2.5.1. Hiện trạng CSDL đất đai tại Việt Nam
Trong những năm vừa qua chúng ta đã cố gắng thiết lập CSDL tài nguyên đất phục vụ cho quản lý đa ngành, trong đó có chức năng phục vụ cho công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thông tin, dữ liệu đất đai đã thiết lập được bao gồm các dữ liệu chủ yếu sau:
- Bản đồ nền địa lý tỷ lệ 1:1.000.000, 1:500.000, 1:250.000, 1:100.000 và 1:50.000 phủ trùm toàn lãnh thổ Việt Nam;
- Dữ liệu bản đồ địa hình từ 1:10.000 đến 1:1.000.000, 1:25000 khu vực trung du, 1:10.000 khu vực kinh tế trọng điểm và tỷ lệ lớn ở các đô thị;
- Dữ liệu ảnh hàng không từ năm 1999 đến nay, ảnh vệ tinh:
+ Ảnh SPOT (độ phân giải 10m) phủ kín cả nước (miền Bắc là ảnh toàn sắc độ phân giải 5m);
+ Ảnh hàng không tỷ lệ 1/8.000 đến 1/15.000 phủ kín đồng bằng châu thổ sông Hồng và đồng bằng song Cửu Long;
+ Ảnh hàng không tỷ lệ 1/15.000 đến 1/40.000 phủ kín trung du, cao nguyên và vùng núi (trừ vùng Tây Bắc và miền Tây Nghệ An tới Quảng Nam).
- Bản đồ địa giới hành chính 364/CT các cấp tỉnh, huyện, xã của cả nước.
- Bản đồ hành chính cả nước, bản đồ hành chính 64 tỉnh (với các tỷ lệ khác nhau). - Bản đồ địa chính cơ sở tỷ lệ 1:10.000 và một số tỷ lệ khác.
- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất toàn quốc, các vùng kinh tế và của các địa phương (tỉnh, huyện, xã).
- Bản đồ quy hoạch sử dụng đất toàn quốc, của các vùng kinh tế và của các địa phương (tỉnh, huyện, xã).
- Các số liệu thống kê, kiểm kê đất theo định kỳ.
- Dữ liệu hồ sơ địa chính của các địa phương.
So với yêu cầu thông tin đất đai phục vụ cho công tác quy hoạch sử dụng đất, những dữ liệu hiện có của CSDL đất đai chưa đáp ứng đầy đủ. Khi tiến hành lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo từng cấp và địa phương cụ thể còn phải cần đến nhiều nguồn dữ liệu khác mà thực tế là vẫn thiếu như bản đồ thổ nhưỡng, bản đồ đơn vị đất đai, bản đồ địa chính,...
Các bản đồ ở nhiều nơi còn mới chỉ được lập ở dạng giấy, chưa có bản đồ số.
Các dữ liệu thuộc tính về đất đai được lưu trong hồ sơ địa chính vẫn chưa được cập nhật thường xuyên.
Hiện nay, Trung tâm lưu trữ và thông tin đất đai đang thực hiện dự án xây dựng CSDL tổng hợp về đất đai cấp trung ương (thời gian 2009 - 2011) cung cấp những thông tin dữ liệu cơ bản để các bộ, ngành xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển của bộ, ngành mình đồng thời là tiêu chí quan trọng để quản lý và bảo vệ tài nguyên và môi trường nói chung và tổng hợp về đất đai cấp trung ương nói riêng.
Ở cấp tỉnh và quận, huyện, một số phần mềm hệ thống thông tin đất đai đang được áp dụng như CiLIS, ViLIS. Để triển khai được phần mềm này thì các tỉnh, quận, huyện cũng phải tiến hành chuẩn hóa dữ liệu đất đai của địa phương mình. Ví dụ một số tỉnh đã thử nghiệm như Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, thành phố Hồ Chí Minh (quận 6, quận Gò Vấp, huyện Cần Giờ), …
Ngoài ra, tùy theo mức độ áp dụng công nghệ thông tin ở các nơi là khác nhau nên nhiều địa phương cũng tự xây dựng CSDL đất đai để phục vụ quản lý đất đai cho địa phương mình. Tuy nhiên, dữ liệu chỉ dừng ở mức đơn giản, như thực hiện trên phần mềm excel, access.
Xét về khía cạnh kỹ thuật về dữ liệu phục vụ cho quy hoạch thì hiện nay mới chỉ có Quyết định số 23/2007/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 17 tháng 12 năm 2007 về việc Ban hành ký hiện Bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Trong đó quy định rõ về tệp chuẩn hệ tọa độ VN2000, cơ sở toán học phù hợp với đơn vị hành chính xây dựng bản đồ, font chữ, các ký hiệu dạng điểm, dạng tuyến, các lớp đối tượng địa lý và màu sắc, lực nét,…
Như vậy thì có thể nhận xét rằng cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ cho công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn chưa được đầy đủ và thống nhất từ trung ương đến địa phương, và giữa các địa phương với nhau, cần phải được đầu tư xây dựng hơn nữa.
