Tổng quan các nghiên cứu tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Thực trạng quản lý chất thải y tế tại bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh năm 2015 2016 và hiệu quả giải pháp giám sát chủ động (Trang 41 - 47)

1.4.1. Thực trạng phát sinh chất thải y tế tại Việt Nam

Hiện nay, trên cả nước có gần 13.547 cơ sở y tế, bao gồm các cơ sở khám chữa bệnh thuộc các tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, bệnh viện ngành và bệnh viện tư nhân. Tổng lượng CTR phát sinh từ các cơ sở y tế vào khoảng 450 tấn/ngày, trong đó có 47 tấn/ngày là CTRYT nguy hại phải được xử lý bằng những biện pháp phù hợp. Tổng lượng nước thải y tế phát sinh tại các cơ sở khám, chữa bệnh cần xử lý trên toàn quốc khoảng 300.000 m3/ngày [7].

Cùng với sự phát triển và sự tăng nhanh về số lượng giường bệnh điều trị, khối lượng phát sinh CTR từ các hoạt động y tế có chiều hướng ngày càng gia tăng. CTR y tế trong bệnh viện bao gồm hai loại là CTR sinh hoạt và chất thải rắn y tế nguy hại. Theo thống kê, mức tăng chất thải y tế hiện nay là 7,6%/năm. Ước tính năm 2020 sẽ là 800 tấn/ngày. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, qua khảo sát của Sở Y tế, lượng CTR y tế từ hoạt động khám chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong năm 2014 là khoảng gần 3.000 tấn [8].

Về khí thải y tế nguy hại, lượng phát sinh chủ định từ hoạt động chuyên môn của ngành y tế không nhiều, chủ yếu phát sinh từ các cơ sở y tế có các phòng thí nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo y dược. Tuy nhiên

lượng khí thải hình thành không chủ định từ hoạt động xử lý chất thải y tế vẫn còn chưa được kiểm soát [2].

1.4.2. Thực trạng quản lý và các phương pháp xử lý chất thải y tế tại Việt Nam

Ngay sau khi Luật BVMT năm 2014 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu, trong đó chất thải y tế được quy định là chất thải đặc thù với những quy định riêng, phù hợp với điều kiện thực tế. Tiếp đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành Thông tư số 36/2015/TT- BTNMT ngày 30/6/2015 về quản lý chất thải nguy hại (CTNH), đồng thời Bộ TN&MT cũng phối hợp với Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 quy định về quản lý chất thải y tế, trong đó quy định cụ thể việc phân loại, thu gom, phương tiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại và các vấn đề pháp lý cho cơ sở y tế thực hiện việc xử lý, tự xử lý chất thải y tế nguy hại, sử dụng chứng từ CTNH (hoặc Sổ giao nhận), quản lý hồ sơ môi trường của cơ sở y tế...[75].

Xử lý chất thải y tế đang trở thành một gánh nặng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc khi mà hầu hết chất thải y tế nguy hại đều chưa được xử lý một cách triệt để. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến năm 2010 thì mới chỉ có 40% bệnh viện có lò đốt hiện đại để xử lý CTYT, 30% bệnh viện sử dụng lò đốt thủ công [76]. Theo thống kê của Cục Quản lý Môi trường Y tế có khoảng 130 lò đốt (2 buồng và 1 buồng) đang được sử dụng tại các bệnh viện để xử lý CTRYT. Tuy nhiên việc sử dụng các lò đốt đang là vấn đề gây ô nhiễm môi trường và trên thực tế xu hướng thế giới đang loại bỏ dần công nghệ đốt vì có thể thải ra những chất khó phân huỷ như: Dioxin, Furan hoặc những chất khó phân huỷ khác và rất khó kiểm soát được những công nghệ đốt này. Bên cạnh đó, thực trạng tại

tuyến y tế cấp tỉnh, phần lớn chất thải y tế được thuê xử lý (rủi ro, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, khó kiểm soát chất lượng); còn đối với tuyến huyện, xã thì chất thải rắn được xử lý hết sức đa dạng, phong phú, với nhiều loại hình khác nhau và rất khó kiểm soát [76].

