Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ GIÁO DỤC
1.5. Hoạt động vui chơi và vai trò của nó đối với sự phát triển của trẻ
Hoạt động vui chơi là một trong các loại hình hoạt động của trẻ ở trường mầm non, là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo được người lớn tổ chức, hướng dẫn nhằm giúp trẻ thỏa mãn các nhu cầu vui chơi và nhận thức, đồng thời nhằm giáo dục và phát triển toàn diện cho trẻ ở lứa tuổi này [14].
1.5.2. Những đặc trưng cơ bản của HĐVC
Khác với các hoạt động khác, HĐVC có những đặc thù riêng. Bởi vì, HĐVC không phải là hoạt động tạo ra sản phẩm và hành động chơi không buộc phải tuân theo một phương thức chặt chẽ [50].
Động cơ thỏa mãn trong quá trình chơi:
Trẻ càng lớn lại nảy sinh càng nhiều mâu thuẫn giữa khả năng có hạn và nhu cầu ngày một nâng cao. HĐVC giúp trẻ giải quyết được mâu thuẫn trên, vì vậy chơi là nhu cầu rất tự nhiên của trẻ. Động cơ chơi nằm ngay trong quá trình chơi của trẻ.
Trong khi chơi trẻ thấy được sự hấp dẫn, lôi cuốn của trò chơi càng làm cho trẻ thích thú say sưa hơn với trò chơi. Chơi chỉ với mục đích là để thỏa mãn nhu cầu chơi, hoàn toàn không có sự bắt buộc, gượng ép. Chính vì thế, HĐVC mang tính tự nguyện rất cao.
Tính kí hiệu, tượng trưng:
Trẻ có vốn kinh nghiệm càng phong phú thì càng sử dụng được nhiều ký hiệu tượng trưng phục vụ cho trò chơi một cách hiệu quả hơn. Và trong quá trình chơi xuất hiện những tình huống cần sử dụng ký hiệu tượng trưng, đòi hỏi trẻ phải tưởng tượng sáng tạo và học hỏi được thêm kinh nghiệm từ trò chơi. Cũng nhờ có trí tưởng tượng, sáng tạo ra những ký hiệu tượng trưng mà trẻ kéo gần khoảng cách giữa trò chơi và xã hội thực của người lớn, và cũng nhờ đó mà trẻ như có thể hòa vào cuộc sống người lớn rất tự nhiên.
Tính tự do:
Tính tự do thể hiện rất rõ trong HĐVC vì GVMN không được áp đặt trẻ từ nội dung chơi, hình thức chơi, cách chơi, bạn chơi, vai chơi,... mà tất cả đều giao quyền cho trẻ, trẻ tự nghĩ ra, tự điều khiển cuộc chơi và tự dừng khi hết hứng thú chơi.
Giáo viên không được phép áp đặt ý muốn chủ quan của mình lên trẻ, không được can thiệp sâu vào ý đồ chơi của trẻ, không bắt buộc trẻ. GVMN chỉ đóng vai trò gợi mở, hướng dẫn cho trẻ khi cần thiết và động viên khuyến khích trẻ để trẻ duy trì hứng thú chơi.
Tính tích cực, giàu cảm xúc chân thực:
Một nhà giáo dục nào đó đã nói “trẻ em là những nhà thám hiểm bẩm sinh”, trẻ em muốn biết tất cả về thế giới xung quanh vì thế các bé tích cực nhận thức, sự tích cực ấy thể hiện qua sự thôi thúc muốn tìm tòi, khám phá, nhận thức thế giới xung quanh bằng tất cả các giác quan của mình.
Cảm xúc của trẻ thể hiện tích cực qua trò chơi, trẻ vui theo nhân vật, trẻ buồn theo nhân vật, trẻ sợ hãi hoặc vui mừng cũng theo nhân vật. Cảm xúc ấy không thể giả tạo, khi chơi trẻ thật sự hòa mình vào nhân vật và sống cùng nhân vật.
Tính tự lực, tự điều khiển:
Vì HĐVC mang tính tự nguyện cao nên trẻ càng phát huy được tính chủ động, tích cực của mình. Từ đó dẫn đến nhiều ý tưởng mới, sáng kiến mới trong trò chơi. Trẻ có thể tự tổ chức và điều khiển trò chơi theo mong muốn của mình và của nhóm bạn.
