CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4. Hiệu quả tạo thu nhập của hoạt động trồng keo đối với các nhóm hộ
3.4.1. Các nguồn thu nhập do phát triển keo tại huyện Nam Đông mang lại
Các nguồn thu nhập do phát triển keo mang lại cho người dân ở huyện Nam Đông khá đa dạng, nó không chỉ dừng lại ở những giá trị lợi nhuận mà sản xuất keo tạo ra cho các hộ có trồng keo mà đi kèm với nó còn có các hoạt động dịch vụ trồng keo khác như làm thuê chăm sóc keo, bốc vác keo, thu mua keo, bán giống keo…
Chính từ những hoạt động này đã tạo ra nguồn thu khá lớn góp phần nâng cao thu nhập của các nhóm hộ, kể cả những nhóm hộ không trồng keo. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi từ các giá trị do phát triển keo tạo ra lại có sự chênh lệch tương đối lớn giữa các nhóm hộ. Dựa vào kết quả thảo luận nhóm ở bảng 3.11 ta có thể thấy rõ được sự chênh lệch này.
Hầu hết mọi ý kiến đều nhận định rằng những giá trị do sản xuất keo mang lại thì nhóm hộ được hưởng lợi nhiều nhất là nhóm hộ người Kinh có trồng keo, chiếm tỷ lệ 70%; trong khi đó ở nhóm hộ người Cơ tu thì mức độ hưởng lợi này ít hơn, chỉ chiếm khoảng 30%. Sự chênh lệch này là do nhóm hộ người Kinh có quy mô đất trồng keo bình quân/hộ lớn hơn so với nhóm hộ người Kinh nên giá trị nguồn thu mang lại trên hộ cũng cao hơn. Bên cạnh đó, do có ít đất để sản xuất keo nên các hộ không trồng keo thường có xu hướng làm thuê cho các hộ có diện tích keo lớn, vậy nên tỷ lệ nhóm hộ người Kinh và Cơ tu không trồng keo hưởng lợi nhiều hơn từ hoạt động làm thuê chăm sóc keo, chiếm tỷ lệ 40% ở cả hai nhóm hộ. Ngoài ra, cũng chính từ lý do
này mà nhóm hộ không trồng keo cũng tham gia và được hưởng lợi nhiều hơn từ hoạt động làm thuê bốc vác keo so với nhóm hộ có trồng keo, chiếm tỷ lệ lần lượt là 30%
so với 20%. Đối với hai hoạt động dịch vụ trồng keo khác là thu mua keo và bán giống keo thì tỷ lệ tham gia và mức độ hưởng lợi chủ yếu ở nhóm hộ người Kinh có trồng keo và không trồng keo, tương ứng ở mỗi nhóm là 50%. Tuy hai loại hoạt động này tạo ra nguồn thu nhập khá lớn nhưng tỷ lệ hộ được hưởng lợi từ nó chỉ chiếm một phần rất nhỏ và thường thì những hộ có điều kiện về tài chính mới tham gia được.
Đối với các xã nghiên cứu, thì tỷ lệ người dân tham gia và hưởng lợi từ các loại hình hoạt động này cũng rất khác nhau. Theo đánh giá thì việc sản xuất keo và hoạt động làm thuê bốc vác keo chính là hai hoạt động mà sự tham gia và hưởng lợi của người dân là lớn nhất khi chiếm tỷ lệ lần lượt là 50% và 30%. Đây chính là hai loại hoạt động có ý nghĩa lớn hơn cả trong việc cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân. Còn đối với ba loại hình hoạt động còn lại, tuy giá trị mà nó tạo ra cũng tương đối lớn nhưng lại có ít hộ tham gia và hưởng lợi.
