CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HỢP ĐỒNG MANG THAI HỘ VÌ MỤC ĐÍCH NHÂN ĐẠO
1.6. Tranh chấp và giải quyết tranh chấp hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
1.6.2. Giải quyết tranh chấp hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Tranh chấp hợp đồng mang thai hộ có thể được giải quyết bằng các phương thức sau:
Thương lượng là quá trình hai bên chủ thể trong quan hệ mang thai hộ tự tiến hành trao đổi, thỏa thuận về các mối quan tâm chung và những đặc điểm bất đồng và đi đến một thỏa thuận thống nhất. Thương lượng không có sự xuất hiện của bên thứ ba, mà do hai bên tự bàn bạc thỏa thuận.
Hòa giải cũng là một quá trình các bên chấm dứt xung đột. Hòa giải khác với thương lượng là có sự can thiệp của bên thứ ba. Người trung gian là người đứng ra giàn xếp xung đột giữa các bên. Thông thường, các bên chủ thể trong quan hệ mang thai hộ là những người thân thích đã quen biết lẫn nhau, vậy nên trường hợp này có thể nhờ người nhà trong gia đình, dòng họ đứng ra giàn xếp, giải quyết tranh chấp trong trường hợp này.
Tổ chức tài phán: Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ. Đây là điều đã được luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định tại Điều 99 Luật này.
Có thể nói rằng, quan hệ pháp luật về mang thai hộ là một quan hệ đặc biệt bởi đặc tính nhân văn sâu sắc của nó. Ngay từ lúc xác lập quan hệ mang thai hộ cho đến khi chấm dứt quan hệ này thì yếu tố tình cảm luôn là yếu tố tồn tại xuyên suốt cả quá trình thực hiện hợp đồng. Đó là tình cảm của những người trong quan hệ mang thai hộ với nhau, cũng như tình cảm của các bên dành cho đứa trẻ. Chính vì thế ngoài yếu tố “lý” thì “tình” cũng là khía cạnh quan trọng ảnh hưởng đến việc giải quyết tranh chấp giữa các bên. Chính vì vậy, nếu ngay từ ban đầu các bên có sự thỏa thuận cụ thể về các quyền và nghĩa vụ, về các trách nhiệm dân sự trong trường hợp một hoặc cả hai bên vi phạm cam kết, về cách thức giải quyết các tranh chấp, về vấn đề bồi thường... thì sẽ tạo điều kiện rất tốt cho quá trình giải quyết tranh chấp của tòa án, là căn cứ để tòa án đưa ra phán quyết hợp tình hợp lý và đúng pháp luật. Mặt khác, xét về hợp đồng mang
thai hộ vì mục đích nhân đạo như chúng ta đã thấy, về bản chất hợp đồng mang thai hộ cũng như hầu hết các hợp đồng dân sự khác đều xuất phát từ ý chí tự thỏa thuận của các bên khi tham gia vào quan hệ pháp luật này, về cách thức giao kết, hay phương hướng giải quyết tranh chấp khi có các vấn đề phát sinh cũng không có gì khác biệt. Tuy nhiên, khi đi sâu vào phân tích những yếu tố liên quan đến con người, những yếu tố về quan hệ nhân thân của những người tham gia vào quan hệ pháp luật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo mới thấy đây là một quan hệ cần thiết phải có sự điều chỉnh chặt chẽ từ pháp luật. Để quyền lợi của bà mẹ, trẻ em và những người tham gia vào quan hệ pháp luật này được bảo vệ tốt nhất. Do mới ra đời, và cũng không phải là quan hệ pháp luật phổ biến ngoài đời sống xã hội nên quan hệ pháp luật về mang thai hộ và hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế, và cũng càng không thể phủ nhận tầm quan trọng của hợp đồng mang thai hộ trong thực tế đời sống. Tại chương II của luận văn, tác giả sẽ đi sâu phân tí ch về thực trạng pháp luật Việt Nam về hợp đồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hiện nay.