2.5.2. Nhận xét công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
- Trong nhiều năm qua, các địa phương đã quan tâm, tổ chức triển khai xây dựng CSDL địa chính ở nhiều địa bàn gắn với đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất. Một số tỉnh (điển hình như Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long) và một số quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh khác (Hải Phòng, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Hồ Chí Minh) đã cơ bản xây dựng CSDL địa
chính và đã tổ chức quản lý, vận hành phục vụ yêu cầu khai thác sử dụng rất hiệu quả và được cập nhật biến động thường xuyên ở các cấp tỉnh, huyện.
- Việc triển khai Dự án VLAP tại 9 tỉnh( Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long) và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai vĩ mô cấp Trung ương (trong thành phần cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường) và đặc biệt là việc phê duyệt dự án tổng thể về xây dựng hồ sơ địa chính, đăng ký đất đai, cấp GCN và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đã mang lại những kết quả khả quan và có hiệu quả nhất định trong quản lý góp phần tránh trùng lặp trong đầu tư, tiết kiệm trong giải phóng mặt bằng khi thực hiện quy hoạch các công trình mới trên nền cơ sở dữ liệu đất đai
+ Đối với các tỉnh miền Bắc điển hình như tại Quảng Ninh một trong những địa phương đã và đang triển khai xây dựng mô hình này và có nhiều kết quả khả quan.
STNMT tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với 2 thành phố Uông Bí và Cẩm Phả thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các phường, xã trên địa bàn. Theo đó, hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai của 2 thành phố đang được vận hành trên hạ tầng Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh và đường truyền mạng toàn tỉnh. Điều này sẽ tiết kiệm kinh phí không nhỏ để thực hiện các chương trình thống kê định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của các đơn vị chức năng một cách nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai của tỉnh.
+ Đối với các tỉnh Miền Trung điển hình như Khánh Hòa dự án VLAP được thực hiện từ năm 2008 - 2013 tại 6 huyện, thành phố ,88 xã, phường, thị trấn và được gia hạn đến ngày 30-6-2015. Sau khi hoàn thành, đến nay dự án đã xây dựng được hệ thống quản lý đất đai hiện đại với 7 văn phòng đăng ký được nâng cấp và hiện đại hóa; tiến hành đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy cho 100% diện tích. Tỉnh đã xây dựng được cơ sở dữ liệu theo mô hình tập trung và kết nối liên thông giữa tỉnh - huyện - xã, cho phép các cán bộ quản lý đất đai tra cứu, cập nhật thường xuyên và cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng đất; hình thành một hệ thống đăng ký đất đai hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai.Sự thành công của mô hình này sẽ là bước đột phá để hiện đại hóa công tác quản lý đất đai của tỉnh, tiến tới việc chia sẻ thông tin cơ sở dữ liệu với các ngành khác để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
+ Đối với các tỉnh Miền Nam điển hình như Vĩnh Long dự án VLAP đã được thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho 109 xã- phường- thị trấn và đưa vào vận hành, khai thác sử dụng thống nhất trên toàn tỉnh. Cho đến năm 2016, Vĩnh Long đã hoàn thành công tác đo đạc lập bản đồ địa chính dạng số cho 100% diện tích, đã kê khai đăng
ký, xét duyệt quyền sử dụng đất theo dự án đạt 93,33% tổng số thửa cần cấp, tổng số thửa đủ điều kiện cấp đổi giấy chứng nhận là 446.776 thửa (đạt 78% tổng số thửa đã đăng ký), trong đó đã cấp phát cho người dân đạt 93% số giấy chứng nhận đã ký.
- Lãnh đạo các cấp cũng đã quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng hệ thống Hồ sơ địa chính và Cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn của địa phương, các ngành cũng đã phối hợp tương đối chặt chẽ để kết quả của dự án đầu tư đạt hiệu quả cao phục vụ công tác quản lý, ổn định xã hội và nhu cầu sử dụng của các đối tượng khác nhau.
- Về đội ngũ cán bộ của Văn phòng Đăng ký đất đai, Trung tâm Công nghệ Thông tin trực tiếp tác nghiệp phục vụ thực hiện dự án ở địa phương hầu hết đã nắm được quy trình, nghiệp vụ, hiểu biết công việc. Đội ngũ phát triển phần mềm ở một số địa phương như Đồng Nai, Kiên Giang, Bình Định… có trình độ cao, nắm vũng các mục tiêu quản lý, cập nhật, khai thác xây dựng CSDL theo đúng định hướng đề ra. Có địa phương đã bắt đầu làm chủ được hệ thống CSDL như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng, Vĩnh Long, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh…
nhưng cũng có địa phương nguồn nhân lực, cơ sở vật chất vẫn còn yếu, đặc biệt là các tỉnh Miền núi phía bắc và Tây nguyên.
- Với mục tiêu quản lý đến từng thửa đất bằng công nghệ số, từ năm 2000 đến nay, Ngành đã từng bước chuẩn hóa dữ liệu địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu số đến từng thửa đất. Đến nay, đã có 02 tỉnh ( Đồng Nai, Vĩnh Long) xây dựng xong và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh; có 121/709 đơn vị cấp huyện đang vận hành cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó có 58 đơn vị cấp huyện thuộc 9 tỉnh, thành phố thực hiện dự án VLAP đã vận hành và quản lý cơ sở dữ liệu đất đai liên thông ở cả 3 cấp xã, huyện, tỉnh; đã hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất lúa cho 9.027 xã.