Bảng 3.11: Mức độ hưởng lợi từ các nguồn thu do phát triển keo mang lại ĐVT: % giá trị
Loại hoạt động
Kinh Cơ tu
Tại các xã NC Hộ Trồng
keo
Hộ Không trồng keo
Hộ Trồng keo
Hộ Không trồng keo
Sản xuất keo 70 30 50
Làm thuê chăm sóc keo 10 40 10 40 5
Bốc vác keo 20 30 20 30 30
Thu mua keo 50 50 0 0 10
Bán giống keo 50 50 0 0 5
Nguồn: Thảo luận nhóm năm 2015 3.4.2. Hiệu quả sản xuất keo ở huyện Nam Đông (tính trên 1 ha)
Nhìn chung, hiệu quả sản xuất keo trên địa bàn nghiên cứu là không cao, doanh thu bình quân trên 1 ha trong 1 chu kỳ của nhóm hộ người Kinh là 44,67 triệu đồng/ha/chu kỳ, còn ở nhóm hộ người Cơ tu là 40,07 triệu đồng/ha/chu kỳ. Với mức chênh lệch là 2,3 triệu đồng/ha/chu kỳ thì rõ ràng đây là một sự chênh lệch đáng kể.
Sự chênh lệch này một phần là do các thửa keo của nhóm hộ người Kinh thường nằm
ở những vị trí thuận lợi cho việc khai thác, vận chuyển hơn nên giá bán cũng cao hơn.
Bên cạnh đó, công tác đầu tư chăm sóc tốt hơn cùng với việc sử dụng các loại giống keo có chất lượng, chu kỳ kinh doanh dài hơn và sự am hiểu về giá cả thị trường cũng là một phần nguyên nhân làm cho doanh thu từ rừng keo của nhóm hộ người Kinh cao hơn so với nhóm hộ người Cơ tu.
Bảng 3.12: Kết quả sản xuất keo của các nhóm nông hộ
Chỉ tiêu ĐVT Kinh Cơ tu Toàn mẫu
Doanh thu/chu kỳ Tr/ha 44,67 40,07 42,37 ± 2,3 Tổng chi phí/chu kỳ Tr/ha 15,17 16,72 15,945 ± 0,775
+ Chi trồng mới Tr/ha 6,22 6,61 6,42
+ Chi năm 1 Tr/ha 3,17 3,59 3,38
+ Chi năm 2 Tr/ha 1,96 2,49 2,23
+ Chi năm 3 Tr/ha 1,28 1,44 1,36
+ Chi năm 4 Tr/ha 0,87 0,96 0,92
+ Chi năm 5 Tr/ha 0 0,80 0,40
+ Thu hoạch Tr/ha 1,67 0,83 1,25
Chi phí tự có/chu kỳ Tr/ha 10,51 13,68 12,095
Chi phí mua thuê/chu kỳ Tr/ha 4,66 3,04 3,85
Lãi gộp/chu kỳ Tr/ha 30,84 28,81 29,83
Lãi ròng/chu kỳ Tr/ha 21,42 17,44 19,43
Lãi gộp/năm Tr/ha/năm 7,98 7,84 7,91 ± 0,07
Lãi ròng/năm Tr/ha/năm 5,55 4,76 5,155 ± 0,395 Nguồn: Số liệu điều tra hộ năm 2015 Việc đầu tư cho sản xuất keo trên các hộ trồng keo nói chung chỉ ở mức trung bình, tổng chi phí cho sản xuất keo của nhóm hộ người Kinh 15,17 triệu đồng/ha/chu kỳ còn ở nhóm hộ người Cơ tu là 16,72 triệu đồng/ha/chu kỳ; tuy nhiên, mức chênh lệch này là không đáng kể. Chi phí chủ yếu bao gồm chi phí cho phát dọn thực bì, tiền mua giống, chi phí trồng và chăm sóc còn việc đầu tư về phân bón còn khá hạn chế, nhất ở ở nhóm hộ người Cơ tu, do vậy chất lượng và khối lượng của rừng keo vào kỳ khai thác là không cao. Bên cạnh đó, việc chi phí đầu tư tập trung nhiều vào ở giai
đoạn trồng mới và những năm đầu nên gây khó khăn cho những hộ thiếu vốn để đầu tư mà cụ thể ở đây là nhóm hộ người Cơ tu. Ngoài ra, do các thửa đất keo của nhóm hộ người Cơ tu thường nằm ở những vùng xa, giao thông đi lại khó khăn cộng với việc họ ít dùng các loại máy móc vào trong khâu chăm sóc keo như máy cắt cỏ… là một phần nguyên nhân làm cho chi phí sản xuất keo của nhóm hộ này cao hơn so với nhóm hộ người Kinh.
