CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.5. Nguồn thu và thu nhập của nông hộ huyện Nam Đông
Nguồn thu của các nhóm hộ trên địa bàn huyện khá đa dạng nhưng vẫn phụ thuộc vào hoạt động sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Các nguồn thu này bao gồm nguồn thu từ sản xuất các loại lương thực và thực phẩm ngắn ngày như lúa, ngô, đậu đỗ; nguồn thu từ sản xuất các loại cây công nghiệp và lâm nghiệp như sắn, keo, cao su;
nguồn thu từ hoạt động chăn nuôi như trâu, bò, gia cầm, cá; nguồn thu từ hoạt động
phi nông nghiệp và dịch vụ như làm thuê, buôn bán… Nhìn vào cơ cấu thu nhập của hộ qua bảng 3.16 ta thấy rằng, thu nhập từ hoạt động trồng cao su vẫn là nguồn thu quan trọng nhất của hộ, bình quân đạt 25,56 triệu đồng/hộ/năm. Tuy giá mủ cao su trong những năm gần đây liên tục giảm và luôn ở mức thấp nhưng do đã trót đầu tư nên người dân vẫn tiếp tục khai thác theo kiểu “lấy công làm lãi”. Một số hộ có những diện tích cao su bị gãy đổ do bão hoặc đã già cỗi đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây khác mà chủ yếu là cây keo. Tổng thu nhập từ phát triển keo là nguồn thu quan trọng thứ ba của hộ, đứng sau thu nhập từ trồng cao su và các hoạt động phi nông nghiệp khác, bình quân đạt 18,14 triệu đồng/hộ/năm. Nhìn chung, mức thu nhập bình quân đầu người trên nhóm hộ nghiên cứu vẫn còn khá thấp và mới chỉ đạt mức là 17,40 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên lại có sự chênh lệch khá lớn về mức thu nhập bình quân giữa các nhóm hộ, giữa nhóm hộ người Kinh và nhóm hộ người Cơ tu, giữa nhóm hộ có trồng keo và nhóm hộ không trồng keo. Cụ thể, tổng thu nhập bình quân/khẩu đối với nhóm có trồng keo là 23,65 triệu đồng/người/năm ở nhóm hộ người Kinh và 12,28 triệu đồng/người/năm ở nhóm hộ người Cơ tu; đối với nhóm không trồng keo thì con số này lần lượt là 22,16 triệu đồng/người/năm so với 10,62 triệu đồng/người/năm..
Bảng 3.16: Tình hình sinh kế và thu nhập trên các nhóm hộ nghiên cứu
ĐVT: Tr/hộ/năm
Nguồn thu
Kinh Cơ tu
Bình quân Trồng keo Không
trồng keo Trồng keo Không trồng keo
Sản xuất keo 20,92 0 8,69 0 7,40
Dịch vụ trồng keo 13,19 11,75 7,26 10,73 10,46
Tổng TN từ phát
triển keo 34,11 11,75 15,95 10,73 18,14
Lúa, màu, vườn 5,64 7,46 6,79 4,67 6,14
Chăn nuôi 4,15 1,34 3,73 1,13 2,59
Trồng cao su 38,04 33,53 16,66 14 25,56
Phi NN khác 27,64 42,17 12,79 15,18 24,39
Tổng thu nhập
BQ/hộ 109,56 96,39 54,83 45,69 77,61
Tổng thu nhập
BQ/khẩu 23,65 22,16 12,28 10,62 17,40
Nguồn: Số liệu điều tra hộ năm 2015
3.5.2. Sự thay đổi về cơ cấu thu nhập trên các nhóm hộ qua các năm
Trong những năm qua, để thay đổi và nâng cao thu nhập của hộ, địa phương đã có nhiều thử nghiệm trong việc đưa các giống cây con mới vào sản xuất. Tuy bước đầu vẫn có những thử nghiệm mang lại tín hiệu khả quan, có thể thay đổi cơ cấu thu nhập của hộ trong những năm tới, song nhìn chung thu nhập của hộ hiện nay vẫn phụ thuộc vào nguồn thu từ cây cao su và cây keo là chính. Vì thế trong bối cảnh giá mủ cao su liên tục giảm từ đầu năm 2013 đến cuối năm 2015 cũng kéo theo đà giảm về thu nhập của hộ. Qua bảng 3.17 ta thấy rằng, tổng thu nhập bình quân/hộ có sự giảm nhẹ trong vòng ba năm qua, tổng thu nhập bình quân/hộ trong năm 2013 là 86,84 triệu đồng/hộ/năm và giảm xuống còn 77,61 triệu đồng/hộ/năm ở năm 2015. Xét trên các nhóm hộ, tổng thu nhập bình quân/hộ của ba nhóm hộ là nhóm người Kinh, Cơ tu và nhóm hộ không nghèo có sự sụt giảm qua các năm. Chẳng hạn, tổng thu nhập bình quân/hộ ở nhóm hộ người Kinh năm 2013 là 115,78 triệu đồng/hộ/năm và giảm xuống còn 104,11 triệu đồng/hộ/năm ở năm 2015. Ở nhóm hộ người nghèo và cận nghèo, do ít chịu tác động từ việc sụt giảm nguồn thu từ cây cao su nên tổng thu nhập bình quân/hộ ở nhóm hộ này có xu hướng tăng lên, từ 20,07 triệu đồng/hộ/năm ở năm 2013 lên thành 22,59 triệu đồng/hộ/năm ở năm 2015.
Bảng 3.17: Sự thay đổi về thu nhập bình quân/hộ của nhóm hộ
ĐVT: Tr/hộ/năm
Chỉ tiêu 2013 2014 2015
Kinh 115,78 106,20 104,11
Cơ tu 57,90 54,74 51,11
Không nghèo 95,94 88,42 85,12
Nghèo và cận nghèo 20,07 22,19 22,59
Tổng thu nhập BQ 86,84 80,47 77,61
Nguồn: Số liệu điều tra hộ năm 2015
Xét về sự thay đổi thu nhập bình quân/khẩu của các nhóm hộ ở bảng 3.18 ta thấy, tuy tổng thu nhập bình quân/khẩu qua các năm tuy ở mức tương đối khi so sánh với các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh nhưng lại có sự chênh lệch rất lớn giữa các nhóm hộ. Chẳng hạn, tuy tổng thu nhập bình quân/khẩu trong năm 2015 đạt 17,40 triệu đồng/khẩu/năm nhưng con số này ở nhóm hộ người Cơ tu và nhóm hộ người nghèo và cận nghèo là thấp hơn nhiều, chỉ lần lượt đạt là 11,62 triệu đồng/khẩu/năm
và 5,65 triệu đồng/khẩu/năm. Chính sự chênh lệch quá lớn về tổng thu nhập bình quân/khẩu giữa các nhóm hộ đã tạo ra nhiều thách thức trong quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Phải làm gì để nâng cao thu nhập cho nhóm người Cơ tu, nhóm hộ nghèo và cận nghèo, từ đó thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm hộ là một bài toán khó mà đến nay địa phương vẫn đang loay hoay để đi tìm câu trả lời.
Bảng 3.18: Sự thay đổi về thu nhập bình quân/khẩu của nhóm hộ
ĐVT: Tr/khẩu/năm
Chỉ tiêu 2013 2014 2015
Kinh 25,62 23,50 23,03
Cơ tu 13,16 12,44 11,62
Không nghèo 21,21 19,55 18,82
Nghèo và cận nghèo 5,02 5,55 5,65
Tổng thu nhập BQ 19,47 18,04 17,40