Tính đến tháng 10/2017, Bộ TN&MT đã cấp Giấy phép xử lý CTNH cho 107 cơ sở, trong đó có 7 cơ sở thực hiện việc xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình tập trung (chỉ xử lý riêng chất thải y tế) tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh, An Giang.

Các cơ sở này đa phần chỉ thu gom, xử lý chất thải y tế phát sinh trong nội bộ tỉnh, thành phố và có công suất xử lý phổ biến ở mức từ 600 - 2.000 tấn/năm.

Ngoài ra, còn có các đơn vị xử lý CTNH cũng thực hiện việc thu gom chất thải y tế phát sinh và xử lý tại lò đốt CTNH đã được cấp phép như tại các tỉnh Hải Dương, Quảng Ngãi, Nam Định… với công suất xử lý của lò đốt từ 100 kg/h đến 2.000 kg/h. Trong năm 2016, các đơn vị đã được Bộ TN&MT cấp phép đã xử lý hơn 11.600 tấn chất thải y tế nguy hại do các bệnh viện, cơ sở y tế chuyển giao. Lượng chất thải y tế nguy hại còn lại được các cơ sở y tế xử lý tại chỗ hoặc xử lý theo mô hình cụm. Hình thức này có ưu điểm là xử lý chất thải y tế nguy hại ngay tại nơi phát sinh, nhưng cũng có nhược điểm là nếu không được quản lý chặt chẽ thì sẽ phát sinh chất thải thứ cấp gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng [75].

Để xử lý chất thải y tế nguy hại, các cơ sở xử lý thường áp dụng công nghệ lò đốt hai cấp (sơ cấp và thứ cấp). Theo đó, chất thải y tế nguy hại được thiêu đốt triệt để ở nhiệt độ cao từ 650oC - 1.050oC, khí thải được giải nhiệt, qua cyclon lắng bụi, và qua tháp hấp thụ để hấp thụ các chất ô nhiễm có trong khí thải. Một số thiết bị có bổ sung tháp hấp phụ bằng than hoạt tính trước khi thải ra môi trường qua ống khói. Các lò đốt này đều phải đáp ứng các quy định tại QCVN 02:2012/BTNMT về lò đốt CTRYT.

Ngoài ra, một số cơ sở y tế hoặc cơ sở xử lý chất thải có sử dụng công nghệ không đốt để xử lý chất thải y tế lây nhiễm như hấp khử khuẩn hoặc công nghệ vi sóng. Đây là công nghệ thân thiện với môi trường đang được khuyến khích áp dụng nhằm làm giảm nguy cơ phát sinh khí thải độc hại không mong muốn trong phương pháp thiêu đốt như dioxin/furan. Hơn nữa, việc áp dụng công nghệ khử khuẩn sẽ làm giảm chi phí đầu tư và vận hành so với phương pháp thiêu đốt, chất thải sau khi khử khuẩn được xử lý như chất thải thông thường. Do các bệnh viện lớn đều có khoa vi sinh nên việc kiểm soát chất lượng khử khuẩn thuận tiện và có tính khả thi cao hơn so với việc kiểm soát khí thải lò đốt CTRYT. Bộ TN&MT cũng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 55:2013/BTNMT về thiết bị hấp chất thải y tế lây nhiễm để kiểm soát về kỹ thuật cũng như chất lượng khử khuẩn đối với phương pháp xử lý này. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là chất thải y tế không được xử lý triệt để, chất thải sắc nhọn không hủy được, chất thải rắn sau khi khử khuẩn vẫn cần tiếp tục được xử lý theo quy định về quản lý chất thải thông thường. Hiện đã có một số cơ sở xử lý chất thải y tế tập trung tại Hà Nội áp dụng công nghệ này và đã được Bộ TN&MT cấp Giấy phép xử lý CTNH.

