Đề xuất một số biện pháp phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi

Một phần của tài liệu Thực trạng giáo dục kỹ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi (Trang 89 - 99)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG XÃ HỘI CHO TRẺ MẪU GIÁO 5-6 TUỔI TRONG HOẠT ĐỘNG VUI CHƠI

2.4. Đề xuất biện pháp giáo dục nhằm phát triển KNXH cho trẻ 5-6 tuổi

2.4.3. Đề xuất một số biện pháp phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi

2.4.3.1 Biện pháp 1: Nâng cao nhận thức của GVMN và phụ huynh về sự cần thiết của việc GDKNXH cho trẻ

 Mục đích:

Đảm bảo cho GVMN và phụ huynh hiểu được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của KNXH đối với sự phát triển toàn diện nhân cách của trẻ. Từ đó, GVMN và phụ huynh sẽ có được nhận thức đúng đắn hơn và có biện pháp GDKNXH cho trẻ tốt hơn.

 Nội dung:

Sử dụng các biện pháp tuyên truyền gần gũi với cả GVMN và phụ huynh, giới thiệu cho phụ huynh nội dung chương trình GDKNXH cho trẻ và chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi.

Tận dụng các câu chuyện có trong cuộc sống, những tấm gương thành đạt nhờ có KNXH tốt để chứng minh sự cần thiết của KNXH với trẻ.

 Tổ chức thực hiện:

 Đối với GVMN: qua các cuộc họp hội đồng, họp chuyên môn định kỳ, BGH cần giải thích, tuyên truyền cho đội ngũ GVMN hiểu được tầm quan trọng của KNXH đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Khuyến khích các cô sử dụng các biện pháp linh hoạt, sáng tạo để GDKNXH cho trẻ một cách thường xuyên và liên tục. Có đánh giá định kỳ để khen thưởng các cô có thành tích GDKNXH cho trẻ tốt.

 Đối với phụ huynh: qua các cuộc họp phụ huynh ở mỗi học kỳ, nhà trường tuyên truyền để phụ huynh hiểu rõ sự cần thiết của KNXH đối với sự phát triển nhân cách trẻ cũng như cho sự thành công trong sự nghiệp sau này. Khuyến khích, nhắc nhở phụ huynh hợp tác, đồng hành cùng nhà trường để GDKNXH cho

trẻ một cách thống nhất. Yêu cầu phụ huynh thường xuyên theo dõi bảng tuyên truyền của trường và của nhóm lớp để nắm được nội dung GDKNXH cho trẻ ở mỗi chủ đề khác nhau.

2.4.3.2 Biện pháp 2: Đưa nội dung GDKNXH cho trẻ vào giáo án giảng dạy HĐVC hàng ngày của GVMN.

 Mục đích:

Giúp cho GVMN lựa chọn những nội dung GDKNXH cho trẻ theo trật tự logic, không bỏ sót một KNXH nào cũng như không chồng chéo các nội dung GDKNXH. Đồng thời giúp BGH kiểm tra được dễ dàng hơn. Đây là một biện pháp giáo dục tích hợp vừa phù hợp với xu hướng giáo dục hiện nay vừa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý trẻ.

 Nội dung:

Căn cứ vào nội dung GDKNXH cho trẻ Mẫu giáo 5-6 tuổi trong chương trình khung và bộ chuẩn đánh giá trẻ 5 tuổi của Bộ Giáo dục và đào tạo để GVMN lựa chọn những nội dung phù hợp với trẻ lớp mình và đưa vào giáo án giảng dạy HĐVC hàng ngày một cách phù hợp.

 Tổ chức thực hiện:

Phòng GD & ĐT cùng với BGH nhà trường cần có tài liệu tập huấn, hướng dẫn GVMN soạn giáo án với những tiêu chí nhất định để đưa KNXH tích hợp vào trong HĐVC cụ thể, rõ ràng cho từng ngày, từng tuần, từng tháng không soạn giáo án một cách chung chung, hình thức.

BGH cần kiểm tra định kỳ về việc GDKNXH cho trẻ của GVMN, đưa nó vào một trong những tiêu chí xếp loại GV.

