CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4. Đề xuất các loại hình sử dụng đất và các giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp huyện Vạn Ninh
3.4.1. Cơ sở đề xuất các loại hình sử dụng đất nông nghiệp triển vọng tại địa phương 3.4.1.1. Cơ sở khoa học
- Phù hợp với đất đai, khí hậu và cơ sở vật chất của vùng.
- Bảo vệ được độ màu mỡ của đất và môi trường sinh thái, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng cao và ổn định.
- Phù hợp với phong tục tập quán của địa phương đồng thời phát huy được kinh nghiệm sản xuất của người dân.
3.4.1.2. Cơ sở thực tiễn
Vạn Ninh là huyện nằm về phía Bắc tỉnh Khánh Hoà, cách thành phố Nha Trang 60km, có một vị trí đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, là một huyện thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu dựa và sản xuất nông nghiệp. Việc sử dụng đất, phát triển chuyên môn hóa đi đôi với kinh doanh tổng hợp phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, đây là một nguyên tắc quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của huyện.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thì việc sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa đã phát triển mạnh nhưng chủ yếu vẫn mang tính tự phát, vì vậy thị trường tiêu thụ không ổn định.
Trong thời gian tới, để nâng cao được hiệu quả sử dụng đất cần phát triển cây trồng hàng hóa kết hợp đa dạng hóa cây trồng. Theo quan điểm của tôi là:
+ Sử dụng đất triệt để trên cơ sở phát huy tối đa các lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của mỗi vùng đất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tận dụng mọi nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người dân, phù hợp với năng lực sản xuất của từng hộ và đảm bảo an ninh lương thực.
+ Tổ chức sử dụng đất nông nghiệp theo hướng thâm canh cao trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo sử dụng đất theo quy hoạch vì lợi ích chung của toàn xã hội kết hợp với lợi ích của từng chủ sử dụng đất.
+ Sử dụng đất nông nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái. Môi trường sinh thái là yếu tố bên ngoài tác động đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Đó là các yếu tố thời tiết, khí tượng, thủy văn, đất đai… Vì vậy trong quá trình sử dụng đất phải bảo vệ được môi trường đất, bố trí thời vụ phù hợp với các điều kiện khí tượng, thời tiết, thủy văn nhưng khai thác tối ưu các điều kiện đó mà không làm ảnh hưởng đến môi trường. Vấn đề quan trọng trong bảo vệ môi trường là phải phát
triển một nền nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp bền vững đòi hỏi một hệ thống canh tác ổn định, kết hợp hài hòa giữa trồng trọt, chăn nuôi, chế biến. Đó chính là vấn đề quan trọng nhất.
3.4.2. Đề xuất các loại hình sử dụng đất nông nghiệp có triển vọng của địa phương Trong sản xuất nông nghiệp luôn chịu ảnh hưởng của các yếu tố như đất đai, khí hậu thời tiết, chế độ nước, trình độ thâm canh của con người,…Do vậy, việc lựa chọn cơ cấu cây trồng hợp lý không những giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt mà còn góp phần nâng cao thu nhập, khai thác triệt để tiềm năng đất đai, cây trồng và các nguồn lực của địa phương, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường. Để khai thác sử dụng quỹ đất nông nghiệp của địa phương một cách có hiệu quả và bền vững, chúng tôi đề xuất một số loại hình sử dụng đất nông nghiệp có triển vọng sau:
- Duy trì diện tích gieo trồng lúa 2 vụ nhằm góp phần ổn định an ninh lương thực. Đưa vào các giống lúa có năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của xã như giống lúa Khang Dân, HT1, Xi23,…
- Tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích gieo trồng các giống lạc cao sản như Lạc địa phương, L23,… Duy trì hình thức luân canh Lạc - Ngô.
- Duy trì diện tích đất trồng đậu xanh trong hình thức luân canh hàng năm với lạc, sắn (Lạc - Sắn – Đậu xanh).
