CHƯƠNG I LƯỢC SỬ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.3.2. Nghiên cứu tái sinh rừng
Vấn đề tái sinh rừng tự nhiên ở nước ta chưa được nghiên cứu nhiều. Kết quả nghiên cứu về tái sinh thường được đề cập trong các công trình nghiên cứu về thảm thực vật, trong các báo cáo khoa học và một phần được công bố trong các tạp chí.
Ở miền Bắc nước ta từ 19621969, Viện điều tra quy hoạch rừng đã điều tra tình hình tái sinh tự nhiên theo các “loại hình thực vật ưu thế” Rừng thứ sinh ở Yên Bái (1965), Hà Tĩnh (1966), Quảng Bình (1969) và Lạng Sơn (1969).
Đáng chú ý là công trình điều tra tái sinh tự nhiên ở vùng Sông Hiếu (19621964) bằng phương pháp đo đếm điển hình. Kết quả điều tra đã được Vũ Đình Huề (1975) 14 tổng kết trong báo cáo khoa học “Khái quát về tình hình tái sinh tự nhiên ở rừng miền Bắc Việt Nam”. Theo báo cáo đó, tái sinh tự nhiên ở rừng miền Bắc Việt Nam cũng mang những đặc điểm tái sinh của rừng nhiệt đới, cụ thể ở rừng nguyên sinh, tổ thành các loài cây tái sinh tương tự như tầng cây gỗ, dưới tán rừng thứ sinh tồn tại nhiều loài cây gỗ mềm kém giá trị, hiện tượng tái sinh theo đám được thể hiện rõ nét tạo nên sự phân bố số cây không đồng đều trên mặt đất rừng. Từ kết quả đó, tác giả đã xây dựng biểu đánh giá tái sinh áp dụng cho các đối tượng rừng lá rộng miền Bắc nước ta.
Khi nghiên cứu về thảm thực vật rừng Việt Nam, Thái Văn Trừng (1978) 35 đã nhấn mạnh tới ý nghĩa của điều kiện ngoại cảnh đến các giai đoạn phát triển cây tái sinh. Theo tác giả, ánh sáng là nhân tố sinh thái khống chế và điều khiển quá trình tái sinh tự nhiên cả ở rừng nguyên sinh lẫn rừng thứ sinh.
Trần Ngũ Phương (1970) 24 khi nghiên cứu về kiểu rừng nhiệt đới mưa mùa lá rộng thường xanh đã có nhận xét “rừng tự nhiên dưới tác động của con người khai thác hoặc làm nương rẫy, lặp đi lặp lại nhiều lần thì kết quả cuối cùng là sự hình thành đất trống, đồi núi trọc.
Nếu để thảm thực vật hoang dã tự nó phát triển lại, thì sau một thời gian dài trảng cây bụi, trảng cỏ chuyển dần lên những dạng thực bì cao hơn thông qua quá trình tái sinh tự nhiên và cuối cùng rừng có thể phục hồi dưới dạng gần giống trạng thái rừng ban đầu”.
Ảnh hưởng của các biện pháp lâm sinh tới tái sinh tự nhiên của quần xã thực vật còn được một số tác giả nghiên cứu như: Phùng Ngọc Lan (1984) 19 , Hoàng Kim Ngũ (1984) 10 , Nguyễn Duy Chuyên (1985) 6 , Nguyễn Ngọc Lung (1985) 39 .
Công trình nghiên cứu của Nguyễn Văn Trương (1983) 37 đã đề cập đến mối quan hệ giữa cấu trúc rừng với tái sinh tự nhiên trong rừng hỗn loài.
Hiện tượng tái sinh lỗ trống ở các rừng thứ sinh vùng Hương Sơn-Hà Tĩnh đã được Phạm Đình Tam (1987) 30 làm sáng tỏ. Theo tác giả, số lượng cây tái sinh xuất hiện khá nhiều dưới các lỗ trống khác nhau. Lỗ trống càng lớn, cây tái sinh càng nhiều và hơn hẳn những nơi kín tán. Từ đó, tác giả đề xuất áp dụng phương thức khai thác chọn, tái sinh tự nhiên.