2.4.3.3 Biện pháp 3: Tận dụng tối đa các cơ hội nảy sinh trong HĐVC hoặc tạo ra tình huống để GDKNXH cho trẻ.

 Mục đích:

Giúp cho GVMN linh hoạt trong việc GDKNXH cho trẻ, không bỏ sót những tình huống có vấn đề nảy sinh trong HĐVC giữa trẻ với trẻ, trẻ với cô hay giữa trẻ với đồ chơi. Hoặc cô tạo ra những tình huống hấp dẫn, mang tính có vấn đề để cho

trẻ giải quyết. Đây là cách GDKNXH hiệu quả vì nó diễn ra một cách tự nhiên, không áp đặt, nó nảy sinh từ chính đứa trẻ hoặc khi trẻ giải quyết được những tình huống cô đưa ra trong trò chơi một cách thuần thục trẻ sẽ học được KNXH cần thiết cũng như mở rộng vốn kinh nghiệm và dễ dàng giải quyết các tình huống tương tự khi gặp trong cuộc sống thực tế của trẻ.

 Nội dung:

Trong HĐVC có rất nhiều tình huống nảy sinh mà trẻ không giải quyết được hoặc trẻ xung đột với nhau. Đây là những cơ hội để GVMN tận dụng nhằm GDKNXH cho từng trẻ hoặc từng nhóm trẻ một cách hiệu quả nhất.

GVMN có thể tạo ra những tình huống trong trò chơi để GDKNXH cho trẻ như là: thiếu đồ chơi, chen lấn nhau khi mua hàng, bạn cần giúp đỡ,... Giáo viên gợi mở, khuyến khích trẻ đặt mình vào hoàn cảnh của bạn để giải quyết cho phù hợp...

 Tổ chức thực hiện:

Trong giờ HĐVC, GVMN cần quan sát các góc chơi một cách sát sao nhất nhằm tận dụng tốt tất cả các cơ hội nảy sinh trong quá trình chơi để GDKNXH cho trẻ đồng thời tạo ra những tình huống để trẻ suy nghĩ và giải quyết.

Không làm thay trẻ, không áp đặt trẻ, không làm trẻ xấu hổ với bạn bè mà phải tôn trọng trẻ, nhẹ nhàng chỉ cho trẻ thấy những việc gì cần làm và việc gì không nên làm để trẻ tự rút kinh nghiệm. Ví dụ: hai bạn A đánh bạn B cô không bắt bạn A xin lỗi B mà phải tìm hiểu nguyên nhân, giải thích việc làm của hai bạn là đúng hay sai, vì sao và gợi ý hai bạn phải làm gì cho đúng, khuyến khích bé tự đưa ra các giải pháp.

Khi tạo ra các tình huống cô cần dựa vào các trò chơi, sự việc đang diễn ra và hứng thú của trẻ. Cũng tùy vào trình độ nhận thức và vốn kinh nghiệm của mỗi nhóm trẻ mà yêu cầu giải quyết tình huống ngày một nâng cao hơn. Khi trẻ giải quyết tình huống cũng rất cần có sự quan sát của cô để điều chỉnh, nhắc nhở, giúp đỡ cho trẻ khi cần cũng như biểu dương trẻ kịp thời nhằm tăng sự phấn khởi và duy trì hứng thú chơi của trẻ.

2.4.3.4 Biện pháp 4: Đảm bảo giờ chơi thật sự tự do, tự nguyện nhưng tính kỹ luật và trật tự cao.

 Mục đích:

Điều này vừa giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu được chơi vui vẻ của trẻ vừa đảm bảo được tính tự do, tự nguyện trong kỹ luật và trật tự. Bản thân biện pháp tổ chức này cũng đã giúp trẻ học được nhiều KNXH cần thiết như biết chờ đến lượt, biết chơi vui vẻ trong nhóm, biết hợp tác với bạn, biết vị trí dành cho mình, không tranh giành góc chơi với bạn, biết thể hiện bản thân, có hành vi đúng chuẩn mực,...

