CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HỢP ĐỒNG MANG THAI HỘ VÌ MỤC ĐÍCH NHÂN ĐẠO
1.2. Giao kết hợp đồng mang thai hộ
1.2.1. Chủ thể trong giao kết hợp đồng mang thai hộ
Như chúng ta đã biết, tuy là một quan hệ pháp luật đặc biệt nhưng quan hệ
mang thai hộ vẫn là một quan hệ pháp luật dân sự và chủ thể tham gia hợp đồng mang thai hộ là chủ thể tham gia quan hệ dân sự.
Theo định nghĩa trong giáo trình Luật Dân sự Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội thì chủ thể của quan hệ dân sự là những “người” tham gia vào các quan hệ đó. Phạm vi “người” tham gia vào quan hệ pháp luật bao gồm: cá nhân (công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không có quốc tịch), pháp nhân [4, tr64].
Chủ thể tham gia quan hệ mang thai hộ phải đảm bảo có đầy đủ năng lực chủ thể. Năng lực chủ thể ở đây là khả năng có quyền dân sự và khả năng chịu trách nhiệm dân sự. Trong hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, chủ thể của hợp đồng này là người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ. “Người” ở
đây bao gồm vợ, chồng bên mang thai hộ, và vợ, chồng bên nhờ mang thai hộ.
Bởi vì, trong hợp đồng mang thai hộ, yêu cầu phải có sự đồng ý của cả hai bên vợ chồng, hợp đồng mới có hiệu lực. Pháp luật Việt Nam không cho phép phụ nữ chưa có gia đình và chưa mang thai lần nào được phép mang thai hộ, chính vì thế, trong hợp đồng mang thai hộ, tuy nói rằng có 2 bên chủ thể, tuy nhiên có đến bốn người có quyền và nghĩa vụ và thực hiện việc ký tên trong hợp đồng này.
Ngoài việc đáp ứng được những điều kiện về chủ thể như các hợp đồng dân sự khác thì chủ thể của hợp đồng mang thai hộ còn phải đáp ứng được những điều kiện đặc biệt khác như sau:
Điều kiện chủ thể của bên nhờ mang thai hộ
Một là, đang tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp giữa cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ.
Đây là quy định nhằm ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng với nhau cũng như đối với đứa trẻ được sinh ra từ việc mang thai hộ. Quy định này giúp đứa đứa trẻ sinh ra có đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Được hưởng tình yêu thương, sự chăm sóc và bảo vệ từ cả hai người như bất kỳ đứa trẻ nào khác được sinh ra theo tự nhiên.
Cũng từ quy định này, ta có thể ngầm hiểu, đối với những người phụ nữ đang độc thân mà có nguyên nhân vô sinh giống như nguyên nhân vô sinh của người vợ trong cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ thì những người phụ nữ này cũng không thể là chủ thể của một hợp đồng mang thai hộ và không được pháp luật công nhận hợp pháp. Ngoài ra, đối với nhóm đồng tính, song tính, dị tính … muốn sinh con bằng hình thức mang thai hộ thì cũng không được xem là hợp pháp do pháp luật Việt Nam hiện tại cũng chưa công nhận việc kết hôn đồng
giới nên hôn nhân giữa họ cũng không được xem là hôn nhân hợp pháp. Chính vì thế, những đối tượng này không được xem là chủ thể của hợp đồng mang thai hộ. Tuy nhiên, ở mỗi nền kinh tế khác nhau, điều kiện kinh tế, văn hóa, những vấn đề phong tục tập quán, những quan niệm về đạo đức và những giá trị khác nhau thì pháp luật cũng có những cách ghi nhận và điều chỉnh khác nhau, nhưng đích cuối cùng cũng là vì con người, vì quyền cơ bản của con người [16]. Có nhiều ý kiến cho rằng, nên mở rộng đối tượng được phép nhờ mang thai hộ bằng cách bỏ đi điều kiện này. Tuy nhiên, để đảm bảo việc cấm mang thai hộ một cách tràn lan và đảm bảo lợi ích tốt nhất cho đứa trẻ khi sinh ra được có đầy đủ cả bố và mẹ thì đây vẫn còn là một quy định đảm bảo tính nhân đạo của loại hợp đồng đặc biệt này.
Hai là, vợ chồng nhờ mang thai hộ phải đang không có con chung.