Việc trồng và chăm sóc keo của nhóm hộ người Cơ tu cũng dựa vào lao động tự có của gia đình là chủ yếu, chi phí mua thuê của họ chỉ là 3,04 triệu đồng/ha/chu kỳ, trong khi đó ở nhóm hộ người Kinh thì chi phí mua thuê là cao hơn, ở mức 4,66 triệu đồng/ha/chu kỳ. Chính vì lý do này mà lãi gộp thu được từ trồng keo của hai nhóm hộ không có sự chênh lệch đáng kể, ở nhóm hộ người Kinh là 7,98 triệu đồng/ha/chu kỳ còn ở nhóm hộ người Cơ tu là 7,84 triệu đồng/ha/chu kỳ. Tuy nhiên, khi bóc tách phần công lao động gia đình thì mức chênh lệch này khá rõ rệt, lãi ròng thu được từ sản xuất keo của nhóm hộ người Kinh là 5,55 triệu đồng/ha/năm còn ở nhóm hộ người Cơ tu thì con số này chỉ dừng ở mức là 4,76 triệu đồng/ha/năm, mức chênh lệch là 0,395 triệu đồng/ha/năm.
3.4.3. Thu nhập từ keo trên các nhóm hộ có trồng keo huyện Nam Đông
Xét trên khía cạnh thu nhập từ keo của nhóm hộ người Kinh và nhóm hộ người Cơ tu có trồng keo ở bảng 3.13 ta thấy rằng, thu nhập bình quân từ keo của hộ ở những năm sau cao hơn so với những năm trước. Cụ thể, đối với nhóm hộ người Kinh thì thu nhập bình quân từ keo trong năm 2013 là 15,16 triệu đồng/hộ/năm và tăng lên thành 15,76 triệu đồng/hộ/năm và 20,92 triệu đồng/hộ/năm ở hai năm tiếp theo đó. Tương tự, ở nhóm hộ người Cơ tu thì thu nhập bình quân từ keo trong hai năm 2013 và 2014 là 7,77 triệu đồng/hộ/năm và tăng lên là thành 8,69 triệu đồng/hộ/năm ở năm 2015.
Nguyên nhân dẫn đến thu nhập bình quân của các nhóm hộ liên tục tăng là do sự mở rộng về quy mô rừng keo của các hộ, việc mở rộng này xuất phát từ việc chuyển đổi các loại đất khác sang trồng keo hoặc quá trình tích tụ ruộng đất thông qua việc thuê hay mua bán đất trồng keo giữa các hộ. Bên cạnh đó, việc người dân ngày càng quan tâm hơn đến khâu chăm sóc và phát triển rừng keo, sử dụng các giống keo có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất đã làm tăng doanh thu bình quân trên một đơn vị diện tích đất trồng keo.
Bên cạnh đó, thu nhập bình quân từ sản xuất keo của các nhóm hộ là tương đối lớn, tuy nhiên lại có sự chênh lệch khá lớn nếu so sánh giữa hai nhóm hộ với nhau và mức độ chênh lệch này không những giảm mà còn có sự tăng lên theo thời gian. Nếu như ở năm 2013, mức chênh lệch giữa nhóm hộ người Kinh so với nhóm hộ người Cơ tu chỉ là 5,23 triệu đồng/hộ/năm thì đến năm 2015 mức chênh lệch này đã lên đến 8,65 triệu đồng/hộ/năm.