Nguyễn Duy Chuyên (1988) 6 khi nghiên cứu cấu trúc, tăng trưởng trữ lượng và tái sinh tự nhiên rừng thường xanh lá rộng hỗn loài cho ba vùng (Sông Hiếu, Yên Bái, Lạng Sơn), đã khái quát đặc điểm phân bố của nhiều loài cây có giá trị kinh doanh và biểu diễn bằng các hàm lý thuyết. Từ đó làm cơ sở định hướng giải pháp lâm sinh cho các vùng sản xuất nguyên liệu.
Một số tác giả khác cũng đã có những công trình nghiên cứu về tái sinh tự nhiên mà đối tượng là nhóm loài cây hoặc một loài cây cụ thể. Công trình nghiên cứu của Đinh Quang Diệp (1993) nghiên cứu tiến trình tái sinh và ảnh hưởng của một số nhân tố đến từng giai đoạn tái sinh của nhóm loài cây họ Dầu, từ đó tác giả đề nghị một số nguyên tắc chính trong khai thác, xúc tiến, bảo vệ, nuôi dưỡng cây tái sinh cho các đối tượng rừng khộp vùng EaSúp ĐăkLăk.
Dựa vào mật độ cây tái sinh, Vũ Đình Huề (1960) 14 đã phân chia khả năng tái sinh rừng thành 3 cấp, trong đó cấp tốt có mật độ cây tái sinh lớn hơn 12.000 cây/ha, cấp trung bình có mật độ từ 4.0008.000 cây/ha, cấp xấu có mật độ cây tái sinh từ 2.000 4.000 cây/ha. Tuy nhiên, các nghiên cứu này mới chỉ chú trọng đến số lượng cây tái sinh.
Khi bàn về vấn đề đảm bảo tái sinh trong khai thác, Phùng Ngọc Lan (1964)
19 đã nêu ra kết quả tra dặm hạt Lim xanh dưới tán rừng ở Lâm trường Hữu Lũng
(Lạng Sơn). Ngay từ giai đoạn nẩy mầm, Bọ xít là nhân tố sinh vật đầu tiên gây ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ nẩy mầm. Tiếp theo các đề tài trên, tác giả đã nghiên cứu và nêu lên sự cần thiết của việc bảo vệ và phát triển Lim xanh, đồng thời đề ra một số biện pháp kỹ thuật về xử lý hạt giống, gieo trồng loài cây này. Theo tác giả không nên trồng Lim xanh thuần loài.
Khi nghiên cứu về tái sinh tự nhiên trong rừng chặt chọn ở Lâm trường Hương Sơn - Hà Tĩnh. Trần Xuân Thiệp (1995) 31 đã định lượng các cây tái sinh tự nhiên trong các trạng thái rừng khác nhau. Để đảm bảo mức độ tái sinh vốn rừng ở Ngã Đôi cần giữ trữ lượng ở mức tối thiểu từ 170200m3/ha (trạng thái rừng IIIA3). Tác giả còn thống kê các cây tái sinh theo 6 cấp chiều cao, trong đó cây tái sinh có triển vọng là những cây có chiều cao 1,5m.
Khi nghiên cứu tái sinh tự nhiên sau khai thác chọn tai Lâm trường Hương Sơn - Hà Tĩnh, Trần Cẩm Tú (1998) 39 cho rằng: áp dụng phương thức xúc tiến tái sinh tự nhiên có thể đảm bảo khôi phục vốn rừng, đáp ứng mục tiêu quản lý, sử dụng tài nguyên bền vững. Tuy nhiên, các giải pháp kỹ thuật lâm sinh tác động đều phải có tác dụng thúc đẩy cây tái sinh mục đích sinh trưởng và phát triển tốt, khai thác phải đồng nghĩa với tái sinh rừng, phải chú trọng và điều tiết tầng tán của rừng đảm bảo cho cây tái sinh phân bố đều trên toàn bộ diện tích.