 Nội dung:

Nội dung của biện pháp này là cách tổ chức, quy ước để trẻ tham gia vào HĐVC một cách tự nguyện và biết chờ đến lượt. Tránh được trường hợp trẻ bị gượng ép vào một trò chơi mà trẻ không thích hoặc chơi quá lâu ở một góc chơi, điều này làm trẻ chán dẫn tới hiệu quả GDKNXH của HĐVC không như mong đợi thậm chí còn kiềm hãm sự phát triển của trẻ.

 Tổ chức thực hiện:

Trong giờ HĐVC, GVMN làm cho mỗi trẻ có một thẻ đeo và có ký hiệu riêng.

Cô cùng trẻ thỏa thuận và quy ước số lượng trẻ chơi ở mỗi góc sao cho cân đối phù hợp.

Cho trẻ thảo luận bàn bạc với nhau xem thích chơi ở góc nào. Khi vào góc chơi, trẻ phải treo thẻ của mình vào đúng vị trí của góc chơi. Trẻ đến sau phải đếm số lượng xem góc chơi đó đã đủ người chưa, nếu đã đủ số người chơi thì trẻ phải tìm một góc khác. Sau khi kết thúc chơi ở góc này nếu trẻ có nhu cầu chơi ở góc khác thì trẻ mang thẻ của mình đến góc khác và kiểm tra số người chơi như ban đầu.

Trong lúc chơi cô cần quan sát, nắm rõ các góc chơi, đánh giá sự tự nguyện của trẻ và giúp trẻ điều chỉnh hành vi của mình kịp thời.

2.4.3.5 Biện pháp 5: Thiết kế các trò chơi phong phú hơn để mở rộng nội dung GDKNXH cho trẻ.

 Ý nghĩa:

Mỗi loại trò chơi đều có một thế mạnh về giáo dục riêng, vì vậy việc thiết kế các trò chơi phong phú đa dạng vừa có thể hấp dẫn lôi cuốn trẻ vừa mở rộng nội dung giáo dục trẻ và khai thác được hết thế mạnh của từng loại trò chơi.

Vì trẻ học qua chơi nên các trò chơi càng mới lạ sẽ giúp trẻ không nhàm chán và mang lại hiệu quả giáo dục cao.

Hai loại trò chơi được cho là ít tạo ra cơ hội GDKNXH đó là TCHT và TCXD. Chúng ta nên chú trọng hơn và thiết kế nội dung chơi cho hai góc chơi này sinh động, phong phú hơn và chứa đựng nội dung GDKNXH cho trẻ nhiều hơn.

 Trò chơi học tập:

Góc học tập thường được xem là góc để ôn luyện tri thức. Chúng ta cần tận dụng góc này để mở rộng nội dung GDKNXH cho trẻ. Ngoài những trò chơi như nối số, xếp thứ tự các dãy số, đếm số lượng, tô màu theo yêu cầu,...GVMN cần thiết kế các nội dung để GDKNXH cho trẻ ví dụ như:

Phân loại những hành vi đúng và hành vi sai:

Cô giáo chuẩn bị các thẻ hình có cả hành vi đúng và sai (đánh bạn, giành đồ chơi, chen lấn xô đẩy nhau, xả rác bừa bãi và xếp hàng, dỗ dành bạn, nhường đồ chơi, lễ phép với người lớn, bỏ rác đúng nơi quy định,... Các bạn trong góc học tập chia nhau lên dán các thẻ hình có hành vi đúng vào khung có mặt cười và hành vi sai vào khung có mặt mếu. Trong nhóm kiểm tra lẫn nhau. Cô giáo quan sát, hổ trợ và giáo dục trẻ hiểu thêm và để trẻ giải thích vì sao hành vi này đúng hành vi kia sai...

Mục đích của trò chơi này là giúp trẻ phân định được rõ ràng những hành vi đúng được xã hội chấp nhận và những hành vi sai trái cần tránh trong cuộc sống thực tế của trẻ. Giúp trẻ có thêm kinh nghiệm sống cũng như cách hành xử đúng chuẩn mực.

Bé sẽ làm gì nếu...?