- Tại các chân ruộng cao tưới tiêu bán chủ động hiện đang canh tác 2 vụ lúa, cần trồng luân canh với các cây trồng cạn như đậu, khoai lang nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân (trồng lúa vụ Đông Xuân để nhờ nước trời), phát huy tối đa tiềm năng đất đai, tăng năng suất cây trồng, tránh tình trạng trồng lúa vụ được vụ mất như hiện nay trên các chân đất này.
- Duy trì diện tích trồng rau xanh, đưa các giống mới có năng suất, phẩm chất cao vào gieo trồng theo hình thức luân canh với lạc và ngô, mở rộng hình thức luân canh cây rau với các loại cây trồng khác trên các ruộng lúa chân đất cao.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải tạo vườn tạp theo chủ trương của chính quyền địa phương bằng các loại cây trồng mà địa phương đã chỉ đạo. Những hộ gia đình có điều kiện nên mạnh dạn đầu tư sản xuất để nâng cao thu nhập kinh tế vườn, kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi để mang lại hiệu quả cao trong sử dụng đất nông nghiệp.
- Mở rộng diện tích trồng rau các loại để cung ứng cho nội vùng nhằm tận dụng thời gian nhàn rỗi của người nông dân, mang lại hiệu quả cho nông hộ.
- Mở rộng diện tích trồng sắn xen canh hoặc luân canh với cây họ sắn như lạc nhằm nâng cao năng suất sắn thay vì trồng thuần không mang lại hiệu quả cao. Đẩy mạnh trồng các giống sắn nguyên liệu cao sản như KM 95, KM98-1 để cho năng suất
cao, chú ý các biện pháp cải tạo đất đi kèm.
3.4.3. Những giải pháp để thực hiện các loại hình sử dụng đất nông nghiệp được đề xuất
3.4.3.1. Các giải pháp về kỹ thuật
- Để sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả nhất, chính quyền xã cũng như huyện cần đầu tư, liên hệ với các đơn vị chuyên ngành thành lập bản đồ nông hóa thổ nhưỡng của huyện để làm cơ sở xây dựng bản đồ thích nghi đất đai cho từng loại hình sử dụng đất cụ thể. Đây là cơ sở khoa học để bố trí cây trồng, xây dựng chế độ bón phân cải tạo đất hợp lý, khai thác tối đa lợi thế so sánh của từng tiểu vùng sinh thái.
- Đẩy mạnh công tác khuyến nông ở cơ sở giúp bà con nông dân trong kỹ thuật thâm canh cây trồng như bố trí thời vụ, kỹ thuật làm đất, chọn giống, loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, liều lượng phân bón, theo dõi sâu bệnh. Khuyến khích nông dân bón lót phân hữu cơ (phân chuồng, phân xanh) nhằm cải thiện độ phì đất.
- Củng cố và thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp phát triển mạnh nhằm hỗ trợ các nông hộ trong các khâu làm đất, lịch thời vụ, quy trình kỹ thuật, chế độ bón phân, kiểm soát tình hình sâu bệnh, bao nhiêu sản phẩm,…
- Thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tập huấn về kỹ thuật trồng các loại cây lâu năm, cây ăn quả như xoài, cam, trồng rừng sản xuất, chăn nuôi bò, nuôi cá nước ngọt theo phương thức công nghiệp,…Các lớp tập huấn này ít nhất được mở 1 lần/năm cho nhiều nhóm đối tượng nông dân khác nhau thông qua nguồn kinh phí của địa phương hoặc các dự án phát triển nông thôn trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho nông dân được tham quan học hỏi kinh nghiệm của những hộ sản xuất giỏi trong xã và ngoài xã.
- Có chính sách đầu tư cho các công tác khảo nghiệm các loại giống cây trồng khác nhau trong điều kiện thời tiết, đất đai của từng vùng sinh thái để chọn được giống phù hợp nhất; đồng thời dành một diện tích nhất định chuyên sản xuất giống có độ thuần cao cung cấp cho nông dân trong xã, tránh hiện tượng không chủ động về nguồn giống và thoái hóa giống.