Việc quy định này nhằm hạn chế việc mang thai hộ một cách tràn lan, đảm bảo rằng việc mang thai hộ chỉ là phương án cuối cùng dành cho những cặp vô sinh mong muốn có đứa con mang huyết thống của mình. Tuy nhiên, bởi quy định này hiện vẫn chưa được giải thích rõ ràng nên vẫn đang tồn tại những cách hiểu khác nhau như: trường hợp vợ chồng chưa có con chung nhưng bên vợ hoặc chồng đã có con riêng thì vẫn có thể là chủ thể của hợp đồng mang thai hộ.
Bên cạnh đó, việc cặp vợ chồng dù đã có con chung nhưng đứa trẻ mắc những ăn bệnh không thể chữa khỏi như bệnh Down, các chứng bệnh về trí tuệ, các chứng bệnh tâm thần, các chứng bệnh liệt toàn thân… thì họ vẫn không thể là chủ thể trong quan hệ mang thai hộ hợp pháp. Đây cũng chính là một trong những quy định còn nhiều bất cập của điều kiện chủ thể của mang thai hộ. Chính vì thế, đòi hỏi cần có sự điều chỉnh bổ sung về vấn đề này trong chế định mang thai hộ của pháp luật nước ta trong tương lai.
Ba là, phải được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Điều kiện này là rất cần thiết để các cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ hình dung được toàn bộ quá trình mang thai hộ, những vấn đề phát sinh xung quanh việc mang thai hộ, đó có thể là việc thực hiện sẽ mất những chi phí tốn kém, khả
năng thành công chỉ chiếm khoảng 50%, những bất trắc có thể xảy ra trong quá
trình nhờ mang thai hộ. Ngoài ra, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ còn được tư vấn về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc nhờ mang thai hộ. Từ đó, họ quyết định được có nên thực hiện việc nhờ mang thai hộ hay không, điều này cũng là tiền đề để đảm bảo cho việc đứa trẻ ra đời là xuất phát từ mong muốn thật sự của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ.
Bốn là, người vợ không thể mang thai và đẻ con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Theo quy định này, có nghĩa là cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ phải rơi vào tình trạng vô sinh. Vô sinh là tình trạng vợ chồng sau một năm chung sống, có quan hệ tình dục 2 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai mà người vợ vẫn không có thai [2]. Mà nguyên nhân vô sinh có thể do vợ hoặc chồng nhưng người vợ không thể mang thai ngay cả khi có sự can thiệp của các biện pháp hỗ trợ sinh sản song vẫn đảm bảo điều kiện người chồng có tinh trùng, người vợ có
noãn có đủ chất lượng để thụ tinh. Đây chính là điều kiện để đảm bảo việc đứa trẻ sinh ra chính là đứa con cùng huyết thống của cả vợ và chồng, cũng chính là việc nhằm hạn chế tối đa việc từ chối nhận con của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Đây cũng là quy định thu hẹp lại đối tượng có thể nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bởi lẽ, tình trạng vô sinh hiếm muốn hiện nay rất phổ biến, nhưng rất ít các cặp vợ chồng mắc chứng vô sinh mà vẫn đảm bảo được điều kiện chất lượng của trứng và tinh trùng vẫn tốt để thụ thai. Chính vì thế, điều kiện chủ thể của người nhờ mang thai hộ hiện nay vẫn rất khắt khe.
Điều kiện chủ thể của người mang thai hộ
Một là, người mang thai hộ là người thân thích cùng hàng với bên vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ.
Nghị định của chính phủ số 10/2015/NĐ – CP ngày 28/01/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ
vì mục đích nhân đạo quy định “người thân thích cùng hàng vợ chồng mang thai hộ bao gồm anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha,
anh chị em con bác, con cô, con cậu, con dì của họ. Anh rể, em rể, chị dâu của người cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ”
Trong khi đó theo luật HNGĐ thì thuật ngữ người thân thích không bao gồm chị dâu, em dâu… có thể thấy việc giải thích như nghị định có phần rộng hơn và không đồng nhất so với luật HNGĐ. Theo tác giả cần thiết có sự thay đổi kịp thời theo hướng mở rộng đối với những người được phép mang thai hộ. Bởi hiện nay, tỷ lệ dân số trong các gia đình cũng chỉ có từ một đến hai con, bên cạnh đó tỷ lệ nam đang nhiều hơn nữ, việc cho phép chị dâu, em dâu có thể mang thai hộ cho anh chị em trong gia đình là mở rộng cơ hội làm mẹ cho những cặp vợ chồng hiếm muộn mà vẫn đảm bảo tính chất thân thích chứ không phải là người ngoài. Bên cạnh đó, trong quy định này lại tồn tại cả chủ thể là
“anh, anh rể, em rể” mà theo khả năng thiên phú để làm mẹ thì nam giới không thể là người mang thai hộ. Vậy nên, theo ý kiến tác giả, pháp luật cần có những điều chỉnh sao cho phù hợp câu chữ trong điều luật này.
