Đề xuất các loại hình sử dụng đất sản xuất nông nghiệp triển vọng cho vùng đồng bằng thị xã Hương Trà

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng thị xã hương trà, tỉnh thừa thiên huế (Trang 80 - 86)

Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.5. Đề xuất các loại hình sản xuất có triển vọng và giải pháp sử dụng đất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với vùng đồng bằng thị xã Hương Trà

3.5.2. Đề xuất các loại hình sử dụng đất sản xuất nông nghiệp triển vọng cho vùng đồng bằng thị xã Hương Trà

Dựa trên việc nghiên cứu các kiểu sử dụng đất sản xuất nông nghiệp và kết quả phân hạng thích hợp đất đai hiện tại cũng như tương lai, kết hợp với sự phân tích tiềm năng về đất đai, về kinh tế - xã hội để đưa ra định hướng phát triển các kiểu sử dụng đất sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng như sau:

- Đối với kiểu sử dụng đất chuyên lúa 2 vụ: Mặc dù hiệu quả sử dụng đất mang lại không cao như các kiểu sử dụng đất còn lại nhưng đây là cây trồng đảm bảo an ninh lương thực cho địa bàn nghiên cứu nói riêng cũng như toàn thị xã nói chung. Vì vậy, chuyên lúa 2 vụ là kiểu sử dụng nên duy trì diện tích sản xuất.

- Đối với các kiểu sử dụng đất trồng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày:

Đây là những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần không nhỏ nâng cao thu nhập cho người dân. Nhưng đây cũng là những cây trồng có mức độ sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật rất cao. Đồng thời, nếu trồng riêng lẻ các cây trồng ngắn ngày này thì hiệu quả mang lại không như mong muốn, giảm hệ số sử dụng đất, cần kết hợp thâm canh các cây trồng với nhau như: lạc - sắn, lạc - hành, lạc - ngô, lạc - đậu xanh, hoặc lạc - rau màu. Do đó, nếu khắc phục những hạn chế trong quá trình đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì đây sẽ là những cây trồng vừa cho hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội, lẫn môi trường. Vì vậy, rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày là những kiểu sử dụng nên mở rộng diện tích sản xuất.

- Đối với cây ăn quả: là kiểu sử dụng cho hiệu quả sử dụng đất cao nhất trong các kiểu sử dụng hiện nay tại vùng nghiên cứu nhưng do đặc thù về yêu cầu sinh thái của cây trồng cũng như điều kiện tự nhiên của vùng nghiên cứu thấy rằng diện tích thích hợp để trồng cây ăn quả không lớn. Do đó, địa phương nên duy trì diện tích sản xuất cây ăn quả hiện tại. Đồng thời, có biện pháp cải tạo đất đai trong quá trình sản xuất để hạn chế thoái hóa đất cũng như nâng cao độ phì và nâng cao chất lượng sản phẩm đặc sản của vùng.

Hình 3.11. Bản đồ định hướng sản xuất nông nghiệp sản xuất nông nghiệp tại vùng đồng bằng thị xã Hương Trà

3.5.3. Đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất cho những loại hình sử dụng đất được lựa chọn

* Thực hiện quy hoạch và bố trí sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hóa Để phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hóa cần phải tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Từ đó, xây dựng các chương trình, đề án để thực hiện quy hoạch.

Trong quá trình triển khai quy hoạch, nếu có sự thay đổi về điều kiện của quy hoạch hoặc các mục tiêu đề ra cần phải điều chỉnh cho phù hợp và tuân thủ một cách nghiêm ngặt.

Quy hoạch sử dụng đất là rất cần thiết. Quy hoạch được lập càng chi tiết, đầy đủ tất cả các xã, phường thì quá trình sử dụng đất sẽ hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích. Từ đó sẽ hình thành các khu vực sản xuất tập trung, tránh hiện tượng manh mún của đất đai và sản xuất nhỏ lẻ của người dân.

* Giải pháp về chính sách đất đai

Đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy hoạch đề ra để người dân yên tâm đầu tư sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn phát triển sản xuất bằng hình thức thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tiếp tục khuyến khích, vận động người dân dồn điền đổi thửa để hạn chế đất đai manh mún, cơ giới hóa nông nghiệp thuận lợi hơn.

