5 triệu ha. Tuy nhiên, với xu hướng tăng dân số nhanh thì áp lực đối với nhu cầu khai thác, sử dụng đất sẽ tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại. Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng gây ra nhiều sức ép đối với đất đai. Quy hoạch sử dụng đất của nhiều địa phương bộc lộ hạn chế và bất hợp lý trong phân bổ quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực.
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) cấp quốc gia, Quốc hội cũng nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn một số hạn chế như: chất lượng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao; tính kết nối liên vùng, liên tỉnh và quản lý quy hoạch còn yếu; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch chưa nghiêm; tình trạng sử dụng đất sai mục đích, lãng phí, kém hiệu quả còn xảy ra ở nhiều nơi; chính sách, pháp luật, việc phân cấp trong quản lý quy hoạch còn bất cập; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh sức ép diện tích đất nông nghiệp vừa thấp tính theo đầu người, vừa suy giảm do quá trình phát triển thì vấn đề ô nhiễm và suy thoái đất cũng là những thách thức lớn đối với nước ta.
1.2.2. Những thách thức đối với sử dụng đất bền vững ở Việt Nam
Số lượng đất đai có hạn: Nước ta đất không rộng, diện tích tự nhiên 33.150.039 ha; người đông, dân số 93 triệu người. Tỷ lệ diện tích đất đai trên đầu người thấp: đất tự nhiên 3.800 m2, đất sản xuất nông nghiệp: 1.100 m2/người (đất trồng cây hàng năm 700 m2/người, trong đó đất lúa 400 m2/người; đất trồng cây lâu năm 400m2/ người);
đất lâm nghiệp 1.700 m2/ người; đất phi nông nghiệp: 300 m2/người (đất chuyên dùng 100 m2/người, đất ở: 73 m2/người - thành thị 48 m2/người, nông thôn 60m2/người); vị trí của Việt Nam so với các nước về dân số và đất đai (2014): diện tích tự nhiên:
66/217 nước trên thế giới, 5/10 nước Đông Nam Á; dân số : 13/217 nước trên thế giới, 8/10 nước Đông Nam Á; Bình quân diện tích đầu người 170/217 nước trên thế giới, 8/10 nước Đông Nam Á).
Chất lượng đất suy giảm: Thoái hóa là xu thế phổ biến đối với nhiều vùng rộng lớn, đặc biệt là vùng đồi núi, nơi tập trung hơn 3/4 quỹ đất, nơi cân bằng sinh thái bị phá vỡ nghiêm trọng hơn cả so với các vùng khác. Những nỗ lực cải tạo đất chỉ mới đạt được trong phạm vi hẹp.
Sử dụng đất chưa hiệu quả, bền vững: Sử dụng đất sản xuất nông nghiệp bình quân 3 năm (2007-2009) diện tích đất trồng cây hàng năm giảm: - 20.112 ha/năm;
trong đó: Diện tích đất trồng lúa giảm - 19.810 ha/năm; diện tích đất trồng lúa giảm chủ yếu do chuyển sang đất phi nông nghiệp (đất ở, đất sản xuất kinh doanh, đất xây dựng công trình công cộng...); đất trồng lúa giảm chủ yếu ở các vùng như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung Bộ.
Tình hình trên ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Sử dụng đất lâm nghiệp: Bình quân 3 năm (2007-2009) diện tích đất rừng phòng hộ giảm: 202.57 ha/năm; diện tích đất rừng đặc dụng giảm:
25.714 ha/năm. Tình hình trên ảnh hưởng đến sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt đối với mục tiêu bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Sử dụng đất phi nông nghiệp: Đất công nghiệp và đất xây dựng đô thị phát triển mạnh ở vùng đồng bằng, gây sức ép lớn đối với sản xuất nông nghiệp và an toàn lương thực; gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; đất thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển tự phát, tập trung ở vùng đồng bằng, duyên hải (Sân golf, Công viên, Resort), tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và môi trường khu vực.
1.2.3. Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Vạn Ninh
Nông nghiệp huyện Vạn Ninh có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của huyện theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông thôn. Nền nông nghiệp của huyện trong thời kỳ đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện năm 2015 đạt 150 tỷ đồng (giá cố định năm 1994), trong đó trồng trọt đạt 75,23 tỷ đồng, chăn nuôi đạt 64,77 tỷ đồng và dịch vụ nông nghiệp đạt 10 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Ngành nông nghiệp đã giải quyết được căn bản lương thực cho nhu cầu tiêu dùng trong huyện và một phần cung cấp cho thị trường, lương thực bình quân đầu người năm 2015 đạt 412,4 kg/người/năm. Tỷ trọng cây công nghiệp, cây thực phẩm, cây ăn quả, hoa, các loại cây hoa, các loại cây cảnh hàng hoá đã bắt đầu có sự chuyển biến tích cực. Chăn nuôi phát triển đều và có tốc độ tăng cao.
Vạn Ninh có tiềm năng đất đai, lao động khá dồi dào. Tuy nhiên, từ trước tới nay, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào có quy mô lớn và có ý nghĩa thực tiễn về hiệu quả sử dụng đất; trong khi việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp là hết sức cần thiết nhằm phát triển nhanh hơn và bền vững hơn nền kinh tế nông nghiệp của huyện. Vì vậy, Vạn Ninh cần phải nghiên cứu và triển khai có hiệu quả các giải pháp đất đai phù hợp, thiết thực với điều kiện cụ thể của huyện, nhằm nâng cao hiệu quả trước mắt và lâu dài.