Cô chuẩn bị những bức tranh về GDKNXH cho trẻ. Đàm thoại với trẻ hoặc cả nhóm về bức tranh (tranh có một em bé bị té ngã hoặc một bạn nhỏ đang có bong bóng vướng trên cây cao,...) cho trẻ đặt mình vào các nhân vật

trong tranh để giải quyết rắc rối đang gặp phải hoặc làm gì để giúp đỡ nhân vật trong tranh.

Bài tập này là một dạng tình huống, khi trẻ giải quyết được sẽ giúp trẻ có kinh nghiệm để giải quyết các tình huống trong thực tế cuộc sống của trẻ.

Khi cho trẻ thực hành bài tập cô cần quan sát, gợi mở, giúp đỡ trẻ khi cần thiết và GDKNXH trong từng tình huống.

 Trò chơi xây dựng:

GVMN bàn bạc thảo luận với trẻ để giúp trẻ có nhiều ý tưởng trong xây dựng công trình. Mỗi tuần xây dựng một công trình nhưng phải có yếu tố mới để tránh sự lặp đi lặp lại gây nhàm chán cho trẻ.

Ví dụ: Xây công viên: Ngày đầu trẻ xây hàng rào, cây xanh, khu tập thể dục. Qua ngày thứ hai, gợi ý để trẻ xây thêm khu giải trí và phân bố cây xanh hợp lý hơn. Ngày thứ ba, xây thêm hồ bơi cho trẻ em. Ngày thứ tư, thêm ghế đá, xích đu. Ngày thứ năm, hoàn thiện công trình với đầy đủ các khu vực và cây xanh.

Khuyến khích trẻ thực hiện công việc đến cùng, không bỏ dở nửa chừng, biết mạnh dạn đưa ra ý kiến, lắng nghe ý kiến của bạn, thảo luận, bàn bạc với nhóm và biết phân công thực hiện.

2.4.3.6 Biện pháp 6: Xây dựng môi trường chơi mang tính có vấn đề.

 Mục đích:

Môi trường ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của trẻ em, đặc biệt là ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi văn hóa và là điều kiện để trẻ rèn luyện và phát triển các KNXH.

Như Murphy khẳng định vai trò của việc sắp xếp môi trường giáo dục: “Khi một vườn trẻ có môi trường ộp ẹp nhưng biết cách sắp xếp, tổ chức nó thành công thì môi trường giáo dục nổi bật lên như một mảng gương chiếu sáng trên các phông nền ảm đạm...” [Thái Duy Tuyên (1998), Những vấn đề cơ bản của giáo dục học hiện đại, NXBGD, Hà Nội]. Đúng vậy, việc bổ sung, thay đổi, sắp xếp đồ chơi tạo

cho trẻ sự hấp dẫn và duy trì hứng thú khi tham gia trò chơi. Đây còn là biện pháp giúp giải quyết sự thiếu thốn về cơ sở vật chất ở các trường mầm non hiện nay.

Hơn thế nữa, việc xây dựng môi trường chơi có vấn đề nhằm giúp trẻ tư duy giải quyết vấn đề, nảy sinh những sáng kiến mới và hành xử đúng mực với bạn chơi. Đây vừa là nhiệm vụ vừa là biện pháp GDKNXH cần thiết cho trẻ.

 Nội dung:

Từ việc trang bị đồ chơi đến việc sắp xếp đồ chơi cần phải có kế hoạch chuẩn bị theo ý đồ giáo dục của cô để đáp ứng được mục tiêu giáo dục và nhu cầu hứng thú của trẻ. Luôn luôn tạo sự mới lạ, hấp dẫn đối với trẻ và tiện lợi khi sử dụng là tiêu chí hàng đầu trong xây dựng môi trường chơi cho trẻ trong HĐVC. Ngoài ra, môi trường cần khơi gợi được ở trẻ những xúc cảm thẩm mỹ, đây là cơ sở để hình thành các hành vi đẹp, và các KNXH phù hợp. còn yếu tố không thể thiếu trong việc xây dựng môi trường đó là vệ sinh và an toàn tuyệt đối cho trẻ.

Động viên, khuyến khích, tạo cơ hội cho trẻ cùng tham gia xây dựng môi trường chơi với GV. Từ việc làm đồ dùng đồ chơi đến việc trang trí và sắp xếp phải là sự phối hợp giữa GV và trẻ.

