CHƯƠNG 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội tỉnh Quảng Trị
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Đông Hà là thành phố tỉnh lỵ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Quảng Trị, địa bàn thành phố được xác định theo toạ độ địa lý từ 16o07’53’’ đến 16o52’22’’ vĩ độ Bắc và 107o04’24’’ đến 107o07’24’’ kinh độ Đông. Đông Hà nằm cách thành phố Đồng Hới 93 km về phía Nam, cách thành phố Huế 70 km về phía Bắc, cách cửa khẩu Lao Bảo 85 km về phía Đông, cách cảng biển Cửa Việt 16 km về phía Tây. Ranh giới của thành phố được xác định như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Cam Lộ và huyện Gio Linh.
- Phía Nam giáp huyện Triệu Phong.
- Phía Đông giáp huyện Gio Linh và huyện Triệu Phong.
- Phía Tây giáp huyện Cam Lộ.
Hình 3.1. Sơ đồ vị trí của thành phố Đông Hà
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)
Tại thành phố Đông Hà có cảng Đông Hà, có Quốc lộ 1A , Quốc lộ 9 và đường sắt Bắc Nam chạy qua. Các điều kiện này đã tạo cho thành phố một vị trí hết sức thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội và có vị trí quan trọng trong chiến lược quân sự, bảo vệ an ninh, quốc phòng của khu vực miền Trung.
3.1.1.2. Đặc điểm địa hình
Địa hình của Đông Hà có đặc trưng về mặt hình thể như là một mặt cầu mở rộng ra hai phía Nam, Bắc của quốc lộ 9, địa hình hơi nghiêng và thấp dần từ Tây sang Đông. Các vùng đất đồi bị chia cắt bởi nhiều đồi bát úp xen giữa là các khe. Nhìn chung, lãnh thổ Đông Hà có gồm hai dạng địa hình cơ bản sau:
Địa hình gò đồi bát úp ở phía Tây và Tây Nam, chiếm 44,1% diện tích tự nhiên với hơn 3.000 ha, có độ cao trung bình 5- 100m. Về thổ nhưỡng, mặt đất ở đây được phủ trên nền phiếm thạch và sa phiến cùng với địa hình gò đồi bát úp nối dài. Với địa hình này sẽ thích hợp cho việc sản xuất canh tác, trồng cây lâm nghiệp, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế trang trại, sinh thái vườn đồi, vườn rừng. Xen kẻ giữa những gò đồi là những hồ đập có tác dụng điều hoà khí hậu, bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra những cảnh quan tự nhiên, môi trường sinh thái để tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển các cụm điểm dịch vụ vui chơi, giải trí, tạo ra một cảnh quan đô thị đẹp, đa dạng.
Địa hình đồng bằng có độ cao trung bình 3m so với mực nước biển, chiếm 55,9% diện tích tự nhiên. Về thổn nhưỡng, đất ở đây được phủ lên mặt lớp phù sa thuận lợi cho phát triển nông nghiệp (trồng lúa, hoa, rau màu...). Địa hình này tập trung ở các phường: 2, phường 3, phường Đông Thanh, Đông Giang, Đông Lễ, Đông Lương. Do địa hình thấp trũng, nên thường hay bị ngập lụt về mùa mưa bão đồng thời hạn hán, thiếu nước về mùa hè, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống.
3.1.1.3. Đặc điểm khí hậu, thời tiết
Khí hậu của Đông Hà thuộc hệ khí hậu nhiệt đới ẩm với đặc trưng là gió Lào (gió Phơn Tây Nam) ở Quảng Trị nói chung và ở Đông Hà nói riêng. Thành phố Đông Hà nằm ở khu vực đất hẹp của Bắc Trung Bộ, mang đặc điểm của khí hậu gió mùa và có những biểu hiện đặc thù so với các vùng khí hậu khu vực phía Đông dãy núi Trường Sơn. Do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió phơn Tây Nam nên tạo thành một vùng khí hậu khô, nóng. Chế độ khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô nóng. Về mùa Đông, do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh cực đới tràn về đến tận đèo Hải Vân vì vậy ở khu vực Đông Hà có mùa đông tương đối lạnh so với các vùng phía nam. Chênh lệch nhiệt độ trung bình giữa tháng nóng nhất và lạnh nhất từ 9 đến 10 độ C. Đây cũng là khu vực có lượng mưa tương đối lớn nhưng tập trung chủ yếu trong 4 tháng mùa mưa (khoảng 80%).
Tuy nhiên số ngày mưa phân bố không đều, trong các tháng cao điểm trung bình mỗi tháng có từ 17 đến 20 ngày mưa làm ảnh hưởng đến bố trí thời vụ của một số cây trồng và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân ở địa phương. Khu vực Đông Hà còn chịu ảnh hưởng của bão. Mùa bão ở đây tập trung từ tháng 9 đến tháng 11. Các cơn bão đổ bộ vào đất liền thường tập trung vào các cơn bão số 7, 8, 9 và 10. Bão thường kèm theo mưa to kết hợp với nước biển dâng cao và lượng mưa lớn từ trên nguồn đổ về gây lũ lụt và ngập úng trên diện rộng làm thiệt hại đến cơ sở hạ tầng và phá hoại mùa màng. Đông Hà chịu ảnh hưởng sâu sắc của hai loại gió mùa:
gió mùa đông bắc hoạt động từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau và gió mùa tây nam hoạt động từ tháng 4 đến tháng 9.