Bảng 3.13: Thu nhập từ keo trên các nhóm hộ có trồng keo
ĐVT: Tr/hộ/năm
Chỉ tiêu 2013 2014 2015
Kinh 15,16 15,76 20,92
Cơ tu 7,77 7,77 8,69
Không nghèo 12,09 12,42 15,73
Nghèo và cận nghèo 4,58 4,58 4,58
Tổng thu nhập BQ 11,47 11,77 14,80
Nguồn: Số liệu điều tra hộ năm 2015 Xét trên khía cạnh thu nhập từ sản xuất keo ở nhóm hộ nghèo và không nghèo có trồng keo theo thì cũng xảy ra sự tương đồng như trên. Qua bảng 3.13 ta thấy rằng, mức thu nhập của nhóm hộ không nghèo lần lượt tăng qua ba năm qua tương ứng là 12,09 triệu đồng/hộ/năm, 12,42 triệu đồng/hộ/năm và 15,73 triệu đồng/hộ/năm; còn ở nhóm hộ nghèo và cận nghèo thì mức thu nhập này khá thấp và gần như không đổi, giữ ở mức 4,58 triệu đồng/hộ/năm. Bên cạnh đó mức chênh lệch về thu nhập giữa hai nhóm hộ này là rất lớn và có xu hướng càng ngày càng kéo giãn ra; mức chênh lệch này qua ba năm tương ứng là 3,755 triệu đồng/hộ/năm, 3,92 triệu đồng/hộ/năm và 5,575 triệu đồng/hộ/năm.
Nhìn chung, sự chênh lệch về thu nhập giữa các nhóm hộ, giữa nhóm hộ người Kinh và nhóm hộ người Cơ tu, giữa nhóm hộ nghèo, cận nghèo và nhóm hộ không nghèo cho ta thấy được một vấn đề, tuy thu nhập từ sản xuất keo tạo ra khá lớn nhưng không đồng đều giữa các nhóm hộ. Nhóm hộ được hưởng lợi nhiều nhất từ giá trị mà sản xuất keo mang lại vẫn là nhóm hộ người Kinh, nhóm hộ không nghèo. Còn đối với nhóm hộ người Cơ tu và nhóm hộ nghèo, cận nghèo thì sự hưởng lợi này lại rất ít.
3.4.4. Thu nhập từ dịch vụ sản xuất keo đối với các nhóm hộ huyện Nam Đông Có thể thấy được rằng, các dịch vụ sản xuất keo mang lại nguồn thu nhập khá lớn và giữ vị trí quan trọng trong tổng thu nhập của các nhóm hộ, nhất là đối với nhóm hộ người Cơ tu, nhóm hộ nghèo và cận nghèo. Chính nhờ nguồn thu từ các loại hình hoạt động này tạo ra mà những nhóm hộ chịu thiệt thòi này có cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập của hộ. Tuy nhiên, thu nhập từ các dịch vụ sản xuất keo của nông hộ cũng có sự chênh lệch khá lớn khi so sánh giữa các nhóm hộ với nhau.
Bảng 3.14: Thu nhập từ dịch vụ sản xuất keo trên các nhóm hộ
ĐVT: Tr/hộ/năm
Chỉ tiêu 2013 2014 2015
Kinh 8,92 11,32 12,61
Cơ tu 7,74 8,60 8,65
Không nghèo 9,06 10,84 11,49
Nghèo và cận nghèo 2,99 3,48 4,32
Tổng thu nhập BQ 8,33 9,96 10,63
Nguồn: Số liệu điều tra hộ năm 2015 Xét trên khía cạnh thu nhập tạo ra từ dịch vụ sản xuất keo trên nhóm hộ người Kinh và nhóm hộ người Cơ tu ở bảng 3.14 ta thấy rằng nguồn thu này có xu hướng tăng qua các năm và tăng nhanh hơn ở nhóm hộ người Kinh. Cụ thể, thu nhập từ loại hoạt động này trong năm 2013 ở nhóm người Kinh là 8,92 triệu đồng/hộ/năm và 7,74 triệu đồng/hộ/năm thì đến năm 2015 đã tăng lên thành 12,61 triệu đồng/hộ/năm và 8,65 triệu đồng/hộ/năm. Nhìn chung, sự chênh lệch về thu nhập từ dịch vụ sản xuất keo là không quá lớn giữa hai nhóm hộ. Đều này cho thấy, mức độ hưởng lợi từ loại hoạt động này giữa hai nhóm hộ không có sự chênh lệch đáng kể.