 Tổ chức thực hiện:

Trước tiên, là việc làm đồ dùng đồ chơi. Thảo luận bàn bạc với trẻ xem cần những loại đồ chơi nào, cô gợi ý, định hướng để trẻ lựa chọn không quá xa chủ đề thực hiện. Cho trẻ chủ động phân công công việc làm đồ dùng, đồ chơi.

Tiếp theo, cô có thể tạo tình huống có vấn đề bằng việc phân chia không gian chơi bất thường so với hằng ngày, không phù hợp với từng góc chơi. Ví dụ như góc xây dựng thường ngày chiếm vị trí rất rộng hôm nay cô xếp cho góc xây dựng ở một vị trí chật hẹp, khó di chuyển,...Theo dõi phản ứng của trẻ như thế nào, cô tận dụng cơ hội để giáo dục KNXH cho trẻ như: biết nhờ sự giúp đỡ của người khác khi gặp khó khăn, biết hợp tác với bạn trong nhóm, bàn bạc thảo luận với nhóm khác để có không gian chơi phù hợp hơn,...

Thứ hai, về đồ chơi, cô không cung cấp đủ đồ chơi như mọi ngày, mà có thể bỏ thêm vào nhiều đồ chơi hoặc lấy bớt đi vài đồ chơi hoặc để đồ chơi không đúng

vị trí,...để trẻ tìm và giải quyết vấn đề của góc chơi. Quan sát thái độ của nhóm chơi, giáo dục được các KNXH như: nhường nhịn bạn, lắng nghe ý kiến của bạn, biết chờ đến lượt, biết cảm ơn khi được cho đồ chơi,...

Lắng nghe cách giải quyết của trẻ và cùng trẻ sắp xếp lại cho phù hợp.

2.4.3.7 Biện pháp 7: Tạo không khí vui vẻ, gần gũi, thân thiện giữa cô và trẻ trong quá trình chơi.

 Mục đích:

Giúp trẻ vui chơi thoải mái tích cực, luôn có cảm giác an toàn và tự do, giúp cho việc giáo dục đạt hiệu quả như mong đợi. Vì vậy, việc tạo môi trường tâm lý thân thiện, gần gũi giữa cô và trẻ là một sự kích thích lớn đến hứng thú hoạt động của trẻ. Giúp trẻ nảy sinh được nhiều ý tưởng mới, tích cực hoạt động và rèn luyện kỹ năng của mình.

Ngoài ra, khi cô tạo được mối liên hệ thân thiện với trẻ thì trẻ cũng học hỏi và

“bắt chước” cô giữ mối đoàn kết, gắn bó, thân tình với các bạn trong lớp. Là điều kiện để giáo dục tính hợp tác cho trẻ. Đồng thời giúp trẻ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn, tự tin thể hiện ý tưởng của mình và mạnh dạn khám phá tri thức.

 Nội dung và cách tiến hành:

Cô phải nhẹ nhàng, chân tình, gần gũi với trẻ, không quát mắng trẻ. Vui chơi là phải chấp nhận tiếng ồn, không phải lúc nào cô cũng bảo trẻ “Im lặng, ồn quá”, điều này sẽ làm mất hứng thú chơi của trẻ.

GVMN nên kiểm soát được cảm xúc bản thân, lúc nào cũng phải giữ sự hòa nhã, nhẹ nhàng với trẻ không riêng gì trong HĐVC mà trong tất cả các hoạt động.

Khi tham gia HĐVC với trẻ cô không nên lấy uy quyền để áp đặt trẻ mà phải thực sự là người bạn đồng hành cùng trẻ.

GVMN cần khen ngợi trẻ nhiều hơn là tìm ra lỗi để la trẻ. Cần chú trọng đến quá trình trẻ thực hiện nhiệm vụ chơi nhiều hơn là kết quả đạt được. Việc này sẽ làm trẻ không bị áp lực và chơi được vui vẻ, tự nhiên hơn. Về phần cô cũng có cách đánh giá trẻ thoáng hơn, dễ chịu hơn.

Một phần của tài liệu Thực trạng giáo dục kỹ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi (Trang 89 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)