Hoạt động QTMTBV đã được các bệnh viện quan tâm và triển khai thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ môi trường. Phần lớn, các bệnh viện đã trang bị đầy đủ các loại dụng cụ để thu gom CTYT và tiến hành thu gom các nhóm chất thải (chất thải thông thường, chất thải nguy hại) với tần suất đảm bảo ít nhất 1 lần/ngày theo quy định của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT. Đồng thời, các bệnh viện cũng thực hiện tốt việc vận chuyển chất thải tới nơi lưu trữ, đảm bảo không đi qua các phòng bệnh, khu lưu bệnh nhân, gây ảnh hưởng tới môi trường. Để xử lý chất thải nguy hại, các bệnh viện đều ký hợp đồng với đơn vị có chức năng (được Bộ

Tài nguyên và Môi trường cấp phép) để thực hiện việc vận chuyển và xử lý CTYT nguy hại. Tuy nhiên vẫn còn một số bệnh viện chưa trang bị đầy đủ bao bì, thùng đựng CTYT đúng về màu sắc và thiếu biểu tượng theo quy định, đặc biệt ở nhóm chất thải nguy hại không lây nhiễm và CTYT thông thường phục vụ cho mục đích tái chế; một số bệnh viện chưa có khu lưu trữ chất thải đạt yêu cầu.

Về quan trắc nước thải y tế, hầu hết các bệnh viện đã thực hiện đầy đủ tần suất quan trắc và đạt kết quả quan trắc theo QCVN 28:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế. Theo đó, các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến Tỉnh và tư nhân có kết quả nước thải đầu ra khá tốt, tuy nhiên, một số bệnh viện tuyến huyện có kết quả nước thải đầu ra chưa đáp ứng được yêu cầu của QCVN 28:2010/BTNMT với các thông số không đạt tiêu chuẩn phổ biến là Nitrat, COD, BOD5, Amoni hoặc Coliforms [77].

Đối với việc quan trắc khí thải lò đốt CTRYT, đa phần các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến Tỉnh và tư nhân đều không đầu tư xây dựng hệ thống lò đốt hoặc đã ngưng vận hành lò đốt; tuy nhiên phần lớn các bệnh viện tuyến huyện vẫn vận hành lò đốt để xử lý CTRYT. Hiện các bệnh viện sử dụng lò đốt vẫn thực hiện khá tốt việc quan trắc khí thải lò đốt CTRYT đảm bảo về tần suất được quy định tại Thông tư số 31/2013/TT-BYT[77].

Các bệnh viện tại tất cả các tuyến Trung ương và địa phương đều thực hiện tốt việc QTMT không khí xung quanh bệnh viện, đáp ứng đầy đủ về tần suất và đạt kết quả theo quy định tại QCVN 05:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và QCVN 06:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh. Tuy nhiên vẫn còn một số ít bệnh viện tuyến huyện và tư nhân chưa thực hiện thường xuyên việc QTMT không khí xung quanh [77].

Mặc dù đã đạt được một số kết quả ban đầu đáng khích lệ, tuy nhiên cũng phải nhìn nhận công tác QTMTBV còn một số tồn tại như: các bệnh viện cần bố trí một lượng kinh phí không nhỏ để thuê các đơn vị đủ điều kiện QTMTBV thực hiện định kỳ và đầy đủ các nội dung QTMTBV, do đó, đa số các bệnh viện chỉ thuê các đơn vị thực hiện một số nội dung QTMTBV cần thực hiện và với tần xuất thực hiện hạn chế. Trong khi đó, trên thực tế, hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh hoặc bệnh viện tuyến Trung ương dù không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ QTMT theo quy định tại Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường [78], nhưng về cơ sở hạ tầng và năng lực trang thiết bị, đội ngũ nhân lực thì các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương có thể chủ động triển khai thực hiện được một số nội dung trong quan trắc CTRYT và nước thải y tế. Dù không có giá trị pháp lý nhưng những kết quả của hoạt động này có thể giúp các bệnh viện chủ động cập nhật, so sánh với các số liệu QTMTBV mà đơn vị đủ điều kiện QTMT được thuê thực hiện, từ đó kịp thời phát hiện những chỉ số, số liệu chưa đạt và chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục trong phạm vi năng lực của bệnh viện, góp phần quản lý môi trường y tế, giám sát phát sinh CTYT một cách hiệu quả trong khoảng thời gian giữa 2 lần QTMTBV định kỳ, không phải chờ đến lần QTMTBV tiếp theo mới phát hiện và khắc phục.

Chương 2

Một phần của tài liệu Thực trạng quản lý chất thải y tế tại bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh năm 2015 2016 và hiệu quả giải pháp giám sát chủ động (Trang 41 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(224 trang)
w