2.2. Thực trạng xây dựng, vận hành, khai thác và chia sẻ CSDL đất đai tại miền Trung
2.2.1. Thực trạng xây dựng, vận hành, khai thác và chia sẻ CSDL đất đai tại Thừa Thiên Huế
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là việc làm cấp bách nhằm sớm xây dựng hoàn thiện để đưa vào khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu địa chính đồng bộ nhằm tránh dữ liệu địa chính lạc hậu không được cập nhật theo đúng thực tế biến động sử dụng đất; nâng cao hiệu quả nguồn lực tài chính đã đầu tư, tạo nên công cụ phục vụ quản lý Nhà nước về đất đai hiện đại theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong năm 2013 và 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung chỉ đạo và có nhiều văn bản đôn đốc thực hiện, tuy nhiên, đến nay việc thực hiện còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng mục đích, yêu cầu và tiến độ đề ra.
Việc xây dựng CSDL đất đai, tiến tới việc số hoá quản lý dữ liệu đất đai ngay trong bản đồ sẽ phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy được giá trị đất đai trong các giao dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các nội dung tiến tới xây dựng CSDL toàn tỉnh còn có những khó khăn nhất định. Trước tiên, phải kể đến sự phức tạp trong việc đồng bộ dữ liệu từ đo đạc, thành lập mới hoặc chỉnh lý hoàn thiện bản đồ, kê khai đăng ký lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận gắn với rà soát, cập nhật toàn bộ các biến động đất đai…
Từ những khó khăn trên, vào năm 2017 việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường được hệ thống hóa có kiến trúc logic, được chuẩn hóa vừa khắc phục các điểm yếu, điểm thiếu trong công tác lưu trữ vừa đảm bảo sự thông suốt trong tích hợp, liên kết, chia sẻ và cung cấp thông tin trực tuyến trên phạm vi toàn tỉnh.
Phần mềm Quản lý cơ sở dữ liệu Tài nguyên Môi trường ứng dụng tại Thừa Thiên Huế
Nhằm cung cấp thông tin giới thiệu về nguồn cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường sẵn có của địa phương, các loại hình dữ liệu, cơ quan quản lý dữ liệu để người khai thác dễ dàng nắm bắt thông tin sơ bộ phục vụ quá trình khai thác dữ liệu của mình thì phần mềm đã sở hữu các chức năng cơ bản sau:
- Tra cứu dữ liệu Tài nguyên môi trường: Phần mềm hỗ trợ công tác theo dõi, tra cứu hồ sơ cho cá nhân/đơn vị có nhu cầu. Ngay sau khi truy cập phần mềm, người dùng sẽ tìm thấy ngay thông tin các hồ sơ mới cập nhật, thuộc lĩnh vực nào, nơi lưu trữ của hồ sơ đó... Ngoài ra người dùng có thể tra cứu thông tin hồ sơ mình cần tìm thông qua các từ khóa dễ nhớ như chủ sử dụng, tên hồ sơ...
hoặc thông qua tính năng tìm kiếm nâng cao với các thông tin chi tiết hơn như:
chủ sử dụng, lĩnh vực, cơ quan lưu trữ, địa bàn, thời gian liên quan... để có thể tìm kiếm một cách nhanh chóng và chính xác đồng thời có thể xem ngay các thông tin của hồ sơ sau khi tìm thấy một cách dễ dàng, chi tiết.
- Cập nhật dữ liệu Tài nguyên môi trường: Người dùng sẽ cập nhật các thông tin chi tiết tương ứng với mỗi loại hồ sơ như thông tin về hồ sơ (lĩnh vực, loại hình, thời gia lưu, địa bàn, vị trí lưu trữ, phòng lưu, giá lưu...); thông tin về thửa đất, thông tin tài liệu liên quan, thông tin mở rộng... đảm bảo thông tin đầy đủ, rõ ràng phục vụ cho hoạt động lưu trữ, khai thác dữ liệu về sau.
- Quản lý các thuộc tính mở rộng: Đối với các lĩnh vực khác nhau, hồ sơ sẽ cần những thông tin lưu trữ khác nhau, phần mềm hỗ trợ quản lý mở rộng thêm các thuộc tính của từng lĩnh vực quản lý khi có phát sinh trong quá trình thu thập, cập nhật, quản lý dữ liệu về tài nguyên môi trường trong hiện tại và tương lai.
- Đặc tính kỹ thuật
• Mô hình giải pháp: Ứng dụng chạy cả trên nền tảng web-based.
• Ngôn ngữ phát triển: ASP.NET / C#
• Hệ quản trị CSDL: MS SQL Server
• Web Server: IIS 5.x
• Framework: .NET
- Văn bản chuyên ngành: Phần mềm hỗ trợ cung cấp các thông tin chuyên ngành để các cá nhân/ tổ chức cần tìm hiểu có nguồn thông tin đầy đủ, chính thống phục vụ các hoạt động chuyên môn, nghiên cứu về tài nguyên môi trường.
- Quản lý thông tin lưu trữ hồ sơ: Phần mềm là công cụ lưu trữ dữ liệu hữu hiệu, không hạn chế số lượng hồ sơ, đơn vị lưu trữ. Các dữ liệu được lưu trữ trên phần mềm một cách có hệ thống, logic và tập trung tránh tình trạng mất mát, thiếu sót, phân tán dữ liệu và đặc biệt hỗ trợ đắc lực cho công tác tìm kiếm, thống kê, báo cáo ngay khi cần.
- Báo cáo – Thống kê: Phần mềm đáp ứng nhu cầu báo cáo – thống kê từ tổng hợp đến chi tiết của từng loại hình dữ liệu để người sử dụng có thể nắm bắt
nhanh các thông tin phục vụ cho yêu cầu quản lý hay khai thác dữ liệu của mình.
Khi có số liệu thống kê người dùng có thể kiết xuất ra Excel phục vụ cho công tác chuyên môn một cách dễ dàng.
- Quản trị hệ thống: Phần mềm cung cấp đầy đủ các công cụ cho phép người quản trị thực hiện các hoạt động quản trị, phân quyền... nhằm đảm bảo tính an toàn, bảo mật hệ thống và được vận hành theo mong muốn của đơn vị quản lý.
- Xuất/nhập dữ liệu: Phần mềm hỗ trợ việc nhập dữ liệu tài nguyên môi trường từ file excel để người quản trị có thể tiết kiệm thông tin khi nhập dữ liệu ban đầu hoặc bổ sung dữ liệu, ngoài ra hệ thống cũng hỗ trợ việc xuất dữ liệu báo cáo thống kê dưới dạng excel để có thể dễ dàng chỉnh sửa các nội dung, in ấn phục vụ công tác lưu trữ và các hoạt động chuyên môn
Hiệu quả mang lại:
- Giúp Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ngành tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh; thu thập, tích hợp, xử lý, quản lý, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường; phục vụ quản lý nhà nước và cộng đồng; lưu trữ, bảo quản thông tin tư liệu thuộc phạm vi quản lý theo phân cấp; thực hiện các dịch vụ thông tin trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo quy định của pháp luật.
- Có nguồn cơ sở dữ liệu dùng chung được công bố một cách chính thống, đầy đủ phục vụ nhu cầu khai thác thông tin của các đơn vị, cá nhân, tăng cường quá trình trao đổi, phối hợp thông tin giữa các đơn vị lưu trữ dữ liệu.
- Tiết kiệm thời gian, kinh phí tìm hiểu, thu thập thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, hoạch định chiến lược về tài nguyên môi trường
- Phần mềm đang được triển khai ứng dụng tại Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế và các sở, thành phố, huyện trên địa bàn toàn tỉnh.
Không chỉ dừng lại ở đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh thực hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế (VILG) do Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2017 - 2022.
Dự án thực hiện tại cấp tỉnh và 9 đơn vị hành chính cấp huyện: huyện Quảng Điền, huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà, thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang, huyện Nam Đông, huyện A Lưới, huyện Phú Lộc.
Trong đó có 3 hợp phần chính là :
- Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ đất đai;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và triển khai hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu (MPLIS);
- Quản lý dự án.
Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho 7 đơn vị cấp huyện và bổ sung dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thống kê, kiểm kê, giá đất cho 2 đơn vị hành chính cấp huyện còn lại; đồng thời hình thành hệ thống giao dịch điện tử đất đai, chia sẻ, liên thông dữ liệu tại tỉnh.
Mục tiêu cụ thể của dự án nhằm xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phần mềm thống nhất trên toàn quốc;
Hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (dữ liệu địa chính, dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dữ liệu giá đất, dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai) phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành có liên quan; Hỗ trợ tăng cường công tác quản lý sử dụng đất đai và đảm bảo thực hiện Luật đất đai ở các cấp, thiết lập hệ thống theo dõi và đánh giá tình hình quản lý sử dụng đất.
Bên cạnh đó dự án sẽ hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai thông qua việc hiện đại hóa các văn phòng đăng ký từ việc cải tiến quy trình, tiêu chuẩn dịch vụ tới việc trang bị thiết bị đầu - cuối của các văn phòng đăng ký và đào tạo cán bộ;
Nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với dự án, đặc biệt là đối với công tác xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống thông tin đất đai, hệ thống theo dõi, đánh giá quản lý và sử dụng đất đai.
Kết quả chính của dự án là hệ thống MPLIS được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và vận hành đồng bộ, đảm bảo thực hiện cung cấp dịch vụ đất đai cho tất cả các bên liên quan theo nhu cầu, thúc đẩy thị trường bất động sản hiệu quả, minh bạch; cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng, trang thiết bị được cung cấp đồng bộ, hiện đại cho các địa bàn được đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; tích hợp và đưa vào vận hành, khai thác toàn bộ cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng từ các nguồn vốn khác, dự kiến có cơ sở dữ liệu đất đai của các đơn vị cấp huyện được tích hợp vào hệ thống; toàn bộ cơ sở dữ liệu đất đai được tích hợp và đưa vào vận hành, khai thác.