Sở dĩ tính tự lực của trẻ cao là vì trẻ đang thỏa mãn nhu cầu của chính mình chứ không phải làm việc cho người khác hay vì phải hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bản chất xã hội sâu sắc:
Đó là nguồn gốc sâu xa của trò chơi. Quá trình hình thành hoạt động chơi của trẻ diễn ra theo cơ chế kế thừa kinh nghiệm lịch sử xã hội với con đường giáo dục là căn bản. Người lớn bằng phương pháp hướng dẫn đúng đắn có vai trò chủ đạo đối với sự hình thành và phát triển hoạt động chơi của trẻ, đảm bảo phát huy vai trò giáo dục nhiều mặt của hoạt động chơi [18].
Nội dung, chủ đề của các trò chơi đều gắn liền với cuộc sống thường nhật của trẻ, phản ánh chân thực nhất những gì diễn ra trong cuộc sống và trẻ tái hiện lại nó dưới con mắt trẻ thơ vì vậy trong tất cả các trò chơi đều mang bản chất xã hội sâu sắc. Trẻ đóng vai bà, mẹ, chị, bác sỹ, kỹ sư,... đều là những mối quan hệ rất mật thiết với trẻ và để lại cho trẻ không ít ấn tượng.
Đặc biệt trong trò chơi giúp rèn luyện cho trẻ những KNXH cần thiết như sự lễ phép, kính trọng người lớn; sự tuân thủ các luật lệ quy định trong xã hội; sự chia
sẻ, nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau; sự tự tin thể hiện bản thân và quan tâm đến môi trường.
Bộc lộ cái riêng của mình
Mỗi đứa trẻ lớn lên trong một môi trường khác nhau, mang những di truyền khác nhau và nhân cách cũng khác nhau. Nên khi tham gia trò trẻ được tự do thể hiện bản tính riêng của mình. Có trẻ mạnh mẽ, có trẻ nhút nhát, có trẻ thân thiện gần gũi nhưng có trẻ lại rất xa cách, qua trò chơi giáo viên có thể tận dụng cơ hội này để quan sát mà nắm bắt được tính cách khác nhau của mỗi bé từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp hơn. Giáo viên nên khuyến khích động viên trẻ hòa nhập vào nhóm chơi, đây cũng là cơ hội GDKNXH xã hội cho trẻ rất hữu ít.
Tóm lại, HĐVC có những đặc trưng riêng và phù hợp với lứa tuổi Mẫu giáo nên nó đã hiển nhiên trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi đứa trẻ.
1.5.3. Ý nghĩa của HĐVC đối với sự phát triển của trẻ
Như nhà giáo dục xô viết A.X.Macarencô đã khẳng định: “Trò chơi có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống trẻ em, có ý nghĩa như ý nghĩa của hoạt động, công tác và sự phục vụ của người lớn vậy. Trong khi chơi trẻ như thế nào thì sau này, khi lớn lên, trong công tác, phần lớn trẻ sẽ như thế ấy. Do đó, việc giáo dục những nhà hoạt động tương lai bắt đầu trước tiên từ trò chơi” [15].
Hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo:
HĐVC giúp trẻ thể hiện được bản thân như tính độc lập và tập khẳng định “cái tôi” thông qua “xã hội trẻ em”. Khi tham gia HĐVC trẻ thực sự là một chủ thể tích cực. Trẻ có thể tạo ra các tình huống và giải quyết nó, trẻ có thể bày tỏ tình cảm của mình một cách tự nhiên nhất mà không bị lệ thuộc vào bất cứ yếu tố nào. Các kỹ năng của trẻ được hình thành trong HĐVC và ngược lại các kỹ năng này giúp trẻ chơi tốt hơn. Mặt khác, HĐVC trở thành hoạt động chủ đạo của trẻ vì nó chi phối tất cả các hoạt động khác của trẻ, nó ảnh hưởng lớn đến các mặt phát triển của trẻ như nhận thức, tình cảm, KNXH, ngôn ngữ,... là nền tảng của việc hình thành và phát triển nhân cách ở trẻ.
HĐVC là phương tiện giáo dục và phát triển toàn diện cho trẻ:
Khi tham gia HĐVC, trẻ không những vận dụng những hiểu biết, những kỹ năng đã có vào trò chơi mà những kiến thức, kỹ năng mới cũng sẽ được hình thành trong quá trình chơi. Khi chơi trẻ xuất hiện mâu thuẫn giữa kiến thức và kỹ năng hiện có với yêu cầu mới của trò chơi. Bởi thế muốn chơi tốt trẻ phải ra sức học hỏi những kiến thức mới và rèn luyện những kỹ năng mới. Thông qua trò chơi, giúp trẻ hiểu sâu sắc về thế giới xung quanh, cũng cố, mở rộng và chính xác hóa các biểu tượng. Từ đó, nảy sinh nhu cầu có tri thức mới, thúc đẩy phát triển các quá trình tâm lý nhận thức và tính tích cực, sáng tạo của trẻ ngày càng được nâng lên một cách tự nhiên. Đây còn là điều kiện, phương tiện rèn luyện các giác quan.
Trong quá trình chơi, đặc biệt là trò chơi đóng vai theo chủ đề, trẻ học được cách chia sẻ, quan tâm, thông cảm, yêu thương người khác, thể hiện bản thân đúng với các chuẩn mực của xã hội. Có thể nói rằng vui chơi là cầu nối quan trọng giữa trẻ với các qui tắc đạo đức, các hành vi văn hóa, giúp quá trình hình thành các phẩm chất đạo đức ở trẻ diễn ra dễ dàng, tự nhiên và bền vững hơn. Trong HĐVC trẻ lĩnh hội và trau dồi những phẩm chất đạo đức dũng cảm, thật thà,...
Các nhà khoa học đã chứng minh, HĐVC mang lại niềm vui, sự thích thú, tinh thần sảng khoái, thúc đẩy phát triển thể lực cho trẻ. Ví dụ như các trò chơi sáng tạo mang lại sự thích thú, vui vẻ khi sáng tạo ra cái mới còn các trò chơi vận động thì giúp đẩy mạnh trao đổi chất, tăng cường hô hấp và tuần hoàn máu, giúp trẻ phát triển thể chất và hoàn thiện các vận động cở bản, ngoài ra còn giúp các giác quan linh hoạt, hệ thần kinh nhạy bén hơn nhưng một điều không thể thiếu là cần có sự hướng dẫn của giáo viên.
Hoạt động vui chơi còn là phương tiện giáo dục và phát triển thẩm mỹ cho trẻ mẫu giáo vì thông qua các trò chơi, trẻ cảm nhận được cái đẹp của sự phong phú đa dạng ở màu sắc, hình khối, kích thước của đồ chơi,... bên cạnh đó, trẻ còn có thể cảm nhận được cái đẹp trong khi trẻ thực hiện vai chơi như lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ thân thiện, cách cư xử hòa nhã với mọi người xung quanh,... Từ đó hình thành ở trẻ thị hiếu về cái đẹp, yêu thích cái đẹp và có nhu cầu, hứng thú tạo ra cái đẹp.
Thông qua HĐVC mà trẻ lĩnh hội được các thao tác, hành vi, kỹ năng lao động đơn giản. Dần dần hình thành ở trẻ lòng yêu lao động. Ngoài ra, trẻ còn biết quý trọng những người lao động và các sản phẩm lao động.
Đặc biệt, HĐVC là phương tiện giáo dục và phát triển KNXH cho trẻ mẫu giáo. Trong quá trình chơi, dưới sự hướng dẫn, giao tiếp với cô và với bạn, trẻ sẽ hình thành được một số KNXH như: biết chia sẻ đồ chơi với bạn, biết chờ đến lượt, biết yêu cầu giúp đỡ khi gặp khó khăn, ...Ngược lại, nhờ có KNXH mà trẻ tham gia HĐVC được tốt hơn. Có thể nói, HĐVC và KNXH có mối tương tác qua lại lẫn nhau rất rõ rệt, KNXH là điều kiện để trẻ tham gia HĐVC; HĐVC là nền tảng để hình thành và phát triển KNXH cho trẻ.
Tóm lại, HĐVC có vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ.
Đặc biệt quan trọng hơn với việc hình thành và phát triển KNXH cho trẻ. Vì thế GVMN cần chú trọng đến việc tổ chức cho trẻ tham gia HĐVC thường xuyên, đúng phương pháp và đồng thời có những biện pháp giáo dục phù hợp cũng như tận dụng các cơ hội nảy sinh trong HĐVC để GDKNXH nói riêng và phát triển toàn diện cho trẻ nói chung.