Xét trên khía cạnh thu nhập tạo ra từ dịch vụ sản xuất keo trên nhóm hộ nghèo, cận nghèo với nhóm hộ không nghèo thì sự chênh lệch và mức độ hưởng lợi này mới được biểu hiện rõ rệt. Qua bảng 3.14 ta thấy rằng, mức thu nhập từ dịch vụ sản xuất keo của nhóm hộ nghèo và không nghèo là khá thấp, tương ứng đạt 2,99 triệu đồng/hộ/năm ở năm 2013 và 4,32 triệu đồng/hộ/năm ở năm 2015; trong khi đó ở nhóm hộ người Kinh thì mức thu nhập này lần lượt đạt 9,06 triệu đồng/hộ/năm và 11,49 triệu đồng/hộ/năm. Mức chênh lệch về thu nhập mà nguồn thu này mang lại cho hai nhóm hộ này là hơn 3 triệu đồng/hộ/năm. Điều này cho thấy nhóm hộ nghèo và cận nghèo đang chịu nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận các dịch vụ sản xuất keo.
3.4.5. Thu nhập từ phát triển keo đối với các nhóm hộ huyện Nam Đông
Thu nhập từ phát triển keo bao gồm thu nhập từ trồng keo và thu nhập từ các dịch vụ sản xuất keo của nông hộ. Nhìn chung, thu nhập từ phát triển keo của các nhóm hộ có sự tăng lên rõ rệt qua các năm, đặc biệt là ở nhóm hộ người Kinh và nhóm hộ không nghèo. Cụ thể qua bảng 3.15 ta thấy rằng, thu nhập từ phát triển keo trong năm 2013 ở nhóm hộ người Kinh là 24,08 triệu đồng/hộ/năm và tăng lên thành 33,53 triệu đồng/hộ/năm ở năm 2015. Tương tự, ở nhóm hộ không nghèo thì thu nhập từ phát triển keo năm 2013 là 21,15 triệu đồng/hộ/năm và tăng lên thành 27,22 triệu đồng/hộ/năm ở năm 2015. Mức tăng thu nhập từ phát triển keo không đồng đều giữa
các nhóm hộ cho thấy rằng, khoảng cách về mức độ hưởng lợi từ những giá trị mà phát triển keo tạo ra đối với các nhóm hộ ngày càng có xu hướng kéo giãn ra.
Bảng 3.15: Thu nhập từ phát triển keo trên các nhóm hộ
ĐVT: Tr/hộ/năm
Chỉ tiêu 2013 2014 2015
Kinh 24,08 27,08 33,53
Cơ tu 15,51 16,37 17,34
Không nghèo 21,15 23,26 27,22
Nghèo và cận nghèo 7,57 8,06 8,90
Tổng thu nhập BQ 77,61 80,47 86,84
Nguồn: Số liệu điều tra hộ năm 2015 Bên cạnh đó, ta có thể dễ dàng thấy được rằng, sự chênh lệch về thu nhập từ phát triển keo giữa các nhóm hộ là rất lớn, tập trung chủ yếu ở nhóm hộ người Kinh và nhóm hộ không nghèo. Cụ thể, thu nhập từ phát triển keo của nhóm hộ người Kinh trong năm 2015 là 33,53 triệu đồng/hộ/năm trong khi đó ở nhóm hộ người Cơ tu chỉ là 17,34 triệu đồng/hộ/năm. Tương tự, thu nhập từ phát triển keo ở nhóm hộ không nghèo năm 2015 là 27,22 triệu đồng/hộ/năm, trong khi ở nhóm hộ nghèo và cận nghèo chỉ đạt 8,90 triệu đồng/hộ/năm.
Nhìn chung, có thể đánh giá được rằng, thu nhập từ phát triển keo có tác động rất lớn đến thu nhập của các nhóm hộ và nó là một trong những yếu tố cấu thành nên sự phân hóa về thu nhập giữa các nhóm hộ. Tuy nhiên, giá trị thu nhập mà phát triển keo mang lại có sự chênh lệch rất lớn giữa các nhóm hộ, giữa nhóm hộ có trồng keo và không trồng keo, giữa nhóm hộ người Kinh và nhóm hộ người Cơ tu, giữa nhóm hộ người không nghèo và nhóm hộ người nghèo, cận nghèo. Do đó, việc tìm ra các giải pháp để nâng cao sự hưởng lợi từ nguồn thu nhập này cho nhóm hộ không trồng keo, nhóm hộ người Cơ tu và nhóm hộ nghèo, cận nghèo được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết.