Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ GIÁO DỤC
1.2. Những khái niệm cơ bản
1.2.3. Giáo dục kỹ năng xã hội
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam có nhiều quan điểm về KNXH khác nhau.
Trong bài viết của hai tác giả Jannette Rey và Robert Putnam - đăng trên tạp chí chuyên biệt năm 2002 (Exceptional Parent Magazine, 2002) nói về KNXH:
"Kỹ năng xã hội là gì? Kỹ năng xã hội tốt là những công cụ quan trọng cho cuộc sống hằng ngày, nó giúp trẻ em tương tác xã hội một cách hiệu quả và thuận lợi”
[67].
Theo UNESCO, KNXH là những kỹ năng cần thiết để chung sống với người khác, gồm có các kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, thương lượng, tự khẳng định mình, kỹ năng hợp tác, kỹ năng làm việc nhóm,...
Theo WHO, KNXH gồm những kỹ năng giao tiếp ứng xử, tạo thiện cảm, làm việc nhóm,...
Theo quan điểm của tác giả Lê Bích Ngọc thì KNXH gồm có: kỹ năng hợp tác; kỹ năng nhận và hoàn thành nhiệm vụ; kỹ năng thực hiện các quy tắc xã hội; kĩ năng giữ gìn đồ dùng đồ chơi; kỹ năng quý trọng đồng tiền [35].
Trong tài liệu bồi dưỡng thường xuyên các cấp học, của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo năm 2013, tác giả Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng: “KNXH là những cách thức giải quyết các vấn đề trong cuộc sống xã hội nhằm giúp con người thích nghi và phát triển tốt hơn” [13].
Từ các khái niệm kỹ năng, KNXH của những tác giả trên, ở đề tài này chúng tôi cho rằng:
“KNXH là khả năng con người có thể vận dụng những tri thức, kinh nghiệm đã có để giải quyết có hiệu quả các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống theo đúng chuẩn mực của xã hội”.
Và “KNXH của trẻ Mẫu giáo 5-6 tuổi là khả năng trẻ 5-6 tuổi có thể vận dụng những tri thức, kinh nghiệm đã có để giải quyết có hiệu quả các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống theo đúng chuẩn mực xã hội”.
1.2.3.2. Mục tiêu chương trình giáo dục kỹ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi
Ở lứa tuổi Mẫu giáo môi trường xã hội của các em thay đổi nhiều, mở rộng từ gia đình, trường lớp đến cộng đồng xã hội. Vì vậy đòi hỏi trẻ phải có những KNXH phù hợp để thích ứng với từng hoàn cảnh cụ thể.
Đặc biệt ở trẻ Mẫu giáo 5-6 tuổi đã biết hành động phù hợp với mục tiêu trong HĐVC cũng như các hoạt động khác. Trẻ thể hiện sự kiên trì, bền bỉ và biết kiềm chế hơn các tuổi trước. Ở tuổi này sự động viên khuyến khích của người lớn có ảnh hưởng rất tích cực và giúp trẻ tự tin hơn vào bản thân mình. Trẻ muốn khẳng định bản thân, trẻ muốn sống và hành động giống như người lớn. Thực tế chúng ta thấy, do đặc trưng tâm lý lứa tuổi trẻ 5-6 tuổi rất thích bắt chước người lớn, làm những việc giống như người lớn vì vậy đây cũng là một điều kiện thuận lợi giúp giáo dục các KNXH trẻ, các hành vi văn hóa đạo đức phù hợp chuẩn mực xã hội.
Theo Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, KNXH được xác định ở các chuẩn và chỉ số sau:
Chuẩn 7: Trẻ thể hiện sự nhận thức về bản thân
Chỉ số 27: Nói được một sô thông tin quan trọng về bản thân và gia đình;
Chỉ số 28: Ứng xử phù hợp với giới tính của bản thân;
Chỉ số 29: Nói được khả năng và sở thích riêng của bản thân;
Chỉ số 30: Đề xuất trò chơi và hoạt động thể hiện sở thích của bản thân
Chuẩn 8: Trẻ tin tưởng vào khả năng của bản thân Chỉ số 31: Cố gắng thực hiện công việc đến cùng;
Chỉ số 32: Thế hiện sự vui thích khi hoàn thành công việc;
Chỉ số 33: Chủ động làm một số công việc đơn giản hằng ngày;
Chỉ số 34: Mạnh dạn nói ý kiến của bản thân.
Chuẩn 10: Trẻ có mối quan hệ tích cực với bạn bè và người lớn
Chỉ số 42: Dễ hòa đồng với bạn bè trong nhóm chơi;
Chỉ số 43: Chủ động giao tiếp với bạn và người lớn gần gũi;
Chỉ số 44: Thích chia sẽ cảm xúc, kinh nghiệm, đồ dùng, đồ chơi với những người gần gũi;
Chỉ số 45: Sẵn sàng giúp đỡ khi người khác gặp khó khăn;
Chỉ số 46: Có nhóm bạn chơi thường xuyên;
Chỉ số 47: Biết chờ đến lượt khi tham gia vào các hoạt động.
Chuẩn 11: Trẻ thể hiện sự hợp tác với bạn bè và mọi người xung quanh
Chỉ số 48: Lắng nghe ý kiến của người khác;
Chỉ số 49: Trao đổi ý kiến của mình với các bạn
Chỉ số 50: Thể hiện sự thân thiện, đoàn kết với bạn bè;
Chỉ số 51: Chấp nhận sự phân công của nhóm bạn và người lớn;
Chỉ số 52: Sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đơn giản cùng người khác
Chuẩn 12: Trẻ có các hành vi thích hợp trong ứng xử xã hội Chỉ số 53: Nhận ra việc làm của mình có ảnh hưởng đến người khác;
Chỉ số 54: Có thói quen chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi và xưng hô lễ phép với người lớn;
Chỉ số 55: Đề nghị sự giúp đỡ của người khác khi cần thiết;
Chỉ số 56: Nhận xét được một số hành vi đúng hoặc sai của con người đối với môi trường;
Chỉ số 57: Có hành vi bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hằng ngày.
Chuẩn 13: Trẻ thể hiện sự tôn trọng người khác Chỉ số 58: Nói được khả năng và sở thích của bạn bè và người thân;
Chỉ số 59: Chấp nhận sự khác biệt giữa người khác với mình;
Chỉ số 60: Quan tâm đến sự công bằng trong nhóm bạn.
Tuy sự phân chia có khác nhau nhưng chung quy lại vẫn xoay quanh bốn nội dung: thể hiện bản thân; thể hiện sự tự lực, tự tin; những hành vi và quy tắc ứng xử xã hội; quan tâm đến môi trường.
Từ những nội dung trên chúng ta có thể xác định được mục tiêu giáo dục KNXH cho trẻ gồm có:
Thể hiện ý thức bản thân:
Trẻ có thể nói được tên, tuổi, giới tính của bản thân, tên bố mẹ, địa chỉ nhà hoặc số điện thoại. Trẻ nói được điều mình thích và không thích, những việc trẻ được làm và không được làm. Nói được điểm giống và khác bạn (về dáng vẻ bề ngoài, giới tính, sở thích và khả năng). Biết được vị trí của mình trong gia đình. Biết vân lời, giúp đỡ người lớn những việc vừa sức [13].
Thể hiện sự tự tin, tự lực:
Tự làm một số việc đơn giản hàng ngày (vệ sinh cá nhân, trực nhật, ...). Trẻ cố gắng hoàn thành công việc được giao [13].
Hành vi và quy tắc ứng xử xã hội
Trẻ thực hiện được một số quy quy định ở lớp, gia đình và nơi công cộng (sau khi chơi biết xếp, cất đồ chơi, không gây ồn ào nơi công cộng, vâng lời người lớn, muốn đi chơi phải xin phép). Trẻ biết chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, lễ phép. Chú ý nghe khi cô, bạn nói với mình; không ngắt lời người khác; biết chờ đến lượt. Biết lắng nghe ý kiến, trao đổi, thỏa thuận, chia sẻ kinh nghiệm với bạn. Biết tìm cách giải quyết mâu thuẫn (dùng lời, nhờ sự can thiệp của người khác, chấp nhận nhường nhịn) [13].
1.2.3.3. Nội dung GDKNXH cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi
Theo Thạc sỹ Tâm lý học Nguyễn Thanh Tú, KNXH là nền tảng cho sự hội nhập của trẻ [65].
KNXH của trẻ Mẫu giáo 5-6 tuổi là một nhóm kỹ năng nằm trong nội dung giáo dục kỹ năng sống thuộc lĩnh vực giáo dục phát triển tình cảm, KNXH cho trẻ Mẫu giáo 5-6 tuổi (các nhóm kỹ năng còn lại trong lĩnh vực này là: Nhóm kỹ năng kiểm soát cảm xúc và nhóm kỹ năng nhận thức về bản thân).
Theo Chương trình GDMN của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo năm 2009 thì nội dung GDKNXH cho trẻ Mẫu giáo 5-6 tuổi gồm:
Hành vi và quy tắc ứng xử xã hội trong sinh hoạt gia đình, trường lớp mầm non, cộng đồng gần gũi:
Bao gồm một số quy định ở lớp, gia đình và nơi công cộng (để đồ dùng, đồ chơi đúng chỗ; trật tự khi ăn, khi ngủ; đi bên phải đường).
- Lắng nghe ý kiến của người khác, sử dụng lời nói, cử chỉ, lễ phép, lịch sự.
- Tôn trọng, hợp tác, chấp nhận
- Yêu mến, quan tâm đến người thân trong gia đình - Quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ bạn.
- Nhận xét và tỏ thái độ với hành vi “đúng” – “sai”, “tốt” – “xấu”.
Quan tâm bảo vệ môi trường:
- Tiết kiệm điện, nước.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường.
- Bảo vệ chăm sóc con vật và cây cối.
Theo Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý và GVMN của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo năm học 2012-2013 thì KNXH của trẻ Mẫu giáo 5-6 tuổi gồm:
Kỹ năng ứng xử phù hợp với những người xung quanh: Lễ phép với người trên; Quan tâm, nhường nhịn em nhỏ; Quan tâm, giúp đỡ bố mẹ những việc vừa sức.
Kỹ năng hợp tác: thể hiện sự thân thiện, hòa thuận với bạn bè;
Chia sẻ và giúp đỡ bạn khi cần thiết; Cùng bạn hoàn thành một việc đơn giản; tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết.
Kỹ năng nhận và hoàn thành nhiệm vụ: Nhận làm một việc trong gia đình phù hợp với trẻ, nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện công việc, hoàn thành công việc đến cùng.
Kỹ năng tuân thủ các quy tắc xã hội: Quy tắc giao thông (đi bộ trên vỉa hè, đi bên phải đường, đi theo tín hiệu giao thông, không chơi dưới lòng đường, tránh xa ao, hồ,...); Quy tắc nơi công cộng (đi nhẹ, nói khẽ, không làm ồn, không chen lấn, không xô đẩy, chờ đợi đến lượt, không bẻ cành, bứt lá, hái hoa, không trêu chọc các con vật,...); Quy tắc khi làm khách (trò chuyện lễ phép, thân mật, chơi vui vẻ với bạn, không quậy phá, la to, không tự ý sử dụng, di chuyển đồ đạc của chủ nhà,...).
Kỹ năng giao tiếp lịch sự, lễ phép: Kỹ năng lắng nghe (nghe chăm chú, nhìn vào mắt người đối thoại; không ngắt lời, không nói leo); Kỹ năng thân thiện (Chào hỏi khi gặp gỡ, tạm biệt khi chia tay, cảm ơn khi được giúp đỡ, xin lỗi khi làm phiền; lễ phép với người trên, tôn trọng bạn, nhường nhịn em bé bằng cử chỉ đúng mực, câu nói đầy đủ); Kỹ năng bày tỏ ý kiến: mạnh dạn nói lên ý kiến, đề nghị của mình.
Kỹ năng tự phục vụ: tự cởi, mặc áo, sử dụng nhà vệ sinh, xếp đồ dùng cá nhân gọn gàng.
Theo Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý và GVMN của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo năm học 2013-2014 thì KNXH của trẻ Mẫu giáo 5-6 tuổi chia ra thành ba nội dung chính:
Một là, ý thức về bản thân
Thể hiện sở thích, khả năng của bản thân. Biết được điểm giống và khác nhau giữa mình với người khác. Bước đầu ý thức được vị trí, trách nhiệm của bản thân trong gia đình và lớp học. Thực hiện các công việc được giao. Chủ động độc lập trong một số hoạt động. Mạnh dạn, tự tin bày tỏ ý kiến
Hai là, hành vi và quy tắc ứng xử xã hội
Biết được một số quy định ở lớp, gia đình và nơi công cộng. Lắng nghe ý kiến của người khác, sử dụng cử chỉ, lời nói lễ phép, lịch sự. Tôn trọng, hợp tác, chấp nhận. Yêu mến, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ bạn. Nhận xét và tỏ thái độ với hành vi “đúng – sai”, “tốt – xấu”.
Ba là, quan tâm đến môi trường
Tiết kiệm các nguồn vật liệu, nhiên liệu. Giữ gìn vệ sinh môi trường. Bảo vệ, chăm sóc con vật và cây cối.
Theo tác giả Lê Bích Ngọc, nội dung GDKNXH cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi gồm:
Kỹ năng hợp tác: dễ dàng kết bạn, thân ái chơi chung, cùng hoàn thành một việc đơn giản theo nhóm, hỗ trợ lẫn nhau, tìm kiếm sự giúp đỡ.
Kỹ năng nhận và hoàn thành nhiệm vụ: nhận một công việc trong gia đình phù hợp với lứa tuổi; nổ lực vượt qua khó khăn; hoàn thành công việc đến cùng.
Kỹ năng thực hiện các quy tắc xã hội: quy tắc giao thông; quy tắc nơi công cộng; quy tắc trong vườn cây, trại chăn nuôi; quy tắc khi làm khách.
Kỹ năng giữ gìn đồ dùng, đồ chơi: sử dụng nhẹ nhàng; không quăng, ném, vứt bừa bãi; để đồ chơi đúng nơi quy định, gọn gàng, sạch sẽ; tiết kiệm đồ dùng.
Kỹ năng quý trọng đồng tiền: biết tiền là do lao động của bố mẹ làm ra, tiền cần thiết cho mọi người; đếm tiền; tiết kiệm tiền.
Những nội dung GDKNXH trên đây được ghi nhận làm cơ sở lý luận cho việc khảo sát thực trạng GDKNXH cho trẻ Mẫu giáo 5-6 tuổi.
Ngoài ra, một khái niệm liên quan mật thiết với kỹ năng sống cũng như kỹ năng xã hội đó là hành vi văn hóa.