Nói chung, khí hậu của khu vực có nhiều nét biến động mạnh, thể hiện qua sự biến động mùa: mùa đông và mùa hè, mùa mưa và mùa khô. Thời tiết của Đông Hà thường gây úng vào đầu vụ đối với vụ đông xuân; hạn đầu vụ, úng cuối vụ đối với vụ hè.
3.1.1.4. Đặc điểm thuỷ văn
Chế độ thuỷ văn của thành phố Đông Hà chịu ảnh hưởng trực tiếp của hệ thống sông Hiếu, sông Vĩnh Phước và sông Thạch Hãn. Đây là nguồn nước chủ yếu cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt cho người dân ở thành phố. Ngoài ra, thành phố còn có nhiều hồ nhân tạo có tác dụng làm điều hoà sinh thái, khai thác thuỷ lợi, thuỷ sản,…
như hồ Trung Chỉ (diện tích 3,2 km2, trữ lượng nước 2.500.000 m3), hồ Khe Mây (diện tích 6 km2), hồ Đại An (diện tích 418 ha),…[40].
Với lợi thế về thủy văn sẵn có, thành phố Đông Hà đã và đang bố trí không gian cảnh quan kiến trúc Đông Hà theo mô hình “thành phố bên sông”, “đô thị nhà vườn”
trên cơ sở phát huy những lợi thế đa dạng về địa thế sông nước, không gian mặt nước các hồ và cảnh quan gò đồi, vùng đồng bằng... theo hướng bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất Đông Hà [40].
3.1.1.5. Các nguồn tài nguyên - Tài nguyên đất
Trên địa bàn thành phố Đông Hà có một số loại đất gồm đất Feralit trên sa phiến, đất phù sa, đất cát,… Trong đó các loại đất chiếm tỷ lệ lớn nhất và có ý nghĩa kinh tế nhất là Đất phù sa được bồi hàng năm có diện tích khoảng 500 ha; đất Feralit nâu vàng phát triển trên phiến sét có diện tích khoảng 3.500 ha và đất phù sa Glây ) tập trung nhiều ở các phường: Đông Giang, Đông Thanh, Đông Lễ, Đông Lương,… với diện tích khoảng 200 ha.
- Tài nguyên nước
Nguồn nước mặt của thành phố Đông Hà chủ yếu tập trung ở 3 con sông chính là sông Hiếu, sông Vĩnh Phước, sông Thạch Hãn và các khe suối, các hồ chứa có trên
địa bàn với lượng nước đã đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất, cải tạo môi trường, nuôi trồng thuỷ sản,…
Ở thành phố Đông Hà không có mạch nước ngầm sâu. Việc việc khai thác và sử dụng nước ngầm chủ yếu qua hệ thống giếng đào và giếng khoan, lưu lượng 15 - 19l/s, tổng độ khoáng hóa 80 - 280mg/l.
- Tài nguyên rừng
Thành phố Đông Hà có 2.280,89 ha rừng, trong đó toàn bộ là rừng trồng. Diện tích rừng này có vai trò quan trọng trong việc cung cấp gỗ, điều hoà khí hậu, giữ gìn nguồn nước, chống xói mòn, tạo cảnh quan du lịch cho thành phố.
- Tài nguyên khoáng sản
Nhìn chung, nguồn khoáng sản ở Đông Hà rất nghèo, chỉ có đất sét làm gạch ngói, trữ lượng không lớn và phân bố rải rác ở các phường Đông Giang, Đông Thanh, phường 2 và phường Đông Lương. Các loại khoáng sản khác thì chưa được thăm dò và xác định trữ lượng.
- Tài nguyên du lịch, nhân văn
Đông Hà có địa hình, địa thế đa dạng với nhiều sông, hồ, vùng gò đồi, rừng cây tạo nên nhiều cảnh quan đẹp: Có sông Hiếu chảy qua thành phố, sông Vĩnh Phước bao bọc ở phía nam, sông Thạch Hãn phía Đông; có các hồ Khe Mây, Trung Chỉ, hồ Km6, hồ Đại An, hồ Khe sắn; vùng gò đồi phía Tây còn nhiều tiềm năng phát triển lâm sinh thái, rừng cây. Đây là điều kiện thuận tiện để phát triển hình thành các khu du lịch sinh thái lâm viên cây xanh, khu công viên vui chơi, giải trí hấp dẫn.
Trên địa bàn thành phố còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, tự hào của vùng đất và con người Đông Hà qua các thời đại, trong đó có 02 di tích được xếp hạng Quốc gia, 18 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Các công trình văn hóa tiêu biểu như: Đình làng Nghĩa An, các giếng chăm, Đình làng Lập Thạch, Đình làng Điếu Ngao, đặc biệt đình làng Trung Chỉ được đánh giá là một công trình kiến trúc nghệ thuật điển hình của tỉnh Quảng Trị. Các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu như: Cảng quân sự Đông Hà, nhà ga lô cốt Đông Hà, nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9, động Bồ Chao,… Đây là tiềm năng có thể khai thác phát triển du lịch văn hóa, lịch sử.