Một trong những giải pháp quan trọng để quản lý và sử dụng đất nông nghiệp đó là phải hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng đất. Việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp đòi hỏi phải được kiểm soát chặt chẽ, làm đúng theo Luật Đất đai và theo quy hoạch, kế hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá chất lượng, tiềm năng đất đai đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng đất, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật đất đai cho cộng đồng.

* Xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng các nhu cầu trong sản xuất nông nghiệp

Hệ thống cơ sở hạ tầng - kỹ thuật tại vùng đồng bằng ven biển thị xã Hương Trà đã được đầu tư nhiều trong thời gian qua, đặc biệt là hệ thống kênh mương, thủy lợi và giao thông. Hiện nay, cơ sở hạ tầng đang phát huy tác dụng tích cực đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Tuy nhiên do yêu cầu phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hóa mà đòi hỏi hệ thống hạ tầng phải hoàn thiện hơn, cụ thể:

- Cần hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn, đê bao, thủy lợi toàn diện tích để người dân được thuận lợi hơn trong khâu vận chuyển hàng hóa, chủ động hơn cho từng mô hình canh tác trong từng mùa vụ.

- Đối với những đoạn đê điều, kênh mương bị xuống cấp cần sửa chữa kịp thời.

- Xây dựng hệ thống sử dụng nước sạch cho sản xuất rau sạch, rau an toàn của địa bàn.

* Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực

Mặc dù vùng nghiên cứu có nguồn nhân lực dồi dào nhưng hầu hết lao động có trình độ thấp, chủ yếu là trình độ cấp 2, chưa qua đào tạo chuyên môn. Do đó, cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực bằng cách mở các lớp, khóa tập huấn kỹ thuật, công nghệ hoặc giống mới và đưa ra ví dụ bằng các mô hình thực tiễn.

Dịch vụ khuyến nông muốn có chất lượng cao thì phải lựa chọn kỹ càng những giáo viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ để giảng dạy. Nội dung giảng dạy phải phù hợp với thực tế của địa phương và trình độ của những người nông dân.

* Hạn chế ô nhiễm môi trường do sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Mức độ sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật của một số loại hình sử dụng đất tại vùng đồng bằng khá cao, nhưng người dân hầu như chưa biết cách đầu tư phù hợp và khoa học, xảy ra hiện tượng sử dụng ào ạt nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Ngược lại còn gây ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường xung quanh, đặc biệt là ô nhiễm không khí và nguồn nước, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng môi trường sống của người dân. Để hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp cần:

- Thông qua các khóa tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, hướng dẫn cho người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách hợp lý nhất, phù hợp với từng loại cây trồng và từng giai đoạn sinh trưởng của cây nhằm tránh tình trạng đầu tư nhiều nhưng năng suất không bao nhiêu và còn gây tác dụng ngược - ô nhiễm môi trường và giảm chất lượng nông sản.

- Thiết kế, xây dựng hệ thống tập trung xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải bảo vệ thực vật.

- Tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động người dân không vứt rác bừa bãi, có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường xung quanh.

* Giải pháp về thị trường tiêu thụ

Đối với nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa thì thị trường tiêu thụ đóng vai trò hết sức quan trọng, là căn cứ để quyết định xây dựng kế hoạch sản xuất nông sản. Do đó cần phải cân nhắc, nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, nắm bắt được giá cả, nhu cầu người tiêu dùng, khả năng tiêu thụ sản phẩm,... trước khi quyết định chuyển đổi cây trồng, sản xuất đại trà hoặc sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hóa một loại cây nào đó.

Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp có thể thu mua nông sản và tiêu thụ ổn định, có tổ chức, tránh tình trạng bị tư thương ép giá. Đồng thời đứng ra đảm bảo trước người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản cho người dân.

* Giải pháp về vốn sản xuất

Vốn là nguồn lực quan trọng, có vai trò then chốt trong bất cứ nền sản xuất nào do vậy cần có chính sách ưu đãi các đối tượng vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp trong thời gian dài hạn hoặc trung hạn để người dân yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục xin vay vốn để nông dân tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi và nhanh nhất.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng thị xã hương trà, tỉnh thừa thiên huế (Trang 80 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)