- Khôi phục dần các nghề truyền thống trên địa bàn xã góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề: may mặc, thêu, mộc dân dụng…nhằm xem xét chuyển một phần lao động nông nghiệp sang hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp (tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ) nhường lại đất cho các hộ có năng lực và điều kiện phát triển nông nghiệp. Trong giai đoạn đầu, địa phương nên tạo điều kiện cho họ về các vấn đề chi phí học nghề, vốn kinh doanh, việc làm,…Khuyến khích các hộ nông dân đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất. Khuyến khích mở rộng các trang trại có quy mô lớn theo mô hình trang trại
vườn, trang trại VAC.
3.4.3.2. Chính sách về vốn và tín dụng
- Có chính sách hỗ trợ vốn sản xuất cho nông dân thông qua các chương trình tín dụng hoặc sự hỗ trợ từ các Chương trình, Dự án phát triển nông thôn, ưu tiên hỗ trợ cho nhóm hộ nghèo. Phương thức hộ trợ là giống, vật tư, hoặc tiền mặt nhưng có sự quản lý, nghiệm thu để tránh trường hợp lợi dụng sự hỗ trợ sử dụng sai mục đích.
- Các Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các tổ chức cho vay như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,…nên tổ chức các buổi tuyên truyền về chính sách cho vay, thủ tục và hình thức vay tạo điều kiện cho nông dân tham gia, tìm hiểu, có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn. Cần đơn giản hóa các thủ tục vay, lãi suất ưu đãi cho người được vay. Đồng thời, tùy đối tượng vay, mục đích vay để điều chỉnh mức tối đa được vay.
- Phát huy hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp: cung cấp nợ vật tư, dịch vụ làm đất,…tạo điều kiện cho các xã viên yên tâm đầu tư sản xuất.
3.4.3.3. Giải pháp về thị trường
- Thành lập các hợp tác xã dịch vụ thu mua nông sản tập trung như lúa, lạc, sắn, đậu xanh, ngô,…
- Phát triển hoạt động của các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, bổ sung thêm chức năng tìm kiếm thị trường, cung cấp thông tin về giá cả nông sản trên thị trường, các vật tư sản xuất nông nghiệp đến người dân nhằm hạn chế việc tư thương ép giá nông hộ.
- Chú trọng mở rộng tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các nông sản phẩm như như đậu xanh, ngô bằng cách liên hệ với các cơ sở chế biến ở địa phương khác hoặc hợp tác xã mua bán hàng nông sản. Muốn vậy, phải khuyến khích người dân tuân thủ quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
- Có chính sách hỗ trợ giá cho các mặt hàng nông sản trên thị trường đảm bảo sao cho người nông dân sản xuất có lãi.
3.4.3.4. Giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng
- Củng cố và nâng cấp hệ thống kênh mương, tăng cường đầu tư các trạm bơm đảm bảo cung cấp nước đầy đủ cho sản xuất lúa, có định hướng cho việc cung cấp nước tưới cho diện tích màu. Phải tăng cường đầu tư hệ thống tiêu nước, đảm bảo cho các diện tích trồng lúa không bị ngập úng do thoát nước không kịp vào mùa mưa. Phấn đấu tỷ lệ bê tông hóa kênh mương.
- Có kế hoạch bê tông hóa các tuyến đường liên thôn, quy hoạch lại giao thông nội đồng đảm bảo mặt đường đủ rộng để các phương tiện cơ giới trong nông nghiệp có
thể đi lại và làm việc một cách dễ dàng.
- Có kế hoạch xây dựng và phát triển các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn, tăng cường hệ thống máy xay xát, sấy khô (ở mỗi thôn trong xã ít nhất được một máy).
CHƯƠNG 4