Công tác xây dựng CSDL địa chính luôn được tỉnh Nam Định quan tâm thực hiện trong nhiều năm nay, phục vụ yêu cầu khai thác, sử dụng và cập nhật biến động về đất đai. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, việc tiến hành DĐĐT ở các địa phương đã làm thay đổi cơ bản hệ thống bản đồ, hồ sơ địa chính đã lập trước đây.
Toàn bộ GCNQSDĐ đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân không còn phù hợp với thực tế sử dụng đất, đòi hỏi phải đo đạc chỉnh lý, lập bản đồ hồ sơ địa chính, cấp lại GCNQSDĐ để bảo đảm thực thi các quyền luật định của người sử dụng đất, đồng thời đảm bảo sự phù hợp giữa GCNQSDĐ, hồ sơ địa chính với hiện trạng sử dụng đất, tránh xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Bên cạnh đó, do từ nhiều năm trước, công tác xây dựng CSDL địa chính ở các địa phương mới chỉ dừng ở việc lập bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính dạng số cho riêng từng xã mà chưa kết nối, xây dựng thành CSDL địa chính hoàn chỉnh tổng thể của cả huyện. Trong chiến lược hiện đại hóa công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường hiện nay, BTNMT đã xác định xây dựng CSDL đất đai là một trong những chủ trương và nhiệm vụ mang tính đột phá của ngành. Do vậy các cấp, ngành chức năng của tỉnh ta đã chủ động thực hiện đồng bộ các chương trình, hoạt động nâng cao chất lượng công tác xây dựng CSDL địa chính.
Theo đó, để các địa phương có đủ kinh phí thực hiện công tác điều chỉnh, xây dựng CSDL đất đai sau DĐĐT, năm 2014 UBND tỉnh đã quy định cho cấp xã, thị trấn được hưởng 50% tổng số tiền SDĐ thu được, trong đó dành 10% cho công tác quy hoạch, đo đạc, chỉnh lý, cấp GCNQSDĐ và các công việc liên quan đến quản lý đất đai.
Tháng 2/2014, STNMT đã đề nghị UBND các huyện tập trung lập đề án đo đạc, chỉnh lý bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ và xây dựng CSDL đất nông nghiệp.
Ngày 8/9/2014, Sở tiếp tục có văn bản đề nghị UBND các huyện chỉ đạo và giao các phòng chức năng đôn đốc UBND các xã, thị trấn khẩn trương lập phương án kỹ thuật - dự toán đo đạc chỉnh lý, lập bản đồ, hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ và xây dựng CSDL đất nông nghiệp ngoài đồng sau DĐĐT. Đồng thời phải đảm bảo việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án kỹ thuật - dự toán đo đạc, lập bản đồ địa chính đất nông nghiệp sau
DĐĐT theo đúng hướng dẫn của STNMT và phải được STNMT xem xét, cho ý kiến trước khi UBND xã, thị trấn phê duyệt.
Từ năm 2013, STNMT đã triển khai thực hiện Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng CSDL về địa giới hành chính” mang tính tổng thể theo hướng tập trung thống nhất từ tỉnh đến cơ sở theo nguyên tắc đã được BTNMT quy định; trong đó thống nhất thẩm quyền quản lý CSDL địa chính chỉ có cấp tỉnh; phân cấp quyền khai thác CSDL theo hướng tất cả các tổ chức, cá nhân sử dụng đất đều có thể khai thác.
Năm 2013, STNMT cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố chỉ đạo việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án đo đạc chỉnh lý biến động, lập hồ sơ địa chính cấp đổi GCNQSDĐ sau DĐĐT, đồng thời xây dựng quy hoạch hoạt động đo đạc bản đồ trên phạm vi toàn tỉnh; hướng dẫn thực hiện quy định diện tích đất ở tối thiểu được phép chia tách trên địa bàn tỉnh. Để phục vụ xây dựng Nông thôn mới , 3 năm qua các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện DĐĐT theo tinh thần Chỉ thị số 07- CT/TU của Ban Thường vụ Trung Ương và Kế hoạch số 45/KH-UBND của UBND tỉnh.
Sau vụ mùa năm 2011, có 90 xã, thị trấn triển khai DĐĐT và đến hết năm đã có 57 xã hoàn thành giao đất tại thực địa. Huyện Hải Hậu là địa phương đầu tiên hoàn thành công tác DĐĐT đất nông nghiệp. Sau vụ mùa năm 2012, có thêm 109 xã, thị trấn triển khai DĐĐT. Đến ngày 31/12/2013, toàn tỉnh có 200 xã, thị trấn tiến hành công tác DĐĐT, trong đó 168 xã (84%), 2.852/3.009 thôn đã hoàn thành giao đất tại thực địa, đạt 94,8%.