Để cải thiện tổ thành rừng loại bỏ các loài cây phi mục đích cần phải thực hiện các giải pháp lâm sinh (chặt mở tán, phát dây leo, cây bụi...) trước khi khai thác và dọn vệ sinh rừng ngay sau khi khai thác.
Nguyễn Minh Đức (1998) 8 đã nghiên cứu đặc điểm một số nhân tố sinh thái dưới tán rừng và ảnh hưởng của chúng đến tái sinh loài Lim xanh tại Vườn quốc gia Bến En - Thanh Hoá. Theo tác giả việc tác động vào lớp cây tái sinh nói chung, cây tái sinh Lim xanh nói riêng phải dựa vào mối quan hệ giữa cường độ ánh sáng và độ ẩm dưới tán rừng thông qua việc điều chỉnh độ tàn che. Từ đó, tác giả đề xuất biện pháp nuôi dưỡng và xúc tiến tái sinh loài Lim xanh.
Trần Ngũ Phương (1999) 24 khi nghiên cứu các quy luật phát triển rừng tự nhiên ở miền Bắc Việt Nam, đã nhấn mạnh quá trình diễn thế thứ sinh của rừng tự nhiên. Theo tác giả trong rừng tự nhiên có nhiều tầng, khi tầng trên già cỗi, tàn lụi rồi tiêu vong thì tầng kế tiếp sẽ thay thế hoặc cũng có thể một thảm thực vật trung gian khác xuất hiện thay thế nó, nhưng về sau, dưới thảm thực vật trung gian này sẽ xuất hiện một lớp cây con tái sinh lại rừng cũ và sẽ thay thế thảm thực vật trung gian này trong tương lai, lúc bấy giờ rừng cũ sẽ được phục hồi.
Theo tài liệu của Viện điều tra quy hoạch rừng (1993) thì tại khu vực lâm trường Sông Đà - Hoà bình xuất hiện một số loài cây có giá trị như: Sến, Dẻ, Táu . . .
Nhưng do quá trình khai thác không hợp lý, đốt nương làm rẫy của đồng bào dân tộc, những loài cây này dần bị mất đi mà thay vào đó là những loài cây ưa sáng, mọc nhanh, ít giá trị kinh tế.
Theo nghiên cứu của Ngô Kim Khôi (1996) 5 tổ thành loài cây phục hồi sau nương rẫy ở Bình Thanh- lâm trường Sông Đà gồm các loài: Re, Dẻ, Trâm, Kháo...Bùi Văn Chúc (1996) 24 đã nghiên cứu đặc điểm cấu trúc rừng phòng hộ đầu nguồn tại lâm trường Sông Đà ở các trạng thái rừng IIA, IIIA1 và rừng trồng, tác giả cũng đã đề cập đến tái sinh nhưng mới chỉ xác định tổ thành, mật độ.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về tái sinh trên đây mới chỉ đề cập đến một số nghiên cứu liên quan đến đề tài. Những vấn đề này gần đây được nhiều tác giả quan tâm hơn. Xu hướng nghiên cứu cũng chuyển dần từ định tính sang định lượng, từ nghiên cứu lý thuyết sang ứng dụng thực tiễn.
Những nghiên cứu của đề tài này sẽ góp phần vào việc xác định cơ sở lý luận cho các tác động lâm sinh, từ đó đưa ra những đề xuất cụ thể nhằm xúc tiến tái sinh tự nhiên, nuôi dưỡng rừng, đáp ứng mục tiêu kinh doanh, nâng cao năng lực và chất lượng phòng hộ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực và các vùng lân cận.