Việc yêu cầu chủ thể mang thai hộ phải là người thân thích nhằm đảm bảo cho việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tránh thương mại hóa việc mang thai hộ, khiến cho những kẻ môi giới có thể biến bất cứ người phụ nữ nào cũng có thể là đối tượng của hoạt động thương mại bất hợp pháp và vô nhân đạo này.
Tuy nhiên, quy định này cũng là một trong những rào cản không nhỏ cho những cặp vợ chồng vô sinh muốn thực hiện mang thai hộ mà không tìm được người mang thai hộ phù hợp theo đúng quy định của pháp luật.
Hai là, chủ thể mang thai hộ phải từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần.
Điều kiện này nhằm đảm bảo sự trải nghiệm của người mẹ mang thai hộ, đảm bảo sự ổn định về tâm lý ổn định cho cả hai bên khi đón chờ đứa trẻ ra đời.
Ngoài ra, việc pháp luật chỉ đồng ý cho người mang thai hộ được mang thai một lần nhằm đảm bảo sức khỏe sinh sản cho cả bà mẹ và trẻ em.
Ba là, chủ thể mang thai hộ phải đạt độ tuổi phù hợp và có các nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc có khả năng mang thai hộ.
Hiện cũng vẫn chưa có văn bản nào quy định rõ về độ tuổi mang thai hộ
nhưng chắc chắn rằng người mang thai hộ phải đảm bảo đạt yêu cầu nằm trong độ tuổi sinh sản nói chung nhằm đảm bảo sự an toàn cho người mang thai hộ, thai nhi, và đứa trẻ sinh ra từ việc mang thai hộ ở Việt Nam hiện nay.
Bốn là, được tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý.
Giống như bên nhờ mang thai hộ, việc được tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý
giúp cho người mang thai hộ cân nhắc có nên mang thai hộ cho người khác hay không.
Năm là, người phụ nữ mang thai hộ thì phải có sự đồng ý của người chồng bằng văn bản.
Đây là điều kiện về ý chí của các bên trong việc mang thai hộ, bởi lẽ việc mang thai hộ lúc này không phải là việc riêng của người vợ hoặc chồng mà nó
liên quan đến lợi ích của cả hai vợ chồng và cả gia đình họ. Lúc người vợ mang thai hộ, cũng như những người phụ nữ khác, rất cần có sự quan tâm, chăm sóc từ
người chồng. Thêm nữa, điều kiện này cũng nhằm tránh những bất đồng quan điểm về mang thai hộ làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình người mang thai hộ.
Có thể nói, điều kiện chủ thể trong quan hệ mang thai hộ chính là điều kiện khắt khe nhất mà các nhà làm luật đặt ra nhằm hạn chế việc mang thai hộ
tràn lan và không theo nguyên tắc nhân đạo. Ngoài việc đáp ứng được các điều kiện chủ thể chủ quan về tình hình sức khỏe, về tình trạng hôn nhân, chủ thể còn phải đáp ứng được các điều kiện khách quan về mối quan hệ gia đình của các bên và đảm bảo về việc tư vấn tâm lý kỹ càng chi cả hai bên. Sở dĩ, pháp luật quy định cụ thể những điều kiện về chủ thể này nhằm đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi trong thời kỳ mang thai hộ, cũng như việc đảm bảo cho đứa bé ra đời bằng mang thai hộ phải được hưởng trọn tình yêu thương, sự quan tâm từ
cha mẹ cả hai bên như những đứa trẻ bình thường khác. Ngoài ra, các điều kiện này còn nhằm giúp hạn chế việc thương mại hóa mang thai hộ trong thực tế cuộc sống, rời xa mục đích căn bản của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.