Đến hết tháng 2/2014, toàn tỉnh đã có 174 xã, thị trấn đã hoàn tất DĐĐT; có 2.904/3.009 thôn, đội hoàn thành giao đất thực địa (đạt 96,51%).
Cán bộ xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) đo đạc, chỉnh lý địa giới đất nông nghiệp sau DĐĐT.
Thông qua DĐĐT, các xã, thị trấn đã vận động các hộ nông dân góp đất (bình quân 10-15 m2/sào), góp công, kinh phí (bình quân 150-200 nghìn đồng/sào), huy động hàng trăm máy xúc đào đắp đường giao thông, thủy lợi nội đồng kết hợp chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng. Các địa phương đã quy gọn được quỹ đất công, giảm số thửa bình quân (từ 4 thửa xuống còn 2 thửa/hộ, nhiều xã đạt 75-80% số hộ chỉ còn 1 thửa/hộ); hình thành các vùng sản xuất tập trung. Nông dân đã góp 2.414ha đất nông nghiệp, đắp trên 5.319km đường giao thông, thủy lợi nội đồng, đã cứng hóa được 1.071km.
Sau DĐĐT đã làm thay đổi cơ bản hệ thống bản đồ, hồ sơ địa chính đã lập trước đây và GCNQSDĐ đã cấp cho các hộ gia đình, cá nhân; đòi hỏi phải sớm chỉnh lý, lập lại hồ sơ và cấp lại GCNQSDĐ phục vụ công tác quản lý và bảo đảm quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân, tránh xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.
Đến cuối năm 2013, công tác lập hồ sơ địa chính sau DĐĐT đã triển khai ở 35 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hải Hậu, trong đó đã nghiệm thu được 8 xã; ở 23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng đã nghiệm thu được 8 xã, cấp đổi cho 4.262 hộ. Đến hết tháng 2-2014 đã trình UBND tỉnh được 1.039 hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho các cơ quan, tổ chức;
UBND tỉnh đã ký được 688 GCNQSDĐ, làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ địa chính và CSDL địa chính của các địa phương, đưa công tác quản lý đất đai vào nền nếp. STNMT đang tiếp tục thẩm định đề án đo đạc, lập bản đồ địa chính cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT ở 19 xã của huyện Giao Thủy...
Tranh thủ kinh phí hỗ trợ của BTNMT, STNMT phấn đấu triển khai dự án trong 3 năm (2013-2015); đã lập, trình duyệt 2 dự án điểm xây dựng CSDL đất đai tại huyện Ý Yên và Thành phố Nam Định. Trong đó, tại huyện Ý Yên, năm 2013 đã triển khai xây dựng mạng lưới địa chính đo đạc lập bản đồ của 15 xã; đo đạc, lập bản đồ địa chính 5 xã và Thị trấn Lâm; xây dựng dữ liệu đất đai 6 xã. Đối với Thành phố Nam Định, năm 2013, đã tiến hành đo đạc, chỉnh lý bản đồ, xây dựng dữ liệu đất đai của 10 phường, xã; triển khai xây dựng phần mềm CSDL.
Hiện tại dự án đang triển khai công tác đo đạc và chuẩn bị các điều kiện để mở gói thầu cung cấp thiết bị, đào tạo và chuyển giao công nghệ cho cán bộ ngành Tài nguyên từ tỉnh đến huyện và các xã liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý, sử dụng CSDL theo đúng quy định. Qua công tác phối hợp của các địa phương trong triển khai thực hiện dự án, ngành Tài nguyên và Môi trường đã chủ động rà soát, lập hồ sơ phục vụ việc xử lý các vi phạm đất đai theo kế hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện hồ sơ địa chính và xây dựng CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng đồng bộ hồ sơ, bản đồ, mốc địa giới hành chính và CSDL về địa giới hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính khoa học, đầy đủ, chính xác, pháp lý và
thống nhất, làm cơ sở pháp lý trong việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai.
Đánh giá thực trạng về địa giới hành chính và hệ thống thông tin, tư liệu về hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính các cấp làm cơ sở xác định các giải pháp về kinh tế, kỹ thuật và công nghệ tổ chức triển khai thực hiện đề án tại tỉnh. Hoàn thiện bộ hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính các cấp; chuyển giao, áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến về đo đạc, bản đồ và xử lý thông tin, dữ liệu trong công tác xây dựng, hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng CSDL địa giới hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh.