2.1. Phạm vi, đối tượng nghiên cứu 2.1.1. Phạm vi nghiên cứu
* Về nội dung:
Nghiên cứu thu nhập của các nhóm hộ trong vùng trồng keo trọng điểm và mức độ hưởng lợi từ các giá trị mà trồng keo tạo ra đối với các nhóm hộ trồng keo và không trồng keo, nhóm hộ khá và nhóm hộ nghèo, cận nghèo.
* Về không gian:
Quá trình nghiên cứu được thực hiện trên phạm vi các nhóm hộ trong vùng trồng keo trọng điểm tại hai xã Thượng Nhật và Thượng Quảng.
* Về thời gian:
Đề tài sẽ thu thập các số liệu thứ cấp về tình hình phát triển keo trong vòng 5 năm (2011-2015), số liệu sơ cấp được thu thập trong 3 năm (2013-2015).
2.1.2. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là thu nhập của nhóm hộ nghèo và không nghèo, nhóm hộ có trồng keo và không trồng keo trong vùng trồng keo trọng điểm, qua đó đánh giá vai trò tạo thu nhập của hoạt động trồng keo đối với các nhóm hộ.
2.2. Nội dung nghiên cứu
Để đáp ứng mục tiêu đề tài, nội dung nghiên cứu tập trung vào:
- Nghiên cứu tình hình phát triển cây keo ở huyện Nam Đông về quy mô, số hộ, năm trồng, chu kỳ kinh doanh, những thuận lợi, khó khăn.
- Nghiên cứu đặc điểm nguồn lực nông hộ về nhân khẩu, lao động, tài nguyên đất đai của hộ và các hoạt động sinh kế.
- Nghiên cứu tình hình phát triển cây keo ở cấp nông hộ về quy mô, mức đầu tư, hiệu quả kinh tế.
- Nghiên cứu thực trạng và cơ cấu thu nhập của các nhóm hộ trong vùng trồng keo trọng điểm.
- Nghiên cứu vai trò tạo thu nhập của hoạt động trồng keo đối với nhóm hộ trồng keo và không trồng keo.
- Nghiên cứu vai trò của hoạt động trồng keo đối với việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
2.3.1. Phương pháp chọn điểm nghiên cứu
Để có sự so sánh giữa các hình thức phát triển cây keo và đánh giá được giá trị mà cây keo mang lại cho các nhóm hộ khác nhau, tôi chọn nghiên cứu hai xã nằm trong vùng trồng keo trọng điểm, trong đó mỗi xã có hai cộng đồng người khác nhau, cộng đồng người Kinh và cộng đồng người Cơ tu:
+ Xã Thượng Quảng: chọn thôn 6 đại diện cho cộng đồng người Kinh và thôn 4 đại diện cho cộng đồng người Cơ tu.
+ Xã Thượng Nhật: chọn thôn 7 đại diện cho cộng đồng người Kinh và thôn 4 đại diện cho cộng đồng người Cơ tu.
2.3.2. Phương pháp chọn mẫu
Bảng 2.1: Tiêu chí chọn mẫu hộ tại điểm nghiên cứu
ĐVT: mẫu hộ
Loại hộ Trồng keo Không trồng keo
Kinh 30 20
Cơ tu 30 20
Tổng 60 40
Nguồn: Phòng NN huyện Nam Đông (2015) [10]
Mẫu hộ điều tra được thu thập tại thôn 4 và thôn 6 của xã Thượng Quảng; thôn 4 và thôn 7 của xã Thượng Nhật. Tại các thôn, mẫu hộ được lựa chọn như các tiêu chí ở bảng 2.1, trong đó nhóm hộ trồng keo là 60 mẫu hộ, nhóm hộ không trồng keo là 40 mẫu hộ, ở mỗi nhóm gồm 50% mẫu hộ người Kinh và 50% mẫu hộ người Cơ tu. Bên cạnh đó, số lượng trong mỗi mẫu hộ còn được lựa chọn thông qua tỷ lệ hộ khá – trung bình – nghèo ở các thôn đã chọn.
2.3.3. Phương pháp thu thập số liệu 2.3.3.1. Thu thập số liệu thứ cấp
Số liệu thứ cấp chủ yếu sẽ được thu thập từ các loại sách, báo, tạp chí, các công trình nghiên cứu liên quan đã được công bố; báo cáo của các cơ quan chuyên môn liên quan.
Các số liệu được thu thập ở Trung tâm học liệu Đại học Huế, Thư viện trường Đại học Nông Lâm Huế, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trạm Khuyến Nông Lâm Ngư huyện, UBND xã và từ internet.
2.3.3.2. Thu thập số liệu sơ cấp
- Phương pháp phỏng sâu: Sẽ phỏng vấn 06 người, trong đó cấp huyện phỏng phấn 02 người và cấp xã 04 người. Để có thể thu thập được những thông tin sâu về vai trò trồng keo trên địa bàn huyện, tôi chọn phỏng vấn các đối tượng có sự am hiểu sâu và bao quát về tình hình trồng keo trên địa bàn huyện, giá trị của trồng keo trong cơ cấu kinh tế huyện và thu nhập của hộ. Cụ thể như sau:
+ Cấp huyện: Phỏng vấn Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện, Trưởng Trạm Khuyến Nông Lâm Ngư huyện.
+ Cấp xã: Mỗi xã phỏng vấn 02 người (Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách mảng Kinh tế xã hội và Cán bộ Nông nghiệp xã).
- Phương pháp phỏng vấn trực tiếp các hộ theo phiếu điều tra đã thiết kế sẵn: Sẽ tiến hành phỏng vấn 100 hộ tại 02 xã đã chọn để thu thập các thông tin phục vụ cho việc nghiên cứu.
- Phương pháp thảo luận nhóm:
+ Số nhóm: 02 nhóm, số lượng 15-20 người/1 nhóm/1 xã để thảo luận, những người tham gia là những người trực tiếp tham gia vào các hoạt động trồng keo tại địa phương.
+ Nội dung thảo luận: Tác động của hoạt động trồng keo đối với việc thực hiện tiêu chí thu nhập và các tiêu chí liên quan khác trong NTM, các giải pháp nhằm nâng cao mức độ hưởng lợi cho nhóm hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp từ những giá trị mà hoạt động trồng keo mang lại.
2.3.4. Phương pháp xử lý thông tin, số liệu
- Số liệu thứ cấp: Tổng hợp, chọn lọc thông tin có liên quan.
- Số liệu sơ cấp:
+ Số liệu định tính: Tổng hợp, phân loại và so sánh.
+ Số liệu định lượng: Xử lý bằng phần mềm Excel.
2.3.5. Phương pháp phân tích số liệu
- Phương pháp mô tả: Dùng các con số tuyệt đối, phần trăm, trung bình… để mô tả thực trạng và hiệu quả của hoạt động trồng keo, thu nhập của nông hộ.
- Phương pháp so sánh: Là phương pháp nhằm đánh giá khả năng hưởng lợi cao hay thấp, ít hay nhiều giữa các nhóm hộ.